Kính gửi: Ủy
ban Dân tộc
Ngày 09/10/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được
văn bản số 1811/UBDT-CTMTQG ngày 06/10/2023 của Quý Ủy ban về việc cung cấp hồ
sơ thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư (ĐXĐCCTĐT) Chương
trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn 2021-2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình).
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản
số 7656/VPCP-QHĐP ngày 04/10/2023 của Văn phòng Chính phủ, Quyết định số
1202/QĐ-TTg ngày 15/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng
thẩm định nhà nước (Hội đồng) thẩm định Báo cáo ĐXĐCCTĐT Chương trình, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư (Cơ quan thường trực của Hội đồng) đã có văn bản số 8387/BKHĐT-GSTĐĐT
ngày 09/10/2023 gửi hồ sơ Chương trình xin ý kiến thẩm định của các cơ quan có
liên quan, văn bản số 8746/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 23/10/2023 xin ý kiến về Kế hoạch
thẩm định của Hội đồng và văn bản số 9401/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 08/11/2023 đề nghị
các cơ quan/thành viên Hội đồng khẩn trương có ý kiến về các vấn đề nêu trên.
Trên cơ sở Tờ trình số 1770/TTr-UBDT ngày 03/10/2023
của Quý Ủy ban và hồ sơ Báo cáo ĐXĐCCTĐT Chương trình do Quý Ủy ban cung cấp,
các ý kiến đã nhận được của các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước, cơ quan
liên quan và quy định của pháp luật có liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ
quan thường trực của Hội đồng) đề nghị Quý Ủy ban giải trình, làm rõ và bổ
sung, hoàn thiện các nội dung sau:
1. Về cơ sở pháp lý, sự cần thiết
điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình
Làm rõ và giải trình cụ thể hơn cơ sở pháp lý và sự
cần thiết đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình (dự thảo Báo cáo
ĐXĐCCTĐT đã dẫn chiếu nội dung quy định tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày
24/6/2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV1 và nêu một số vấn đề phát sinh trong quá trình triển
khai thực hiện Chương trình; tuy nhiên, giải trình về cơ sở pháp lý và sự cần
thiết phải điều chỉnh CTĐT Chương trình chưa thuyết phục).
Đến nay, Chương trình thực hiện được 02 năm (năm
2022, năm 2023); trong quá trình thực hiện phát sinh những khó khăn, vướng mắc,
ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn. Đề nghị Ủy ban Dân tộc rà
soát tổng thể toàn bộ Chương trình, đánh giá những nhiệm vụ, khó khăn, vướng mắc
ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện; nêu rõ những nhiệm vụ khả thi, tổ chức triển
khai thực hiện được trong giai đoạn 2021-2025; những nhiệm vụ chưa thực hiện được,
phải chuyển sang giai đoạn 2026-2030. Trên cơ sở đó, nghiên cứu kỹ lưỡng, giải
trình cụ thể về sự cần thiết, hiệu quả của những nội dung đề xuất điều chỉnh chủ
trương đầu tư, bổ sung đánh giá tính khả thi trong tổ chức, triển khai thực hiện
(việc điều chỉnh CTĐT, điều chỉnh BCNCKT Chương trình và điều chỉnh các văn bản
hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện sẽ mất thời gian nhất định, trong khi hiện
nay đã là cuối năm 2023, ảnh hưởng đến tổ chức triển khai Chương trình, nhất là
vấn đề giải ngân vốn thực hiện).
2. Về các nội dung đề xuất điều
chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình
a) Về nguyên tắc chung
Nội dung Tờ trình số 1770/TTr-UBDT ngày 03/10/2023 của
Ủy ban Dân tộc bao gồm các nội dung đề xuất điều chỉnh so với các Nghị quyết của
Quốc hội (số 88/2019/QH14 ngày 18/11/20192 và số
120/2020/QH14 ngày 19/6/20203) và các nội dung dự
kiến điều chỉnh so với Quyết định phê duyệt Chương trình số 1719/QĐ-TTg ngày
14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang thực hiện báo cáo đề
xuất điều chỉnh CTĐT để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt; do đó, đề nghị Ủy
ban Dân tộc rà soát, đánh giá tổng thể quá trình thực hiện theo chủ trương đầu
tư, quyết định đầu tư Chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tách bạch
rõ các nội dung điều chỉnh so với các Nghị quyết của Quốc hội (số 88/2019/QH và
số 120/2020/QH14) và các nội dung điều chỉnh so với Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ để xác định nội dung phù hợp với từng cấp có thẩm quyền xem xét, quyết
định. Các nội dung đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình cần được
nghiên cứu kỹ lưỡng, rà soát tổng thể, bảo đảm giải quyết được toàn diện các
khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình; đánh giá cụ thể về
tác động của các nội dung đề xuất điều chỉnh đối với hiệu quả thực hiện Chương
trình, các đối tượng có liên quan; tính khả thi trong tổ chức thực hiện;...
b) Về các nội dung đề xuất điều chỉnh
b1) Về điều chỉnh phạm vi, đối tượng thực hiện
Chương trình
Nội dung điều chỉnh phạm vi4,
đối tượng5 thực hiện Chương trình như đề xuất của
Ủy ban Dân tộc tại Tờ trình số 1770/TTr-UBDT ngày 03/10/2023 và dự thảo Báo cáo
ĐXĐCCTĐT Chương trình có thể dẫn tới việc mở rộng phạm vi, đối tượng, quy mô
toàn bộ Chương trình. Trong khi đó, theo giải trình của Ủy ban Dân tộc, việc điều
chỉnh phạm vi thực hiện Chương trình nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong
thực hiện một số dự án, tiểu dự án thành phần, bao gồm: tiểu dự án 2 - Dự án 4,
tiểu dự án 1 - Dự án 5 và Dự án 6; việc điều chỉnh đối tượng Chương trình do hiện
tại còn thiếu nhóm đối tượng là các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc
lĩnh vực dân tộc, các hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội tham gia thực hiện
nội dung, nhiệm vụ của Chương trình tại các dự án, tiểu dự án cụ thể của Chương
trình. Đề nghị Ủy ban Dân tộc:
(1) Phân tích, giải trình cụ thể hơn cơ sở, căn cứ
pháp lý để cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận điều chỉnh phạm vi, đối tượng
thực hiện Chương trình như đề xuất;
(2) Nghiên cứu thêm các phương án khả thi để giải
quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các dự án, tiểu dự án nêu
trên;
(3) Đánh giá kỹ tác động của các nội dung đề xuất
điều chỉnh đến hiệu quả thực hiện Chương trình; quy mô, nguồn lực thực hiện
Chương trình; các nội dung Chương trình đã thực hiện; kế hoạch đầu tư công
trung hạn; các chính sách thực hiện Chương trình;... (theo hồ sơ, Ủy ban Dân tộc
nhận định các nội dung đề xuất điều chỉnh không làm thay đổi mục tiêu, chỉ tiêu
và quy mô nguồn vốn chung của cả Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025 đã được
Quốc hội phê duyệt; tuy nhiên, chưa có giải trình về cơ sở để đưa ra nhận định
nêu trên).
(4) Bổ sung phân tích, đánh giá phạm vi, đối tượng
đề xuất điều chỉnh của Chương trình với phạm vi, đối tượng của Chương trình
MTQG Xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn
2021-2025, tránh trùng lắp hoặc bỏ sót đối tượng.
(5) Rà soát, bảo đảm thống nhất giữa Tờ trình và
Báo cáo ĐXĐCCTĐT Chương trình đối với nội dung đề xuất điều chỉnh đối tượng thực
hiện Chương trình (tại Tờ trình số 1770/TTr-UBDT, nội dung đề xuất điều chỉnh
là bổ sung nhóm đối tượng “doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, HTX, các
tổ chức KTXH tham gia thực hiện nội dung, nhiệm vụ của Chương trình”; tại dự
thảo Báo cáo ĐXĐCCTĐT còn bổ sung thêm “nhóm hộ và cộng đồng trên địa bàn
vùng đồng bào DTTS&MN tham gia thực hiện nội dung, nhiệm vụ của Chương
trình” và ghi chi tiết: Thôn, bản, làng, phum, sóc, xóm, ấp, khu dân cư,
tổ dân phố và tương đương (gọi chung là thôn); xã, phường, thị trấn (gọi chung
là xã)).
b2) Điều chỉnh nội dung về kinh phí thực hiện
Chương trình
Đề nghị Ủy ban Dân tộc bổ sung đánh giá tổng thể về
các nội dung liên quan đến kinh phí thực hiện Chương trình, tổng mức vốn bố trí
theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền với thực tế triển khai, khả
năng thực hiện trong các năm còn lại của giai đoạn 2021- 2025; những khó khăn,
vướng mắc (nếu có) và giải pháp cần thực hiện; từ đó nghiên cứu các nội dung đề
xuất điều chỉnh một cách toàn diện (trường hợp cần thiết) bảo đảm tính khả thi,
khả năng giải ngân và hiệu quả thực hiện Chương trình.
b3) Điều chỉnh đối tượng, phạm vi, nội dung, chỉ
tiêu cụ thể của các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình
Các nội dung báo cáo còn sơ sài và mới chỉ là dự
kiến. Đề nghị Ủy ban Dân tộc rà soát toàn bộ việc thực hiện các dự án, tiểu
dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình; nghiên cứu tiếp thu, giải trình
các ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan (trong
quá trình thực hiện Chương trình và các ý kiến tham gia được gửi kèm theo văn bản
này) xác định rõ những mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung cần thiết phải điều chỉnh
và cấp có thẩm quyền điều chỉnh để có đề xuất phù hợp, bảo đảm hiệu quả, khả
thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh lãng phí, tiêu cực theo đúng chỉ
đạo tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội.
3. Về các giải pháp thực hiện
Chương trình, đánh giá hiệu quả Chương trình sau điều chỉnh
- Các giải pháp thực hiện Chương trình sau điều chỉnh
tại Tờ trình số 1770/TTr-UBDT ngày 03/10/2023 và dự thảo Báo cáo ĐXĐCCTĐT
Chương trình còn sơ sài, chủ yếu nêu về nguyên tắc. Đề nghị Ủy ban Dân tộc
nghiên cứu, bổ sung những giải pháp cụ thể hơn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả
trên cơ sở tổng kết những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện vừa
qua. Đồng thời, nghiên cứu, xác định rõ trách nhiệm các cấp chính quyền để đảm
bảo triển khai có hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương.
- Việc đánh giá hiệu quả thực hiện Chương trình sau
điều chỉnh cần làm nổi bật tính hiệu quả của đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu
tư Chương trình so với việc giữ nguyên chủ trương đầu tư ban đầu. Đề nghị Ủy
ban Dân tộc phân tích rõ nội dung này.
4. Một số nội dung khác
Đề nghị Ủy ban Dân tộc:
- Rà soát, chuẩn xác các nội dung báo cáo về quá
trình, tiến độ dự thảo Báo cáo (theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại
văn bản số 8124/NHNN-TD ngày 19/10/2023).
- Về Tổ chức thực hiện: Để bảo đảm phù hợp với quy
định về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như trách nhiệm của Chủ
Chương trình tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ
quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia,
Tại Tờ trình và dự thảo Báo cáo ĐXĐCCTĐT Chương trình, đề nghị Ủy ban Dân tộc
nghiên cứu: (i) bỏ nhiệm vụ “Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan
và các địa phương tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương
trình” trong phần trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nội dung này do Ủy
ban Dân tộc chủ trì thực hiện (với vai trò là cơ quan Chủ Chương trình) theo
quy định tại khoản 18 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP (Bộ
Kế hoạch và Đầu tư “trình ban hành các quy định chung về quản lý các chương
trình mục tiêu quốc gia và hướng dẫn tổ chức thực hiện theo thẩm quyền”
theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP)
và (ii) bỏ nội dung Bộ Kế hoạch và Đầu tư “thực hiện chức năng cơ quan tổng
hợp Chương trình” do nội dung này không được quy định tại khoản
16 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu
tư.
- Nghiên cứu, tiếp thu giải trình đầy đủ các ý kiến
thẩm định/góp ý cụ thể của thành viên Hội đồng và các cơ quan liên quan; có bản
tổng hợp ý kiến và tiếp thu, giải trình đối với từng nội dung.
Đề nghị Ủy ban Dân tộc khẩn trương giải trình, làm
rõ và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo ĐXĐCCTĐT Chương trình đầy đủ theo các nội
dung, phân tích nêu trên; gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15/11/2023
để tổng hợp, báo cáo Hội đồng thẩm định nhà nước xem xét, quyết định.
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Ủy ban./.
Nơi nhận:
- Như trên (kèm tài liệu theo Danh mục);
- VPCP (để b/c);
- Các Bộ: TC, CT, XD, TNMT, NV, NNPTNT, LĐTB&XH, QP, CA, GTVT, GDĐT,
VHTTDL, YT, TP, TTTT, KHCN, NG;
- NHNNVN;
- Bộ KHĐT: Bộ trưởng (để b/c);
các Vụ: THKTQD, KTNN, TCTT, KHGDTNMT, QPAN, LĐVHXH, KTĐPLT, PTHTĐT, QLQH;
- Lưu: VT, GS&TĐĐT (V ).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Quốc Phương
|
DANH
MỤC TÀI LIỆU
(kèm theo văn bản
số 9510/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 14/11/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
1. Bộ Tài chính (văn bản số 12074/BTC-ĐT ngày
06/11/2023)
2. Bộ Công Thương (văn bản số 7492/BCT-CTĐP ngày
27/10/2023)
3. Bộ Xây dựng (văn bản số 4802/BXD-QLN ngày
24/10/2023)
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường (văn bản số
9247/BTNMT-KHTC ngày 30/10/2023)
5. Bộ Công an (văn bản số 3865/BCA-ANNĐ ngày
24/10/2023)
6. Bộ Giao thông vận tải (văn bản số
12485/BGTVT-KHĐT ngày 03/11/2023)
7. Bộ Giáo dục và Đào tạo (văn bản số
5783/BGDĐT-GDDT ngày 18/10/2023)
8. Bộ Nội vụ (văn bản số 6083/BNV-CTTN ngày
18/10/2023)
9. Bộ Y tế (văn bản số 6989/BYT-KHTC ngày
31/10/2023)
10. Bộ Khoa học và Công nghệ (văn bản số
3663/BKHCN-CNN ngày 16/10/2023)
11. Bộ Ngoại giao (văn bản số 5271/BNG-THKT ngày
18/10/2023)
12. Bộ Quốc phòng (văn bản số 3952/BQP-KTe ngày
16/10/2023)
13. Bộ Tư pháp (văn bản số 5116/BTP-PLDSKT ngày
25/10/2023)
14. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (văn bản số
8124/NHNN-TD ngày 19/10/2023)
15. Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (văn bản
số 2550/ĐCT-DTTG ngày 13/10/2023)
16. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
(văn bản số 12282/NHNo-TD ngày 19/10/2023)
17. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (văn bản số
800/LMHTXVN-KHHT ngày 18/10/2023)
TÓM
TẮT Ý KIẾN CỦA THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG VÀ CÁC CƠ QUAN PHỐI HỢP
Về Báo cáo ĐXĐCCTĐT Chương trình MTQG Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và
miền núi giai đoạn 2021-2030
I. Ý KIẾN CÁC CƠ QUAN CÓ
THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TĐNN
1. Bộ Tài chính (văn bản
số 12074/BTC-ĐT ngày 06/11/2023)
a) Về cơ sở đề xuất điều chỉnh CTĐT Chương trình
- Đề nghị Ủy ban Dân tộc rà soát các nội dung đề xuất
điều chỉnh theo chủ trương của Quốc hội tại Nghị quyết số 100/2023/QH15; việc đề
xuất các nội dung điều chỉnh ngoài phạm vi Nghị quyết số 100/2023/QH15 cần đánh
giá cụ thể cơ sở đề xuất điều chỉnh, để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết
định.
- Chương trình được Quốc hội phê duyệt CTĐT tại Nghị
quyết số 120/2020/QH14 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tại
Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021. Đến nay, Chương trình mới thực hiện
được 02 năm (năm 2022, năm 2023); tuy nhiên Chương trình gặp nhiều vướng mắc, ảnh
hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn. Do đó, đề nghị Ủy ban Dân tộc
rà soát tổng thể toàn bộ Chương trình, đánh giá những nhiệm vụ, khó khăn, vướng
mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện; xác định trách nhiệm của các đơn vị trong
quá trình xây dựng Chương trình, dẫn đến những vướng mắc trong tổ chức triển
khai thực hiện như hiện nay, rút kinh nghiệm trong xây dựng Chương trình giai
đoạn 2026-2030.
- Trên cơ sở đánh giá tổng thể Chương trình, đề nghị
Ủy ban Dân tộc nêu rõ những nhiệm vụ khả thi, tổ chức triển khai thực hiện được
trong giai đoạn 2021-2025; những nhiệm vụ chưa thực hiện được, phải chuyển sang
giai đoạn 2026-2030. Đối với những nội dung đề xuất điều chỉnh cần bổ sung đánh
giá tính khả thi trong tổ chức, triển khai thực hiện (việc điều chỉnh CTĐT, điều
chỉnh BCNCKT Chương trình và điều chỉnh các văn bản hướng dẫn tổ chức triển
khai thực hiện sẽ mất thời gian, trong khi hiện nay đã là cuối năm 2023, ảnh hưởng
đến tổ chức triển khai Chương trình nhất là vấn đề giải ngân vốn thực hiện).
b) Về hồ sơ trình thẩm định
- Ủy ban Dân tộc đã thực hiện lập báo cáo điều chỉnh
đề xuất CTĐT và có báo cáo thẩm định nội bộ về điều chỉnh đề xuất CTĐT Chương
trình theo quy định tại khoản 1 Điều 19, khoản 2 Điều 34 Luật đầu
tư công số 39/2019/QH14.
- Hồ sơ trình thẩm định cơ bản đảm bảo theo quy định
tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày
06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư
công.
c) Các nội dung đề nghị điều chỉnh
c1) Nội dung tham gia chung:
Ủy ban Dân tộc đề xuất điều chỉnh 4 nội dung: (1)
Phạm vi thực hiện Chương trình (2) Đối tượng thực hiện Chương trình (3) Kinh
phí thực hiện Chương trình (4) Đối tượng, phạm vi, nội dung, chỉ tiêu, chỉ tiêu
cụ thể của cả 10 Dự án bao gồm một số Tiểu dự án, Nội dung thành phần.
Nội dung báo cáo điều chỉnh bao gồm các nội dung điều
chỉnh so với các Nghị quyết của Quốc hội (số 88/2019/QH và số 120/2020/QH14) và
các nội dung điều chỉnh so với Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ
tướng Chính phủ.
Hiện nay đang thực hiện báo cáo đề xuất điều chỉnh
CTĐT để trình Quốc hội phê duyệt; do đó đề nghị Ủy ban Dân tộc rà soát báo cáo
rõ các nội dung điều chỉnh so với Nghị quyết của Quốc hội và các nội dung điều
chỉnh so với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để báo cáo nội dung phù hợp với
từng cấp có thẩm quyền điều chỉnh; tuyệt đối không điều chỉnh phạm vi, đối tượng
của Chương trình không theo Nghị quyết số 88/2019/QH và Nghị quyết số
120/2020/QH14 của Quốc hội.
c2) Về điều chỉnh phạm vi, đối tượng thực hiện
Chương trình:
Việc điều chỉnh phạm vi, đối tượng thực hiện Chương
trình chỉ để phù hợp với thực hiện một số Dự án, Tiểu dự án thành phần (Tiểu dự
án 2 - Dự án 4, Tiểu dự án 1 - Dự án 5, Dự án 6); tuy nhiên nội dung mở rộng
chung cho cả 3 Chương trình có thể dẫn đến mở rộng cho toàn bộ các dự án, tiểu
dự án thành phần của Chương trình.
Do đó, để đảm bảo nội dung đã xây dựng, đề nghị chỉ
điều chỉnh phạm vi, đối tượng cụ thể tại các dự án, tiểu dự án thành phần đang
vướng mắc thực hiện, không mở rộng cho toàn bộ Chương trình như đề xuất của Ủy
ban Dân tộc.
Ủy ban Dân tộc đề xuất điều chỉnh phạm vi, đối tượng:
Chương trình thực hiện trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương có các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2021-2030. Trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn;
Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội,
các cá nhân tham gia thực hiện nội dung, nhiệm vụ của Chương trình.
Đề xuất nêu trên, phạm vi1,
đối tượng2 thực hiện Chương trình được mở rộng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, việc điều chỉnh với nội dung trên
không làm thay đổi mục tiêu, chỉ tiêu và quy mô nguồn vốn chung của cả Chương
trình trong giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội phê duyệt (vì việc điều chỉnh
phạm vi, đối tượng của Chương trình về nguyên tắc sẽ làm tăng vốn bố trí của
Chương trình). Vì vậy, đề nghị Ủy ban Dân tộc rà soát lại nội dung đề xuất và
nhận định nêu trên, đồng thời có báo cáo cụ thể tác động về phạm vi, đối tượng
thực hiện. Riêng đối với đề xuất điều chỉnh phạm vi, đề nghị rà soát đảm bảo
không bỏ sót đối tượng.
Ngoài ra, đề nghị đánh giá rõ tác động về việc điều
chỉnh phạm vi, đối tượng với việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý cũng như
các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện của Chương trình; trường hợp vẫn tiếp tục
sửa đổi, bổ sung các văn bản sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai,
nhất là vấn đề giải ngân vốn thực hiện Chương trình.
c3) Kinh phí thực hiện Chương trình
Tại Nghị quyết số 120/2020/QH14, tổng nguồn vốn thực
hiện giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 137.664 tỷ đồng; trong đó Ngân sách trung
ương là 104.954 tỷ đồng.
Tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg, dự kiến tổng mức vốn
để thực hiện giai đoạn 2021-2025 là 137.664 tỷ đồng; trong đó Ngân sách trung
ương là 104.954 tỷ đồng, bao gồm: (i) vốn đầu tư là 50.000 tỷ đồng (đã được bố
trí theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu
tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025); (ii) vốn sự nghiệp là 54.324,848 tỷ đồng;
(iii) Đối với số vốn còn lại là 629,163 tỷ đồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì,
phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền cân đối, bố
trí trong quá trình thực hiện Chương trình.
c3.1) Về vốn đầu tư từ ngân sách trung ương: Hiện
nay, chưa có chủ trương bổ sung thêm kế hoạch vốn đầu tư công cho Chương trình.
c3.2) Về vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương
(NSTW):
- Giai đoạn 2022-2023, kinh phí sự nghiệp NSTW đã bố
trí hỗ trợ các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương là 20.046 tỷ đồng (năm
2022 là 5.429 tỷ đồng, năm 2023 là 14.617 tỷ đồng).
- Đối với năm 2024: trên cơ sở số kiểm tra của Bộ
Tài chính (tại văn bản số 7569/BTC-NSNN ngày 21/7/2023), Ủy ban Dân tộc đề xuất
kinh phí thực hiện Chương trình năm 2024 là 12.087,841 tỷ đồng (bao gồm kinh
phí thực hiện nhiệm vụ thuộc Tiểu dự án 1 - Dự án 3 của Chương trình về hỗ trợ
khoán, bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung của năm 2021), thấp
hơn số thông báo là 5.051,5 tỷ đồng. Theo đó, Bộ Tài chính đã rà soát trình
Chính phủ trình Quốc hội bố trí kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình là
12.087,841 tỷ đồng (bằng số Ủy ban Dân tộc đề xuất).
- Như vậy, trường hợp được Quốc hội chấp thuận, thì
giai đoạn 2022-2024 kinh phí sự nghiệp NSTW bố trí thực hiện Chương trình là
32.133,841 tỷ đồng (đạt khoảng 59,15% kế hoạch).
Từ thực trạng nêu trên, đề nghị Ủy ban Dân tộc đánh
giá cụ thể tổng mức vốn bố trí theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền
với thực tế triển khai cũng như khả năng thực hiện trong các năm còn lại của
giai đoạn 2021-2025; trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định
điều chỉnh giảm tổng mức vốn (cùng với việc điều chỉnh phạm vi, đối tượng) để đảm
bảo tính khả thi, khả năng giải ngân.
c3.3) Về những khó khăn, vướng mắc bố trí vốn thực
hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 và định hướng giai đoạn 2026-2030
Theo quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ,
giai đoạn 2021-2025, vốn NSTW là 104,9 nghìn tỷ đồng, trong đó: vốn đầu tư là
50 nghìn tỷ đồng; vốn sự nghiệp 54,3 nghìn tỷ đồng (cơ cấu đầu tư/thường xuyên
là 1/1,086). Cơ cấu vốn thường xuyên, cao hơn rất nhiều so với cơ cấu vốn của
các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, cụ thể như: (i) Cơ cấu
vốn đầu tư/thường xuyên của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới
là 3/1; (ii) Cơ cấu vốn đầu tư/thường xuyên của Chương trình mục tiêu quốc gia
Giảm nghèo bền vững là 2,6/1.
Do việc đề xuất cơ cấu nguồn vốn thực hiện Chương
trình chưa hợp lý, dẫn đến nhu cầu bố trí vốn sự nghiệp của NSTW năm 2024 chỉ bằng
70,52% so với số kiểm tra của Bộ Tài chính. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Dân tộc cần
có phân tích, 5 đánh giá kỹ hơn những khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí vốn
giai đoạn 2021-2025, nhất là cơ cấu đầu tư/thường xuyên; trên cơ sở đó đề xuất
điều chỉnh cơ cấu đầu tư/thường xuyên giai đoạn 2026-2030 để đảm bảo khả thi.
Do đó, đề nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát dự kiến nguồn lực của Chương trình giai đoạn
2021-2025 và 2026-2030 cho phù hợp.
c3.4) Về nguyên tắc bố trí vốn
- Theo điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị
quyết số 120/2020/QH14 quy định: “Nguồn vốn của Chương trình được bố trí
trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025”.
- Ủy ban Dân tộc đề xuất: “Nguồn vốn ngân sách
trung ương của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn
giai đoạn 2021-2025 và Dự toán ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định”.
Đề nghị cân nhắc trình cấp có thẩm quyền bỏ điểm b khoản 3 Điều
1 Nghị quyết số 120/2020/QH14 nêu trên (tương tự Nghị quyết số 24/2021/QH15
và số 25/2021/QH15 của Quốc hội phê duyệt CTĐT chương trình mục tiêu quốc gia
giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025). Trường hợp
sửa đổi, đề nghị sửa lại như sau: “Nguồn vốn đầu tư được bố trí trong kế hoạch
đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kinh phí sự nghiệp được bố trí trong
dự toán ngân sách hằng năm theo quy định”.
d) Đối tượng, phạm vi, nội dung, chỉ tiêu cụ thể của
các Tiểu dự án, Dự án thành phần
Nội dung báo cáo còn sơ sài, đề nghị Ủy ban Dân tộc
phối hợp với các bộ, ngành được phân công chủ trì Dự án, Tiểu dự án, nội dung
thành phần thuộc Chương trình và các địa phương thực hiện để:
- Báo cáo các nội dung thay đổi so với các Nghị quyết
của Quốc hội (số 88/2019/QH và số 120/2020/QH14) để báo cáo điều chỉnh CTĐT
Chương trình, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
- Báo cáo các nội dung điều chỉnh so với Quyết định
số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh BCNCKT
Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Bộ Công Thương (văn bản
số 7492/BCT-CTĐP ngày 27/10/2023)
Thống nhất các nội dung trong dự thảo Tờ trình và
Báo cáo ĐXĐCCTĐT Chương trình.
3. Bộ Xây dựng (văn bản số
4802/BXD-QLN ngày 24/10/2023)
Thống nhất dự thảo Báo cáo ĐXĐCCTĐT Chương trình.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường
(văn bản số 9247/BTNMT-KHTC ngày 30/10/2023)
- Cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Báo cáo và
các tài liệu kèm theo (dự thảo Tờ trình, báo cáo đề xuất, báo cáo thẩm định,
văn bản kiến nghị, đề xuất), việc điều chỉnh là cần thiết để tháo gỡ những khó
khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
- Phần “Sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư
Chương trình”: nội dung Tờ trình cũng như dự thảo Báo cáo, đơn vị chủ trì soạn
thảo cần bổ sung thông tin, dẫn chứng cụ thể, rõ ràng hơn về các vướng mắc, khó
khăn, thay đổi trong quá trình thực hiện vừa qua ở khâu thực hiện nào, Bộ
ngành, địa phương nào để có đề xuất các nội dung điều chỉnh phù hợp, tương ứng
trong phần “Một số nội dung đề xuất điều chỉnh cụ thể”.
5. Bộ Quốc phòng (văn bản số
3952/BQP-KTe ngày 16/10/2023)
Cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo ĐXĐCCTĐT
Chương trình và có một số đề xuất như sau:
- Sắp tới Chính phủ sẽ trình Quốc hội ban hành Nghị
quyết thí điểm phân cấp trọn gói việc thực hiện 03 Chương trình MTQG cho cấp
huyện; do đó, trong giải pháp thực hiện Chương trình sau khi điều chỉnh phải
xác định rõ trách nhiệm các cấp chính quyền để đảm bảo triển khai có hiệu quả,
phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương.
- Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung đối tượng của
Chương trình như sau: “Các tổ chức kinh tế, xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập,
đơn vị quân đội tham gia thực hiện nội dung, nhiệm vụ của Chương trình”.
6. Bộ Công an (văn bản số
3865/BCA-ANNĐ ngày 24/10/2023)
- Cơ bản nhất trí nội dung hồ sơ đề xuất ĐCCTĐTCT.
- Đề nghị bổ sung nội dung đánh giá đầy đủ, toàn diện
về những ảnh hưởng, tác động về môi trường, xã hội của Chương trình sau điều chỉnh
(dự thảo Báo cáo mới đánh giá sơ bộ)
7. Bộ Giao thông vận tải
(văn bản số 12485/BGTVT-KHĐT ngày 03/11/2023)
Hồ sơ ĐXĐCCTĐT Chương trình cơ bản đầy đủ theo quy
định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP. Các nội
dung đề xuất điều chỉnh không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ GTVT nên Bộ GTVT
không có ý kiến tham gia nội dung chi tiết.
8. Bộ Giáo dục và Đào tạo
(văn bản số 5783/BGDĐT-GDDT ngày 18/10/2023)
- Cơ bản nhất trí với cấu trúc của toàn bộ dự thảo
báo cáo.
- Cơ bản nhất trí sự cần thiết và nội dung (sửa đổi
phạm vi, đối tượng, nguyên tắc bố trí kinh phí thực hiện Chương trình) theo đề
xuất điều chỉnh. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu, xem xét thêm để đảm bảo tính chặt
chẽ, bao quát giữa nội dung đề nghị điều chỉnh phạm vi và điều chỉnh về đối tượng;
cụ thể: Trường Dự bị Đại học Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị sự nghiệp công lập
hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc đóng tại địa bàn thành phố trực thuộc
Trung ương không có các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
(theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Do đó,
nội dung đề nghị điều chỉnh phạm vi Chương trình của UBDT chưa đảm bảo bao quát
và giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai
Chương trình.
9. Bộ Nội vụ (văn bản số 6083/BNV-CTTN
ngày 18/10/2023)
- Công tác tín ngưỡng, tôn giáo trong vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và miền núi đang đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu, tổng kết
và có chính sách, giải pháp để thực hiện. Hiện nay, trong 10 dự án thành phần
chưa có nội dung này, Bộ Nội vụ đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung nội dung: “Thực
trạng, giải pháp triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng,
tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào Chương trình mục
tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn 2021 - 2030”.
2. Đề nghị nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung Quyết định
số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tại
tiểu dự án 3 của dự án 10 trong dự thảo Báo cáo thẩm định của Chương trình như
sau:
- Nghiên cứu, xây dựng Bộ tài liệu tập huấn cho đội
ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc
gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai
đoạn 2021 - 2025.
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tập huấn kiến thức, kỹ
năng cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp giai đoạn 2021-2025;
- Truyền thông, tuyên truyền về công tác dân tộc
trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng
đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
10. Bộ Y tế (văn bản số
6989/BYT-KHTC ngày 31/10/2023)
- Hồ sơ Chương trình được chuẩn bị theo quy định tại
Điều 34 Luật Đầu tư công và Điều 11 Nghị định
số 40/2020/NĐ-CP.
- Thống nhất Báo cáo ĐXĐCCTĐT Chương trình.
- Đề nghị nghiên cứu, rà soát và tổng hợp đề xuất của
Bộ Y tế tại văn bản số 5442/BYT-KHTC ngày 28/8/2023 về việc đề xuất điều chỉnh
nội dung sửa đổi Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính
phủ (liên quan đến nội dung số 2: Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu
quý thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3).
11. Bộ Tư pháp (văn bản số
5116/BTP-PLDSKT ngày 25/10/2023)
- Nội dung đề xuất điều chỉnh CTĐT Chương trình
không thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp; văn bản xin ý kiến không nêu các vấn
đề vướng mắc pháp lý liên quan (nếu có). Do đó, Bộ Tư pháp không có (và không
thể có ý kiến cụ thể).
- Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, thực hiện
việc thẩm định, trình cấp có thẩm quyền đề xuất điều chỉnh CTĐT Chương trình
theo đúng quy định của pháp luật. Trong mọi trường hợp, phối hợp với Ủy ban Dân
tộc đánh giá đúng và đầy đủ các vướng mắc, bất cập, từ đó đề xuất điều chỉnh
Chương trình phù hợp, khả thi, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng quy định của
pháp luật.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước
Chính phủ về việc thẩm định đề xuất điều chỉnh CTĐT Chương trình theo quy định
của Luật Đầu tư công năm 2019, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP.
12. Bộ Khoa học và Công nghệ
(văn bản số 3663/BKHCN-CNN ngày 16/10/2023)
Thống nhất hồ sơ đề xuất điều chỉnh CTĐT Chương
trình.
13. Bộ Ngoại giao (văn bản
số 5271/BNG-THKT ngày 18/10/2023)
Nhất trí nội dung Báo cáo và các kiến nghị đề xuất.
Trong quá trình triển khai Chương trình, đề nghị cơ
quan chủ trì tăng cường công tác tuyên truyền đối nội và đối ngoại, thường
xuyên cập nhật số liệu và kết quả đạt được, đảm bảo thống nhất với các báo cáo
lớn của Việt Nam trước Liên hợp quốc, như: Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện về
thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam; báo cáo quốc
gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát
(UPR) chu kỳ IV.
14. Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam (văn bản số 8124/NHNN-TD ngày 19/10/2023)
a) Đối với các nội dung tại Tờ trình số
1770/TTr-UBDT
- Khổ thứ nhất trang 2 Tờ trình số 1770/TTr-UBDT có
nêu: “... UBDT thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật
về đầu tư công: Thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập (gồm đại diện của 27 ban,
bộ, ngành, cơ quan ở trung ương)...”;
Qua rà soát, NHNN nhận được Công văn số
1337/UBDT-CTMTQG ngày 31/7/2023 của Ủy ban Dân tộc (UBDT) về việc đề nghị các Bộ,
ngành (trong đó có NHNN) cử đại diện tham gia Ban soạn thảo điều chỉnh nội dung
Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (không đề nghị
cử đại diện tham gia Tổ biên tập). Về phía NHNN, đã có Công văn số 6167/NHNN-TD
ngày 7/8/2023 cử đại diện của NHNN tham gia Ban soạn thảo điều chỉnh nội dung
Quyết định số 1719/QĐ-TTg.
Tuy nhiên, ngày 25/8/2023, UBDT ban hành Quyết định
số 627/QĐ-UBDT về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Báo cáo điều
chỉnh chủ trương đầu tư và Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình,
gồm đại diện các Bộ, ngành đã cử người theo đề nghị của UBDT tại Công văn số
1337/UBDT-CTMTQG nêu trên.
Vì vậy, NHNN đề nghị UBDT rà soát lại và ban hành
Quyết định theo đúng nội dung đã đề nghị các Bộ, ngành cử người tại Công văn số
1337/UBDT-CTMTQG, đồng thời chỉnh sửa nội dung tại Tờ trình 1770/TTr-UBDT để
báo cáo Thủ tướng Chính phủ đầy đủ và chính xác về quá trình, tiến độ xây dựng
dự thảo Báo cáo.
- Khổ thứ hai trang 2 Tờ trình số 1770/TTr-UBDT có
nêu: “Sau khi tổng hợp, phân tích, đánh giá kiến nghị, đề xuất của ban, bộ,
ngành, địa phương liên quan, ý kiến của thành viên Ban soạn thảo...”:
Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại và làm rõ tên
của Ban soạn thảo, trường hợp là ý kiến của thành viên Ban soạn thảo điều chỉnh
nội dung Quyết định số 1719/QĐ-TTg (đã được nêu trên), về phía NHNN không nhận
được đề nghị về nội dung xin ý kiến của UBDT.
- Tại điểm 1 mục IV trang 6, 7 Tờ trình số
1770/TTr-UBDT, UBDT đề xuất điều chỉnh phạm vi tại Nghị quyết số 88/2019/QH14
và Nghị quyết số 120/2020/QH14 như sau: “Chương trình thực hiện trên địa bàn
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong đó có các xã, thôn vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó tập trung ưu
tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn.”.
NHNN thấy rằng việc điều chỉnh phạm vi của chương
trình có thể dẫn đến việc trùng lắp địa bàn thực hiện với 02 Chương trình MTQG
còn lại (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới). Mặt khác, vấn đề khó
khăn về địa bàn thực hiện chỉ tập trung tại một số tiểu dự án (tiểu dự án 2 Dự
án 4, tiểu dự án 1 Dự án 5, Dự án 6), không phải khó khăn, vướng mắc cho toàn bộ
các dự án, do đó, việc quy định như trên có thể dẫn đến cách hiểu phạm vi của
chương trình được mở rộng cho toàn bộ dự án/tiểu dự án thuộc chương trình. Do
đó, theo NHNN nên giữ nguyên phạm vi thực hiện chương trình theo quy định tại
Nghị quyết số 88, Nghị quyết số 120 để đảm bảo phù hợp với tên gọi của Chương
trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi, đồng thời bổ sung quy định cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở
giáo dục, đào tạo hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc (đóng trên địa bàn
ngoài vùng dân tộc thiểu số và miền núi) vẫn được thụ hưởng các chính sách hỗ
trợ của chương trình.
- Tại điểm 2 mục IV trang 7,8 Tờ trình số
1770/TTr-UBDT, UBDT đề xuất điều chỉnh đối tượng của chương trình “Doanh
nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn đặc biệt
khó khăn” thành “Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, hợp tác xã,
các tổ chức kinh tế, xã hội, các cá nhân tham gia thực hiện nội dung, nhiệm vụ
của Chương trình”, theo UBDT việc điều chỉnh nội dung nêu trên không làm
thay đổi mục tiêu, chỉ tiêu và quy mô nguồn vốn chung của chương trình giai đoạn
2021-2025.
Tuy nhiên, theo NHNN, do có sự mở rộng về đối tượng,
phạm vi (bỏ giới hạn địa bàn các xã đặc biệt khó khăn), có thể dẫn đến thay đổi
về quy mô, cơ cấu nguồn vốn của từng dự án và quy mô nguồn vốn chung của cả
chương trình. Vì vậy, UBDT cần rà soát, tính toán lại về số lượng đối tượng, để
đảm bảo không làm thay đổi quy mô nguồn vốn so với phê duyệt của Quốc hội tại
Nghị quyết số 120/2020/QH14.
- Tại điểm 3 mục IV trang 8,9 Tờ trình số
1770/TTr-UBDT về kinh phí thực hiện chương trình, UBDT đề nghị điều chỉnh “Nguồn
vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn
2021-2025”. thành “Nguồn vốn ngân sách trung ương của Chương trình được
bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Dự toán ngân
sách trung ương hàng năm theo quy định”.
Tuy nhiên, theo NHNN, ngoài nguồn vốn ngân sách
trung ương, còn có nguồn vốn của ngân sách địa phương, vốn tín dụng, vốn huy động
hợp pháp khác (nguồn vốn ODA; nguồn đóng góp hợp pháp của các tổ chức, doanh
nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài) thực hiện chương trình. Do đó, để đảm
bảo đầy đủ quy định của pháp luật về kinh phí thực hiện, NHNN đề xuất điều chỉnh
như sau: “Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công
trung hạn giai đoạn 2021-2025” thành “Nguồn vốn của Chương trình được
cân đối, bố trí theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và
các quy định pháp luật liên quan”.
b) Đối với dự thảo Tờ trình của Chính phủ
Đối với các nội dung tại điểm 1, 2, 3 mục IV trang
5-7 dự thảo Tờ trình về một số nội dung đề xuất điều chỉnh cụ thể (phạm vi thực
hiện, đối tượng, kinh phí thực hiện), đề nghị UBDT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến
của NHNN đã tham gia nêu trên.
c) Đối với dự thảo Báo cáo ĐXĐCCTĐT của Chính phủ
- Tại khổ 2 trang 8, 9 dự thảo Báo cáo có nêu “Thực
hiện các bước theo quy định của Luật Đầu tư công, UBDT đã chủ trì, phối hợp với
các bộ, ngành liên quan thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Báo cáo
điều chỉnh chủ trương đầu tư và Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương
trình MTQG...:, Đề nghị UBDT báo cáo đầy đủ và chính xác về tên gọi của Ban
soạn thảo theo đúng nội dung đề nghị của UBDT đã gửi các Bộ, ngành liên quan tại
Công văn số 1337/UBDT-CTMTQG (theo ý kiến của NHNN nêu trên).
- Điểm 1, 2 Mục IV trang 9-12, điểm 1 Mục V trang
13 dự thảo Báo cáo đề nghị UBDT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của NHNN đã tham
gia nêu trên.
d) Đối với Phụ lục I về dự kiến một số nội dung điều
chỉnh đối tượng, phạm vi, nội dung, chỉ tiêu cụ thể của các dự án, tiểu dự án,
nội dung thành phần thuộc Chương trình
d1) Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà
ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt: Đối với khó khăn về “Chưa quy định rõ đối với
hộ mới thoát nghèo nhưng nằm trong danh sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất
đã được cấp thẩm quyền phê duyệt từ những năm trước (thời điểm chưa thoát
nghèo)”;
Tại Dự án 1 Quyết định số 1719/QĐ-TTg quy định đối
tượng của dự án bao gồm: Hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh
sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi chưa có đất ở; chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng;
làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp nhưng không có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất
theo định mức quy định của địa phương; có khó khăn về nước sinh hoạt. Ưu tiên hộ
nghèo dân tộc thiểu số thuộc danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có
khó khăn đặc thù; hộ nghèo có phụ nữ là chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp
nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động.
Theo NHNN, đối với danh sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất
sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ những năm trước đến thời điểm
triển khai Chương trình MTQG cần được các địa phương rà soát lại để đảm bảo
đúng đối tượng thụ hưởng theo chương trình. Đối với đối tượng đã thoát nghèo tại
thời điểm rà soát, lập danh sách, không còn thuộc đối tượng thụ hưởng của
chương trình. Do đó, đề nghị không đưa nội dung này là một trong những khó
khăn, vướng mắc của dự án.
d2) Dự án 4: Đầu tư cơ sở thiết yếu, phục vụ sản xuất,
đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp
công lập của lĩnh vực dân tộc: Đối với khó khăn về “các xã ĐBKK hoàn thành mục
tiêu xây dựng nông thôn mới không được thụ hưởng chính sách theo Quyết định số
861/QĐ-TTg”:
Theo NHNN, các xã này đã được thụ hưởng và hoàn
thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn
mới, do đó, không còn thuộc danh sách được thụ hưởng chính sách theo Chương
trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vì vậy,
đề nghị không đưa nội dung này là một trong những khó khăn, vướng mắc của dự
án.
d3) Ngoài ra, đối với dự kiến điều chỉnh về nội dung,
đối tượng của toàn bộ các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần, do định mức hỗ
trợ không thay đổi. Vì vậy, NHNN đề nghị UBDT thực hiện rà soát, tính toán lại
về số lượng đối tượng thụ hưởng, để đảm bảo không vượt quá tổng quy mô chung,
cơ cấu nguồn vốn (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn tín dụng
chính sách, vốn huy động hợp pháp khác) đã được phê duyệt tại Nghị quyết số
120/2020/QH14 của Quốc hội.
II. CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN
KHÁC ĐƯỢC XIN Ý KIẾN
1. Ngân hàng Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn (văn bản số 12282/NHNo-TD ngày 19/10/2023)
Nhất trí với các nội dung Báo cáo ĐXĐCCTĐTCT.
2. Liên minh Hợp tác xã Việt
Nam (văn bản số 800/LMHTXVN-KHHT ngày 18/10/2023)
- Cơ bản nhất trí nội dung hồ sơ.
- Qua thực tiễn phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN
cho thấy cần thiết phải hỗ trợ thúc đẩy phát triển các tổ chức sản xuất gắn với
phát triển mô hình hợp tác xã vì:
+ Vùng DTTS&MN có điều kiện về diện tích, đất
đai, khí hậu, thổ nhưỡng,... để phát triển sản xuất nhưng diện tích canh tác
phân bố không đồng đều, bình quân mỗi hộ dưới 0,8ha; chỉ có tổ chức sản xuất
theo mô hình HTX mới có khả năng tập trung ruộng đất, sản xuất gắn với chuỗi
giá trị, cạnh tranh trên thị trường;
+ HTX kiểu mới được thành lập theo nguyên tắc tự
nguyện; hỗ trợ nhau phát triển, phù hợp với tập quán và trình độ sản xuất của
người dân;
+ Kinh tế tập thể, HTX đóng góp cho phát triển KTXH
trong các lĩnh vực: kinh tế - xã hội - môi trường - văn hóa - cơ sở chính trị.
Liên minh HTX đề xuất: bổ sung Tiểu dự án 4:
Phát triển phương thức tổ chức sản xuất vùng đồng bào DTTS&MN gắn với phát
triển mô hình HTX vào Dự án 3.
1 Tại mục 2.2 Nghị
quyết số 100/2023/QH15 có nêu Đối với lĩnh vực dân tộc “Trong năm 2023,
nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ
tiêu, nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai thực hiện,
bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh lãng phí,
tiêu cực”.
2 về phê duyệt Đề
án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030
3 về phê duyệt chủ
trương đầu tư Chương trình MTQG Phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn
2021-2030.
4 Điều chỉnh từ “Chương
trình thực hiện ở địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc
biệt khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thành
“Chương trình thực hiện trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương có các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2021 - 2030. Trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn.”
5 Bổ sung thêm
nhóm đối tượng “Nhóm hộ và cộng đồng trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN
tham gia thực hiện nội dung, nhiệm vụ của Chương trình”; điều chỉnh nhóm đối
tượng “Doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa
bàn vùng đặc biệt khó khăn” (theo Nghị quyết số 88/2019/QH14) thành “Doanh
nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội tham
gia thực hiện nội dung, nhiệm vụ của Chương trình”.
1 Theo Nghị quyết
88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội: “Đề án thực hiện ở địa bàn các
xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong
đó tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và miền núi”. Căn cứ Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày
19/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày
14/10/2021, theo đó: “Phạm vi của Chương trình: Trên địa bàn các xã, thôn
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, ưu tiên nguồn lực của
Chương trình đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn (xã đặc biệt khó khăn,
thôn đặc biệt khó khăn), xã an toàn khu (ATK) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu
số và miền núi".
2 Theo Nghị quyết
88/2019/QH14, Nghị quyết 120/2020/QH14, Quyết định 1719/QĐ-TTg: “Đối tượng của
Chương trình: (i) Xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; (ii) Hộ
gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; (iii) Hộ gia đình, cá nhân người dân
tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn;
(iv) Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (HTX), các tổ chức kinh tế
hoạt động ở địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn”.