Công văn 9574/NHNN-KTTC về chế độ Báo cáo tài chính đối với Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 9574/NHNN-KTTC
Ngày ban hành 31/08/2007
Ngày có hiệu lực 01/10/2007
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Nguyễn Thị Thanh Hương
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do- Hạnh phúc
---------

Số: 9574/NHNN-KTTC
V/v Chế độ Báo cáo tài chính đối với Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở

Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2007

 

Kính gửi:

- Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố
- Các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở

 

Căn cứ Thông tư số 62/2006/TT-BTC ngày 29/6/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Chế độ tài chính đối với Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở;
Căn cứ Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN ngày 18/4/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Chế độ Báo cáo tài chính đối với các Tổ chức tín dụng;
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở (QTDCS) lập, trình bày và nộp Báo cáo tài chính và Bảng cân đối tài khoản kế toán của đơn vị mình theo các quy định như sau:

I- QUY ĐỊNH VỀ LẬP, TRÌNH BÀY VÀ NỘP BÁO CÁO:

1. Mục đích của Báo cáo tài chính:

Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh của một QTDCS, đáp ứng yêu cầu quản lý của lãnh đạo QTDCS, cơ quan quản lý nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin của một QTDCS về:

a/ Tài sản;

b/ Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu;

c/ Doanh thu, thu nhập khác, chi phí kinh doanh và chi phí khác;

d/ Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh;

đ/ Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước;

e/ Tài sản khác có liên quan đến đơn vị kế toán.

2. Nguyên tắc lập Báo cáo tài chính:

Việc lập và trình bày Báo cáo tài chính phải tuân thủ sáu (06) nguyên tắc quy định tại Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 21- Trình bày báo cáo tài chính: (i) hoạt động liên tục, (ii) cơ sở dồn tích, (iii) nhất quán, (iv) trọng yếu và tập hợp, (v) bù trừ, (vi) có thể so sánh và các yêu cầu quy định bổ sung tại Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 22- Trình bày bổ sung báo cáo tài chính của các ngân hàng và tổ chức tài chính tương tự. QTDCS cũng phải thực hiện các nội dung quy định cụ thể tại các Chuẩn mực kế toán Việt Nam khác có liên quan.

3. Hệ thống Báo cáo đối với QTDCS:

Hệ thống Báo cáo đối với các QTDCS gồm Báo cáo tài chính và Bảng cân đối tài khoản kế toán.

3.1. Báo cáo tài chính:

a) Báo cáo tài chính năm, gồm:

- Bảng cân đối kế toán:

 

Mẫu số B02/QTDCS

- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, tình hình thực hiện thu nộp Ngân sách nhà nước:

Mẫu số B03/QTDCS

b) Báo cáo tài chính giữa niên độ, gồm:

- Bảng cân đối kế toán giữa niên độ:

 

Mẫu số B02a/QTDCS

- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, tình hình thực hiện thu nộp Ngân sách nhà nước giữa niên độ:

Mẫu số B03a/QTDCS

3.2. Bảng cân đối tài khoản kế toán:

Mẫu số A01/QTDCS

4. Kỳ lập Báo cáo tài chính:

4.1. Kỳ lập Báo cáo tài chính năm:

QTDCS phải lập Báo cáo tài chính theo kỳ kế toán năm là năm dương lịch (bắt đầu từ ngày 01/01 và kết thúc vào ngày 31/12). Trường hợp đặc biệt, QTDCS được phép thay đổi ngày kết thúc kỳ kế toán năm dẫn đến việc lập báo cáo tài chính cho kỳ kế toán năm đầu tiên hay kỳ kế toán năm cuối cùng có thể dài hoặc ngắn hơn 12 tháng nhưng không được vượt quá 15 tháng; đồng thời QTDCS phải nêu rõ lý do thay đổi ngày kết thúc kỳ kế toán năm.

4.2. Kỳ lập Báo cáo tài chính giữa niên độ:

Kỳ lập Báo cáo tài chính giữa niên độ là mỗi quý của năm tài chính (không bao gồm Quý IV).

4.3. Kỳ lập Báo cáo tài chính khác:

a) Các QTDCS có thể lập Báo cáo tài chính theo kỳ kế toán khác theo yêu cầu của pháp luật.

b) Các QTDCS bị chia tách, hợp nhất, sáp nhập, mua lại, giải thể phải lập

Báo cáo tài chính tại thời điểm chia tách, hợp nhất, sáp nhập, mua lại, giải thể.

5. Thời hạn nộp Báo cáo tài chính:

[...]