Công văn 823/BGDĐT-KHCNMT năm 2023 hướng dẫn đề xuất đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 823/BGDĐT-KHCNMT
Ngày ban hành 02/03/2023
Ngày có hiệu lực 02/03/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Văn Phúc
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 823/BGDĐT-KHCNMT
V/v hướng dẫn đề xuất đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ năm 2024

Hà Nội, ngày 02 tháng 3 năm 2023

 

Kính gửi:

Các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng, viện nghiên cứu trực thuộc Bộ

Năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương thực hiện tối đa 400 đề tài cấp bộ, gồm 340 đề tài giao theo các tiêu chí về tiềm lực khoa học và công nghệ (KHCN) của các đơn vị và 60 đề tài nghiên cứu về khoa học giáo dục được tuyển chọn rộng rãi trong các đơn vị trực thuộc Bộ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Bộ đề xuất đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ năm 2024 (đề tài cấp bộ) như sau:

I. ĐỀ XUẤT ĐỀ TÀI CẤP BỘ GIAO THEO TIỀM LỰC KHCN

1. Số lượng đề xuất đề tài

Các đơn vị xem xét, lựa chọn và gửi về Bộ số đề xuất đề tài tối đa bằng số đề tài được giao tại Quyết định số 620/QĐ-BGDĐT ngày 01/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giao số lượng đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ năm 2024 để Bộ xác định, đặt hàng và giao tuyển chọn thực hiện (Quyết định số 620/QĐ-BGDĐT ngày 01/3/2023 và file tổng hợp phân giao đề tài gửi kèm qua thư điện tử).

2. Yêu cầu lựa chọn đề xuất đề tài

Các đơn vị chú ý cân đối đề xuất đề tài theo các lĩnh vực khoa học và tiềm lực khoa học của đơn vị, gồm:

- Đề xuất đề tài thực hiện các chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Chương trình phát triển Vật lý, Chương trình 562 (Hóa học, Khoa học Sự sống, Khoa học Trái đất và Khoa học Biển), đề xuất đề tài thuộc lĩnh vực Toán học (nhưng không đề xuất thực hiện Chương trình Phát triển Toán học - được xem xét riêng).

- Đề xuất đề tài cấp bộ thông thường, nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, xã hội, nhân văn và giáo dục.

- Các đề xuất đề tài định hướng ứng dụng hoặc có sản phẩm ứng dụng chuyển giao công nghệ, có khả năng thương mại hóa.

- Đề xuất đề tài phải rõ sản phẩm đầu ra là các bài báo khoa học (WoS, Scopus, ACI, tạp chí uy tín trong nước, ...), sáng chế, giải pháp hữu ích, tài sản trí tuệ khác và các sản phẩm có thể định lượng được.

- Có đào tạo thạc sĩ và tham gia đào tạo nghiên cứu sinh (nếu có).

- Đảm bảo không trùng lắp với các nghiên cứu đã và đang thực hiện.

- Đơn vị phải xem xét, đánh giá kỹ sư cần thiết, tính khả thi.

- Cần tham khảo kinh phí - sản phẩm của các đề tài cấp bộ đã được phê duyệt năm 2022, năm 2023 để dự kiến sản phẩm và kinh phí sao cho phù hợp và khả thi (các Quyết định phê duyệt đề tài cấp bộ năm 2022, 2023 gửi kèm qua thư điện tử).

- Đề xuất lập theo Mẫu 1 Phụ lục Thông tư số 11/2016/TT-BGDĐT ngày 11/4/2016.

II. ĐỀ XUẤT ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU VỀ KHOA HỌC GIÁO DỤC

1. Số lượng đề xuất đề tài

Mỗi đơn vị xem xét, lựa chọn tối đa 10 đề xuất đề tài nghiên cứu về khoa học giáo dục, gửi về Bộ để xác định, đặt hàng và tuyển chọn rộng rãi.

2. Yêu cầu lựa chọn đề xuất đề tài

- Không trùng với đề xuất đề tài theo mục I trên đây.

- Đáp ứng các yêu cầu chung đối với đề xuất đề tài cấp bộ.

- Đề xuất sản phẩm rõ ràng, có giá trị khoa học và khả năng ứng dụng trong thực tế giáo dục Việt Nam, khuyến khích các sản phẩm là sách và công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế.

- Thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục.

- Đề xuất lập theo Mẫu 1 Phụ lục Thông tư số 11/2016/TT-BGDĐT ngày 11/4/2016.

Chú ý: Đối với đề tài cấp bộ năm 2024 về khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ưu tiên đầu tư kinh phí (dự kiến khoảng 400 triệu đồng/đề tài) nhằm giải quyết những vấn đề trọng tâm, khắc phục những bất cập trong thực tiễn phát triển giáo dục Việt Nam.

III. GIỚI THIỆU CHUYÊN GIA

[...]