Công văn 905/TCHQ-TXNK năm 2017 về kiểm tra trị giá hải quan do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 905/TCHQ-TXNK
Ngày ban hành 17/02/2017
Ngày có hiệu lực 17/02/2017
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Nguyễn Dương Thái
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 905/TCHQ-TXNK
V/v kiểm tra trị giá hải quan

Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2017

 

Kính gửi: Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

Để thực hiện thống nhất, đúng các quy định về công tác kiểm tra, xác định dấu hiệu nghi vấn, tham vấn, kiểm tra sau thông quan, xác định trị giá tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính, Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, công văn số 16875/BTC-PC ngày 25/11/2016, công văn số 17568/BTC-TCHQ ngày 12/2/2016 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như sau:

I. Công tác kiểm tra, xác định trị giá:

1. Khi làm thủ tục hải quan, công chức hải quan phải kiểm tra chi tiết tên hàng và các yếu tố liên quan ảnh hưởng đến trị giá hải quan theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 55 Quy trình 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2015 của Tổng cục Hải quan. Trong đó lưu ý tên hàng phải chi tiết ký mã hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa; đơn vị tính phải định lượng rõ ràng theo đơn vị đo lường phù hợp với tính chất hàng hóa (như: m, kg...), ví dụ một số mặt hàng đã được chuẩn hóa tên hàng tại Phụ lục 3 đính kèm. Trường hợp kiểm tra nếu không đáp ứng các điều kiện thì bác bỏ trị giá khai báo theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 55 Quy trình số 1966/QĐ-TCHQ.

2. Thực hiện xác định dấu hiệu nghi vấn trong quá trình kiểm tra trị giá tại khâu thông quan đối với các lô hàng theo đúng quy định tại Khoản 2 điều 55 Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ, không chỉ dựa vào mức giá tham chiếu tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá, trong đó cần chú ý mở rộng khái niệm hàng hóa giống hệt, tương tự; hàng hóa có mức giá khai báo thấp hơn linh kiện đồng bộ, nguyên vật liệu chính cấu thành hoặc thấp hơn chi phí vận chuyển...

3. Thực hiện tham vấn trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan đối với các lô hàng có dấu hiệu nghi vấn về trị giá thuộc Phụ lục 1 kèm theo công văn này hoặc các lô hàng có dấu hiệu nghi vấn về trị giá do doanh nghiệp lựa chọn tham vấn. Bác bỏ trị giá khai báo trên cơ sở đối chiếu 04 điều kiện xác định trị giá giao dịch quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC, các căn cứ bác bỏ trị giá khai báo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, các quy định về ấn định thuế tại khoản 1 Điều 39 Luật Quản lý thuế với hồ sơ, mức giá khai báo, thông tin do Doanh nghiệp cung cấp, giải trình tại thời điểm tham vấn. Sau khi bác bỏ trị giá khai báo, yêu cầu Doanh nghiệp khai bổ sung trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày cơ quan hải quan thông báo. Trường hợp cơ quan hải quan có đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo nhưng doanh nghiệp không đồng ý hoặc doanh nghiệp đồng ý với cơ sở bác bỏ trị giá khai báo nhưng không khai bổ sung trong thời hạn nêu trên hoặc người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật không đến tham vấn đúng thời hạn hoặc người đến tham vấn không phải là đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp theo quy định của Pháp luật mà không có giấy ủy quyền thì thực hiện ấn định thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Quản lý thuế, không thực hiện chuyển kiểm tra sau thông quan theo quy định tại điểm g.2 khoản 3 Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

Khi tham vấn cần tập trung làm rõ dấu hiệu nghi vấn về mức giá, các yếu tố ảnh hưởng trị giá khai báo, cơ sở dữ liệu có sẵn và các nguồn thông tin thu thập được sau khi đã được kiểm chứng mức độ tin cậy và quy đổi để bác bỏ trị giá khai báo do không đủ điều kiện để áp dụng trị giá giao dịch quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC hoặc không giải trình, chứng minh được sự bất hợp lý quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Quản lý thuế, không chỉ dựa vào dấu hiệu mâu thuẫn hoặc không mâu thuẫn hồ sơ để bác bỏ hoặc chấp nhận trị giá khai báo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Chấm dứt tình trạng chấp nhận trị giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu giá do hồ sơ hợp lệ mà không chú trọng đến sự bất hợp lý của mức giá.

4. Hướng dẫn Doanh nghiệp sử dụng kết quả tham vấn một lần để áp dụng cho các lần xuất khẩu hoặc nhập khẩu tiếp theo (quy định tại điểm b khoản 3 Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC) nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cùng hợp đồng mua bán, được xuất khẩu hoặc nhập khẩu theo nhiều chuyến khác nhau; Thông tin, dữ liệu để kiểm tra, xác định trị giá hải quan không thay đổi; Người khai hải quan có văn bản đề nghị tham vấn một lần, trong đó nêu rõ cam kết sử dụng kết quả tham vấn cho các lần xuất khẩu hoặc nhập khẩu tiếp theo.

5. Thực hiện kiểm tra sau thông quan toàn bộ các lô hàng có dấu hiệu nghi vấn về trị giá (thuộc Phụ lục 2 kèm theo công văn này) trong thời hạn 30 ngày hoặc trong thời hạn 60 ngày (các lô hàng không thuộc Phụ lục 2 công văn này) kể từ ngày thông quan nếu doanh nghiệp không lựa chọn tham vấn theo đúng quy định tại Điều 142 Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Bác bỏ trị giá khai báo, xác định trị giá tính thuế đối với các lô hàng có dấu hiệu nghi vấn trong quá trình kiểm tra sau thông quan trên cơ sở đối chiếu 04 điều kiện được xác định trị giá giao dịch quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC, các căn cứ bác bỏ trị giá khai báo tại điểm b khoản 4 Điều 142 Thông tư 38/2015/TT-BTC, các quy định về ấn định thuế tại khoản 1 Điều 39 Luật Quản lý thuế với hồ sơ, mức giá khai báo, thông tin do doanh nghiệp cung cấp, giải trình tại thời điểm kiểm tra. Chấm dứt tình trạng chấp nhận trị giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu giá do hồ sơ hợp lệ mà không chú trọng đến sự bất hợp lý của mức giá hoặc quá thời hạn 30 ngày hoặc 60 ngày kể từ ngày thông quan nhưng chưa thực hiện kiểm tra sau thông quan về trị giá.

6. Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá (sau đây viết tắt là Danh mục) chỉ được sử dụng để:

- Xác định dấu hiệu nghi vấn ban đầu, làm cơ sở để thực hiện tham vấn hoặc kiểm tra sau thông quan.

- Phân loại, đánh giá mức độ tin cậy của các thông tin dữ liệu có sẵn tại hệ thống GTT02 và các thông tin thu thập được sau khi quy đổi.

Không sử dụng mức giá tại Danh mục để bác bỏ trị giá khai báo hoặc xác định trị giá tính thuế.

7. Khi xác định trị giá tính thuế, phải thu thập đầy đủ các nguồn thông tin theo từng phương pháp xác định trị giá, phân tích, đánh giá mức độ tin cậy của các nguồn thông tin trên hệ thống GTT02 và các nguồn thông tin thu thập được sau khi quy đổi về trị giá tính thuế theo Quyết định 2344/QĐ-TCHQ ngày 07/8/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Chỉ sử dụng các nguồn thông tin sau khi đã được kiểm chứng có mức độ tin cậy để xác định trị giá, không sử dụng để xác định trị giá các nguồn thông tin còn đang nghi vấn, chưa xử lý, kiểm chứng hoặc mức giá tham chiếu tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu rủi ro về trị giá.

II. Công tác kiểm tra, xác định trị giá đối với một số trường hợp:

1. Kiểm tra trị giá các lô hàng nhập khẩu đối với doanh nghiệp thuộc hạng 6 hoặc hạng 7, doanh nghiệp chưa được xếp hạng doanh nghiệp tại Hệ thống Quản lý rủi ro:

Thực hiện tham vấn, bác bỏ trị giá khai báo, xác định trị giá đối với trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa có mức giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu giá thuộc hạng 6 hoặc hạng 7, doanh nghiệp chưa được xếp hạng doanh nghiệp tại Hệ thống thông tin quản lý rủi ro như hướng dẫn tại điểm 3, điểm 4, điểm 6, điểm 7 mục I công văn này.

2. Xác định trị giá đối với hàng hóa là xe ô tô nhập khẩu:

Đối với hàng hóa là xe ô tô nhập khẩu, trường hợp cơ quan hải quan bác bỏ trị giá khai báo hoặc xe ô tô nhập khẩu không có hợp đồng mua bán hoặc không có hóa đơn thương mại có mức giá khai báo không phù hợp thì căn cứ kết quả kiểm tra chi tiết hồ sơ, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa để xác định trị giá hải quan theo nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC, không chờ đến khi có kết quả đăng kiểm mới thực hiện xác định trị giá. Khi có kết quả đăng kiểm, thực hiện đối chiếu và xác định lại trị giá nếu có sự khác biệt giữa kết quả kiểm tra và kết quả đăng kiểm.

3. Cơ quan hải quan thực hiện xác định trị giá trong thông quan đối với các trường hợp nhập khẩu không có hợp đồng mua bán hoặc không có hóa đơn thương mại nhưng có mức giá khai báo không phù hợp theo đúng thẩm quyền xác định trị giá quy định tại khoản 3 Điều 3 và khoản 5 Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC không thực hiện tham vấn hoặc kiểm tra sau thông quan.

III. Thu thập các nguồn thông tin:

Việc thu thập thông tin để tham vấn, kiểm tra sau thông quan, bác bỏ trị giá khai báo, hướng dẫn doanh nghiệp khai báo bổ sung, cơ quan hải quan xác định trị giá được thực hiện theo quy định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Thông tư 38/2015/TT-BTC, Thông tư 39/2015/TT-BTC, Quyết định 2344/QĐ-TCHQ, Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ và hướng dẫn tại mục 1 dưới đây.

1. Nguồn thông tin thu thập, phương pháp quy đổi đối với các mặt hàng nhập khẩu:

1.1. Nguồn thông tin thu thập được sử dụng theo trình tự như sau:

a) Nguồn thông tin về trị giá giao dịch của hàng hóa giống hệt, tương tự do doanh nghiệp khai báo không thuộc các trường hợp nghi vấn theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 55 Quyết định 1966/QĐ-TCHQ.

b) Nguồn thông tin về trị giá của hàng hóa giống hệt, tương tự do cơ quan hải quan xác định trị giá hoặc do doanh nghiệp khai báo bổ sung theo yêu cầu của cơ quan hải quan không thuộc các trường hợp nghi vấn theo quy định điểm b khoản 2 điều 55 Quyết định 1966/QĐ-TCHQ.

Trường hợp không có hàng hóa giống hệt, tương tự thì mở rộng khái niệm hàng hóa giống hệt tương tự theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 55 Quyết định 1966/QĐ-TCHQ đối với nguồn thông tin tại tiết a, tiết b nêu trên.

c) Nguồn thông tin từ giá xuất khẩu của hàng hóa giống hệt, tương tự với hàng hóa nhập khẩu được chào bán trên mạng internet từ những trang thông tin điện tử chính hãng hoặc có liên kết với trang thông tin điện tử chính hãng, giá giao dịch trên thị trường thế giới (có cùng xuất xứ). Khi thu thập thông tin từ nguồn này, cần ưu tiên lấy các mức giá theo trình tự sau:

[...]