Công văn 7787/QLD-CL năm 2019 hướng dẫn việc thu hồi, tiêu hủy vắc xin do Cục Quản lý Dược ban hành

Số hiệu 7787/QLD-CL
Ngày ban hành 23/05/2019
Ngày có hiệu lực 23/05/2019
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục Quản lý dược
Người ký Đỗ Văn Đông
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
CỤC QUẢN LÝ DƯỢC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7787/QLD-CL
V/v hướng dẫn việc thu hồi, tiêu hủy vắc xin

Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 2019

 

Kính gửi:

- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia;
- Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo quản, tồn trữ vắc xin;
- Các cơ sở tiêm chủng, sử dụng vắc xin.

Ngày 04/5/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 11/2018/TT-BYT quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, trong đó có các quy định về thu hồi thuốc và xử lý thuốc sau thu hồi.

Nhằm thực hiện thống nhất công tác quản lý nhà nước về dược, tăng cường trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng vắc xin trong hoạt động thu hồi, xử lý, tiêu hủy vắc xin bị thu hồi và đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược hướng dẫn chi tiết việc thu hồi và tiêu hủy vắc xin như sau:

1. Thu hồi vắc xin:

1.1. Các hình thức thu hồi, phạm vi, thời gian thu hồi và xử lý vắc xin bị thu hồi được quy định tại Điều 63 của Luật dược; trách nhiệm thu hồi vắc xin được quy định tại Điều 64 của Luật dược.

1.2. Trách nhiệm thu hồi và báo cáo kết quả thu hồi vắc xin được quy định tại khoản 5, 6 Điều 12 Thông tư số 11/2018/TT-BYT, cụ thể như sau:

a) Cơ sở sử dụng vắc xin phải dừng việc sử dụng, biệt trữ vắc xin còn tồn tại cơ sở và trả về cơ sở cung cấp vắc xin;

b) Cơ sở kinh doanh vắc xin phải dừng việc cung cấp vắc xin, biệt trữ vắc xin còn tồn tại cơ sở, lập danh sách các cơ sở kinh doanh, sử dụng đã mua vắc xin, liên hệ và tiếp nhận vắc xin được trả về.

c) Cơ sở sản xuất (đối với vắc xin sản xuất trong nước), cơ sở nhập khẩu phối hợp với cơ sở ủy thác nhập khẩu hoặc cơ sở đầu mối phân phối vắc xin (đối với vắc xin nhập khẩu) chịu trách nhiệm thu hồi vắc xin vi phạm.

1.3. Vắc xin sau khi thu hồi phải được thu gom, lưu giữ riêng, đảm bảo các điều kiện an toàn, tránh nguy cơ thất thoát. Trường hợp vắc xin bị thu hồi cần được lưu trữ để sử dụng trong điều tra xác định nguyên nhân vi phạm hoặc điều tra khác, khu vực lưu trữ phải đảm bảo các điều kiện bảo quản theo đúng điều kiện ghi trên nhãn vắc xin.

2. Xử lý vắc xin bị thu hồi:

a) Vắc xin bị thu hồi được xử lý theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 11/2018/TT-BYT, trong đó, vắc xin không đạt tiêu chuẩn chất lượng, vắc xin không đảm bảo an toàn, hiệu quả, vắc xin hết hạn sử dụng... phải bị tiêu hủy.

b) Việc tiêu hủy vắc xin phải được thực hiện theo khoản 6 Điều 15 Thông tư số 11/2018/TT-BYT và quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

c) Cơ sở có vắc xin bị tiêu hủy phải chịu toàn bộ trách nhiệm liên quan đến việc tiêu hủy vắc xin.

d) Việc tiêu hủy vắc xin phải đảm bảo an toàn cho người, súc vật và tránh ô nhiễm môi trường theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Cụ thể như sau:

2.1. Lập danh mục vắc xin bị tiêu hủy:

Cơ sở có vắc xin bị tiêu hủy phải lập danh mục các vắc xin bị tiêu hủy kèm theo lý do:

- Thông tin về vắc xin cần tiêu hủy: Tên, số lô, nồng độ/hàm lượng, ngày sản xuất, hạn dùng, cơ sở sản xuất/ nhập khẩu, số lượng tiêu hủy của từng lô vắc xin đề nghị tiêu hủy.

- Lý do tiêu hủy: ghi cụ thể lý do (vắc xin bị thu hồi, vắc xin không đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả, vắc xin hết hạn sử dụng, vắc xin không rõ nguồn gốc, vắc xin sản xuất trong điều kiện không đáp ứng quy định, vắc xin lưu khi hết thời gian lưu...).

2.2. Thành lập Hội đồng tiêu hủy vắc xin:

- Người đứng đầu cơ sở có vắc xin bị tiêu hủy ra quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy vắc xin. Hội đồng có ít nhất 03 người, trong đó phải có 01 đại diện là người phụ trách chuyên môn của cơ sở.

- Hội đồng tiêu hủy vắc xin có nhiệm vụ rà soát danh mục vắc xin bị tiêu hủy, tổ chức việc tiêu hủy vắc xin, lựa chọn và quyết định phương pháp tiêu hủy, giám sát việc tiêu hủy vắc xin của cơ sở.

2.3. Lựa chọn phương pháp tiêu hủy:

- Thông thường phương pháp tiêu hủy vắc xin gồm 2 giai đoạn:

+ Xử lý ban đầu: bao gồm các hoạt động làm mất tính toàn vẹn của bao bì đóng gói, nhãn vắc xin (loại bỏ hoặc làm hư hại nhãn, bao bì...) và làm bất hoạt hoạt tính vắc xin (thường xử lý gia nhiệt như hấp, luộc hoặc bằng các phương pháp khác thích hợp...).

+ Xử lý vắc xin đã bất hoạt và bao bì chứa vắc xin: phương pháp xử lý phải phù hợp với loại nguyên liệu bao bì và thể chất của vắc xin; thông thường sử dụng phương pháp đốt, gia nhiệt ở nhiệt độ cao.

- Đối với vắc xin có khả năng tạo chất độc: phương pháp tiêu hủy phải bổ sung phương pháp/ giai đoạn phù hợp để làm mất độc tính của vắc xin.

[...]