Công văn 5609/TCHQ-TXNK năm 2016 về đăng ký Danh mục hàng hóa nhập khẩu miễn thuế do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 5609/TCHQ-TXNK
Ngày ban hành 16/06/2016
Ngày có hiệu lực 16/06/2016
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Nguyễn Dương Thái
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5609/TCHQ-TXNK
V/v đăng ký Danh mục hàng hóa nhập khẩu miễn thuế

Hà Nội, ngày 16 tháng 06 năm 2016

 

Kính gửi:

- Cục Hải quan TP. Hà Nội;
- Ban Quản lý các dự án Dạy nghề vốn ODA.
(Số 1 ngõ 17 Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội)

 

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 1562/HQHN-TXNK ngày 18/05/2016 của Cục Hải quan TP. Hà Nội và công văn số 434/BQLCDA-TCGN ngày 26/05/2016 của Ban Quản lý các Dự án Dạy nghề vốn ODA - Tổng cục Dạy nghề (Ban quản lý) đề nghị hướng dẫn vướng mắc về việc cấp Danh mục miễn thuế cho dự án “Thành lập 5 trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc”. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về nơi đăng ký danh mục:

Căn cứ khoản 4 Điều 104 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính và xét thực tế, dự án “Thành lập 5 trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc” được thực hiện ở 5 địa phương khác nhau (trong đó có TP. Hà Nội), Ban quản lý dự án quản lý hàng hóa tập trung tại một đầu mối và có trụ sở chính tại TP. Hà Nội; do đó, việc đơn vị có nguyện vọng đăng ký Danh mục hàng hóa nhập khẩu miễn thuế tại một địa điểm là Cục Hải quan TP. Hà Nội để quản lý tập trung là phù hợp.

2. Về điều khoản miễn thuế:

Căn cứ khoản 7 Điều 103 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định, thì hàng hóa nhập khẩu (thiết bị, máy móc) để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được miễn thuế nhập khẩu.

Căn cứ khoản 10 Điều 103 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định, thì: “Miễn thuế lần đầu đối với hàng hóa trang thiết bị nhập khẩu theo danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 87/2010/NĐ-CP để tạo tài sản cố định của dự án được ưu đãi về thuế nhập khẩu, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tư về khách sạn, văn phòng, …, đào tạo, …, dịch vụ tư vấn.

Các dự án có hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế lần đầu quy định tại khoản này thì không được miễn thuế theo quy định tại các khoản khác Điều này”.

Căn cứ các quy định nêu trên, do quy định của pháp luật không bắt buộc nên trường hợp dự án “Thành lập 5 trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc” nếu đáp ứng được cả hai điều khoản nêu trên thì Ban quản lý được lựa chọn miễn thuế theo hình thức cao nhất.

3. Về xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp Danh mục hàng hóa nhập khẩu miễn thuế cho các dự án cấp trước ngày 01/01/2006:

Theo giải trình của Ban quản tại công văn số 434/BQLCDA-TCGN thì Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 184/TTg-QHQT ngày 18/02/2005 và thời gian thực hiện dự án là 3 năm kể từ khi Hiệp định vay vốn có hiệu lực. Tuy nhiên, Hiệp định vay vốn giữa Chính phủ Đại hàn Dân Quốc và Chính phủ Việt Nam được ký kết ngày 28/03/2008, như vậy, thời gian kết thúc dự án vào năm 2011, nhưng đến nay Ban quản lý dự án mới bắt đầu nhập khẩu hàng hóa để triển khai thực hiện dự án. Về vấn đề này, Ban quản lý dự án đã giải trình lý do chậm tiến độ thực hiện dự án tại công văn số 434/BQLCDA-TCGN gồm có 3 nguyên nhân như sau:

- Công văn số 184/TTg-QHQT không đề cập đến cơ chế quản lý, phương thức thực hiện và cơ chế tài chính của dự án. Do đó, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan thực hiện phải mất rất nhiều thời gian để trao đổi, dẫn đến, ngày 28/03/2008 Hiệp định vay vốn giữa Chính phủ Đại hàn Dân quốc và Chính phủ Việt Nam mới được ký kết.

- Theo yêu cầu của Nhà tài trợ, các nhà thầu tham gia phải có quốc tịch Hàn Quốc. Vì vậy, gói thầu “Dịch vụ tư vấn” của dự án phải đấu thầu 2 lần mới thuê tuyển được đơn vị tư vấn thực hiện dự án. Khi công ty tư vấn được thuê tuyển, các hoạt động tiếp theo của dự án như xây lắp, mua sắm thiết bị mới bắt đầu được triển khai.

- Do chính sách về dạy nghề của Nhà nước thay đổi như: Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/04/2011; Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29/05/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020; Quyết định số 826/QĐ-LĐTBXH ngày 07/07/2011 và Quyết định số 854/QĐ-LĐTBXH ngày 06/06/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt nghề trọng điểm và trường được lựa chọn nghề trọng điểm để hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Do vậy, dự án phải điều chỉnh theo hướng đầu tư tập trung cho các nghề trọng điểm đạt trình độ quốc tế (Hàn Quốc). Mặt khác, ngân sách của dự án theo thiết kế ban đầu không đủ kinh phí để đầu tư cho 35 ngành nghề nên số nghề được đầu tư giảm xuống còn 8 nghề. Việc điều chỉnh này kéo theo việc mua sắm thiết bị cho các trường bị kéo dài đến năm 2015 mới lựa chọn được nhà thầu là Liên danh KT Consortium Hàn Quốc để triển khai nhập khẩu hàng hóa phục vụ dự án.

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền cấp Danh mục hàng hóa nhập khẩu miễn thuế là Cục Hải quan địa phương, không phải là Bộ Thương mại như đối với các dự án được phê duyệt trước ngày 01/01/2006.

Tuy nhiên, để đảm bảo việc đăng ký Danh mục hàng hóa nhập khẩu miễn thuế được phù hợp thực tế, đề nghị Ban quản lý dự án xuất trình văn bản xác nhận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về lý do chậm tiến độ thực hiện dự án.

Tổng cục Hải quan trả lời để Cục Hải quan TP. Hà Nội, Ban Quản lý các dự án Dạy nghề vốn ODA được biết và thực hiện.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, TXNK-CST (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Dương Thái

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ