Công văn 5825/UBND-CNN năm 2014 thực hiện Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai và Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai tại Quyết định 44/2014/QĐ-TTg và 46/2014/QĐ-TTg do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 5825/UBND-CNN
Ngày ban hành 10/11/2014
Ngày có hiệu lực 10/11/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thanh Liêm
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5825/UBND-CNN
V/v triển khai thực hiện Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai và Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai tại Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg và Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 11 năm 2014

 

Kính gửi:

- Các Sở, ngành, đoàn thể Thành phố;
- Ủy ban nhân dân 24 quận - huyện;
- Các Tổng Công ty 90, 91 đóng tại Thành phố;
- Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP;
- Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Căn cứ Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai;

Xét đề nghị của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố tại Công văn số 150/PCLB ngày 20 tháng 10 năm 2014 về triển khai thực hiện Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai và Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai tại Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg và Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban nhân dân Thành phố có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Giao Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, các Sở, ngành, đoàn thể, đơn vị Thành phố, Ủy ban nhân dân 24 quận - huyện, các Tổng công ty 90, 91 đóng tại Thành phố, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố:

a) Tổ chức thực hiện và phổ biến đến các đơn vị, địa phương trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai và Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai tại Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg và Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Nghiên cứu cập nhật, bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp các cấp độ rủi ro thiên tai, có khả năng xảy ra tại đơn vị, địa phương và lĩnh vực quản lý, đặc biệt là đối với các địa phương với đặc thù thiên tai theo khu vực nhằm đảm bảo công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ chủ động, kịp thời và hiệu quả.

c) Cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác các thông tin, sự cố về thiên tai cho Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, các đơn vị, địa phương liên quan nhằm phục vụ cho việc chỉ đạo, triển khai hoạt động phòng, chống thiên tai hiệu quả.

d) Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai theo Phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

2. Giao Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):

a) Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai để kịp thời thông tin, cảnh báo đến các địa phương, đơn vị, đồng thời tham mưu triển khai thực hiện các biện pháp phòng, tránh, ứng phó hiệu quả. Phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ và các Sở, ngành, quận - huyện tuyên truyền, phổ biến Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai và hướng dẫn sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, trong đó lưu ý thông tin được truyền tải phải chính xác, sử dụng ngôn ngữ thuần Việt, dễ hiểu, phù hợp với nhu cầu được chuyển tải của nhiều đối tượng.

b) Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai; công tác theo dõi, tiếp nhận và xử lý bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai theo quy định; các kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai.

c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ khảo sát địa điểm, hiện trạng các cột tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão hiện có, đề xuất việc xây dựng, nâng cấp thành hệ thống tháp báo thiên tai (bao gồm áp thấp nhiệt đới, bão, cảnh báo sóng thần và một số thiên tai khác) theo quy định.

d) Phối hợp chặt chẽ với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thượng nguồn Thành phố trong việc báo cáo, cung cấp các thông tin liên quan công tác quản lý, vận hành hồ chứa theo quy định, bảo đảm điều tiết, tích xả nước hợp lý, nhất là trong mùa mưa, lũ.

đ) Chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản: phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố hướng dẫn, kiểm tra việc treo tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão trên các tàu cá của ngư dân, doanh nghiệp, tàu kiểm ngư. Kiểm tra chặt chẽ các tàu thuyền đánh bắt hải sản trước khi ra khơi phải trang bị các thiết bị đầy đủ an toàn, thông tin liên lạc để tiếp nhận tin cảnh báo, dự báo thiên tai. Đồng thời, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và các đơn vị liên quan nắm chắc số lượng, vị trí tàu thuyền và ngư dân đang hoạt động trên biển để kịp thời hướng dẫn di chuyển phòng, tránh, neo đậu đảm bảo an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới, thiên tai trên biển.

3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố:

a) Tổ chức việc bắn pháo hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão và vận hành cột tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão theo quy định. Kiểm tra, đôn đốc việc treo tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão trên các tàu, thuyền thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố.

b) Kiểm soát chặt chẽ các tàu thuyền đánh bắt hải sản khi xuất bến; kiên quyết không cho xuất bến đối với tàu thuyền hết hạn đăng kiểm, tàu thuyền không trang bị đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn theo quy định và khi có lệnh cấm tàu thuyền ra khơi của Ủy ban nhân dân Thành phố hoặc Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban - ngành và lực lượng có liên quan tổ chức triển khai thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra thiên tai trên biển và khu vực ven biển.

4. Bộ Tư lệnh Thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố, Công an Thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố:

Tiếp nhận các bản tin dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai để phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ kịp thời, hiệu quả theo các cấp độ rủi ro thiên tai.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Chủ trì, phối hợp với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Ủy ban nhân dân 24 quận - huyện và các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến kiến thức về động đất, sóng thần và thực hiện báo tin động đất, cảnh báo sóng thần trên địa bàn Thành phố.

b) Phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo thiên tai.

6. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Chủ trì, phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố và các doanh nghiệp thông tin di động thực hiện nhắn tin cảnh báo thiên tai qua mạng thông tin di động theo quy định tại Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ công tác cứu nạn - cứu hộ và nhắn tin cảnh báo thiên tai qua mạng thông tin di động trên địa bàn Thành phố.

b) Yêu cầu các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, các mạng bưu chính, viễn thông phối hợp với cơ quan thông tin chuyên ngành ưu tiên cao nhất cho việc thu, nhận và chuyển tin thiên tai tới các đơn vị, địa phương, các tàu thuyền hoạt động trên biển và cộng đồng dân cư để chủ động phòng, tránh. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn Thành phố nâng cao tốc độ, chất lượng các đường truyền kết nối giữa cơ quan ban hành bản tin dự báo, cảnh báo đến cơ quan truyền tin về thiên tai, cơ quan chỉ đạo phòng, chống, ứng phó thiên tai và đến cộng đồng; mở rộng vùng phủ sóng trên biển, các khu vực vùng sâu, vùng xa của Thành phố.

c) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động báo chí trên địa bàn Thành phố để các thông tin về thiên tai được đăng tải trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, thông tấn đảm bảo chất lượng: nhanh chóng, đầy đủ, chính xác theo những nội dung liên quan thuộc Nghị định số 51/2002/NĐ - CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.

[...]