Kính gửi: Bộ Giao
thông vận tải.
Ngày 24/02/2019 tại Thủ đô Viêng Chăn,
nước Cộng hòa dân chủ nhân dân
Lào, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã ký Thỏa thuận giữa Chính
phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc
xây dựng và khai thác tuyến đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn, nhân chuyến thăm
chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới Lào từ ngày
24-25/02/2019.
Căn cứ Điều 9 và Điều
10 Quyết định số 36/2018/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2018 về Quy định thủ tục
ký kết, thực hiện thỏa thuận nhân danh Chính phủ và kiến nghị Chủ tịch nước
quyết định ký kết thỏa thuận nhân danh Nhà nước không phải là điều ước quốc tế,
cơ quan đề xuất có trách nhiệm lưu trữ bản gốc và tổ chức thực hiện.
Bộ Ngoại giao xin chuyển tới Quý Bộ bản
gốc Thỏa thuận nêu trên. Đồng thời
đề nghị đầu mối của Quý Bộ thông báo cho Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ
Ngoại giao xác nhận đã nhận bản gốc của văn bản nêu trên (qua số điện thoại 37995811 hoặc
email theo địa chỉ: treaty.mofavn@gmail.com).
Bộ Ngoại giao trân trọng cảm ơn sự hợp
tác của Quý Bộ./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Lê Hoài Trung (để b/c);
- Lưu: HC, LPQT, ĐƯQT(A.Hong).
|
TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP
VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Lê Thị Tuyết Mai
|
THỎA
THUẬN
GIỮA
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA
DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO VỀ VIỆC XÂY DỰNG VÀ KHAI THÁC TUYẾN ĐƯỜNG SẮT VŨNG ÁNG -
VIÊNG CHĂN
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (sau
đây gọi tắt là "hai Bên" và gọi riêng là "Bên Việt Nam" và “Bên Lào”);
Căn cứ Nghị định thư về đường biên giới
và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ký ngày 16/3/2016 (sau đây gọi tắt là "Nghị
định thư về đường biên giới và mốc quốc giới năm 2016");
Căn cứ Hiệp định về Quy chế quản lý
biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ký ngày
16/3/2016 (sau đây gọi tắt là "Hiệp
định Quy chế biên giới
năm 2016");
Nhằm thúc đẩy phát triển quan hệ kinh
tế thương mại giữa Việt Nam và Lào, đáp ứng nhu cầu qua lại của người và hàng hóa ngày
càng tăng giữa hai nước, trên
nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi phù hợp với luật pháp mỗi nước;
Cùng thỏa thuận như sau:
Điều
1
Hướng
tuyến
1. Tuyến đường sắt kết nối từ Vũng Áng
(Việt Nam) đến Viêng Chăn (Lào) có tổng chiều dài khoảng 555km, đi qua địa phận các tỉnh/thành
phố: Tỉnh Hà Tĩnh, Tỉnh Quảng Bình (nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Tỉnh Khăm Muộn, Tỉnh Bo Li Khăm Xay, Thành phố
Viêng Chăn (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào).
2. Hai Bên thống nhất xác định hướng
tuyến đường sắt kết nối từ Vũng Áng (Việt Nam)
đến Viêng Chăn (Lào) theo hướng đi qua khu vực biên giới hai nước tại vị
trí hầm đường sắt gần
cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ Cha
Lo (tỉnh Quảng Bình, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)/Na Phậu (tỉnh Khăm Muộn, nước
Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào).
3. Hướng tuyến tối ưu:
a) Thuộc địa phận Việt Nam tuyến bắt đầu
từ cảng Vũng Áng
chạy
song song về phía bên phải Quốc lộ 12C, đến điểm giao với Quốc lộ 1, chạy song
song phía bên phải Quốc lộ 1 qua trung tâm Thị xã Kỳ Anh - tỉnh Hà Tĩnh,
tuyến rẽ trái chạy
về phía bên phải theo hướng Quốc lộ 12C đến Đồng Lê, tuyến tiếp tục đi dọc Quốc
lộ 12C qua các xã Hồng Hóa, Hóa Phúc, Hóa Tiến thuộc địa phận huyện Minh Hóa; đến
khu vực ngã ba Khe Ve tuyến tiếp tục đi dọc Quốc lộ 12A đến khu vực Mụ Giạ, Pa
Choong và kết thúc tại cửa khẩu Cha Lo biên giới Việt Nam - Lào;
b) Thuộc địa phận Lào tuyến bắt
đầu từ Thủ đô Viêng Chăn,
chạy song song với đường Quốc lộ 13 Nam qua tỉnh Bo Li Khăm Xay đến xã Thà Khẹc,
tỉnh Khăm Muộn, tuyến rẽ trái đi
song song với đường Quốc lộ 12 đến cửa khẩu Na Phậu biên giới Lào - Việt Nam;
c) Hướng tuyến chi tiết sẽ được xác định
cụ thể tại bước thiết kế kỹ thuật Dự án trên cơ sở bám sát hướng tuyến
tối ưu lựa chọn tại bước Nghiên cứu khả thi (F/S) được phê duyệt.
Điều
2
Điểm
nối ray tuyến đường sắt kết nối hai nước
1. Hai Bên xác định điểm nối ray là
giao điểm giữa tim đường sắt với đường
biên giới quốc gia Việt Nam - Lào, tại khu vực cửa khẩu quốc tế đường bộ Cha Lo
(tỉnh Quảng Bình/Việt
Nam) và Na Phậu (tỉnh Khăm Muộn/Lào). Tọa độ điểm nối ray sẽ được cơ quan chức
năng hai Bên xác định tại thực địa và lập thành Phụ lục kèm theo Thỏa thuận
này.
2. Thông tin chi tiết liên quan đến điểm
nối ray tuyến đường sắt kết nối hai nước bao gồm:
a) Vị trí của tuyến đường
sắt trong phạm vi giữa hai ga biên giới bao gồm:
Bình diện (có các yếu tố đường cong, tọa
độ vị trí đỉnh đường
cong);
Trắc dọc (có ghi cao độ vai đường, cao
độ đỉnh ray, độ dốc dọc);
b) Tọa độ vị trí điểm nối ray;
c) Công trình hầm đường sắt tại khu vực
điểm nối ray (bao gồm chiều dài, lý trình điểm đầu hầm, lý trình điểm cuối hầm,
lý trình điểm nối ray theo lý
trình tuyến đường sắt);
d) Các công trình đường sắt khác có
liên quan (đường, cầu, cống, hầm, kè,
tường chắn, ga, đề-pô, hệ thống thoát nước, hệ thống thông tin, tín hiệu, hệ thống báo hiệu
cố định, hệ thống cấp điện và các công trình, thiết bị phụ trợ khác của đường sắt) trong phạm
vi giữa hai ga biên giới.
đ) Phạm vi hành lang an toàn giao
thông đường sắt;
e) Các mốc tọa độ, mốc cao độ của
tuyến đường sắt trong
phạm vi giữa hai ga biên giới;
g) Các tiêu chuẩn kỹ thuật chủ yếu (cấp đường,
tốc độ thiết kế, tải trọng
thiết kế, khổ giới hạn, kiến
trúc tầng trên đường sắt);
h) Vị trí đặt ga biên giới thuộc địa
phận Việt Nam và ga biên giới thuộc địa phận Lào;
i) Các thông tin khác theo yêu cầu của
Bên kia.
3. Hai Bên thống nhất sử dụng
tọa độ địa lý trong hệ tọa độ toàn cầu năm 1984 (hệ tọa độ WGS-84); hệ độ cao
Hòn Dấu, Hải Phòng (Việt Nam) được tính theo mô hình trường trọng lực toàn cầu
năm 1996 (EGM-96) để mô tả vị trí của
điểm nối ray tuyến đường sắt kết nối giữa hai nước.
Tọa độ vuông góc phẳng của vị trí điểm
nối ray tuyến đường sắt kết nối giữa hai nước được tính toán, chuyển đổi từ tọa
độ địa lý của nó thông qua phép chiếu UTM (WGS-84), múi chiếu 6°, kinh tuyến
trung ương 105° kinh độ Đông.
4. Sau khi đoạn đường sắt kết nối giữa
hai nước được xây dựng, hai Bên sẽ cùng nhau thiết lập một Nhóm công tác chung
để xác định chính xác tọa độ vị trí điểm nối ray tuyến đường sắt kết nối giữa hai nước.
Điều
3
Công
tác nghiên cứu khả thi - đầu tư xây dựng dự án
1. Trên cơ sở Nghiên cứu khả thi (F/S)
tuyến đường sắt kết nối từ Vũng Áng (Việt Nam) đến Viêng Chăn (Lào) do Cơ quan
hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ, hai Bên thống nhất sẽ hoàn thiện
Nghiên cứu khả thi đoạn tuyến đường sắt thuộc địa phận của mình theo quy định của
pháp luật mỗi nước để xem xét quyết định, trên cơ sở đó cung cấp cho nhau Báo
cáo Nghiên cứu khả thi dự án được phê duyệt vì mục đích phát triển một dự
án hợp nhất theo kế hoạch
chung và dự kiến phân kỳ đầu tư như sau:
a) Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng đoạn
tuyến đường sắt từ Vũng Áng - Thà Khẹc, có chiều dài khoảng
242km (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam dài
khoảng 103km; đoạn trên lãnh thổ Lào dài khoảng 139km).
b) Giai đoạn 2: Đầu tư xây dựng đoạn
tuyến đường sắt từ Thà Khẹc - Viêng Chăn, có chiều dài khoảng
313km (thuộc lãnh thổ Lào).
2. Để làm căn cứ cho việc nghiên cứu
và lập kế hoạch đầu tư xây dựng, hai Bên cam kết mỗi Bên chịu
trách nhiệm đầu tư xây dựng đoạn tuyến đường sắt thuộc địa phận của
mình thông qua nhiều hình thức và nguồn vốn đầu tư, bao gồm cả nguồn vốn Nhà nước,
tư nhân của mỗi Bên, vốn vay ưu đãi ODA và các nguồn vốn
khác theo quy định của pháp luật mỗi nước. Để đảm bảo tuyến đường sắt được xây dựng
đồng bộ và khai
thác hiệu quả, hai Bên thống nhất trao đổi thông tin về kế hoạch và tiến độ đầu
tư, xây dựng công trình trên đoạn tuyến đường sắt thuộc địa phận của mình.
3. Riêng đối với phần công trình hầm
đường sắt qua biên giới hai nước, mỗi Bên có trách nhiệm đầu tư xây dựng đối với
phần công trình hầm trên địa phận của mình.
4. Các công trình xây dựng phục vụ tuyến
đường sắt kết nối giữa hai nước trong khu vực biên giới phải thực hiện theo Hiệp định Quy
chế biên giới năm 2016, bảo đảm không được gây ảnh hưởng đến đường biên giới, mốc
quốc giới và các dấu hiệu nhận biết đường biên giới.
5. Hai Bên thống nhất dùng đồng
bộ một loại hệ thống
báo hiệu, hệ thống thông tin, tín hiệu theo tiêu chuẩn kỹ thuật chung của Dự án
bảo đảm hoạt động đồng bộ, an
toàn trong quá trình vận hành, khai thác.
Điều
4
Mở
cửa khẩu quốc tế đường sắt tại khu vực biên giới giữa hai nước
1. Hai Bên thống nhất sẽ xây dựng
riêng ga biên giới trên lãnh thổ của nước mình theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật được
phê duyệt và mở cửa khẩu quốc
tế tại ga biên giới này để tiếp nhận
đoàn tàu của Bên kia, thực hiện các tác nghiệp kỹ thuật chạy tàu và thông quan hàng
hóa, hành khách.
2. Hai Bên thống nhất kiểm soát và triển
khai thực hiện thủ tục Hải quan, Kiểm dịch và Biên phòng cho hành khách và hàng
hóa vận chuyển bằng đường sắt qua biên giới hai nước bảo đảm thông thoáng, thuận
tiện, đơn giản hóa thủ tục
hành chính theo đúng quy định của pháp luật mỗi nước.
3. Hai Bên thống nhất sẽ trao đổi thông tin,
tham vấn lẫn nhau trong quá trình thiết kế, xây dựng ga biên giới và mở cửa khẩu quốc
tế tại ga biên giới.
4. Việc mở và quản lý cửa khẩu phải tuân
thủ Hiệp định Quy chế biên giới năm 2016 và các quy định nội luật liên quan của
mỗi Bên.
Điều
5
Quản
lý, bảo trì và khai thác tuyến đường sắt
1. Trong quá trình thực hiện đầu tư
tuyến đường sắt kết nối từ Vũng Áng (Việt Nam) đến Viêng Chăn (Lào), hai Bên thống
nhất sẽ đàm phán và ký Hiệp định vận
tải đường sắt giữa hai nước Việt Nam và Lào phù hợp với quy định pháp luật của
hai nước. Hai Bên thống nhất duy trì và phát triển tuyến đường sắt
liên vận quốc tế này bảo đảm
hoạt động giao thông vận tải đường sắt qua lại hai nước thông suốt, trật tự,
an toàn, hiệu quả; phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, phát triển kinh tế - xã hội, bảo
đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường của mỗi nước.
2. Ranh giới quản lý tuyến đường sắt
và hầm đường sắt là mặt cắt thẳng đứng theo đường biên giới qua các công trình
này. Mỗi Bên có trách nhiệm tự quản lý, bảo trì, bảo vệ tài sản, kết cấu hạ tầng đường sắt
thuộc lãnh thổ Bên mình.
3. Hai Bên cam kết bảo đảm sử
dụng an toàn, bình thường; bảo trì, sửa chữa, cải tạo tuyến đường sắt, hầm đường sắt và
các công trình liên quan khác để không làm ảnh hưởng đến hoạt động đường sắt của
mỗi Bên.
Điều
6
Cơ
quan đầu mối thực hiện Thỏa thuận
Bộ Giao thông vận tải thay mặt Bên Việt
Nam; Bộ Công chính và Vận tải thay mặt Bên Lào là các cơ quan đầu mối thực hiện
Thỏa thuận, thường xuyên trao đổi thông tin, đôn đốc và triển khai thực hiện các nội dung
của Thỏa thuận này.
Điều
7
Quan
hệ của Thỏa thuận này với các điều ước quốc tế về biên giới, lãnh thổ
Trong quá trình thực hiện Thỏa thuận
này nếu có vấn đề liên quan đến biên giới và lãnh thổ phải thực hiện theo Nghị định
thư về đường biên giới và mốc quốc giới năm 2016 và Hiệp định Quy chế biên giới
năm 2016.
Thỏa thuận này không tạo ra quyền và
nghĩa vụ pháp lý cho các Bên theo luật pháp quốc tế.
Điều
8
Giải
quyết tranh chấp
Mọi tranh chấp phát sinh liên quan đến
việc giải thích hoặc áp dụng Thỏa thuận này được giải quyết thông qua thương lượng
hòa bình và hai Bên
cùng thống nhất.
Điều
9
Bổ
sung, sửa đổi Thỏa thuận
Thỏa thuận này có thể được sửa đổi, bổ
sung theo thỏa thuận của hai Bên. Nội dung sửa đổi, bổ sung có hiệu lực kể từ
ngày ký và là bộ phận không thể tách rời của Thỏa thuận này.
Điều
10
Hiệu
lực thi hành
Thỏa thuận này có hiệu lực kể từ ngày
ký và tiếp tục
giữ nguyên hiệu lực trừ khi một trong hai Bên tham gia thông báo bằng văn bản
qua kênh ngoại giao cho Bên kia ý định chấm dứt hoặc tạm ngừng hiệu lực
ít nhất là trước sáu (06)
tháng.
Thỏa thuận này được ký kết tại Viêng
Chăn ngày 24 tháng 02 năm 2019, thành hai (02) bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng
Lào, các văn bản đều có giá trị
như nhau, mỗi Bên giữ một (01) bản./.
THAY MẶT
CHÍNH
PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA
XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Nguyễn Văn Thể
BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
|
THAY MẶT
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA
DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO
Bounchanh SINTHAVONG
BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG CHÍNH VÀ VẬN TẢI
|