Công văn 53976/CT-TTHT năm 2018 về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp chế xuất, cách phân bổ chi phí giữa hai loại hình thương mại và chế xuất do cục thuế Thành phố Hà Nội

Số hiệu 53976/CT-TTHT
Ngày ban hành 01/08/2018
Ngày có hiệu lực 01/08/2018
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục thuế thành phố Hà Nội
Người ký Mai Sơn
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thuế - Phí - Lệ Phí

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53976/CT-TTHT
V/v ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp chế xuất, cách phân bổ chi phí giữa hai loại hình thương mại và chế xuất

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2018

 

Kính gửi: Công ty TNHH NEO S Việt Nam
(Địa chỉ: số 6 lô 2, KCN Quang Minh II, xã Thanh Lâm, Huyện Mê Linh, TP Hà Nội - MST: 0108131199)

Trả lời công văn số 01/CV/NEOS ngày 14/5/2018 của Công ty TNHH NEO S Việt Nam (sau đây gọi tắt là công ty) đề nghị hướng dẫn về ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp chế xuất và cách phân bổ chi phí giữa hai loại hình hoạt động thương mại và chế xuất. Về vấn đề này, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

1. Về kê khai, hạch toán chi phí đối với hai loại hình hoạt động chế xuất và thương mại

- Căn cứ Nghị định 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018).

+ Tại Điều 3 quy định:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa bao gồm các hoạt động sau đây:

a) Thực hiện quyền xuất khẩu;

b) Thực hiện quyền nhập khẩu;

c) Thực hiện quyền phân phối;

2. Quyền xuất khẩu là quyền mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Quyền xuất khẩu không bao gồm quyền mua hàng hóa từ các đối tượng không phải là thương nhân để xuất khẩu, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

3. Quyền nhập khẩu là quyền được nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu. Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

4. Phân phối là các hoạt động bán buôn, bán lẻ, đại lý bán hàng hóa và nhượng quyền thương mại.

5. Quyền phân phối là quyền thực hiện trực tiếp các hoạt động phân phối.

6. Bán buôn là hoạt động bán hàng hóa cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ và thương nhân, tổ chức khác; không bao gồm hoạt động bán lẻ.

7. Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng.”

+ Tại Điều 5 quy định về cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ.

+ Tại Điều 6 quy định về các trường hợp không phải cấp Giấy phép kinh doanh.

- Căn cứ Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế (có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2018).

+ Tại Khoản 5 Điều 30 quy định:

“5. Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam, không phải khu phi thuế quan, là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này và các trường hợp không làm thủ tục hải quan do Bộ Tài chính quy định.

Doanh nghiệp chế xuất được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý của doanh nghiệp và các hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại. Tại thời điểm bán, thanh lý vào thị trường nội địa không áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện quản lý theo điều kiện, tiêu chuẩn, kiểm tra chuyên ngành chưa thực hiện khi nhập khẩu; hàng hóa quản lý bằng giấy phép thì phải được cơ quan cấp phép nhập khẩu đồng ý bằng văn bản.”

+ Tại Khoản 7 Điều 30 quy định:

“7. Doanh nghiệp chế xuất khi được phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam phải mở sổ kế toán hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam và bố trí khu vực lưu giữ hàng hóa ngăn cách với khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chế xuất hoặc thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất để thực hiện hoạt động này.”

- Căn cứ Điều 2 Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 22/4/2013 của Bộ Công thương quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam:

“Điều 2. Phạm vi thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa

[...]