Công văn số 7558/BGDĐT-GDMN về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Mầm non năm học 2008-2009 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 7558/BGDĐT-GDMN
Ngày ban hành 19/08/2008
Ngày có hiệu lực 19/08/2008
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Vinh Hiển
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 7558/BGDĐT-GDMN
V/v: Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Mầm non năm học 2008-2009

Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 2008

 

Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo

Căn cứ Chỉ thị số 47/2008/CT-BGDĐT ngày 13 tháng 8 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non(GDMN), giáo dục phổ thông(GDPT), giáo dục thường xuyên(GDTX), giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) năm học 2008-2009; Căn cứ Quyết định số 38/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 16 tháng 7 năm 2008 về việc ban hành kế hoạch thời gian năm học 2008 - 2009 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo về phương hướng nhiệm vụ đối với bậc học mầm non như sau:

I. PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG

Năm học 2008 – 2009, giáo dục mầm non tiếp tục triển khai thực hiện chỉ thị số 06/CT-TW của Bộ Chính trị về cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và cuộc vận động “Hai không”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” của ngành; Thực hiện chủ đề năm học “Năm học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản lý tài chính và triển khai phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và chương trình cấp quốc gia: Phổ cập một năm mẫu giáo 5 tuổi; Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển GDMN giai đoạn 2006-2015; Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non với các nhiệm vụ trọng tâm:

Phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp mầm non phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế; Đổi mới giáo dục mầm non về nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục; đánh giá thực chất chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; Tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị, nâng chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, nhất là đối với vùng khó khăn, vùng dân tộc ít người để thu hút trẻ đến trường; tập trung cho mẫu giáo 5 tuổi; làm tốt việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp; đầu tư phát triển số lượng và nâng cao chất lượng của trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; Chú trọng công tác tuyên truyền, phát huy ảnh hưởng của GDMN đối với xã hội, đồng thời tận dụng mọi nguồn lực để phát triển giáo dục mầm non.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và cuộc vận động “Hai không “ của ngành.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo tuyên truyền, tổ chức học tập, bồi dưỡng quán triệt trong đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non về đạo đức lương tâm nghề nghiệp, phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ.

Thực hiện nghiêm túc Quyết định số16/2008/QĐ-BGDĐT ngày16/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo. Gắn nội dung cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” với thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, ngăn chặn và xử lý kịp thời các biểu hiện vi phạm đạo đức nhà giáo.

Triển khai phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” phù hợp với các trường mầm non. Năm học 2008 - 2009, tập trung giải quyết 3 vấn đề: Mỗi trường mầm non đều có nước sạch, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn; lựa chọn và đưa bài hát dân ca, trò chơi dân gian vào hoạt động vui chơi tích cực của trẻ; xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện phù hợp với đặc điểm hoạt động và tâm lí trẻ. Mỗi tỉnh, thành phố xây dựng được ít nhất 1 trường mầm non đạt tiêu chuẩn “trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Xây dựng các điển hình tiên tiến của GDMN; nêu gương những tập thể, cá nhân CBQL và giáo viên có nhiều nỗ lực vượt khó, có thành tích cao trong GDMN để tuyên truyền, cổ vũ trong ngành và toàn xã hội, biểu dương khen thưởng kịp thời.Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá thực chất chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đánh giá phong trào GDMN của mỗi nhà trường, mỗi địa phương.

2. Tiếp tục mở rộng quy mô giáo dục mầm non

Căn cứ thực tiễn của điạ phương, ngành giáo dục tham mưu với chính quyền các cấp quy hoạch mạng lưới trường lớp, đầu tư kinh phí để xây dựng trường trên địa bàn, trong các doanh nghiệp lớn, mở rộng quy mô GDMN, phấn đấu đạt được mục tiêu chung về tỷ lệ trẻ được đến trường lớp, tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng nhu cầu gửi con của các bậc cha mẹ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng và trình Chính phủ Đề án Phổ cập một năm mẫu giáo 5 tuổi giai đoạn 2009 - 2015. Các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tập trung kinh phí xây dựng phòng học, mua sắm trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, tuyển dụng và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ giáo viên để huy động tối đa trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường; đảm bảo trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn được học trong các trường công lập, được chuẩn bị tốt tiếng Việt trước khi vào lớp 1; Các vùng còn lại huy động hết trẻ 5 tuổi được học trong các loại hình trường khác nhau. Các thành phố lớn, nơi có điều kiện kinh tế phát triển cần tập trung nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.

Tỷ lệ huy động chung toàn quốc đạt 20% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, 75% trẻ mẫu giáo được đến trường. Những tỉnh có tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ dưới 10% và mẫu giáo dưới 70% cần phấn đấu nâng thêm tỷ lệ ít nhất 1% ở nhà trẻ và 0,5% ở mẫu giáo. Đối với trẻ 5 tuổi, tất cả các địa phương huy động đạt tỷ lệ từ 92% trở lên.

3. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

3.1. Công tác chăm sóc sức khoẻ và nuôi dưỡng

- Tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ, bảo đảm an toàn tuyệt đối thể chất và tinh thần, phòng tránh tai nạn thương tích của trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ trường mầm non, Quy chế nuôi dạy trẻ, các văn bản chỉ đạo và tài liệu Bộ đã hướng dẫn hàng năm. Thực hiện phòng chống HIV/AIDS trong đội ngũ cán bộ giáo viên và các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo Luật phòng chống HIV/AIDS đã quy định.

- Thực hiện Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT/BYT-BGDĐT ngày 08/7/2008 hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Ở những nơi có tổ chức ăn bán trú cần phối hợp với ngành y tế trong việc kiểm tra và cấp giấy phép bếp đạt tiêu chuẩn VSATTP; trang bị đồ dùng, phương tiện phục vụ cho việc tổ chức bán trú cho trẻ để tăng số trẻ được ăn trong các cơ sở GDMN; Những nơi chưa tổ chức ăn bán trú cần có biện pháp phối hợp với gia đình chống đói, chống khát, chống rét trong thời gian trẻ ở trường.Tiếp tục phòng chống suy dinh dưỡng, chống béo phì, nhằm giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 10% và giảm từ 1-2% số trẻ SDD so với cùng kỳ năm trước. Tăng tỷ lệ trường mầm non có mô hình phòng chống suy dinh dưỡng.

- Phối hợp với các ngành, nhất là ngành y tế trong việc chăm sóc sức khoẻ, quản lý tiêm chủng, phòng dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục mầm non. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường sự phối hợp với cha mẹ, cộng đồng, quỹ Unilever và chương trình P/S bảo vệ nụ cười Việt Nam để rèn kỹ năng vệ sinh cá nhân, rèn thói quen nếp sống văn minh, phòng chống các bệnh về mắt, răng cho trẻ. Năm học này Bộ tiếp tục phối hợp với quỹ Unilever Việt Nam triển khai chương trình tuyên truyền giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ mầm non tại 5 tỉnh miền núi phía bắc (Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và Lào Cai). Tháng 11/2008 sẽ tổ chức 2 hội thi “gia đình và sức khoẻ trẻ thơ” tại 2 tỉnh Lào Cai và Thái Nguyên; tháng 12/2008 Bộ tổ chức tổng kết chương trình giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ mầm non của 5 tỉnh tại Lào Cai. Năm 2009 Bộ sẽ tiếp tục triển khai chương trình này tại 5 tỉnh Bắc Trung Bộ: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

3.2. Tăng thêm số lượng trường mầm non thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới

Mở rộng diện thực hiện chương trình này ở các trường có đủ điều kiện về CSVC và đội ngũ giáo viên. Các trường sư phạm, khoa sư phạm cần đổi mới nội dung đào tạo giáo sinh mầm non khi ra trường có khả năng thực hiện ngay chương trình giáo dục mầm non mới. Khuyến khích địa phương chủ động tìm tòi sáng tạo trong việc chỉ đạo thực hiện chương trình phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đảm bảo mục tiêu về chất lượng CSGD trẻ. Đẩy mạnh các hình thức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước về đổi mới GDMN. Tăng cường kiểm tra giúp đỡ việc thực hiện chương trình ở các đơn vị mới tham gia; bổ sung và điều chỉnh thiết bị giáo dục mầm non phục vụ chương trình mới.

Những nơi nào chưa thực hiện chương trình thí điểm GDMN cần tập trung vào đổi mới hình thức tổ chức GDMN theo hướng tích hợp chủ đề; xây dựng môi trường giáo dục, môi trường hoạt động của trẻ, chuẩn bị tốt cho việc thực hiện chương trình GDMN mới vào những năm sau.

Bộ sẽ ban hành chuẩn phát triển trẻ em 5-6 tuổi và sẽ triển khai hướng dẫn cách đánh giá vào cuối năm học 2008 - 2009.

3.3. Tiếp tục triển khai nội dung giáo dục môi trường.

Đảm bảo 100% giáo viên được tham gia tập huấn kiến thức và kỹ năng lồng ghép xây dựng và bảo vệ môi trường; Xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, tránh bê tông hoá sân chơi của trẻ; Tận dụng hoàn cảnh thực tiễn tại cơ sở GDMN để giáo dục thói quen bảo vệ môi trường cho trẻ. Tăng cường làm đồ dùng dạy học và tận dụng nguyên vật liệu tái sử dụng, nguyên liệu có sẵn ở địa phương phục vụ cho các hoạt động giáo dục. Lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường việc xây dựng môi trường giáo dục mầm non đạt tiêu chuẩn: Xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện.

3.4. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong trường mầm non

Những tỉnh đã được hỗ trợ từ chương trình IBM phải phát huy hiệu quả trang thiết bị được cấp và đã được bồi dưỡng chuyên môn; ứng dụng các phần mềm Kidsmart, Happykid, Nutrikids, các phần mềm quản lý cho hoạt động của nhà trường. Các Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu, xây dựng đề án, kế hoạch ứng dụng CNTT trong GDMN theo tinh thần công văn số 6704/BGDĐT- GDMN ngày 1/8/2006 về triển khai ƯDCNTT trong GDMN giai đoạn 2006 - 2010, thực hiện đầu tư trang thiết bị, các phần mềm và bồi dưỡng CBQL, giáo viên thực hiện năm học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục mầm non có hiệu quả.

[...]