Công văn 6937/NHNN-TD năm 2023 về phối hợp chỉ đạo triển khai kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
Số hiệu | 6937/NHNN-TD |
Ngày ban hành | 05/09/2023 |
Ngày có hiệu lực | 05/09/2023 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Người ký | Đào Minh Tú |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Tiền tệ - Ngân hàng |
NGÂN HÀNG NHÀ
NƯỚC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6937/NHNN-TD |
Hà Nội, ngày 5 tháng 9 năm 2023 |
Kính gửi: Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
Thời gian qua, kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức trên nhiều phương diện đã tác động lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp thuộc mọi ngành, lĩnh vực nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất... và đạt được một số kết quả nhất định, góp phần từng bước tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn trong nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các kết quả này một phần lớn đến từ sự đồng tình, ủng hộ của các địa phương trong quá trình triển khai các giải pháp của ngành ngân hàng trên địa bàn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, phối hợp cũng như tạo điều kiện của Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đối với hoạt động ngân hàng trong thời gian qua, góp phần tăng khả năng cung ứng vốn tín dụng, sản phẩm dịch vụ ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị các Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn với một số nội dung chủ yếu như sau:
1. Chỉ đạo các Sở, ban, ngành và chính quyền các cấp xem xét, đánh giá những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, các ngành, các lĩnh vực để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; Từ đó chỉ đạo và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung các biện pháp về tiền tệ, tín dụng, thanh toán hỗ trợ cụ thể đối với các ngành, lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực, đối tượng ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
2. Chỉ đạo các Sở, ban, ngành và chính quyền các cấp, hiệp hội, doanh nghiệp tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và ngành ngân hàng trên địa bàn: (i) đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng và khách hàng trên địa bàn, nắm bắt nhu cầu thực tế hỗ trợ của doanh nghiệp, các vướng mắc phát sinh để kịp thời xử lý, tháo gỡ; (ii) đánh giá, nhận diện các khó khăn của người dân, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực để triển khai các giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
3. Chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân vay vốn được dễ dàng, thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính, như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục xác nhận, công chứng, xác định giá trị tài sản thế chấp, xử lý tài sản bảo đảm,...; từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD trong việc cho vay, thu nợ được nhanh chóng, cải cách thủ tục hành chính và mở rộng tín dụng.
4. Quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong quá trình thực hiện cho vay các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cho vay các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội địa phương như:
- Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (15.000 tỷ đồng) theo hướng dẫn cửa Ngân hàng Nhà nước tại Công văn số 5631/NHNN-TD ngày 14/7/2023;
- Chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tại Công văn số 2308/NHNN-TD ngày 01/04/2023 và của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN ngày 20/4/2023;
- Chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ;
- Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói tài chính tiêu dùng 20.000 tỷ đồng của Công ty Tài chính TNHH HD Saison và Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hằng Việt Nam Thịnh vượng (Công ty SMBC) cho công nhân vay vốn phục vụ tiêu dùng với chính sách ưu đãi.
5. Chỉ đạo các Sở, ban, ngành và chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai thực hiện các chương trình tín dụng theo gói hỗ trợ tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ và các chương trình tín dụng thực hiện 3 chương trình Mục tiêu Quốc gia.
6. Chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các cơ quan truyền thông của tỉnh, thành phố hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các TCTD để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để các doanh nghiệp, người dân nắm được chủ trương, chính sách của ngành ngân hàng, từ đó chủ động tiếp cận tín dụng ngân hàng.
7. Đẩy mạnh thực hiện và phát huy hiệu quả hoạt động của các Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương để tăng khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hợp tác xã trên địa bàn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ và phối hợp chỉ đạo công tác của các Đồng chí để việc triển khai đạt kết quả.
Trân trọng!
|
KT. THỐNG ĐỐC |