Công văn 8474/BCT-CTĐP năm 2019 về tổng kết Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 và xây dựng Chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025 do Bộ Công thương ban hành
Số hiệu | 8474/BCT-CTĐP |
Ngày ban hành | 07/11/2019 |
Ngày có hiệu lực | 07/11/2019 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Công thương |
Người ký | Cao Quốc Hưng |
Lĩnh vực | Thương mại |
BỘ
CÔNG THƯƠNG |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8474/BCT-CTĐP |
Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2019 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 23 tháng 10 năm 2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 9662/VPCP-CN về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đối với báo cáo của Bộ Công Thương sơ kết thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, khắc phục những tồn tại trong thời gian qua, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình trong năm 2020 và xây dựng chương trình khuyến công giai đoạn tới, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương một số nội dung sau:
1. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc đánh giá, báo cáo, tổng kết Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2020.
2. Tiếp tục bố trí kế hoạch vốn từ ngân sách địa phương và huy động, lồng ghép các nguồn lực hợp pháp để tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công tại địa phương theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình khuyến công địa phương. Đánh giá tổng kết Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn đến năm 2020; đồng thời chủ động nghiên cứu, xây dựng Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và ban hành các văn bản theo hướng tích hợp các nội dung quy định về khuyến công trong cùng một văn bản để các tổ chức, cá nhân dễ áp dụng, thực hiện.
3. Thực hiện việc phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành và UBND cấp huyện đối với hoạt động khuyến công trên địa bàn; trong đó xác định rõ vai trò của Sở Công Thương là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương;
4. Tiếp tục quan tâm xây dựng, kiện toàn tổ chức khuyến công trên địa bàn; đầu tư nâng cấp trụ sở, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của Trung tâm Khuyến công cấp tỉnh theo hướng chuyên nghiệp nhằm triển khai các hoạt động khuyến công đạt hiệu quả cao.
5. Định hướng, chỉ đạo Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công cấp tỉnh đổi mới cách thức xây dựng kế hoạch, đề án khuyến công theo hướng:
- Bám sát kế hoạch, chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại địa phương; phát huy lợi thế so sánh và khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực sẵn có về tài nguyên, nguyên liệu, thị trường và lao động của địa phương. Quan tâm chỉ đạo chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm.
- Nâng cao chất lượng việc khảo sát, lựa chọn, xây dựng kế hoạch, đề án khuyến công, đảm bảo đúng quy định và phát huy hiệu quả cao nhất; xây dựng được các đề án khuyến công quốc gia điểm, nhóm; tập trung hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm, ưu tiên của địa phương, tạo nhiều việc làm; ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, nâng cao tỷ lệ đóng góp của khoa học công nghệ vào giá trị gia tăng của sản phẩm; hình thành các cụm liên kết chuỗi ngành, xây dựng các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tàu, có tính dẫn dắt tại địa phương.
Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các nội dung trên. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị có ý kiến bằng văn bản gửi về Bộ Công Thương (qua Cục Công Thương địa phương) để phối hợp giải quyết./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |