Công văn hướng dẫn một số việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo

Số hiệu 968/TTNN
Ngày ban hành 26/06/1996
Ngày có hiệu lực 26/06/1996
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thanh tra Nhà nước
Người ký Tạ Hữu Thanh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THANH TRA NHÀ NƯỚC

********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 968/TTNN

Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 1996

 

CÔNG VĂN

CỦA THANH TRA NHÀ NƯỚC SỐ 968/TTNN NGÀY 26 THÁNG 6 NĂM 1996 V/V HƯỚNG DẪN MỘT SỐ VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Kính gửi
Đồng kính gửi

- Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộcơ quan thuộc Chính phủ
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương
 - Chánh thanh tra các tỉnh, thành phố Bộ ngành Trung ương
 

Thời gian qua các cấp các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện Pháp lệnh khiếu nại tố cáo của công dân năm 1991, Nghị định 38/HĐBT ngày 28/1/1992, Chỉ thị 18/TTg ngày 15/1/1993, Chỉ thị 64/TTg ngày 25/1/1995 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều tỉnh, thành phố, Bộ ngành đã có những biện pháp tích cực chỉ đạo giải quyết có hiệu quả những khiếu nại, tố cáo phát sinh trong ngành, địa phương mình; nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm bảo đảm đúng chính sách, pháp luật.

Tuy nhiên, tình trạng đơn thư của công dân gửi đến các cơ quan Nhà nước ngày càng nhiều, số lượng đơn vượt cấp ngày càng tăng, vụ việc tồn đọng còn khá lớn, đáng quan tâm nhất là những vụ việc tồn đọng do lịch sử để lại hoặc do vướng mắc về chính sách pháp luật, làm cho việc giải quyết những khiếu nại, tố cáo của công dân còn nhiều khó khăn.

Ngày 9/5/1996 Thủ tướng Chính phủ đã nghe Tổng thanh tra Nhà nước báo cáo về Đề án công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể tại Thông báo số 48/TB ngày 28/5/1996 của Văn phòng Chính phủ, trong đó nhấn mạnh : tình hình tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng và đơn vượt cấp đang là vấn đề rất nóng bỏng và phức tạp. Trong khi đó hiệu quả giải quyết chưa cao, chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết tốt những khiếu nại, tố cáo tồn đọng và vượt cấp. Phải làm rõ hơn nguyên nhân của tình hình trên và đề ra được những giải pháp khả thi nhằm đưa công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân có chuyển biến thực sự.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thủ trưởng các bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải quán triệt sâu sắc tinh thần là một cấp thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp dân, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân, đồng thời phải kiểm tra cấp dưới tập trung giải quyết ngay từ cơ sở theo đúng tinh thần của Pháp lệnh khiếu nại tố cáo của công dân và những văn bản pháp qui về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân.

Trong phạm vi thẩm quyền của mình phải xem xét công minh, kết luận rõ đúng sai, làm rõ những điều oan ức của dân, giải quyết dứt điểm những vụ việc dân khiếu nại, tố cáo. Những khiếu nại, tố cáo của dân không thuộc thẩm quyền của cấp mình giải quyết thì phải hướng dẫn cho dân đến đúng địa chỉ nơi có thẩm quyền giải quyết.

Những đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến đúng cấp, ngành có thẩm quyền giải quyết, thì thủ trưởng các cấp, các ngành phải giải quyết nhanh gọn đúng chính sách pháp luật theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 64/TTg ngày 25/1/1995 về tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Thông báo số 48/TB cũng nêu rõ : giao Tổng Thanh tra Nhà nước chủ trì phối hợp cùng Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan ở Trung ương, triển khai thực hiện một số việc cụ thể : khẩn trương lập tổ công tác để phân loại, đề xuất hướng giải quyết các đơn thư tồn đọng, gửi vượt cấp; hướng dẫn, đôn đóc các bộ, ngành, địa phương giải quyết ngay những vụ việc thuộc thẩm quyền mình; hoàn chỉnh đề án xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân đang tồn đọng trong các thời kỳ lịch sử đề trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến; rà soát các văn bản pháp luật, kiến nghị biện pháp nhằm bảo đảm cho công tác tiếp dân, giải quyết, tố cáo của công dân có hiệu lực, hiệu quả...

Để thực hiện nghiêm chỉnh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Nhà nước yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung sau :

1. Tổ chức kiểm tra, rà soát để nắm lại toàn số đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng. Vụ việc nào thuộc thẩm quyền chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Thủ trưởng Bộ, ngành thì tập trung giải quyết dứt điểm.

- Vụ việc nào thuộc thẩm quyền của các ngành, các cấp, các cơ quan đơn vị thuộc quyền thì Thủ trưởng Bộ ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phải có kế hoạch hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc để giải quyết dứt điểm không để việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài gây phiền hà cho dân. Những trường hợp cơ quan, đơn vị thuộc quyền thiếu trách nhiệm, cố tình không chịu giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân thì phải kiểm điểm xử lý nghiêm túc.

Riêng đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, nhưng có liên quan đến lịch sử trước đây hoặc có vướng mắc về chính sách, pháp luật chưa giải quyết được, nhất là những vụ việc tồn đọng về nhà đất, vay mượn, chính sách xã hội v.v... Đề nghị đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo tổng hợp có báo cáo cụ thể từng trường hợp theo mẫu đính kèm công văn này, gửi về Thanh tra Nhà nước trước ngày 30/7/1996 để tổng hợp báo cáo Chính phủ và trình Bộ Chính trị cho ý kiến giải quyết.

Tổng Thanh tra Nhà nước sẽ chủ trì lập tổ công tác gồm một số cán bộ có năng lực nghiệp vụ của các ngành có liên quan ở trung ương để hướng dẫn, đôn đốc việc xử lý các đơn thư tồn đọng ở một số địa phương, riêng thành phố Hà Nội sẽ xem xét đề xuất hướng giải quyết khiếu nại về nhà đất, tài sản liên quan đến chính sách trước đây hiện dân đang khiếu nại để rút kinh nghiệm mở rộng việc giải quyết ở các địa phương.

2. Từ ngày 1/7/1996 Toà án nhân dân sẽ bắt đầu xét xử các vụ kiện hành chính, vì vậy các vụ việc khiếu nại phát sinh sau ngày 1/7/1996 có liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm của Toà án hoặc cơ quan Nhà nước theo qui định tại điều 2 chương I và điều 11 chương II Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì Thủ trưởng các ngành, các cấp, Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu kiện đúng, tránh sự chồng chéo, hạn chế các thủ tục phiền hà đối với người khiếu kiện.

3. Tăng cường việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ và nhân dân các qui định về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân khi Toà án nhân dân đi vào xét xử các vụ kiện hành chính, để mọi người hiểu và thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình.

Các đồng chí Chánh thanh tra các tỉnh, thành phố, Bộ ngành Trung ương có trách nhiệm chủ động tham mưu giúp các đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thủ trưởng Bộ, ngành thực hiện đúng các nội dung trong công văn này và đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các Bộ, ngành Trung ương bố trí thêm biên chế, kinh phí, phương tiện công tác cho thanh tra các cấp, các ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc phản ảnh kịp thời về Thanh tra Nhà nước.

 

Tạ Hữu Thanh

(Đã ký)