Công văn 7469/BYT-KCB về việc thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác điều trị sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue (SD/SXHD) do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 7469/BYT-KCB
Ngày ban hành 29/10/2009
Ngày có hiệu lực 29/10/2009
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Xuyên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 7469/BYT-KCB
V/v thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác điều trị SD/SXHD

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2009

HOẢ TỐC

 

Kính gửi:

- Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Y tế các ngành.

 

Thực hiện Công điện số 2026/CĐ-TTg ngày 26/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hạn chế lây lan, gây tác hại của dịch sốt xuất huyết; Để tiếp tục chủ động và nâng cao chất lượng của công tác điều trị sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue (SD/SXHD); Nhằm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong do SD/SXHD, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thủ trưởng y tế ngành khẩn trương triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ cấp bách như sau:

1. Tiếp tục tổ chức phổ biến và triển khai công tác tập huấn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue” ban hành kèm theo Quyết định số 794/QĐ-BYT ngày 09/3/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế cho bác sĩ, điều dưỡng tham gia công tác điều trị SD/SXHD tại khoa Khám bệnh, khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Nhi, khoa Truyền nhiễm, ... của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại tất cả các tuyến điều trị. Chú ý, tập huấn cho các thầy thuốc hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.

2. Kiểm tra chặt chẽ công tác phát hiện, cấp cứu, điều trị và chăm sóc người bệnh. Tăng cường công tác chẩn đoán xác định (trước, trong và sau điều trị), chú ý đến việc lưu mẫu máu để xét nghiệm phát hiện vi rút Dengue.

Thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn như quy chế thường trực, cấp cứu, hội chẩn, chuyển viện, ... . Khi vượt quá khả năng cho phép, cần chuyển người bệnh lên tuyến trên, phải ghi chép đầy đủ các thông tin về diễn biến lâm sàng, các kết quả xét nghiệm, các phương pháp điều trị và các thuốc đã sử dụng.

3. Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới. Theo dõi, đôn đốc và chi viện về nhân lực và về trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, ... cho các bệnh viện có nhiều bệnh nhân SD/SXHD.

4. Các đơn vị tuyến cuối của hệ thống điều trị SD/SXHD phải tích cực, chủ động trong công tác tập huấn, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới, đặc biệt là hỗ trợ trong chẩn đoán, điều trị các trường hợp có diễn biến phức tạp, các trường hợp có biến chứng nặng trong khu vực được phân công.

Bộ Y tế giao nhiệm vụ đơn vị tuyến cuối trong công tác điều trị SD/SXHD theo các khu vực như sau:

- Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia: Các tỉnh phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra) cho SD/SXHD người lớn.

- Bệnh viện Nhi trung ương: Các tỉnh phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra) cho SD/SXHD trẻ em.

- Bệnh viện trung ương Huế: Một số tỉnh Vùng Bắc Trung Bộ (Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế) cho SD/SXHD người lớn và trẻ em.

- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh: Các tỉnh phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào) cho SD/SXHD người lớn.

- Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh: Vùng Đông Nam Bộ (thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu) và Vùng đồng bằng sông Cửu Long (Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) cho SD/SXHD trẻ em.

- Bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh: Vùng duyên hải Nam Trung Bộ (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) và Vùng Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) cho SD/SXHD trẻ em.

5. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Tham mưu với UBND tỉnh, thành phố kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch để khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, địa phương chủ động tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch SD/SXHD.

- Xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch phòng chống dịch bệnh SD/SXHD của địa phương, có các phương án cụ thể để phục vụ công tác điều trị bệnh nhân trong mọi tình huống của dịch.

- Giao nhiệm vụ và điều phối kinh phí cho bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố trực tiếp làm công tác tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn.

- Thường xuyên thông báo về tình hình dịch tễ, cũng như chỉ đạo các bệnh viện thường xuyên báo cáo tình hình tiếp nhận, điều trị bệnh nhân SD/SXHD và những tình huống phức tạp để có phương hướng giải quyết cụ thể.

6. Bệnh viện đa khoa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Hoàn chỉnh kế hoạch điều trị bệnh SD/SXHD, chuẩn bị về giường bệnh và chuẩn bị đầy đủ thuốc, dịch truyền, ... để sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân trong mọi tình huống của dịch.

- Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới. Duy trì liên tục "Đường dây nóng chống dịch" với đơn vị tuyến cuối của công tác điều trị phòng chống dịch SD/SXHD để có thể thường xuyên xin ý kiến hướng dẫn, trao đổi thông tin về chuyên môn, đồng thời hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới (nếu cần).

- Thường xuyên kiểm tra giám sát tình hình bệnh nhân, phân tích, rút kinh nghiệm công tác điều trị bệnh tại các bệnh viện thuộc địa phương. Đặc biệt chú ý các trường hợp nặng, hạn chế tối đa tỷ lệ bệnh nhân tử vong do SD/SXHD .

7. Tại mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bố trí nhân lực phù hợp để tiếp nhận bệnh nhân SD/SXHD và hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu, bảo đảm phân loại mức độ bệnh đúng để theo dõi sát, xử trí nhanh, chính xác các trường hợp.

Bố trí bác sĩ, điều dưỡng có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm điều trị tham gia trực hàng ngày (hoặc trực thường trú tại nhà và đến bệnh viện ngay khi có yêu cầu) trong thời gian có dịch.

8. Các đơn vị tuyến cuối của hệ thống điều trị SD/SXHD và bệnh viện đa khoa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập "Nhóm điều trị sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue" tại bệnh viện.

Nhóm điều trị SD/SXHD bao gồm bác sĩ, điều dưỡng các khoa truyền nhiễm, khoa nhi, khoa hồi sức cấp cứu và khoa khám bệnh có kinh nghiệm, kiến thức và năng lực chuyên môn tốt về xử trí các trường hợp SD/SXHD do 01 lãnh đạo bệnh viện trực tiếp phụ trách để thường xuyên thảo luận, rút kinh nghiệm điều trị và sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới trong xử lý cấp cứu, điều trị và chăm sóc SD/SXHD.

9. Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe để phát hiện sớm và điều trị tích cực, kịp thời các trường hợp SD/SXHD.

10. Các đơn vị chủ động đề xuất việc khen thưởng đối với các cá nhân, bệnh viện có thành tích và phê bình, nhắc nhở, có biện pháp khắc phục các trường hợp không thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao trong công tác điều trị SD/SXHD về Bộ Y tế.

[...]