Công văn 896/TCT-KK năm 2014 hướng dẫn thực hiện lập dự toán Quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2014 theo Thông tư 150/2013/TT-BTC do Tổng cục Thuế ban hành
Số hiệu | 896/TCT-KK |
Ngày ban hành | 18/03/2014 |
Ngày có hiệu lực | 18/03/2014 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tổng cục Thuế |
Người ký | Trần Văn Phu |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí,Kế toán - Kiểm toán |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 896/TCT-KK |
Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2014 |
Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Thực hiện Thông tư số 150/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 29/10/2013 hướng dẫn về việc lập, quản lý và thực hiện hoàn thuế từ Quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là Thông tư 150/2013/TT-BTC), nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện Thông tư đồng bộ, hiệu quả, Tổng cục Thuế đề nghị đồng chí Cục trưởng Cục Thuế chỉ đạo các đơn vị thực hiện các công việc sau đây:
1. Tổ chức phổ biến, quán triệt đầy đủ, kịp thời mục đích, yêu cầu, nội dung của Thông tư và và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế liên quan đến công tác hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các bộ phận nghiệp vụ liên quan của Cục Thuế, Chi cục Thuế và tăng cường chỉ đạo công tác triển khai thực hiện, tổ chức kiểm tra việc thực hiện trên địa bàn.
2. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện hoàn thuế GTGT năm 2013
Trên cơ sở Báo cáo tổng hợp kết quả hoàn thuế theo mẫu số 10/QTr-HT ban hành kèm theo Quyết định số 905/QĐ-TCT ngày 01/7/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Cục Thuế thực hiện đánh giá, phân tích kết quả thực hiện hoàn thuế GTGT năm 2013 theo từng trường hợp hoàn thuế (hoàn xuất khẩu, hoàn dự án đầu tư, hoàn âm 3 tháng liên tục, hoàn ODA và khác), so sánh với kết quả thực hiện các năm trước (2012); phân tích làm rõ nguyên nhân tăng so với cùng kỳ (khách quan, chủ quan, ảnh hưởng của cơ chế chính sách, ảnh hưởng của tình hình phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn, các yếu tố đột biến đối với một số trường hợp hoàn lớn về xuất khẩu, đầu tư, âm 3 tháng liên tục…); các biện pháp, giải pháp đã triển khai thực hiện nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoàn thuế trên địa bàn; khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế. Lập và gửi báo cáo theo đề cương Báo cáo tổng kết công tác hoàn thuế GTGT năm 2013 tại Phụ lục 1 đính kèm công văn này về Tổng cục Thuế (Vụ Kê khai và Kế toán thuế) chậm nhất ngày 31/3/2014 để chuẩn bị Hội nghị tổng kết công tác hoàn thuế của ngành thuế trong thời giao tới.
3. Xây dựng dự kiến chi hoàn thuế GTGT năm 2014
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 150/TT-BTC, Tổng cục Thuế hướng dẫn việc lập dự kiến chi hoàn thuế GTGT năm 2014 và các quý năm 2014, cụ thể như sau:
3.1. Mục tiêu, yêu cầu
Việc xây dựng dự kiến chi hoàn thuế GTGT năm 2014 phải đảm bảo phù hợp với chính sách thuế, sát với tình hình thực tế phát sinh trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế và có các biện pháp ngăn chặn các hành vi gian lận về hoàn thuế GTGT nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của ngân sách nhà nước, đảm bảo tính chủ động trong việc triển khai thực hiện công tác hoàn thuế. Cụ thể:
- Dự kiến chi hoàn thuế GTGT phải căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội và khả năng phát triển sản xuất kinh doanh của người nộp thuế trên địa bàn.
- Dự kiến chi hoàn thuế GTGT phải tính đúng, tính đủ số phải hoàn phát sinh trên địa bàn và chi tiết đến từng trường hợp được hoàn thuế theo đúng quy định của các văn bản pháp luật thuế và các chế độ thu nộp ngân sách nhà nước hiện hành; đảm bảo được nguồn chi để kịp thời chi hoàn thuế cho người nộp thuế được hoàn thuế theo đúng quy định.
- Dự kiến chi hoàn thuế GTGT phải được xây dựng trên cơ sở phân tích tình hình hoàn thuế GTGT của các năm trước, dự báo khách quan, khoa học, đầy đủ các yếu tố về tăng trưởng kinh tế, sự biến động của người nộp thuế...;
- Dự kiến chi hoàn thuế GTGT phải trên cơ sở tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý hoàn thuế GTGT, ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả các hành vi gian lận về hoàn thuế GTGT.
3.2. Căn cứ lập dự kiến chi hoàn thuế GTGT năm 2014
- Số hoàn thuế GTGT trong những năm trước (2012, 2013) phân loại theo từng trường hợp hoàn thuế. Riêng các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Tây Nam bộ và Tây Nguyên đánh giá chi tiết số thuế đã hoàn năm 2012, 2013 đối với hàng hóa là sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy hải sản chưa qua chế biến quy định tại khoản 1, Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng.
- Về kinh tế: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự báo tình hình phát triển sản xuất kinh doanh của người nộp thuế trên địa bàn, trong đó các chỉ tiêu như: Tốc độ tăng trưởng GDP; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu; Tổng vốn đầu tư; Số dự án đầu tư được cấp phép mới; số doanh nghiệp đã, đang và sẽ đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh,... trên địa bàn;
- Về chính sách: Dự kiến chi hoàn thuế GTGT được xây dựng căn cứ theo các quy định của chính sách, pháp luật hiện hành và đánh giá, dự kiến tác động của các chính sách mới được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực trong năm 2014 có ảnh hưởng đến số hoàn thuế GTGT trên địa bàn;
- Về công tác quản lý: Dự toán chi hoàn thuế GTGT được xây dựng trên cơ sở phải đánh giá đầy đủ việc tăng cường công tác quản lý thuế, trong đó tập trung đẩy mạnh quản lý, nâng cao chất lượng công tác hoàn thuế GTGT, các biện pháp về quản lý thuế nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận trong hoàn thuế GTGT...
3.3. Mẫu biểu và thời hạn gửi dự kiến chi hoàn thuế GTGT năm 2014 và phân bổ quý:
- Các phòng Kiểm tra thuế Chi cục Thuế phải nộp danh sách các doanh nghiệp thuộc diện sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, có dự án đầu tư thuộc diện được hoàn thuế GTGT trên địa bàn để thường xuyên theo dõi, chủ động trong công tác quản lý hoàn thuế GTGT; thực hiện đánh giá tình hình hoàn thuế GTGT, tình hình kê khai thuế GTGT đầu vào được khấu trừ năm 2013 và các năm trước; dự báo quy mô sản xuất kinh doanh, quy mô đầu tư của cơ sở kinh doanh năm 2014; các thay đổi về cơ chế, chính sách liên quan đến hoàn thuế GTGT năm 2014 để dự kiến số thuế GTGT phải hoàn năm 2014 cho các cơ sở kinh doanh này.
- Cục Thuế thực hiện tổng hợp thông tin phân tích và dự kiến số tiền phải hoàn thuế GTGT phát sinh năm 2014 (tách riêng số tiền đã hoàn, phải hoàn cho các trường hợp hoàn thuế theo pháp luật thuế GTGT năm 2013 trở về trước); căn cứ tình hình sản xuất kinh doanh của các quý, yếu tố mùa vụ của hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đầu tư... trên địa bàn để dự kiến phân bổ số tiền chi hoàn thuế GTGT cho quý còn lại của năm 2014 (quý 2, 3, 4 năm 2014) theo mẫu tại Phụ lục 2a đính kèm công văn này.
Cục Thuế gửi văn bản (thuyết minh rõ các căn cứ lập dự kiến chi hoàn thuế GTGT năm 2014 nêu tại mục 3 công văn này) và biểu Dự kiến chi hoàn thuế GTGT năm 2014 về Tổng cục Thuế chậm nhất ngày 24/3/2014 để kịp thời thực hiện phân bổ dự toán Quỹ hoàn thuế GTGT năm 2014 và phân bổ hạn mức hoàn thuế GTGT quý 2/2014 cho từng Cục Thuế.
- Hàng quý, Cục Thuế báo cáo tình hình thực hiện hoàn thuế theo hạn mức quý trước và dự kiến hoàn quý sau theo mẫu tại Phụ lục 2b đính kèm công văn này gửi về Tổng cục Thuế chậm nhất ngày 20 tháng cuối quý để có cơ sở điều chỉnh hạn mức sẽ cấp cho quý sau (nếu có). Riêng báo cáo Quý 1/2014 thời hạn lập và gửi chậm nhất ngày 24/3/2014 để kịp thời thực hiện cấp hạn mức Quý 2/2014 cho từng Cục Thuế.
4. Quản lý hạn mức chi hoàn thuế GTGT
Cục trưởng Cục Thuế căn cứ hạn mức chi hoàn thuế GTGT được cấp để thực hiện hoàn thuế theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư 150/2013/TT-BTC và đảm bảo đúng pháp luật về thuế GTGT, pháp luật về quản lý thuế, các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về công tác hoàn thuế và các quy trình quản lý thuế của Tổng cục Thuế.
- Trường hợp hạn mức chi hoàn thuế GTGT quý không đủ để chi, Cục Thuế báo cáo kịp thời về Tổng cục Thuế bằng văn bản, trong đó, nêu rõ: số hồ sơ đã ra Quyết định hoàn thuế quý trước nhưng sử dụng hạn mức Quý này để thực hiện chi hoàn thuế; số hồ sơ đã tiếp nhận, giải quyết hoàn thuế phát sinh trong quý (theo từng trường hợp hoàn thuế, phân loại theo hoàn trước kiểm tra sau/ kiểm tra trước khi hoàn thuế); số hồ sơ dự kiến phát sinh cuối quý trên cơ sở tờ khai của NNT đã dừng khấu trừ và đề nghị hoàn thuế; lý do đề nghị bổ sung hạn mức; số tiền đề nghị bổ sung hạn mức quý…
Thời hạn gửi văn bản đề nghị bổ sung hạn mức quý và bản dự kiến bổ sung (theo mẫu tại Phụ lục 3 đính kèm công văn này) chậm nhất trước ngày 10 tháng cuối quý. Sau thời hạn nêu trên, Tổng cục Thuế không giải quyết đề nghị bổ sung hạn mức của Cục Thuế.
Hạn mức hoàn thuế quý đã được cấp nhưng chưa chi hết được tự động chuyển sang quý sau để chi tiếp (trừ quý cuối năm).