Công văn 675/BXD-PTĐT năm 2014 thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 675/BXD-PTĐT
Ngày ban hành 15/04/2014
Ngày có hiệu lực 15/04/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Phan Thị Mỹ Linh
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 675/BXD-PTĐT
V/v thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Hà Nội, ngày 15 tháng 04 năm 2014

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện nhiệm vụ được phân công theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bộ Xây dựng xin báo cáo “Đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của chủ công trình trong việc bồi hoàn lại môi trường và cảnh quan thiên nhiên xung quanh bị ô nhiễm do hoạt động xây dựng và đề xuất các giải pháp tăng cường” như sau:

I. Các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng

Bồi hoàn lại môi trường và cảnh quan thiên nhiên là hoạt động nhằm đưa trạng thái môi trường về gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, môi trường và phục vụ các mục đích có lợi cho con người. Hoạt động xây dựng có thể làm thay đổi điều kiện tự nhiên khu vực xây dựng (địa hình, địa mạo, cảnh quan, thổ nhưỡng,...), sự xuất hiện công trình xây dựng khiến cho việc đưa trạng thái môi trường về gần với trạng thái môi trường ban đầu là rất khó khăn.

Theo quy định của Luật Xây dựng, hoạt động xây dựng bao gồm: lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng và các hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình. Các quy định của pháp luật đặt ra yêu cầu bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng xuyên suốt và liên tục từ khâu lập quy hoạch xây dựng, lập và phê duyệt dự án, cấp phép xây dựng, thi công xây dựng và bàn giao công trình:

- Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng từ khâu quy hoạch xây dựng cho đến khâu thi công công trình xây dựng.

- Đối với công tác quy hoạch xây dựng: Tại khoản 3 Điều 13 Luật Xây dựng (Yêu cầu chung đối với quy hoạch xây dựng) có quy định quy hoạch xây dựng phải đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Khoản 3 Điều 6 Luật Quy hoạch đô thị quy định bảo vệ môi trường là một yêu cầu đối với quy hoạch đô thị.

- Đối với giai đoạn hình thành dự án từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt dự án: tại Điều 36 Luật Xây dựng (Yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng công trình) quy định Dự án đầu tư xây dựng phải đảm bảo về bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường quy định các dự án quan trọng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (từ Điều 18 đến Điều 23), các dự án còn lại phải lập cam kết bảo vệ môi trường (từ Điều 24 đến Điều 27 Luật Bảo vệ môi trường).

- Đối với công tác cấp phép xây dựng: Tại Điều 65 Luật Xây dựng (Điều kiện cấp giấy phép xây dựng công trình) quy định công trình được cấp giấy phép xây dựng phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

- Đối với công tác thi công xây dựng: Điều 79 Luật Xây dựng quy định bảo đảm vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng công trình.

- Bàn giao công trình: Khoản 3 Điều 80 Luật Xây dựng quy định nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm hoàn thiện công trình, thu dọn hiện trường để phục vụ cho việc nghiệm thu công trình, bàn giao công trình.

- Đối với công tác thanh tra, xử lý vi phạm: Các Điều từ 125 đến 129 của Luật Bảo vệ môi trường quy định về thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo về môi trường. Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ có quy định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, trong đó quy định xử phạt các hành vi thi công xây dựng không bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường.

Trong hoạt động xây dựng, quy định về việc bồi hoàn lại môi trường chủ yếu nhằm vào hình thức ngăn ngừa ô nhiễm, bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, môi trường. Ngoài ra còn có hình thức thu phí, thuế bảo vệ môi trường nhằm tạo nguồn đầu tư trực tiếp cho việc bảo vệ, tái tạo lại môi trường khu vực xây dựng (quy định tại các Điều 112 và 113 Luật Bảo vệ môi trường).

II. Trách nhiệm của chủ công trình trong việc bồi hoàn lại môi trường và cảnh quan thiên nhiên bị ô nhiễm

Trong lĩnh vực xây dựng, đối tượng phát sinh chất thải gây tác động đến cảnh quan môi trường bao gồm: các dự án đầu tư xây dựng công trình, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất. Nguồn gây ô nhiễm môi trường gồm: tiếng ồn, bụi, rác thải, nước thải do các hoạt động xây dựng.

Với các quy định tương đối đầy đủ của pháp luật, chủ đầu tư ngày càng có ý thức, trách nhiệm thực hiện việc bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng. Trong lĩnh vực quy hoạch, chủ đầu tư, tư vấn đã nghiêm chỉnh thực hiện nội dung đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình lập quy hoạch đô thị theo quy định của Luật quy hoạch đô thị và các văn bản hướng dẫn. Tại các dự án xây dựng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công có ý thức trách nhiệm thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường: sử dụng công nghệ thi công thích hợp nhằm giảm tiếng ồn, thời điểm thi công phù hợp để hạn chế tác động của tiếng ồn tới dân cư đô thị xung quanh dự án; thực hiện các biện pháp che chắn công trình xây dựng, vừa tăng tính an toàn trong quá trình thi công, vừa hạn chế phát tán bụi ra khu vực xung quanh dự án; công tác vận chuyển rác thải, vật liệu xây dựng cũng được tổ chức tốt hơn nhờ sử dụng các biện pháp kỹ thuật che chắn trong quá trình vận chuyển, lựa chọn thời điểm vận chuyển thích hợp để hạn chế bụi bẩn ảnh hưởng tới đời sống đô thị; hạn chế tác động của nước thải xây dựng nhờ các biện pháp thu gom hợp lý. Nhìn chung, các hoạt động xây dựng trong đô thị trong thời gian qua diễn ra có trật tự và ngăn nắp hơn trước, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị. Nhiều khu đô thị mới được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, xã hội, có kiến trúc cảnh quan đẹp, có môi trường sống tốt đã được hình thành nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu sống của người dân đô thị như thành phố mới Bình Dương (Bình Dương), khu đô thị Vincom Village (Hà Nội), đặc biệt khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (thành phố Hồ Chí Minh) và Bắc Linh Đàm (Hà Nội) đã được công nhận là khu đô thị kiểu mẫu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ô nhiễm môi trường do các hoạt động xây dựng vẫn còn tồn tại nhiều bức xúc, đặc biệt đối với công tác thi công xây dựng các dự án trong đô thị. Điều này là do các địa phương còn thiếu các quy chế, quy định cụ thể về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng; công tác quản lý bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng còn chồng chéo giữa các cơ quan quản lý Nhà nước làm giảm hiệu quả quản lý; việc quy hoạch, bố trí bãi chứa chất thải, phế thải xây dựng chưa hợp lý, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh để tạo sự răn đe; tại một số dự án cấp thoát nước đô thị, do công tác khảo sát, dự báo còn hạn chế làm cho việc thi công một số tuyến công trình ngầm gặp phải những sự cố bất ngờ, gây ảnh hưởng tới môi trường khu vực dự án. Ngoài ra, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu đang triển khai ở trong giai đoạn đầu, chưa áp dụng nhiều vào công tác quản lý phát triển đô thị. Việc quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường giao thông không hợp lý có thể cản trở, làm hẹp dòng thoát lũ, gia tăng nguy cơ về lũ lụt trong đô thị.

III. Một số đề xuất, giải pháp tăng cường

Bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa hiện nay là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và của mọi công dân. Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường như Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005; các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường,...

Các chỉ thị, nghị quyết, văn bản pháp quy nói trên đi vào cuộc sống đã bước đầu tạo ra một số chuyển biến tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường, song vẫn còn nhiều mặt chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Để ngăn chặn, khắc phục và xử lý có hiệu quả những hành vi gây ô nhiễm môi trường do các hoạt động xây dựng, cần tiếp tục cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa các văn bản pháp luật và thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Giải pháp về thể chế

- Triển khai Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020 đúng tiến độ và chất lượng, nghiên cứu để từng bước đưa vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu vào công tác quản lý phát triển đô thị: Rà soát Luật Quy hoạch đô thị và các chính sách quản lý việc hình thành các khu vực phát triển đô thị và đô thị mới; lồng ghép yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu trong các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển đô thị (Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì). Rà soát, điều chỉnh bổ sung lồng ghép nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch chung của 6 đô thị trọng điểm (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cà Mau) và 25 đô thị có nguy cơ bị tác động rất mạnh của biến đổi khí hậu (Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì).

- Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công trình xanh; Trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn, trong đó bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch, quản lý, thu gom, xử lý và tái sử dụng chất thải xây dựng; Nghị định về quản lý thoát nước và xử lý nước thải; Nghị định thay thế Nghị định số 42/2009/NĐ-CP về phân loại đô thị, trong đó làm rõ và nhấn mạnh tiêu chuẩn về môi trường (Bộ Xây dựng chủ trì).

- Ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng. Ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị; thiết kế, xây dựng các công trình thu gom và xử lý nước thải, thu gom và xử lý rác thải; thiết kế các công trình công cộng,...

- Chủ động phối hợp với các Bộ ngành có liên quan triển khai Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng: quy trình khảo sát phục vụ công tác đánh giá tác động môi trường; giám sát thực hiện chương trình quản lý môi trường; kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, nhà thầu về trách nhiệm thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các phương án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt.

2. Giải pháp về tài chính

Xây dựng định mức công tác khảo sát phục vụ công tác đánh giá tác động môi trường; đưa ra chính sách bắt buộc phân bổ kinh phí dự án đảm bảo thực hiện chương trình quản lý môi trường, chương trình giám sát môi trường. Kinh phí cho các chương trình đào tạo, nâng cao ý thức về môi trường, kinh phí trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại cho các cơ quan chuyên môn về môi trường.

3. Giải pháp về đào tạo, nâng cao ý thức về môi trường

[...]