Công văn hướng dẫn thu nộp lệ phí hải quan

Số hiệu 98-TCHQ/TC
Ngày ban hành 19/02/1992
Ngày có hiệu lực 19/02/1992
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Nguyễn Thanh
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 98-TCHQ/TC

Hà Nội, ngày 19 tháng 2 năm 1992

 

CÔNG VĂN

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 98-TCHQ/TC NGÀY 19 THÁNG 2 NĂM 1992 HƯỚNG DẪN THU NỘP LỆ PHÍ HẢI QUAN

Kính gửi:  Các đơn vị Hải quan thành phố, tỉnh, các Vụ, Cục trực thuộc Tổng cục Hải quan

 

Căn cứ Thông tư liên Bộ số 1010-BTC-TCHQ ngày 31 tháng 12 năm 1991 của Bộ Tài chính - Tổng cục Hải quan quy định mức thu và việc sử dụng các loại lệ phí hải quan.

Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện cụ thể như sau:

I - CÁCH TÍNH CÁC LOẠI LỆ PHÍ:

1. Lệ phí lưu kho hải quan:

a. Thời gian tính lưu kho: Từ ngày nhập kho các loại hàng hoá, hành lý, kim khí, đá quý, ngoại tệ và vật phẩm khác v.v... tạm gửi vào kho hải quan cho đến lúc xuất kho để làm thủ tục hải quan hoặc thực hiện theo quyết định xử lý. Đối với các vụ phạm pháp hải quan phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ, tang vật phạm pháp phải thanh toán tiền lưu kho hải quan. Nếu hàng hoá, tang vật phải di lý thì đơn vị nhận hàng di lý phải nộp khoản tiền lưu kho hải quan.

b. Những loại hàng lưu kho hải quan chưa có quy định trong thông tư thì căn cứ vào các loại hàng tương ứng vận dụng mức thu cho phù hợp, nếu hàng đơn chiếc, rời trị giá dưới 100.000đ/chiếc tính lưu kho mỗi ngày 1000đ/chiếc. Nếu trị giá từ 100.000đ,000 trở lên thu lệ phí 2.000đ/1 chiếc.

Trường hợp lưu kho từ ba tháng trở lên, số tiền lưu kho tương đương với giá trị hàng hoá đó, nếu chủ hàng làm đơn đề nghị giảm lệ phí lưu kho thì giám đốc Hải quan tỉnh, thành phố, Vụ, Cục xem xét cụ thể, có thể giảm một phần, nhưng mức tối đa giảm không quá 50% số lệ phí lưu kho phải nộp.

Trường hợp lưu kho 6 tháng trở lên, hải quan đã thông báo 3 lần mà chủ hàng không đến làm thủ tục thì được thanh lý theo Pháp lệnh Hải quan.

c. Những hàng hoá, hành lý lưu kho nhưng lỗi thuộc về hải quan thì không thu lệ phí lưu kho.

2. Lệ phí làm thủ tục hải quan tại các địa điểm ở nội địa, ngoài khu vực cửa khẩu: Theo yêu cầu của chủ hàng được hải quan tỉnh, thành phố cho phép.

a. Những hàng hoá, chủ hàng thấy việc làm thủ tục kiểm hoá tại cửa khẩu không thuận tiện, thì chủ hàng làm đơn đề nghị đưa về kho riêng hoặc một địa điểm khác ngoài khu vực cửa khẩu, khi được hải quan tỉnh, thành phố đồng ý thì đơn vị nào làm thủ tục kiểm hoá sẽ thu khoản lệ phí làm thủ tục hải quan.

b. Mức thu đã quy định tại điểm b.1 (mục 2) Thông tư liên Bộ.

Cách tính: Ví dụ chủ hàng có 100 kiện hàng quần áo mỗi kiện dưới 1m3, hải quan tỉnh đồng ý cho đưa về kho riêng kiểm hoá, như vậy số tiền lệ phí làm thủ tục phải thu: 100 kiện x 2.500đ,00 = 250.000đ,00.

Việc kiểm đại diện hoặc kiểm hoá toàn bộ do nghiệp vụ kiểm hoá quyết định. Lệ phí làm thủ tục vẫn căn cứ vào số lượng, khối lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu...

c. Hàng hoá làm thủ tục tại cửa khẩu không thu lệ phí.

2B. Lệ phí giám sát hàng hoá.

a. Đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để trong kho cảng, sân bay, đường sắt, bưu điện hoặc nhận trực tiếp từ tàu, chủ hàng phải nộp cho Hải quan, tiền lệ phí giám sát.

b. Mức thu lệ phí giám sát hàng hoá tính theo trọng lượng hàng hoá (không tính theo thời gian) mỗi tấn hàng, thu lệ phí 10.000đ,000. Khoản tiền lệ phí giám sát hàng hoá chỉ thu một lần khi chủ hàng làm thủ tục hải quan.

3. Lệ phí áp tải, niêm phong, cặp chì:

A. Lệ phí áp tải:

a. Hàng hoá, hành lý, phương tiện vận tải thực hiện chế độ áp tải đều phải nộp lệ phí áp tải.

b. Căn cứ vào phương tiện vận chuyển và quãng đường để tính lệ phí áp tải theo mức đã quy định tại điểm b, mục 3 Thông tư Liên Bộ.

Thí dụ: Hải quan Hải Phòng cử một số cán bộ áp tải 10 ôtô hàng nhập khẩu về Hà Nội với quãng đường 105km. Như vậy lệ phí áp tải Hải quan Hải Phòng thu 100.000đ/ôtô x 10 ôtô = 1.000.000đ,00.

B. Lệ phí niêm phong, cặp chì

[...]