Công văn 942/BGDĐT-CSVC năm 2023 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu | 942/BGDĐT-CSVC |
Ngày ban hành | 09/03/2023 |
Ngày có hiệu lực | 09/03/2023 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Phạm Ngọc Thưởng |
Lĩnh vực | Xây dựng - Đô thị |
BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 942/BGDĐT-CSVC |
Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2023 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai
Thực hiện Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời, hướng dẫn về khó khăn, vướng mắc của tỉnh Lào Cai liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 như sau:
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chưa có hướng dẫn về tiêu chí huyện nông thôn mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022, trong đó, các tiêu chí về lĩnh vực giáo dục và đào tạo được quy định cụ thể như sau:
a) Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới
Tiêu chí Y tế - Văn hóa - Giáo dục (tiêu chí số 5)
- Chỉ tiêu 5.3: Tỷ lệ trường trung học phổ thông (THPT) đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên (≥60%);
- Chỉ tiêu 5.4: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục (cấp độ 1).
b) Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao
Tiêu chí Y tế - Văn hóa - Giáo dục (tiêu chí số 5)
- Chỉ tiêu 5.3: Có 100% số trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có ít nhất có 01 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2;
- Chỉ tiêu 5.4: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục (cấp độ 2).
Về công nhận trường THPT đạt chuẩn quốc gia (các mức độ) đã được quy định tại Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ GDĐT ban hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Về kiểm định chất lượng giáo dục Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, Bộ GDĐT đã ban hành Văn bản số 5647/BGDĐT-QLCL ngày 27/10/2022 về việc hướng dẫn việc thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đối với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (Có văn bản kèm theo).
Để thực hiện các tiêu chí về giáo dục và đào tạo, Bộ GDĐT đã ban hành Văn bản số 5115/BGDĐT-CSVC ngày 07/10/2022 về việc triển khai nội dung thành phần giáo dục và đào tạo thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (Có văn bản kèm theo). Đồng thời, Bộ GDĐT đã tổ chức hội thảo, tập huấn cho 63 sở GDĐT để hướng dẫn thực hiện các Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp: xã, huyện, tỉnh1.
Thực hiện chỉ tiêu “Tỷ lệ trường học các cấp đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất” theo quy định tại Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT cao hơn tiêu chuẩn giai đoạn 2016-2020, ví dụ: chỉ tiêu diện tích về phòng học, phòng chức năng, phòng bộ môn, sân trường và trang thiết bị dạy học. Điều này gây khó khăn cho địa phương rất nhiều vì nhiều trường tại Lào Cai mới hoàn thành việc đầu tư cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn yêu cầu của giai đoạn 2016-2020 nay thành không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn để hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh các tiêu chí đánh giá theo hướng: (1) Đối với các trường học đã được đầu tư xây dựng trước thời điểm Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành thì không phải đảm bảo tiêu chí về diện tích; (2) Đối với các trường xây mới sau thời điểm Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực thì thực hiện theo quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình) bắt đầu triển khai từ năm 2010, cụ thể các giai đoạn như sau:
Giai đoạn 2010 - 2015: mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ;
Giai đoạn 2016-2020: mục tiêu xây dựng NTM để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ;
Giai đoạn 2021-2025: mục tiêu xây dựng NTM để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa.
Như vậy, qua mỗi giai đoạn, các mục tiêu xây dựng NTM ngày càng được nâng cao, với tinh thần “Xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc’’.
Nhằm thực hiện các mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025, nâng cao chất lượng của các tiêu chí nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, cụ thể hóa mục tiêu phấn đấu xây dựng nông thôn mới (trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (xã, huyện, tỉnh) với các mức độ đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu Mẫu, theo đó, đối với các tiêu chí giáo dục và đào tạo cũng có các tiêu chí mới điều chỉnh theo hướng nâng lên để phù hợp với mục tiêu chung của Chương trình. Các Bộ tiêu chí nêu trên đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và có tính toán các chỉ tiêu phù hợp với các vùng kinh tế - xã hội khác nhau, tạo điều kiện cho các địa phương phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới theo các mức độ.
Cùng với đó, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cơ sở vật chất trường học xuất hiện một số yêu cầu mới. Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT) làm cơ sở để các cấp chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục rà soát, sắp xếp, bố trí cơ sở vật chất hiện có nâng cao hiệu quả sử dụng; đồng thời xây dựng kế hoạch đầu tư đáp ứng yêu cầu tối thiểu, từng bước nâng cao chất lượng, hiện đại hóa cơ sở vật chất trường học. Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT quy định nhiều mức độ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất2 đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục để các địa phương đầu tư, xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế; đồng thời tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, xây dựng công trình.
Tại quy định về xử lý chuyển tiếp (khoản 1 Điều 25 Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT) đã nêu: “Đối với các cơ sở giáo dục đã được đánh giá tiêu chuẩn cơ sở vật chất khi công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận đạt chuẩn quốc gia trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục theo cấp độ, mức độ đã được công nhận. Đến thời điểm Thông tư này có hiệu lực, thực hiện đánh giá tiêu chuẩn cơ sở vật chất khi công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận đạt chuẩn quốc gia theo Quy định này và các văn bản có liên quan khác”. Đối với các hạng mục công trình đã được đầu tư xây dựng, đề nghị rà soát, sắp xếp bảo đảm quy mô học sinh của trường, lớp phù hợp với diện tích công trình.