Kính
gửi:
|
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Quốc
gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành
nhiều văn bản hướng dẫn nhằm tạo điều kiện cho chuyên gia nước ngoài, người nước
ngoài nhập cảnh Việt Nam bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-191. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, thực tế phát
sinh một số bất cập trong quản lý chuyên gia nước ngoài, người nước ngoài trong
quá trình nhập cảnh, cách ly, làm việc, cư trú tại Việt Nam, gây ảnh hưởng đến
công tác phòng chống dịch Covid-19.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ tại công điện số 570/CĐ-TTg ngày 02/05/2021, Thông báo số 82/TB-VPCP ngày
29/4/2021, Thông báo số 102/TB-VPCP ngày 11/5/2021; Ban Chỉ
đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo Quốc
gia) đã rà soát các văn bản có liên quan đến công tác giải quyết và quản lý việc
nhập cảnh Việt Nam đối với chuyên gia nước ngoài, người nước ngoài thời gian
qua. Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh hiện nay, để tăng cường công tác kiểm
soát, quản lý chặt chẽ hơn đối với việc giải quyết nhập cảnh chuyên gia nước
ngoài, người nước ngoài vào Việt Nam phục vụ “mục tiêu kép”, đảm bảo giải quyết
cho chuyên gia nước ngoài, người nước ngoài nhập cảnh đúng đối tượng, nhu cầu
và mục đích; đồng thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Thực hiện Công văn số
1329/VPCP-QHQT ngày 11/6/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc rà soát quy trình
duyệt, quản lý chuyên gia nước ngoài, người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; Ban
Chỉ đạo Quốc gia hướng dẫn bổ sung như sau:
1. UBND tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương:
- Căn cứ nhu cầu và đề xuất của cơ
quan, tổ chức trên địa bàn, tiếp tục chịu trách nhiệm xem xét quyết định phê
duyệt: (i) Danh sách chuyên gia nước ngoài (gồm: chuyên gia kỹ thuật, nhà đầu
tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao)2 và
thân nhân (gồm: bố, mẹ, vợ, chồng, con) của chuyên gia vào làm việc với các cơ
quan, tổ chức đó; (ii) Các trường hợp người nước ngoài khác thuộc thẩm quyền
xem xét cho nhập cảnh của UBND cấp tỉnh (gồm: học sinh, sinh viên nước ngoài học tập tại các trường của tỉnh/thành
phố trực thuộc trung ương; các trường hợp xin nhập cảnh mang tính nhân đạo, khẩn
cấp, điều trị tại địa phương ...).
- Xem xét phê duyệt chủ trương cho
phép chuyên gia nước ngoài và thân nhân, người nước ngoài được cách ly tại địa
phương; triển khai công tác cách ly, giám sát y tế và hoạt động của chuyên gia
và thân nhân, người nước ngoài trong thời gian vào làm việc tại địa phương; định
kỳ báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia theo quy định.
2. Tổ công tác 5 Bộ
(Ngoại giao, Y tế, Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải):
- Xem xét, quyết định về việc nhập cảnh
đối với: (i) Người nước ngoài có cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh là cơ quan đại
diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế;
các cơ quan, bộ ban ngành trung ương3; (ii) Người nước
ngoài được cơ quan, tổ chức khác mời, bảo lãnh để phục vụ mục tiêu phát triển
kinh tế xã hội và các trường hợp đặc thù khác (bao gồm cả lý do nhân đạo, chữa
bệnh và trường hợp vào liên hệ, làm việc với nhiều tỉnh/ thành phố khác nhau)
không thuộc diện quy định tại điểm 1 nêu trên mà vượt thẩm quyền của Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố hoặc chưa thuộc diện đối tượng đã được cho phép nhập cảnh
hiện nay.
- Tổ công tác 5 Bộ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tham mưu và xử lý các vấn đề phát sinh trong
quá trình thực hiện.
3. Bộ Ngoại giao chủ
trì giải quyết cho người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ
theo Hướng dẫn này.
4. Công văn này có
hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Công văn số 2847/CV-BCĐ ngày 23/5/2020,
Công văn số 3949/CV-BCĐ ngày 24/7/2020, Công văn số 1113/CV-BCĐ ngày 23/02/2021
và Công văn số 3440/CV-BCĐ ngày 27/4/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về việc quản
lý đối với các trường hợp nhập cảnh Việt Nam để phòng chống dịch COVID-19.
Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị các Bộ,
Cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
triển khai cụ thể, đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, tần suất phù hợp và
tuân thủ các biện pháp an toàn phòng chống dịch COVID-19, không để phát sinh
tiêu cực, xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời phổ biến rộng rãi tới các đơn vị,
người dân biết để thực hiện nghiêm Hướng dẫn giải quyết cho chuyên gia nước
ngoài, người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (được gửi kèm Công văn này).
Trân trọng cảm ơn./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg.Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Đ/c Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Đ/c Thứ trưởng;
- Các đồng chí Thành viên BCĐ QG;
- Văn phòng BCH TW Đảng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố;
-3 Lưu: VT, DP.
|
KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN
Đỗ Xuân Tuyên
THỨ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
|
HƯỚNG DẪN
GIẢI QUYẾT CHO CHUYÊN GIA NƯỚC NGOÀI1, NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
NHẬP CẢNH VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Công văn số….. /CV-BCĐ ngày ... /.. ../. của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống
dịch COVID-19)
I. Căn cứ thực hiện
- Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày
19/6/2017 của Quốc hội và Nghị định số 38/2020/NĐ-CP ngày 03/4/2020 của Chính
phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật người lao động Việt Nam đi
làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020
của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ
khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm
trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19;
- Chỉ thị số 01/CT-TTg
ngày 05/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng chống dịch
COVID-19;
- Công điện số 540/CĐ-TTg ngày
23/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý hoạt động tổ chức
các chuyến bay đưa người nhập cảnh Việt Nam;
- Công điện số 541/CĐ-TTg ngày
23/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện phòng, chống dịch
COVID-19;
- Công điện số 570/CĐ-TTg ngày
02/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công
tác phòng, chống dịch COVID-19;
- Các Thông báo của Văn phòng Chính
phủ: số 118/TB-VPCP ngày 21/3/2020, số 122/TB-VPCP ngày 24/3/2020, số 146/TB-VPCP ngày 07/4/2020, số 170/TB-VPCP ngày 28/4/2020, số 182/TB-VPCP
ngày 15/5/2020, số 203/TB- VPCP ngày 10/6/2020, số 238/TBVPCP ngày 12/7/2020, số
330/TB-VPCP ngày 15/9/2020, số 82/TB-VPCP ngày 29/04/2021, số 102/TB-VPCP ngày
11/05/2021 về thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc họp Thường
trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19.
II. Mục đích, yêu
cầu
- Đảm bảo giải quyết nhanh, chặt chẽ
việc nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài và thân nhân đi cùng, người nước ngoài
phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và các nhiệm vụ khác theo quy định.
- Đảm bảo xem xét phê duyệt các trường
hợp đề nghị nhập cảnh vào Việt Nam phải phù hợp với đối tượng theo chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19.
- Tăng cường trách nhiệm giám sát
cách ly, sau cách ly và chương trình làm việc của chuyên gia nước ngoài và thân
nhân đi cùng, người nước ngoài nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.
III. Nội dung
1. Việc giải
quyết đưa chuyên gia nước ngoài, thân nhân2 đi
cùng; người nước ngoài khác nhập cảnh Việt Nam thuộc diện UBND cấp tỉnh phê duyệt
1.1. Đối tượng áp dụng: (i) Chuyên
gia nước ngoài do cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh nhập cảnh, làm việc, cư trú tại
địa phương và thân nhân của chuyên gia nước ngoài; (ii) Người nước ngoài khác
do cơ quan, tổ chức mời đón (bao gồm học sinh, sinh viên nước ngoài học tập tại
các trường của tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương và các trường hợp xin nhập
cảnh mang tính nhân đạo, khẩn cấp, điều trị tại địa phương...).
1.2. Quy trình xử lý:
- Căn cứ theo nhu cầu của các cơ
quan, tổ chức đóng trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định
phê duyệt danh sách chuyên gia nước ngoài và thân nhân đi cùng, người nước
ngoài sẽ được nhập cảnh, gửi danh sách cho Bộ Công an (Cục Quản lý xuất nhập cảnh)
để xem xét giải quyết.
- Văn bản đề nghị cho chuyên gia nước
ngoài và thân nhân đi cùng, người nước ngoài nhập cảnh của các đơn vị mời, bảo
lãnh bao gồm những thông tin sau: (i) Đề xuất danh sách chuyên gia nước ngoài
và thân nhân đi cùng, người nước ngoài sẽ nhập cảnh, mục đích, thời gian nhập cảnh
và lưu trú (trong đó nêu rõ sự cần thiết nhập cảnh của những trường hợp này);
(ii) Phương án đưa đón, di chuyển; kế hoạch cách ly tại cơ sở cách ly đã được Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định, lựa chọn; (iii) Chương trình, kế hoạch làm việc,
nơi lưu trú của chuyên gia nước ngoài và thân nhân đi cùng, người nước ngoài tại
địa phương; (iv) thông tin liên hệ (địa chỉ, số điện thoại, email); (iv) Văn bản
cam kết của đơn vị mời, bảo lãnh chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn phòng chống dịch
COVID-19 khi mời chuyên gia nước ngoài và thân nhân, người nước ngoài vào Việt
Nam, đảm bảo rằng: (a) Chuyên gia nước ngoài và thân nhân đi cùng, người nước
ngoài được xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật PCR trong vòng 03 ngày trước
ngày nhập cảnh vào Việt Nam, (b) Có bảo hiểm y tế quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức
mời chuyên gia nước ngoài và thân nhân đi cùng, người nước ngoài cam kết chi trả
chi phí điều trị trong trường hợp bị mắc COVID-19, (c) Các
văn bản khác (nếu có).
- Cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh nộp
hồ sơ đề nghị cấp thị thực nhập cảnh cho chuyên gia nước ngoài và thân nhân đi
cùng, người nước ngoài kèm theo văn bản phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
tại Bộ Công an (Cục Quản lý xuất nhập cảnh).
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định,
lựa chọn các cơ sở cách ly tập trung dành riêng cho các chuyên gia nước ngoài
và thân nhân đi cùng, người nước ngoài trên địa bàn (sau đây gọi là cơ sở cách
ly) theo hướng dẫn của Bộ Y tế3.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ
chức lấy mẫu xét nghiệm, kiểm soát việc cách ly tập trung, giám sát y tế sau
khi hết thời gian cách ly tập trung theo quy định và yêu cầu của Bộ Y tế. Tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly và lây nhiễm ra
cộng đồng.
- Đối với các trường hợp người nước
ngoài nhập cảnh mang tính nhân đạo trong tình huống cần phải cấp cứu nếu không
sẽ ảnh hưởng đến tính mạng và người xin nhập cảnh đang ở tại cửa khẩu đường bộ,
đường sắt, đường thủy thì UBND tỉnh/ thành phố có cửa khẩu người nước ngoài sẽ
nhập cảnh chịu trách nhiệm xét duyệt, tiếp nhận, quản lý. Để được nhập cảnh, những
trường hợp này phải có ý kiến bằng văn bản của bệnh viện tiếp nhận điều trị
và kế hoạch cách ly tại Việt Nam phù hợp.
- Lực lượng kiểm tra, kiểm soát xuất
nhập cảnh tại các cửa khẩu đường bộ, đường thủy, hàng không, đường sắt, cảng biển
chỉ được giải quyết nhập cảnh cho các đối tượng người nước
ngoài khi có đủ điều kiện được quy định tại Hướng dẫn này.
2. Việc giải
quyết nhập cảnh đối với những trường hợp người nước ngoài khác thuộc diện Ban
chỉ đạo quốc gia phê duyệt
2.1. Đối tượng áp dụng: (i) Chuyên
gia nước ngoài và thân nhân đi cùng, người nước ngoài có cơ quan, tổ chức mời,
bảo lãnh là cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại
diện tổ chức quốc tế; các cơ quan, bộ ban ngành trung ương4;
(ii) Người nước ngoài được cơ quan, tổ chức khác mời, bảo lãnh để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và các trường hợp đặc thù
khác (bao gồm cả lý do nhân đạo, chữa bệnh) không thuộc diện quy định tại điểm
1 nêu trên mà vượt thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc chưa thuộc diện
đối tượng đã được cho phép nhập cảnh hiện nay.
2.2. Tổ công tác 5 Bộ (Ngoại giao, Y
tế, Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải) xem xét giải quyết như sau:
(i) Cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh
chuyên gia nước ngoài và thân nhân đi cùng, người nước ngoài nộp hồ sơ cho Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị phê duyệt cho người nước ngoài được cách ly tại địa
phương. Trong đó, cơ quan mời đón cần đăng ký danh sách và đề xuất phương án
cách ly, phương tiện đưa đón cụ thể theo các hướng dẫn chi tiết của địa phương,
Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19. Sau khi nhận được văn bản
thông báo ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh nộp
hồ sơ cho Tổ công tác 5 Bộ (thông qua Bộ Ngoại giao).
(ii) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, có văn bản nêu rõ ý kiến đồng ý (hoặc không đồng ý) cho
chuyên gia nước ngoài và thân nhân đi cùng, người nước ngoài nhập cảnh, bao gồm
cả phương án cách ly theo đề xuất của cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh; đồng thời gửi Tổ công tác 5 Bộ (thông qua Bộ Ngoại giao).
(iii) Sau khi rà soát hồ sơ do đơn vị
mời, bảo lãnh gửi đến, Bộ Ngoại giao tham khảo ý kiến Tổ công tác 5 Bộ về việc
cho phép chuyên gia nước ngoài và thân nhân đi cùng, người nước ngoài nhập cảnh.
Hồ sơ đề nghị của đơn vị mời, bảo
lãnh phải có: (1) Văn bản phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt
phương án cách ly; (2) Văn bản cam kết của đơn vị mời, bảo lãnh chịu trách nhiệm
đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 khi mời chuyên gia nước ngoài và thân
nhân, người nước ngoài vào Việt Nam, đảm bảo rằng : (a) Chuyên gia nước ngoài
và thân nhân đi cùng, người nước ngoài được xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật
PCR trong vòng 03 ngày trước ngày nhập cảnh vào Việt Nam; (b) Có bảo hiểm y tế
quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức mời chuyên gia nước ngoài và thân nhân đi cùng,
người nước ngoài cam kết chi trả chi phí điều trị trong trường hợp bị mắc
COVID-19; (3) Các văn bản khác (nếu có).
(iv) Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Tổ
công tác 5 Bộ, Bộ Ngoại giao (ủy quyền cho Cục Lãnh sự) có văn bản thông báo ý
kiến của Ban chỉ đạo quốc gia về việc giải quyết cho người nước ngoài nhập cảnh
Việt Nam gửi Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng), Cục Quản lý xuất nhập
cảnh (Bộ Công an) và các địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan để triển
khai thực hiện.
(v) Trên cơ sở văn bản thông báo của
Bộ Ngoại giao (ủy quyền cho Cục Lãnh sự), Bộ Công an chủ trì giải quyết việc
xét duyệt cho người nước ngoài nhập cảnh theo Hướng dẫn của Bộ Công an5, thông báo cho các cơ quan liên quan (cơ quan đại diện Việt
Nam ở nước ngoài, Bộ đội biên phòng, Công an) cấp thị thực cho chuyên gia và
thân nhân đi cùng, người nước ngoài theo Điều 17, 18, 19 Luật Nhập
cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương, cơ quan liên
quan triển khai thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao.
(vi) Trường hợp vượt thẩm quyền của Tổ
công tác 5 Bộ, Bộ Ngoại giao thay mặt Tổ công tác báo cáo Thủ tướng Chính phủ
xem xét quyết định.
2.3. Trường hợp chuyên gia nước ngoài
và thân nhân đi cùng, người nước ngoài nhập cảnh vào làm việc tại nhiều địa
phương khác nhau thì cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh chuyên gia nước
ngoài nhập cảnh chịu trách nhiệm liên hệ để Ủy ban nhân dân các tỉnh liên quan
có văn bản chấp thuận chương trình và kế hoạch làm việc của chuyên gia nước
ngoài tại các địa phương này; sau đó thực hiện theo quy trình quy định tại điểm
2.2 nêu trên.
3. Việc giải quyết nhập cảnh
đối với người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và thân
nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con)
3.1. Đối tượng:
Đối tượng khách thuộc thẩm quyền xét duyệt của Bộ Ngoại
giao theo quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 ngày 16 tháng 6 năm 2014
da Quốc hội và Luật số 51/2019/QH14 ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của
người nước ngoài tại Việt Nam số 47.
3.2. Quy trình xử lý:
- Cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người
nước ngoài thuộc các đối tượng quy định tại điểm 3.1 nêu trên gửi công hàm tới
cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) để được xem xét, giải quyết.
Công hàm phải nêu rõ thông tin về chuyến bay, địa điểm cách ly y tế, phương tiện
vận chuyển từ sân bay về nơi cách ly, đồng thời cam kết thực hiện các biện pháp
phòng chống dịch theo quy định đối với khách nhập cảnh.
- Trên cơ sở đề nghị của cơ quan, tổ
chức mời, bảo lãnh, cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ
quan có thẩm quyền của Bộ Công an để xét duyệt nhân sự và cấp phép nhập cảnh hoặc
thị thực (nếu cần thiết); đồng thời trao đổi với các cơ
quan chức năng địa phương liên quan hỗ trợ phê duyệt
phương án đưa đón, cách ly và giám sát y tế đối với người
nước ngoài của cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh.
- Trên cơ sở văn bản của cơ quan có
thẩm quyền của Bộ Ngoại giao, cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh gửi văn bản kèm
các tài liệu, hồ sơ có liên quan tới Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc
trung ương để tiếp nhận, cách ly người nhập cảnh.
- Trường hợp vượt thẩm quyền của Tổ công tác 5 Bộ, Bộ Ngoại giao thay mặt Tổ công tác báo cáo
Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
- Đối với khách mời của Đảng, Nhà nước,
Quốc hội, Chính phủ: Thực hiện theo Đề án đón đoàn đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà
nước, Quốc hội, Chính phủ phê duyệt.
IV. Trách nhiệm tổ
chức thực hiện
1. Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh
- Chịu trách nhiệm: phê duyệt nhu cầu
mời chuyên gia nước ngoài và thân nhân đi cùng, người nước ngoài của cơ quan, tổ
chức, doanh nghiệp, đảm bảo đúng đối tượng, tần suất phù hợp; phê duyệt phương
án di chuyển, cách ly, giám sát y tế, theo dõi sức khỏe (tại địa bàn) của
chuyên gia nước ngoài và thân nhân đi cùng, người nước ngoài; tổ chức giám sát,
theo dõi y tế đối với chuyên gia nước ngoài và thân nhân
đi cùng, người nước ngoài sau nhập cảnh; tổ chức phân công thực hiện giữa các
cơ quan của địa phương, đảm bảo việc quản lý từ nơi cách ly tập trung về nơi
lưu trú (sau khi hết thời gian cách ly tập trung). Quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về việc tiếp nhận, cách ly người nhập cảnh, tổ
chức giám sát chặt chẽ việc cách ly người nhập cảnh, đảm bảo tuân thủ nghiêm
các quy định về phòng chống dịch COVID-19, tuyệt đối không để lây nhiễm trong
các cơ sở cách ly và từ khu vực cách ly ra cộng đồng. Xử lý nghiêm các trường hợp
lợi dụng trục lợi và không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.
- Chịu trách nhiệm xét duyệt, tiếp nhận,
quản lý đối với các trường hợp nhập cảnh mang tính nhân đạo trong tình huống cần
phải cấp cứu nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng mà người xin nhập cảnh đang ở
tại cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường thủy. Căn cứ vào đề nghị của tổ chức,
cá nhân và tình huống cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể xem xét, quyết định
mà không yêu cầu bắt buộc phải có đầy đủ các giấy tờ theo quy định. Trong quá
trình cấp cứu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Công an (Cục Quản lý
xuất nhập cảnh), Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) để làm thủ tục nhập
cảnh theo quy định.
- Chịu trách nhiệm tiếp nhận, triển
khai nhiệm vụ cách ly, giám sát đối với các trường hợp đã
được Ban chỉ đạo quốc gia (Tổ công tác 5 Bộ) phê duyệt.
- Ban hành quy định yêu cầu các cơ
quan, tổ chức, doanh nghiệp mời đón phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về
quá trình hoạt động của chuyên gia và thân nhân đi cùng, người nước ngoài; việc
tuân thủ phương án vận chuyển, cách ly, phòng chống dịch COVID-19 nơi lưu
trú,... của chuyên gia và thân nhân đi cùng, người nước ngoài.
- Định kỳ hàng quý phải có báo cáo
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 (thông qua Cơ quan thường trực
Ban chỉ đạo là Bộ Y tế, đồng gửi Bộ Công an, Bộ Ngoại giao) về tình hình xét
duyệt, nhập cảnh, cách ly… của chuyên gia và thân nhân đi cùng, người nước
ngoài tại địa phương. Kịp thời báo cáo, kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng
mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
- Trường hợp
phát hiện người nước ngoài nhập cảnh bị nhiễm SARS-COV-2 tại khu cách ly, nhanh
chóng thông báo cho các lực lượng chức năng tại cửa khẩu nhập cảnh để kịp thời
áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.
2. Bộ Y tế (Cơ
quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19)
- Hướng dẫn cơ quan chức năng, địa
phương về việc cách ly, giám sát, xét nghiệm, các biện pháp phòng, chống dịch
COVID-19 đối với các trường hợp nhập cảnh theo quy định.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan
kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an,
Quốc phòng, Ngoại giao theo dõi, tổng hợp tình hình chuyên gia và thân nhân đi
cùng, người nước ngoài nhập cảnh để tham mưu về công tác phòng chống dịch; báo
cáo Ban chỉ đạo Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc, bất cập
liên quan.
- Nghiên cứu ban hành hướng dẫn hình
thức, thời gian áp dụng cách ly y tế đối với chuyên gia nước ngoài và thân nhân
đi cùng, người nước ngoài đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 theo quy
định.
- Hướng dẫn cơ quan chức năng, địa
phương về việc cách ly, giám sát, xét nghiệm, các biện pháp phòng chống dịch
COVID-19 đối với các trường hợp nhập cảnh theo quy định.
3. Bộ Ngoại
giao
- Là đầu mối tiếp nhận đề nghị về những
trường hợp người nước ngoài nhập cảnh thuộc diện Ban chỉ đạo quốc gia phê duyệt;
thông báo kết quả giải quyết cho Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, tổ chức
liên quan triển khai thực hiện.
- Chủ trì giải quyết cho người nước
ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng,
con).
- Xem xét và kịp thời kiến nghị tháo
gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
- Chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt
Nam ở nước ngoài cấp thị thực phù hợp cho chuyên gia nước ngoài và thân nhân đi
cùng, người nước ngoài nhập cảnh theo thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh
Bộ Công an.
4. Bộ Công an
- Duyệt nhân sự cấp thị thực trên cơ
sở hồ sơ do doanh nghiệp/cơ quan, tổ chức nộp và thông báo cho các cơ quan liên
quan (cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ đội biên phòng, Công an) cấp
thị thực cho chuyên gia và thân nhân đi cùng, người nước ngoài đã được cho phép
nhập cảnh theo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài
tại Việt Nam.
- Quản lý, giải quyết nhập cảnh đối với
chuyên gia và thân nhân đi cùng, người nước ngoài; phối hợp rà soát các đối tượng
chuyên gia đang lưu trú tại các địa phương; kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức
vi phạm.
- Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan công an
và các địa phương trong việc quản lý chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh, cách
ly, cư trú tại các địa phương.
- Định kỳ hàng quý thống kê số lượng
chuyên gia nhập cảnh, lưu trú để báo cáo Tổ công tác 5 Bộ thông qua Bộ Y tế (Cơ
quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia).
5. Bộ Quốc phòng
- Giải quyết cho nhập cảnh những
chuyên gia và thân nhân đi cùng, người nước ngoài có thị thực phù hợp tại các cửa
khẩu do Bộ đội biên phòng quản lý.
- Cấp thị thực cho chuyên gia và thân
nhân đi cùng, người nước ngoài theo Điều 18 của Luật Nhập cảnh,
xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
- Định kỳ hàng quý thống kê số lượng
chuyên gia nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ đội biên phòng quản lý để báo cáo Tổ
công tác 5 Bộ thông qua Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia).
6. Bộ Giao thông
vận tải
Chỉ đạo việc cấp phép bay cho các chuyến
bay chở chuyên gia, người nước ngoài đã được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
7. Các cơ quan, tổ
chức, cá nhân mời, bảo lãnh chuyên gia, người nước ngoài
- Chịu trách nhiệm về việc mời chuyên
gia và thân nhân đi cùng, người nước ngoài đúng người, đúng việc. Phải có văn bản
cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đề cập trong
văn bản đề nghị và có trách nhiệm tổ chức, thực hiện nghiêm các yêu cầu về
phòng chống dịch COVID-19 trước, trong và sau khi nhập cảnh.
- Các đơn vị mời, bảo lãnh chuyên gia
nước ngoài vào làm việc phải đảm bảo: chuyên gia nước ngoài và thân nhân đi
cùng, người nước ngoài được xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật PCR trong vòng
03 ngày trước ngày nhập cảnh vào Việt Nam (trừ những trường hợp đặc biệt); có bảo
hiểm y tế quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức mời chuyên gia nước ngoài và thân nhân
đi cùng, người nước ngoài cam kết chi trả chi phí điều trị trong trường hợp bị
mắc COVID-19; chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 khi mời
chuyên gia nước ngoài và thân nhân đi cùng, người nước ngoài vào Việt Nam.
- Các tổ chức, đơn vị đứng tên đề nghị
xin phép chuyên gia nước ngoài và thân nhân đi cùng, người nước ngoài nhập cảnh
phải có văn bản cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung
đề cập trong văn bản đề nghị, phải có giấy chứng nhận đăng
ký kinh doanh, giấy phép hoạt động có chức năng, nhiệm vụ phù hợp với mục đích
đề nghị nhập cảnh và phải có đầy đủ chữ ký, dấu đã đăng ký của tổ chức, đơn vị.
- Các cá nhân đứng tên đề nghị được
nhập cảnh, thuộc đối tượng xem xét nhập cảnh theo quy định phải có văn bản cam
kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đề cập trong văn bản đề nghị và có trách nhiệm, thực hiện nghiêm các yêu cầu
về phòng chống dịch COVID-19 trước, trong và sau khi nhập cảnh.
- Các cá nhân đề nghị được nhập cảnh,
thuộc đối tượng xem xét nhập cảnh theo quy định phải có văn bản cam kết hoàn
toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đề nghị và phải cung cấp đầy
đủ thông tin (địa chỉ, số điện thoại, email, hộ chiếu và địa chỉ lưu trú sau
khi kết thúc thời gian cách ly tập trung) và kèm theo tài liệu chứng minh về
các lý do xin được nhập cảnh.
Hướng dẫn này sẽ được điều chỉnh, cập
nhật theo các chính sách xuất nhập cảnh, quy định về phòng, chống dịch của
Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19./.
1 Công văn 2847/CV-BCĐ ngày 23/5/2020, 3949/CV-BCĐ ngày 24/7/2020,
3440/CV-BCĐ ngày 27/4/2021 của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch
Covid-19.
2 Theo Thông báo số 182/TB-VPCP ngày 15/5/2020 của Văn phòng Chính phủ,
công văn số 2847/CV-BCĐ ngày 23/5/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia.
3 Bao gồm cả đối tượng là phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam;
học sinh, sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam theo các chương trình hợp
tác cấp Bộ.
1 Cụm từ “chuyên gia nước ngoài” trong Hướng dẫn này được hiểu là bao gồm:
nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp.
2 Thân nhân được hiểu là: bố, mẹ, vợ, chồng, con.
3 Quyết định số 878/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 12/3/2020 ban hành “Hướng dẫn
cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19” hoặc Quyết
định số 1246/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 20/3/2020 ban hành “Hướng dẫn tạm thời
cách ly y tế tập trung tại khách sạn trong phòng, chống dịch COVID-19 do người
được cách ly tự nguyện chi trả”.
4 Bao gồm cả đối tượng là phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam;
học sinh, sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam theo các chương trình hợp
tác cấp Bộ.
5 Hướng dẫn về việc đề nghị xét duyệt cho người nước ngoài nhập cảnh Việt
Nam theo bảo lãnh của cơ quan, tổ chức trong giai đoạn áp dụng các biện pháp
phòng, chống dịch COVID-19 kèm theo công văn số 3374/BCA-QLXNC ngày 02/10/2020.
Trong đó, cơ quan, tổ chức mời, đón người nước ngoài khi nộp hồ sơ đề nghị giải
quyết nhập cảnh kèm theo bản chụp văn bản nêu ý kiến Ban chỉ đạo.