Công văn 6364/BNN-TCTL năm 2014 xử lý sạt lở bờ biển các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 6364/BNN-TCTL
Ngày ban hành 11/08/2014
Ngày có hiệu lực 11/08/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hoàng Văn Thắng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6364/BNN-TCTL
V/v xử lý sạt lở bờ biển các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Hà Nội, ngày 11 tháng 08 năm 2014

 

Kính gửi:

- UBND các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long;
- Các Viện: Khoa học Thủy lợi Việt Nam; Khoa học Thủy lợi Miền Nam; Quy hoạch Thủy lợi; Quy hoạch Thủy lợi miền Nam; Kỹ thuật biển;
- Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội, Trường ĐHTL - Cơ sở 2.

Những năm qua, tình hình xói lở bờ biển đã và đang diễn biến rất phức tạp, có xu thế ngày càng gia tăng cả về quy mô và phạm vi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hệ thống đê biển, các công trình và hệ sinh thái ven biển. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi sau khi tổ chức Hội thảo “Giải pháp kỹ thuật chống xói lở bờ biển trong điều kiện biến đổi khí hậu” tại tỉnh Bạc Liêu cuối tháng 6/2014, công tác xử lý xói lở mặc dù đã được các địa phương chủ động thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả trong việc hạn chế xói lở, gây bồi. Tuy nhiên, việc xử lý xói lở bờ biển còn nhiều tồn tại cả về áp dụng giải pháp kỹ thuật, cũng như lựa chọn sử dụng vật liệu xây dựng, tác động tiêu cực đến hiệu quả đầu tư và ổn định công trình.

Để khắc phục các tồn tại trong việc xử lý xói lở thời gian qua, đảm bảo an toàn hệ thống đê biển và các khu dân cư, cơ sở hạ tầng ven biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:

1. Các cơ quan nghiên cứu khoa học: Nghiên cứu, đánh giá tình hình xói lở bờ biển, bổ sung hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật phòng chống xói lở, gây bồi, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng. Trong đó, chú trọng sử dụng vật liệu địa phương và trồng cây chắn sóng ven biển, làm cơ sở cho việc xây dựng các công trình giảm sóng, gây bồi phù hợp mang lại hiệu quả cao.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long:

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học, đơn vị tư vấn kiểm tra tình hình xói lở bờ biển trên địa bàn; tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm đối với việc thiết kế, thi công và quản lý các công trình phòng chống xói lở, gây bồi.

- Đối với những khu vực đang có diễn biến xói lở phức tạp cần phải xử lý ngay, đề nghị tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực và tư cách pháp nhân nghiên cứu, tính toán cụ thể quy mô, tính chất và xu thế xói lở, đề xuất giải pháp xử lý; lấy ý kiến tham gia rộng rãi của các chuyên gia, các nhà quản lý, trên cơ sở đó hoàn thiện giải pháp đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên trong khu vực, ổn định công trình và phát huy hiệu quả đầu tư. Trong trường hợp phải áp dụng giải pháp kỹ thuật phức tạp, cần xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trước khi phê duyệt dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27/5/2009.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh và các cơ quan liên quan xem xét, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Tổng cục Thủy lợi;
- Lưu VT, TCTL (VT, ĐĐ_3b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Văn Thắng