Công văn 8054/TCHQ-TXNK năm 2020 về xử lý thuế doanh nghiệp bỏ trốn, không nộp báo cáo quyết toán do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 8054/TCHQ-TXNK
Ngày ban hành 24/12/2020
Ngày có hiệu lực 24/12/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Trần Bằng Toàn
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8054/TCHQ-TXNK
V/v xử lý thuế DN bỏ trốn, không nộp báo cáo quyết toán

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2020

 

Kính gửi: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh.

Tổng cục Hải quan nhận được các công văn số 3059/HQHCM-TXNK ngày 20/10/2020, công văn số 2870/HQHCM-TXNK ngày 05/10/2020 của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh báo cáo vướng mắc trong việc xử lý thuế đối với doanh nghiệp bỏ trốn, không nộp báo cáo quyết toán. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về việc xác định số tiền thuế doanh nghiệp phải nộp

a) Đối với trường hợp không thông báo cơ sở sản xuất khi thay đổi địa điểm (công văn số 3059/HQHCM-TXNK)

Căn cứ khoản 6, khoản 7 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu;

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế: b) Người nộp thuế hoặc tổ chức, cá nhân nhận gia công lại cho người nộp thuế có cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam và thực hiện thông báo cơ sở gia công, sản xuất theo quy định của pháp luật về hải quan và thông báo hợp đồng gia công cho cơ quan hải quan.

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế: a) Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa xuất khẩu có cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam; có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu và thực hiện thông báo cơ sở sản xuất theo quy định của pháp luật về hải quan;

Căn cứ khoản 1 Điều 36 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định: Trước khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng nguyên liệu, vật tư đầu tiên để thực hiện gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, tổ chức, cá nhân thông báo cơ sở sản xuất cho cơ quan hải quan;

Căn cứ điểm a.2 khoản 1 Điều 56 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 (sửa đổi, bổ sung tại khoản 36 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018) của Bộ Tài chính quy định: Trường hợp thông tin về cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đã thông báo có sự thay đổi thì tổ chức cá nhân phải thông báo bổ sung thông tin thay đổi cho Chi cục Hải quan quản lý thông qua Hệ thống theo mẫu số 20 Phụ lục II hoặc theo mẫu số 12/TB-CSSX/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thay đổi;

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp thay đổi cơ sở gia công sản xuất nhưng không thông báo cho cơ quan hải quan sau đó bỏ địa chỉ kinh doanh thì nguyên liệu, vật tư nhập khẩu kể từ ngày phát sinh thay đổi không đáp ứng cơ sở miễn thuế quy định tại Điều 10, Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, Điều 36 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Điều 56 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung tại khoản 36 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC).

Về chế tài đối với việc không thông báo hoặc thông báo quá 03 ngày kể từ ngày có sự thay đổi cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016) quy định một số hành vi và chế tài như sau: Theo quy định tại tiết đ điểm 3 khoản 3 Điều 1 Nghị định số 45/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 6 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP) quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: đ) Không thông báo cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu; nơi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm xuất khẩu đúng thời hạn quy định;

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh căn cứ hồ sơ vụ việc để thực hiện ấn định thuế đối với lượng nguyên liệu, vật tư không đáp ứng cơ sở miễn thuế và xử lý vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.

b) Đối với trường hợp không có định mức thực tế (công văn số 2870/HQHCM-TXNK)

Theo hướng dẫn tại điểm 1 công văn số 7420/TCHQ-TXNK ngày 28/11/2019 của Tổng cục Hải quan thì: Cơ quan hải quan căn cứ hồ sơ, tài liệu, dữ liệu lưu trữ tại cơ quan hải quan, định mức sản xuất đối với một số hàng hóa tương tự của doanh nghiệp khác để xác định lượng nguyên liệu, vật tư mà doanh nghiệp (trước khi bỏ trốn) đã sử dụng để sản xuất sản phẩm đã xuất khẩu, trên cơ sở đó, tính toán lượng nguyên liệu, vật tư đã nhập khẩu nhưng không đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Trường hợp không tìm được mặt hàng tương tự của doanh nghiệp khác thì không đủ cơ sở để xác định lượng nguyên liệu, vật tư mà doanh nghiệp (trước khi bỏ trốn) đã sử dụng để sản xuất sản phẩm đã xuất khẩu.

Như vậy, trường hợp Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh không có cơ sở tính toán xác định lượng nguyên liệu, vật tư mà doanh nghiệp (trước khi bỏ trốn) đã sử dụng để sản xuất sản phẩm xuất khẩu (nhưng chưa quyết toán) thì toàn bộ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu cấu thành trong sản phẩm xuất khẩu mà doanh nghiệp không nộp báo cáo quyết toán sẽ không đủ điều kiện miễn thuế nhập khẩu. Do đó, đề nghị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh căn cứ công văn số 7420/TCHQ-TXNK nêu trên để thực hiện.

2. Về việc xử lý thuế (công văn số 3059/HQHCM-TXNK và công văn số 2870/HQHCM-TXNK)

Căn cứ điểm b.2 khoản 4 Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 (sửa đổi, bổ sung tại khoản 39 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018) của Bộ Tài chính quy định về xử lý quá hạn nộp báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hóa xuất khẩu: Đối với tổ chức, cá nhân bỏ trốn, mất tích mà cơ quan hải quan không có định mức thực tế để xác định số tiền thuế thì sử dụng định mức thực tế đối với hàng hóa tương tự của tổ chức, cá nhân khác. Sau khi xác định được số tiền thuế thì hoàn thiện hồ sơ và chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền điều tra về tội buôn lậu, trốn thuế theo quy định của Bộ Luật hình sự.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn không nộp báo cáo quyết toán cơ quan hải quan thực hiện xác định số tiền thuế doanh nghiệp phải nộp; sau đó lập phụ lục kèm hồ sơ chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý theo hướng dẫn tại điểm 3 công văn số 7420/TCHQ-TXNK ngày 28/11/2019.

Trường hợp sau khi cơ quan có thẩm quyền điều tra xác định vụ việc không có dấu hiệu của tội buôn lậu, trốn thuế, cơ quan hải quan thực hiện:

- Kiểm tra hồ sơ xuất nhập khẩu, chứng từ, sổ sách kế toán của doanh nghiệp (nếu còn điều kiện), đối chiếu quy định tại Điều 52 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, Điều 17 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, trường hợp đủ cơ sở thì thực hiện ấn định thuế.

- Trên cơ sở quyết định ấn định thuế để thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Trường hợp không thi hành được quyết định ấn định thuế và quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì thực hiện xác minh thông tin các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định.

- Căn cứ Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14, Điều 83 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 và hồ sơ thực tế vụ việc để xác định thời điểm phát sinh các trường hợp được xử lý nợ hoặc các trường hợp khoanh nợ thuế để thực hiện các thủ tục theo quy định (nếu có).

3. Về đề xuất của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tại công văn số 3059/HQHCM-TXNK ngày 20/10/2020

Về kiến nghị của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh liên quan đến việc doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu để trốn thuế, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tổng hợp, báo cáo các vụ việc cụ thể, có phân tích những bất cập, kèm đề xuất biện pháp xử lý đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu.

Tổng cục Hải quan có ý kiến để Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTCT. Lưu Mạnh Tưởng (để b/c);
- Cục GSQL (để theo dõi);
- Lưu: VT, TXNK-H.Linh (3b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ XNK
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Bằng Toàn

 

[...]