Công văn 7187/BTC-TCT năm 2021 về thuế giá trị gia tăng do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 7187/BTC-TCT |
Ngày ban hành | 01/07/2021 |
Ngày có hiệu lực | 01/07/2021 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Trần Xuân Hà |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7187/BTC-TCT |
Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2021 |
Kính gửi: Bộ Y tế
Bộ Tài chính nhận được công văn số 6512/BYT-TCDS ngày 24/11/2020 của Bộ Y tế và công văn số 792/TCDS-TTTV ngày 08/12/2020 của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình về thuế giá trị gia tăng (GTGT). Về nội dung này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Việc áp dụng chính sách thuế cần được căn cứ vào quy định pháp luật về thuế và quy định pháp luật chuyên ngành y tế
1.1. Về quy định của pháp luật thuế GTGT
Tại khoản 9 Điều 5 và khoản 2 Điều 8 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03/06/2008 (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế) về đối tượng không chịu thuế và thuế suất như sau:
“Điều 5. Đối tượng không chịu thuế
9. Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi; dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật.
Điều 8. Thuế suất
2. Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây:
l) Thiết bị, dụng cụ y tế; bông, băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; sản phẩm hóa dược, dược liệu là nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh;”
Tại Điều 1 Thông tư số 43/2021/TT-BTC ngày 11/6/2021 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính như sau:
“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính) như sau:
“11. Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ y tế: các loại máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mô, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai; ...””
Tại Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính về đối tượng không chịu thuế như sau:
“1. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung Khoản 9 Điều 4 như sau:
9. Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi, dịch vụ sinh đẻ có kế hoạch, dịch vụ điều dưỡng sức khỏe, phục hồi chức năng cho người bệnh, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật; vận chuyển người bệnh, dịch vụ cho thuê phòng bệnh, giường bệnh của các cơ sở y tế; xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh.
Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật bao gồm cả chăm sóc về y tế, dinh dưỡng và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật.
Trường hợp trong gói dịch vụ chữa bệnh (theo quy định của Bộ Y tế) bao gồm cả sử dụng thuốc chữa bệnh thì khoản thu từ tiền thuốc chữa bệnh nằm trong gói dịch vụ chữa bệnh cũng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.”
1.2. Về quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế
- Căn cứ quy định tại Điều 8 và Điều 20 Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh về dân số về các loại dịch vụ dân số và các hình thức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.
- Căn cứ hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư số liên tịch số 25/2013/TTLT-BYT-BTC ngày 04/09/2013 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính về chế độ quản lý tài chính đối với thực hiện hoạt động tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai, phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Căn cứ hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư số 39/2017/TT-BYT ngày 18/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về gói dịch vụ y tế cơ bản.
Đồng thời căn cứ Phụ lục số III Danh mục các dịch vụ chủ yếu thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe ban hành kèm Thông tư số 39/2017/TT-BYT ngày 18/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Căn cứ Phần 5 - Kế hoạch hóa gia đình ban hành kèm theo Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ban hành kèm theo Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016.
2. Căn cứ các quy định nêu trên, đề nghị Bộ Y tế rà soát và làm rõ:
- Trường hợp hoạt động “tiếp thị xã hội” các sản phẩm phương tiện tránh thai, phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thực hiện nếu được Bộ Y tế (là cơ quan quản lý chuyên ngành) xác định là dịch vụ sinh đẻ có kế hoạch thuộc dịch vụ y tế thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại khoản 9 Điều 5 Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 3/6/2008 và hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính.
- Trường hợp hoạt động tiếp thị xã hội các sản phẩm phương tiện tránh thai, phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thực hiện nếu được Bộ Y tế xác định không phải là dịch vụ sinh đẻ có kế hoạch thuộc dịch vụ y tế, mà là hoạt động cung cấp dụng cụ phòng tránh thai thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất thuế GTGT 5% theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 và hướng dẫn tại Điều 1 Thông tư số 43/2021/TT-BTC ngày 11/6/2021 của Bộ Tài chính.