Công văn 620/TTCP-CCTN năm 2013 tổng hợp kết quả Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 11 do Thanh tra Chính phủ ban hành
Số hiệu | 620/TTCP-CCTN |
Ngày ban hành | 22/03/2013 |
Ngày có hiệu lực | 22/03/2013 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Thanh tra Chính phủ |
Người ký | Trần Đức Lượng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội |
THANH TRA CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 620/TTCP-CCTN |
Hà Nội, ngày 22 tháng 03 năm 2013 |
Kính gửi: |
- Các bộ, Cơ
quan ngang bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ; |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Đối thoại về phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 11 với chủ đề “Công tác PCTN tại địa phương - Thực trạng và giải pháp”;
Trong quý IV/2012, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương, về PCTN cùng với Đại Sứ quán Vương quốc Anh trong vai trò là các cơ quan đồng chủ trì đã phối hợp với các địa phương tổ chức thành công 03 hội thảo trước Đối thoại và hội nghị Đối thoại về PCTN lần thứ 11. Sau Đối thoại, Thanh tra Chính phủ đã có Báo cáo kết quả Đối thoại gửi Thủ tướng Chính phủ.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản số 580/VPCP-V.I ngày 18/01/2013 của Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ tổng hợp kết quả Đối thoại về PCTN lần thứ 11 gửi các cơ quan, cụ thể như sau:
I. Hội thảo trước Đối thoại
Các hội thảo trước Đối thoại đã được tổ chức trong tháng 10, 11/2012 theo khu vực Bắc, Trung, Nam lần lượt tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ với sự tham dự của đại diện của một số cơ quan, bộ, ngành ở Trung ương và đại diện các cơ quan Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận tổ quốc cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước.
Tại mỗi Hội thảo, đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh chủ nhà là Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ đã trình bày ‘‘Báo cáo tổng hợp về công tác PCTN của địa phương qua 5 năm thực hiện Luật PCTN”; một số địa phương được lựa chọn trình bày báo cáo theo chuyên đề như “Công tác quản lý nhà nước của địa phương trong lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao”; “Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng PCTN của địa phương trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc tham nhũng”; “Thực trạng hoạt động giám sát, chất vấn về PCTN của Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu quốc hội và Mặt trận tổ quốc của tỉnh”; “Kinh nghiệm về giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người tố cáo tham nhũng ở địa phương; khuyến khích các cơ quan báo chí, các tổ chức xã hội và nhân dân tham gia công tác PCTN”.
Tại hội thảo, Thanh tra Chính phủ và chuyên gia tư vấn đã giới thiệu kết quả điều tra xã hội học về "Thực hiện chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân và Mặt trận tổ quốc cấp tỉnh trong công tác PCTN"; các nhà tài trợ và một số chuyên gia nghiên cứu độc lập trình bày các báo cáo phân tích, kết quả nghiên cứu phù hợp với chủ đề Đối thoại. Về kinh nghiệm quốc tế, phía các nhà tài trợ đã mời chuyên gia giới thiệu kinh nghiệm của thành phố Martin, Cộng hòa Slovakia với tham luận về “Dự án Thành phố minh bạch" như một thực tiễn tốt về quản trị và PCTN ở cấp địa phương.
II. Đối thoại về PCTN lần thứ 11
Từ kết quả của 03 hội thảo trước Đối thoại, ngày 06/12/2012, Đối thoại về PCTN lần thứ 11 giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ đã được tổ chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Đối thoại về PCTN lần thứ 11 do Tổng thanh tra Chính phủ, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, Đại sứ Vương quốc Anh và Trưởng đại diện Bộ Phát triển Anh lại Việt Nam đồng chủ trì. Tham dự Đối thoại có đại biểu của nhiều cơ quan, bộ, ngành ở Trung ương; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận tổ quốc và các đại biểu của 16 tỉnh, thành phố đại diện cho các địa phương trong cả nước; cùng đại diện một số tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Tham dự Đối thoại có các vị Đại sứ, Trưởng đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các chuyên gia tư vấn, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Đối thoại lần thứ 11 đã diễn ra với 02 phiên làm việc trong tinh thần thẳng thắn, cởi mở và xây dựng. Trong phiên thứ nhất, Đại diện của Thanh tra Chính phủ trình bày Báo cáo những tiến triển trong công tác PCTN kể từ sau Đối thoại về PCTN lần thứ 10: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng về công tác PCTN của Việt Nam và có ý kiến chỉ đạo đối với công tác PCTN ở địa phương. Trong phiên làm việc thứ hai, hội nghị đã nghe Ông Ronald Mc Lean - Abaroa, Cựu thị trưởng thành phố La Paz, Bolivia giới thiệu kinh nghiệm về quản trị và PCTN ở cấp địa phương; đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN trình bày Báo cáo "Công tác PCTN ở địa phương - Thực trạng và Giải pháp"; Đại diện của các nhà tài trợ trình bày tham luận “Công tác PCTN ở địa phương của Việt Nam - Quan điểm của các nhà tài trợ”.
Kết thúc Đối thoại, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đại diện cho các cơ quan đồng chủ trì phát biểu tổng kết, đánh giá về thực trạng và đề xuất mội số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCTN ở địa phương.
III. Đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp cho công tác PCTN ở địa phương trong thời gian tới
1. Đánh giá thực trạng công tác PCTN ở địa phương
a) Công tác PCTN ở địa phương trong thời gian qua có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng:
Nhiều địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo những chuyển biến rõ nét với nhiều thực tiễn tốt như (i) Tất cả các tỉnh, thành phố đã thực hiện rà soát, cải cách, đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền. (ii) Việc giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” đã được duy trì tốt ở nhiều nơi như: TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, TP. Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp. Đáng chú ý là TP.Hồ Chí Minh đã ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, hệ thống “một cửa” điện tử, hệ thống mạng metronet; đã triển khai trên toàn Thành phố việc xin lỗi dân khi hồ sơ trễ hạn giải quyết. (iii) Sự phối hợp chặt chẽ trong công tác PCTN của Văn phòng BCĐ, Ủy ban kiểm tra, Thanh tra, Công an. Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân,… tại tỉnh Kiên Giang. (iv) Sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử các vụ việc tham nhũng tại TP.Cần Thơ, (v) Năm nội dung phối hợp hiệu quả trong công tác PCTN giữa HĐND, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp. (vi) Kinh nghiệm tốt để giảm nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai tại Đồng Nai, Vĩnh Long (vii) Việc ghi nhận và khích lệ sự tham gia của nhân dân thông qua việc biểu dương 9 tập thể, 6 cá nhân có thành tích trong việc tố giác, đấu tranh chống tham nhũng; xác định vai trò quan trọng và khuyến khích sự tham gia của báo chí trong công tác PCTN tại TP.Hồ Chí Minh và nhiều thực tiễn, kinh nghiệm tốt trong công tác PCTN tại các địa phương khác.
b) Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN ở các địa phương cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế:
Tuy đạt được những kết quả tích cực nêu trên nhưng nhìn chung công tác PCTN tại các địa phương chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Một số cơ chế, chính sách, quy định chậm được bổ sung, sửa đổi dẫn đến hiệu quả thấp trong tổ chức thực hiện; công khai, minh bạch, dân chủ trên một số mặt hoạt động còn hạn chế (nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, quản lý thu chi ngân sách...); tình trạng vi phạm các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn còn xảy ra ở nhiều nơi; minh bạch về tài sản, thu nhập hiệu quả thấp; tính tiên phong gương mẫu của người đứng đầu trong công tác PCTN còn yếu; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, sai phạm chưa nghiêm, chưa tương xứng với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý; việc chuyển đổi vị trí công tác còn hình thức, bất cập; việc tự phát hiện hành vi tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất hạn chế; một số vụ việc, vụ án tham nhũng xử lý còn chậm, kéo dài; hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND về PCTN tại các kỳ họp chưa nhiều, hoạt động giám sát của HĐND về công tác PCTN chưa sâu; vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên chưa được phát huy đúng mức; hoạt động của Ban thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng còn lúng túng, chưa thường xuyên và có phần còn hình thức.
2. Các giải pháp cho công tác PCTN ở địa phương
a) Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN; tăng cường công khai, minh bạch, phát huy vai trò giám sát của nhân dân, HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, của cơ quan báo chí trong công tác PCTN.
b) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về pháp luật nói chung và pháp luật PCTN nói riêng bằng nhiều hình thức, với nội dung đơn giản, dễ hiểu để cán bộ công chức, doanh nghiệp và đại bộ phận người dân được nâng cao nhận thức về PCTN, từ đó có chuyển biến trong hành động, không thực hiện hành vi tham nhũng, hối lộ và tích cực đấu tranh chống tham nhũng.
c) Thực hiện phân cấp quản lý, tăng thêm quyền chủ động cho cấp dưới đi liền với trách nhiệm giải trình, trong đó có giải trình với cơ quan quản lý cấp trên và giải trình trước đối tượng quản lý, trước nhân dân. Các cấp chính quyền cần lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp trong quá trình điều hành quản lý, tổ chức thực thi pháp luật.
d) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành; công khai minh bạch các quy định của pháp luật và hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan công quyền; tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân và doanh nghiệp.
e) Nâng cao năng lực và tăng cường hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và chấp hành pháp luật; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan Thanh tra, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc tham nhũng trên địa bàn.
g) Các địa phương cần thường xuyên đánh giá làm rõ thực trạng công tác PCTN của địa phương; việc đánh giá dựa trên nguồn thông tin, báo cáo trong hệ thống các cơ quan nhà nước, đồng thời cần tham khảo các kết quả nghiên cứu, kết quả điều tra xã hội học như “Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh”, “Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh”, để đảm bảo tính khách quan, toàn diện trong, đánh giá thực trạng làm cơ sở xây dựng giải pháp phù hợp với đặc thù của địa phương.
Thanh tra Chính phủ trân trọng gửi đến quý Cơ quan tổng hợp kết quả Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 11 để tham khảo, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng.