Công văn 7956/BYT-VPB1 năm 2023 trả lời kiến nghị cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 7956/BYT-VPB1
Ngày ban hành 12/12/2023
Ngày có hiệu lực 12/12/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Đào Hồng Lan
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7956/BYT-VPB1
V/v trả lời kiến nghị cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2023

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai

Bộ Y tế nhận được Công văn số 1611/BDN ngày 21 tháng 11 năm 2023 của Ban Dân nguyện về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trong đó cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị “Việt Nam đang là một trong số nhiều quốc gia đang mất cân bằng giới tính. Theo thống kê, tỷ lệ 112,1 bé trai/100 bé gái. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ. Việc này, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân, gia đình mà còn để lại những hệ lụy không tốt, tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước. Đề nghị nghiên cứu xây dựng ban hành “Chương trình mục tiêu Quốc gia về chính sách dân số” để cân bằng giới và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.

Sau khi nghiên cứu nội dung kiến nghị và rà soát các văn bản liên quan, Bộ Y tế xin trả lời như sau:

1. Trong những năm qua, Bộ Y tế đã tích cực triển khai và hướng dẫn địa phương thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (TSGTKS) giai đoạn 2016-2025 (sau đây gọi là Đề án); trong đó có các giải pháp, cụ thể: (1) Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; (2) Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ; (3) Nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; (4) Hợp tác quốc tế: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tích cực tranh thủ sự giúp đỡ về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện Đề án. Phát huy kết quả đạt được và hạn chế những tồn tại trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án giai đoạn 1, các can thiệp giảm mất cân bằng giới tính khi sinh được phân vùng theo 3 nhóm tỉnh:

- Nhóm 3 (là các tỉnh, thành phố có TSGTKS dưới mức 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống): triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chung của Đề án.

- Nhóm 2 (là các tỉnh, thành phố có TSGTKS dưới mức 109-112 bé trai/100 bé gái sinh ra sống): triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như nhóm 3 và tăng cường rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh theo Thông tư 01/2021/TT-BYT ngày 25/01/2021 của Bộ Y tế.

- Nhóm 1 (là các tỉnh, thành phố có TSGTKS trên 112 bé trai/100 bé gái sinh ra sống): cùng với việc triển khai đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp như nhóm 2 và tăng cường tổ chức chiến dịch, hoạt động vận động tại cộng đồng, tại địa bàn trọng điểm.

Theo báo cáo thống kê, tỷ số giới tính khi sinh của nước ta năm 2006 là 109,8 bé trai/100 bé gái sinh ra sống - vượt ngưỡng cân bằng tự nhiên (104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống); đến năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh ở mức 112,8. Từ năm 2016 đến nay, TSGTKS dao động và năm 2021 là 112. Như vậy, trong giai đoạn 2016-2021, tốc độ gia tăng TSGTKS đã được khống chế, tuy nhiên chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên. Nguyên nhân do Việt Nam vẫn tồn tại tư tưởng trọng nam hơn nữ, mô hình gia đình truyền thống trong đó coi trọng việc con trai để nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ là giá trị nền tảng. Việc lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi vẫn còn xảy ra trong khi việc thực thi các chế tài xử lý vi phạm còn chưa hiệu quả.

Ngày 22/11/2019, Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng, Chính phủ ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu chiến lược quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; trong đó các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để đạt mục tiêu TSGTKS dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030. Tập trung mọi nỗ lực chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang thực hiện và đạt được các mục tiêu toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

2. Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng dự án Luật Dân số, theo đó đề xuất các biện pháp bảo đảm cân bằng giới tính; các cơ quan tổ chức, cộng đồng, gia đình và cá nhân có trách nhiệm thực hiện pháp luật để bảo đảm cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên; Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Bộ Y tế nhất trí với ý kiến của cử tri tỉnh Lào Cai trong việc đề xuất ban hành “Chương trình mục tiêu Quốc gia về chính sách dân số”, góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và Chiến lược Dân số nêu trên.

Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai liên quan đến lĩnh vực y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội để thông tin tới cử tri.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - UBTVQH;
- VPCP: QHĐP, TH;
- VPQH;
- Các đ/c Thứ trưởng BYT;
- BYT: Cục Dân số;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế (để đăng tải);
- Lưu: VT, VPB1.

BỘ TRƯỞNG




Đào Hồng Lan

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ