Công văn 6227/BGTVT-VT năm 2024 về báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại điểm d mục 2 Thông báo Kết luận 220/TB-VPCP do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 6227/BGTVT-VT
Ngày ban hành 12/06/2024
Ngày có hiệu lực 12/06/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Duy Lâm
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6227/BGTVT-VT
V/v báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại điểm d mục 2 Thông báo Kết luận số 220/TB-VPCP ngày 15/5/2024 của Văn phòng Chính phủ

Hà Nội, ngày 12 tháng 06 năm 2024

 

Kính gửi:

- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà;
- Đồng kính gửi Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại điểm d mục 2 Thông báo Kết luận số 220/TB-VPCP ngày 15/5/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc giao Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và Bộ Công an thống nhất hình thức văn bản của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương phối hợp với các địa phương bổ sung hồ sơ, hoàn thiện, trình Phó Thủ tướng Chính phủ trước 25/5/2024[1], Bộ GTVT kính báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai như sau:

1. Công tác triển khai thực hiện

Bộ GTVT đã rà soát, tổng hợp các văn bản của Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đối với 35 địa phương[2] được Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng phục vụ chở khách du lịch trong phạm vi hạn chế thì hình thức văn bản của Thủ tướng Chính phủ đều là văn bản hành chính.

Ngày 20/5/2024, Bộ GTVT có Văn bản số 5334/BGTVT-VT xin ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan, đến ngày 30/5/2024, Bộ GTVT đã nhận được đầy đủ ý kiến của 02/02 Bộ (Công an, Tư pháp)[3] và 06/06 địa phương (Hà Nam, Phú Thọ, Quảng Trị, Bình Thuận, Trà Vinh, Vĩnh Long)[4]. Cụ thể như sau:

- 06/06 địa phương có văn bản gửi lại hồ sơ và đề xuất cho phép triển khai thực hiện thí điểm.

- Ý kiến Bộ Công an: (1) “Về nội dung văn bản:… để đảm bảo cơ sở pháp lý công tác quản lý hoạt động, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, đề nghị Bộ Giao thông vận tải tham mưu Chính phủ ban hành văn bản theo thẩm quyền.”; (2) “Về hình thức văn bản: Bộ Công an thấy rằng, nội dung của dự thảo văn bản của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm xe bốn bánh có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện để chở khách tham quan trong khu vực hạn chế có chứa quy phạm pháp luật. Do đó, việc xây dựng văn bản cần tuân thủ theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.”.

- Ý kiến Bộ Tư pháp: (1) Về hình thức văn bản: “… Như vậy, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thí điểm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định 39/2022/NĐ-CP.”; (2) Về việc cho phép các tỉnh Vĩnh Long, Phú Thọ, Bình Thuận, Trà Vinh, Quảng Trị thực hiện thí điểm: “… Do đó, việc cho phép các tỉnh Vĩnh Long, Phú Thọ, Bình Thuận, Trà Vinh, Quảng Trị thực hiện thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế trên địa bàn các tỉnh tại thời điểm này là chưa thật hợp lý. Hơn nữa, sau khi Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được ban hành thì các phương tiện này sẽ phải thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo quy định của hai luật này.”.

2. Về việc tiếp tục mở rộng thí điểm hoạt động xe bốn bánh có gắn động cơ

Để tạo thuận lợi cho việc phát triển du lịch, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, góp phần thực hiện hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ[5] nhằm phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương, đồng thời tăng cường công tác quản lý, khắc phục hoạt động tự phát đối với các hoạt động của xe bốn bánh có gắn động cơ, Bộ GTVT và Bộ Công an đã phối hợp với các cơ quan có liên quan đưa các nội dung quản lý loại hình hoạt động này vào dự thảo Luật Đường bộ, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo chương trình của Quốc hội sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2024) và nếu được Quốc hội thông qua Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, khi đó hoạt động của xe bốn bánh có gắn động cơ sẽ được triển khai một cách đồng bộ trên các địa phương đúng quy định của pháp luật mà không phải triển khai các hoạt động thí điểm. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ cho phép 06 tỉnh (Hà Nam, Phú Thọ, Quảng Trị, Bình Thuận, Trà Vinh, Vĩnh Long) tiếp tục thí điểm xe điện trong thời gian chờ các Luật này có hiệu lực thì ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Nghị định số 39/2022/NĐ-CP như ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Công an.

Bộ GTVT kính báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Công an, Tư Pháp;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Nam, Phú Thọ, Quảng Trị, Bình Thuận, Trà Vinh, Vĩnh Long;
- Các Sở GTVT: Hà Nam, Phú Thọ, Quảng Trị, Bình Thuận, Trà Vinh, Vĩnh Long;
- Lưu VT, Vận tải.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Duy Lâm

 

PHỤ LỤC

TỔNG HỢP Ý KIẾN 06 ĐỊA PHƯƠNG VÀ 02 BỘ (CÔNG AN, TƯ PHÁP)
(Gửi kèm theo Công văn số 6227/BGTVT-VT ngày 12/06/2024 của Bộ GTVT)

I. Ý kiến Bộ Công an

1. Về nội dung văn bản: “Hiện nay, các quy định về việc chấp hành quy tắc giao thông đường bộ, hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của loại xe này mới chỉ được quy định trong Thông tư số 86/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2024 của Bộ Giao thông vận tải. Do đó, để đảm bảo cơ sở pháp lý công tác quản lý hoạt động, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, đề nghị Bộ Giao thông vận tải tham mưu Chính phủ ban hành văn bản theo thẩm quyền.”;

2. Về hình thức văn bản: “Bộ Công an thấy rằng, nội dung của dự thảo văn bản của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm xe bốn bánh có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện để chở khách tham quan trong khu vực hạn chế có chứa quy phạm pháp luật. Do đó, việc xây dựng văn bản cần tuân thủ theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.”.

II. Ý kiến Bộ Tư pháp

1. Về hình thức văn bản

a) Liên quan đến hình thức văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, pháp luật hiện hành có quy định như sau:

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/06/2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ quy định Thủ tướng Chính phủ: Quyết định thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 20 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (điểm b).

b) Việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp này thực hiện theo pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể:

+ Điều 20 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định: Biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, chế độ làm việc với các thành viên Chính phủ, chính quyền địa phương và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (khoản 1); Biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Chỉnh phủ; kiểm tra hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước (khoản 2).

+ Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 154/2020/NĐ-CP) về xác định văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ gồm: Phê duyệt chiến lược, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch (điểm a); Giao chỉ tiêu kinh tế -xã hội cho cơ quan, đơn vị (điểm b); Thành lập trường đại học; thành lập các ban chỉ đạo, hội đồng, ủy ban để thực hiện nhiệm vụ trong một thời gian xác định (điểm c); Khen thưởng, kỷ luật, điều động công tác (điểm d); Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, tạm đình chỉ công tác cán bộ, công chức (điểm đ); Các quyết định khác không có nội dung quy định tại Điều 20 của Luật (điểm e) không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Như vậy, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thí điểm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định 39/2022/NĐ-CP.

2. Về việc cho phép các tỉnh Vĩnh Long, Phú Thọ, Bình Thuận, Trà Vinh, Quảng Trị thực hiện thí điểm.

[...]