Công văn về việc hướng dẫn thực hiện Mục lục Ngân sách Nhà nước

Số hiệu 69-TC/NSNN
Ngày ban hành 18/04/1997
Ngày có hiệu lực 18/04/1997
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Văn Ninh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư,Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí,Bảo hiểm,Kế toán - Kiểm toán,Lao động - Tiền lương,Bất động sản,Xây dựng - Đô thị,Giao thông - Vận tải,Tài nguyên - Môi trường,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 69-TC/NSNN

Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 1997

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 69 TC/NSNN NGÀY 18 THÁNG 4 NĂM 1997 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỤC LỤC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Kính gửi:

- Các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban nhà nước, các cơ quan trực thuộc
Chính phủ (Vụ Tài chính kế toán),
- Các cơ quan Đảng, đoàn thể ở Trung ương,
- Sở Tài chính Vật giá, Kho bạc nhà nước, Cục Đầu tư và phát triển, Cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,

 

Mục lục ngân sách nhà nước ban hành theo Quyết định số 280 TC/QĐ/NSNN ngày 15/4/1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1997. Để tạo điều kiện cho các đơn vị dự toán Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và các cơ quan Tài chính, cơ quan Kho bạc nhà nước, cơ quan thu các cấp thống nhất hạch toán, kế toán và quyết toán số thu, chi ngân sách nhà nước theo đúng Mục lục ngân sách, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Mục lục ngân sách nhà nước như sau:

A. QUY ĐỊNH CHUNG

I. Chương: Thể hiện tên đơn vị đứng đầu thuộc các cấp quản lý (hay còn gọi là đơn vị cấp I); số thu, chi phát sinh của các đơn vị trực thuộc đơn vị cấp I đều được hạch toán, kế toán và quyết toán vào mã số chương của đơn vị cấp I.

Trong Chương có quy định một số Chương đặc biệt để theo dõi và hạch toán số thu, chi ngân sách nhà nước của các khu vực kinh tế, các thành phần kinh tế, các khoản thu không xác định được chủ sở hữu là ai; các quan hệ thanh toán của ngân sách các cấp cho những nhiệm vụ chung không thể hạch toán vào Chương của đơn vị nào và các khoản thanh toán chuyển giao giữa các cấp ngân sách.

1. Chương A: Quy định để hạch toán số thu, chi ngân sách nhà nước của các đơn vị thuộc Trung ương quản lý.

2. Chương B: Quy định để hạch toán số thu, chi ngân sách nhà nước của các đơn vị chính quyền cấp tỉnh quản lý.

3. Chương C: Quy định để hạch toán số thu, chi ngân sách nhà nước của các đơn vị thuộc chính quyền cấp huyện quản lý.

4. Chương D: Quy định để hạch toán các khoản thu, chi ngân sách nhà nước của các đơn vị thuộc chính quyền cấp xã quản lý.

II. Loại - Khoản: là hình thức phân loại ngân sách nhà nước theo ngành kinh tế quốc dân.

1. Loại: Quy định để hạch toán ngành kinh tế quốc dân cấp I được ban hành theo Nghị định số 73/CP ngày 27/10/1993 của Chính phủ (có 20 ngành kinh tế quốc dân cấp I).

2. Khoản: Quy định để hạch toán ngành kinh tế quốc dân cấp II, cấp III và cấp IV ban hành theo Quyết định số 143/TCKT-PPQD ngày 22/12/1993 của Tổng cục Thống kê. Nhưng do yêu cầu quản lý và theo dõi số chi của ngân sách nhà nước cho các chương trình, mục tiêu, Bộ Tài chính quy định một số Khoản có tính chất đặc thù trong các Loại để hạch toán và quyết toán số chi của ngân sách nhà nước cho các chương trình, mục tiêu; chương trình mục tiêu của Loại nào thì mở Khoản trong Loại đó để hạch toán.

III. Nhóm, Tiểu nhóm, Mục và Tiểu mục: Là hình thức phân loại theo nội dung kinh tế; căn cứ vào nội dung kinh tế các khoản thu, chi của ngân sách nhà nước để tiến hành phân tổ và nhóm hoá.

1. Nhóm và Tiểu nhóm: là hình thức phân loại theo nội dung kinh tế ở cấp độ cao để phục vụ cho công tác quản lý, dự báo và phân tích kinh tế, tài chính ở tầm vĩ mô.

2. Mục và Tiểu mục: là hình thức phân loại theo nội dung kinh tế ở cấp độ thấp hơn để phục vụ cho công tác lập và phân bổ dự toán ngân sách; cấp phát, quản lý và kiểm soát các khoản thu, chi của ngân sách; kế toán và quyết toán ngân sách nhà nước. Việc quy định mã Mục liên tục nhằm mục đích phục vụ cho việc ứng dụng tin học trong công tác lập, chấp hành, kế toán và quyết toán ngân sách. Vì vậy khi hạch toán, kế toán số thu, chi ngân sách nhà nước chỉ cần hạch toán chính xác đến Mục là có kết quả số thu, chi ngân sách nhà nước theo Nhóm và Tiểu nhóm.

Trong Mục có Tiểu mục; tuỳ thuộc vào nội dung của Mục mà quy định số lượng Tiểu mục trong Mục cho phù hợp; Tiểu mục 15 trong các Mục để phản ánh các nội dung thu, chi của Mục nhưng chưa được phản ánh trong Tiểu mục nào của Mục đó.

* Các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương, cơ quan Tài chính, cơ quan Kho bạc nhà nước và cơ quan thu các cấp không được mở thêm Chương, Loại, Khoản, Nhóm, Tiểu nhóm, Mục và Tiểu mục khi chưa có ý kiến của Bộ Tài chính.

B. NỘI DUNG HẠCH TOÁN

Bộ Tài chính hướng dẫn hạch toán một số Chương, Loại, Khoản, Mục và Tiểu mục có tính chất đặc thù như sau:

I. Về Chương

1. Chương 014A "Bộ Tư pháp" quy định để hạch toán số thu, chi ngân sách nhà nước của Bộ Tư pháp và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp trong đó có cả số thu, chi của Toà án nhân dân tỉnh và Toà án nhân dân huyện.

2. Chương 150 (A,B,C,D) "Các đơn vị khác" quy định để hạch toán các khoản thu, chi ngân sách nhà nước của các đơn vị thuộc cùng cấp chính quyền quản lý nhưng chưa có tên trong danh mục Chương quy định, như: các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội và xã hội - nghề nghiệp; các đơn vị mới thành lập...

3. Chương 151A "Các đơn vị kinh tế có 100% vốn đầu tư nước ngoài" quy định để hạch toán số thu, chi ngân sách nhà nước của các dự án đầu tư hoặc của các Văn phòng đại diện, chi nhánh công ty... có 100% vốn nước ngoài hoạt động theo Luật đầu tư (không phân biệt đơn vị thuộc Trung ương hay đơn vị thuộc địa phương quản lý).

4. Chương 152A: Quy định để hạch toán thu, chi ngân sách nhà nước của các đơn vị liên doanh có một phần vốn đầu tư nước ngoài thuộc Trung ương quản lý.

5. Chương 152B: Quy định để hạch toán số thu, chi ngân sách nhà nước của các đơn vị kinh tế có một phần vốn đầu tư của Nhà nước thuộc các cấp chính quyền địa phương quản lý.

[...]