Công văn 5379/BGDĐT-GDTH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2012-2013 đối với giáo dục tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 5379/BGDĐT-GDTH
Ngày ban hành 20/08/2012
Ngày có hiệu lực 20/08/2012
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Vinh Hiển
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5379/BGDĐT-GDTH
V/v: Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2012-2013 đối với giáo dục tiểu học

Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 2012

 

Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo

Căn cứ Chỉ thị số 2737/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2012 - 2013;

Căn cứ Quyết định số 1866/QĐ-BGDĐT ngày 17 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2012 - 2013 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên;

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ năm học 2012 - 2013 đối với cấp Tiểu học như sau:

A - NHIỆM VỤ CHUNG

Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đẩy mạnh cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".

Tập trung chỉ đạo việc quản lí, tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng; điều chỉnh nội dung dạy học và đánh giá, xếp loại phù hợp đặc điểm tâm sinh lí học sinh tiểu học; tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống; đổi mới phương pháp dạy học; chỉ đạo điểm mô hình trường tiểu học đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; triển khai dạy học ngoại ngữ theo chương trình mới ở những nơi có đủ điều kiện; duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lí chỉ đạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục; đề cao trách nhiệm, khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lí.

B - NHIỆM VỤ CỤ THỂ

I. Thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"

1. Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, củng cố kết quả cuộc vận động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo".

- Thực hiện nội dung giáo dục "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong các môn học và hoạt động giáo dục ở tiểu học.

- Thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo, coi trọng việc rèn luyện phẩm chất, lối sống, lương tâm nghề nghiệp; tạo cơ hội, động viên, khuyến khích giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục học tập và sáng tạo; ngăn ngừa và đấu tranh kiên quyết với các biểu hiện vi phạm pháp luật và đạo đức nhà giáo.

- Không tổ chức dạy học trước và không thi tuyển học sinh vào lớp 1.

- Tiếp tục triển khai các biện pháp giảm tỉ lệ học sinh yếu, học sinh bỏ học, bàn giao chất lượng giáo dục, không để học sinh ngồi sai lớp; tổ chức hoạt động nhằm phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi nhưng không tổ chức thi học sinh giỏi ở tất cả các cấp quản lí.

2. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40/2008/CT-BGDĐT ngày 22/7/2008 và Kế hoạch số 307/KH-BGDĐT ngày 22/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, chú trọng các hoạt động :

- Giáo dục đạo đức, kĩ năng sống cho học sinh thông qua các môn học, hoạt động giáo dục và xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá. Nhà trường chủ động phối hợp với gia đình và cộng đồng trong giáo dục đạo đức và kĩ năng sống cho học sinh.

- Đẩy mạnh phong trào xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp; đủ nhà vệ sinh sạch sẽ cho học sinh và giáo viên.

- Đưa các nội dung giáo dục văn hoá truyền thống vào nhà trường. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí tích cực, các hoạt động văn hoá, thể thao, trò chơi dân gian, dân ca, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khoá phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường và địa phương. Hướng dẫn học sinh chủ động tự tổ chức, điều khiển các hoạt động tập thể và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

- Tổ chức lễ khai giảng năm học mới (với cả phần lễ và phần hội) gọn nhẹ, vui tươi, tạo không khí phấn khởi cho học sinh bước vào năm học mới.

- Tổ chức "Tuần làm quen" đầu năm học mới đối với lớp 1 nhằm giúp học sinh thích nghi với môi trường học tập mới và cảm thấy vui thích khi được đi học.

- Tổ chức lễ ra trường trang trọng, tạo dấu ấn sâu sắc cho học sinh hoàn thành chương trình tiểu học trước khi ra trường (tuỳ điều kiện cụ thể, có thể tổ chức trao giấy chứng nhận của Hiệu trưởng cho học sinh hoàn thành chương trình tiểu học và các sinh hoạt tập thể, giao lưu, văn nghệ…).

II. Thực hiện kế hoạch giáo dục

1. Đối với các trường, lớp dạy học 1 buổi/ ngày

Tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kế hoạch dạy học và giáo dục đối với lớp 1 buổi/ ngày: thời lượng tối đa 5 tiết/ buổi, tối thiểu 5 buổi/ tuần.

Nội dung hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (4 tiết/ tháng) thực hiện tích hợp các nội dung giáo dục Âm nhạc, Mĩ thuật, Thủ công/Kĩ thuật, phù hợp điều kiện thực tế địa phương và nhà trường (truyền thống văn hoá, nghề nghiệp địa phương; năng lực giáo viên và thiết bị dạy học của nhà trường).

2. Đối với các trường, lớp dạy học 2 buổi/ ngày

2.1. Kế hoạch dạy học và giáo dục đối với trường, lớp 2 buổi/ ngày: thời lượng tối đa 7 tiết/ ngày. Hiệu trưởng chủ động xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ ngày trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu:

[...]