Công văn 917/LĐTBXH-BĐG hướng dẫn triển khai công tác bình đẳng giới năm 2017 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu | 917/LĐTBXH-BĐG |
Ngày ban hành | 14/03/2017 |
Ngày có hiệu lực | 14/03/2017 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Người ký | Nguyễn Trọng Đàm |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 917/LĐTBXH-BĐG |
Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2017 |
Kính gửi: |
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ; |
Năm 2017 là năm bản lề trong triển khai các hoạt động bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020. Nhằm tiếp tục kế thừa và phát huy các thành tựu của công tác bình đẳng giới trong thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ban, ngành tiếp tục tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm năm 2017 như sau:
1. Thực hiện tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới
Trong phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý, thực hiện tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới theo Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới (ban hành kèm theo Quyết định số 1392/QĐ-LĐTBXH ngày 14/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội):
- Rà soát, đánh giá 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới nhằm xác định kết quả, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
- Xây dựng đề xuất, giải pháp cụ thể để có thể thực hiện tốt hơn Luật Bình đẳng giới trong giai đoạn tới đồng thời nêu rõ các quy định trong Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn luật cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.
- Xây dựng báo cáo tổng kết theo mẫu hướng dẫn báo cáo ban hành kèm theo công văn số 501/LĐTBXH-BĐG ngày 16/02/2017 và gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước 31/7/2017 để tổng hợp.
2. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới
- Duy trì và tổ chức các hoạt động truyền thông thường xuyên về bình đẳng giới với hình thức phong phú, đa dạng, hướng đến nhóm đối tượng cụ thể và phù hợp với văn hóa vùng miền để nâng cao hiệu quả. Khuyến khích sự tham gia của nam giới trong các hoạt động bình đẳng giới.
- Tổ chức thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới từ 15/11/2017 đến ngày 15/12/2017 (Tháng hành động) theo chủ đề và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Các hoạt động phát động tại các Bộ, ngành và địa phương nên được triển khai trong khoảng thời gian tuần đầu của Tháng hành động.
3. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới
- Đối với các cơ quan trung ương: Tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ làm công tác xây dựng và hoạch định chính sách, cán bộ pháp chế, thành viên các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
- Đối với địa phương: Tổ chức các đợt tập huấn kiến thức giới, bình đẳng giới và kỹ năng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hoạch định và thực thi chính sách cho cán bộ quản lý nhà nước về bình đẳng giới, thanh tra, cán bộ tư pháp, thành viên Ban vì sự tiến bộ phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện, cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội và cộng tác viên cấp xã.
4. Tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 02/10/2015) và Đề án Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1464/QĐ-TTg ngày 22/7/2016)
- Các đơn vị, địa phương chủ động triển khai Kế hoạch hành động bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch triển khai Đề án Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 -2020 tại đơn vị, địa phương mình. Trong đó cần tập trung thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực và xây dựng, phát triển các mô hình thí điểm về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện của đơn vị mình và chủ động đề xuất các giải pháp thực hiện.
- Thực hiện các hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm về bình đẳng giới thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý.
- Tổ chức khen thưởng, biểu dương kịp thời các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Thực hiện theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính sau khi Chương trình mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kinh phí hỗ trợ các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện các hoạt động bình đẳng giới thuộc Chương trình mục tiêu sẽ được thông báo và hướng dẫn cụ thể sau khi có thông báo kinh phí năm 2017.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Vụ Bình đẳng giới) để phối hợp xử lý./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |