Công văn 6747/BNN-QLCL năm 2021 thẩm định, chứng nhận an toàn thực phẩm, dịch bệnh đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Indonesia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 6747/BNN-QLCL
Ngày ban hành 19/10/2021
Ngày có hiệu lực 19/10/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Trần Thanh Nam
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6747/BNN-QLCL
V/v thẩm định, chứng nhận ATTP, dịch bệnh đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Indonesia

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2021

 

Kính gửi:

- Cục Thú y;
- Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản;
- Các cơ sở sản xuất, chế biến xuất khẩu thủy sản vào Indonesia;
- Các cơ sở thử nghiệm bệnh thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được thông báo của Cơ quan Kiểm tra và Kiểm dịch Thủy sản Indonesia (FQIA), Bộ Hải dương và Thủy sản, Indonesia về việc ban hành mẫu Giấy chứng nhận mới cấp cho lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Indonesia bổ sung yêu cầu chứng nhận an toàn dịch bệnh thủy sản dựa trên kết quả lấy mẫu và xét nghiệm bệnh theo OIE (xem quy định của Indonesia gửi kèm).

Để tránh vướng mắc trong xuất khẩu thủy sản vào Indonesia theo quy định mới nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo và hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản, các cơ quan, đơn vị có liên quan như sau:

1. Quy trình lấy mẫu xét nghiệm bệnh, chứng nhận lô hàng trước khi xuất khẩu:

a) Lấy mẫu xét nghiệm bệnh

Cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu sang Indonesia (sau đây gọi tắt là cơ sở) tổ chức lấy mẫu lô hàng xuất khẩu để xét nghiệm bệnh theo danh mục chi tiết các bệnh, đối tượng thủy sản được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thông báo tới các đơn vị ngay sau khi thống nhất với Cơ quan thẩm quyền Indonesia.

b) Gửi mẫu xét nghiệm bệnh

Các cơ sở gửi mẫu tới Phòng thử nghiệm đủ năng lực theo điểm d, Khoản 1 của công văn này để xét nghiệm các bệnh theo quy định của thị trường Indonesia.

c) Thẩm định, cấp giấy chứng nhận cho lô hàng xuất khẩu

- Cơ sở cung cấp kết quả xét nghiệm bệnh đạt yêu cầu của lô hàng xuất khẩu cho Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng thuộc Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản để được thẩm định, cấp giấy chứng nhận cho từng lô hàng xuất khẩu thuộc đối tượng phải xét nghiệm bệnh theo quy định tại Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 13/11/2013, Thông tư 02/2017/TT-BNNPTNT ngày 13/02/2017 và Thông tư 16/2018/TT-BNNPTNT ngày 29/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, dịch bệnh theo mẫu đã được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thông báo tại văn bản số 1173/QLCL-CL1 ngày 09/9/2021.

d) Các Phòng thử nghiệm được tiếp nhận, xét nghiệm mẫu nếu đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật và có đủ năng lực xét nghiệm bệnh thủy sản, cụ thể:

- Đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đã đăng ký hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa (đối với chỉ tiêu xét nghiệm xuất khẩu) theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp.

- Áp dụng quy trình xét nghiệm tác nhân gây bệnh theo hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) hoặc quy trình xét nghiệm theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

- Đã tham gia đánh giá và có kết quả đạt yêu cầu đối với các phép thử tương ứng trong Chương trình thử nghiệm thành thạo với các tổ chức trong nước, nước ngoài hoặc so sánh liên phòng với phòng thử nghiệm tham chiếu của OIE định kỳ ít nhất 5 năm/lần.

2. Tổ chức thực hiện:

a) Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản

- Chủ trì, phối hợp với Cục Thú y tiếp tục trao đổi với Cơ quan thẩm quyền Indonesia thống nhất danh mục chi tiết các bệnh, đối tượng thủy sản tương ứng phải lấy mẫu, xét nghiệm bệnh trước khi xuất khẩu vào Indonesia căn cứ theo quy định Aquatic Animal Health Code 2021 của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), kết quả giám sát bệnh trên đối tượng thủy sản đang thực hiện tại Việt Nam; Kịp thời thông báo Danh mục này và thời điểm bắt đầu áp dụng tới cơ sở sản xuất, chế biến, đơn vị có liên quan để tổ chức thực hiện.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện thẩm định, chứng nhận an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh đối với lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Indonesia theo đúng hướng dẫn của Bộ, quy định hiện hành của pháp luật và yêu cầu của Cơ quan thẩm quyền Indonesia.

b) Cục Thú y

- Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho cán bộ của cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản về quy trình lấy mẫu phù hợp với quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE);

- Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở nuôi xây dựng Chương trình tự kiểm soát dịch bệnh nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch bệnh trước khi đưa vào chế biến. Định kỳ hoặc đột xuất khi cần thiết kiểm tra hoạt động tự kiểm soát dịch bệnh, lấy mẫu gửi xét nghiệm bệnh của các cơ sở nuôi và hoạt động xét nghiệm của các Phòng thử nghiệm.

- Phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tổ chức, hướng dẫn các cơ sở chế biến, đơn vị có liên quan sau khi thống nhất với Cơ quan thẩm quyền Indonesia về yêu cầu bổ sung xét nghiệm bệnh khi chứng nhận thủy sản xuất khẩu.

c) Các cơ sở sản xuất, chế biến xuất khẩu thủy sản vào Indonesia

- Thực hiện lấy mẫu, gửi mẫu xét nghiệm bệnh và đăng ký thẩm định, chứng nhận an toàn thực phẩm, dịch bệnh theo hướng dẫn tại điểm a, b và c Khoản 1 của công văn này; chi trả phí xét nghiệm, thẩm định, kiểm nghiệm theo quy định hiện hành.

- Đảm bảo người lấy mẫu được Cục Thú y (hoặc đơn vị được Cục Thú y giao nhiệm vụ) đào tạo, cấp chứng chỉ lấy mẫu phù hợp với quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE);

- Gửi mẫu tới các Phòng thử nghiệm đủ năng lực theo điểm d Khoản 1 của công văn này và cung cấp các hồ sơ chứng minh cho Cơ quan thẩm định, chứng nhận lô hàng xuất khẩu (khi được yêu cầu).

- Đảm bảo hồ sơ truy xuất nguồn gốc từng lô hàng; có phương án tự kiểm soát mối nguy dịch bệnh đối với nguyên liệu thủy sản trước khi chế biến, xuất khẩu sang Indonesia.

[...]