Công văn 6448/TCHQ-PC năm 2013 tăng cường phối hợp giữa các đơn vị tham mưu ban hành kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 6448/TCHQ-PC
Ngày ban hành 31/10/2013
Ngày có hiệu lực 31/10/2013
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Hoàng Việt Cường
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Bộ máy hành chính,Vi phạm hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6448/TCHQ-PC
V/v tăng cường phối hợp giữa các đơn vị tham mưu ban hành kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2013

 

Kính gửi:

- Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan;
- Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

 

Để việc ban hành các kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại liên quan đến người khai hải quan, người nộp thuế đúng quy định pháp luật, góp phần đảm bảo thực hiện đúng chế độ quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thu đúng, thu đủ thuế và thu khác liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vào ngân sách nhà nước; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, pháp luật thuế và hạn chế phát sinh khiếu nại, khởi kiện các quyết định hành chính của cơ quan Hải quan:

Tổng cục Hải quan yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành tăng cường trách nhiệm phối hợp trong công tác tham mưu, lấy ý kiến chuyên môn, nghiệp vụ, thẩm định về mặt pháp lý trước khi ban hành các kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại liên quan đến người khai hải quan, người nộp thuế.

Công tác phối hợp thực hiện như sau:

I. ĐỐI VỚI CÁC VĂN BẢN THUỘC THẨM QUYỀN BAN HÀNH CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

1. Phạm vi phối hợp

Việc phối hợp lấy ý kiến được áp dụng đối với: kết luận thanh tra; quyết định giải quyết khiếu nại của người khai hải quan, người nộp thuế đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực hải quan (sau đây gọi chung là vụ việc).

Phạm vi phối hợp lấy ý kiến đối với vụ việc bao gồm: lấy ý kiến về chuyên môn, nghiệp vụ của các đơn vị nghiệp vụ và lấy ý kiến thẩm định về mặt pháp lý của Vụ Pháp chế.

2. Nguyên tắc chung về việc phối hợp

2.1. Mỗi vụ việc do một đơn vị hoặc đoàn thanh tra chuyên ngành chủ trì (sau đây gọi chung là đơn vị chủ trì) chịu trách nhiệm lập hồ sơ, đề xuất phương án giải quyết, sau đó lấy ý kiến thẩm định về mặt pháp lý trước khi trình Lãnh đạo Tổng cục duyệt, ký ban hành.

Việc xác định đơn vị chủ trì căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, quyết định thanh tra chuyên ngành của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và các quy trình nghiệp vụ liên quan về giải quyết khiếu nại, thanh tra chuyên ngành.

2.2. Tùy theo tính chất, mức độ phức tạp của vụ việc, trước khi lấy ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế, đơn vị chủ trì có thể lấy ý kiến của một (01) hoặc nhiều đơn vị nghiệp vụ thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan. Đối với vụ việc thuộc trách nhiệm tư vấn của các Hội đồng tư vấn được thành lập theo quyết định của Tổng cục thì có văn bản kèm Hồ sơ vụ việc gửi Hội đồng tư vấn cho ý kiến.

2.3. Việc đề nghị phối hợp tham gia ý kiến về chuyên môn, nghiệp vụ đối với mỗi vụ việc phải theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công của mỗi đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan.

2.4. Hồ sơ vụ việc yêu cầu tham gia ý kiến về chuyên môn, nghiệp vụ và ý kiến thẩm định về mặt pháp lý phải được các đơn vị chủ trì và các đơn vị liên quan soạn thảo, in ấn, gửi, nhận, xử lý, bảo quản, lưu giữ theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

2.5. Đơn vị chủ trì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết vụ việc đến đơn vị được lấy ý kiến và đơn vị thẩm định, ngay sau khi văn bản của vụ việc được Lãnh đạo Tổng cục Hải quan ký, ban hành.

3. Trách nhiệm của đơn vị chủ trì

3.1. Đánh giá tính chất, mức độ, phân loại vụ việc để tùy từng trường hợp lấy ý kiến các đơn vị nghiệp vụ có liên quan hoặc đề nghị Hội đồng tư vấn cho ý kiến đối với các vụ việc nêu tại khoản 1 Mục I Công văn này.

3.2. Lập và gửi đầy đủ thành phần hồ sơ khi lấy ý kiến.

Hồ sơ vụ việc gửi yêu cầu tham gia ý kiến về chuyên môn, nghiệp vụ, gồm:

a) Văn bản đề nghị tham gia ý kiến;

b) Dự thảo tờ trình Lãnh đạo Tổng cục, trong đó nêu rõ nội dung vụ việc, căn cứ pháp lý, đề xuất các phương án giải quyết vụ việc;

c) Báo cáo kết quả thanh tra;

d) Dự thảo kết luận thanh tra (kèm theo dự thảo quyết định hành chính xử lý có nội dung trong dự thảo kết luận, nếu có); dự thảo quyết định giải quyết khiếu nại;

đ) Hồ sơ vụ việc liên quan.

3.3 Bổ sung hồ sơ vụ việc theo yêu cầu của đơn vị được yêu cầu tham gia ý kiến (nếu có).

3.4. Tổng hợp các ý kiến tham gia; xem xét tiếp thu ý kiến hoặc giải trình ý kiến không tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc để gửi lấy ý kiến về mặt pháp lý của Vụ Pháp chế.

3.5. Gửi Vụ Pháp chế văn bản đề nghị thẩm định về mặt pháp lý.

[...]