Công văn 518/TCT-CS về quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2010 và lưu ý về thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thuế đối với nhà thầu nước ngoài do Tổng cục Thuế ban hành

Số hiệu 518/TCT-CS
Ngày ban hành 14/02/2011
Ngày có hiệu lực 14/02/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Vũ Thị Mai
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 518/TCT-CS
V/v quyết toán thuế TNDN năm 2010 và một số nội dung cần lưu ý về thuế GTGT, TTĐB, thuế đối với nhà thầu nước ngoài

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2011

 

Kính gửi: Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Để thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2010 và chính sách thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thuế nhà thầu, căn cứ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và công văn số 1933/BTC-TCT ngày 14/2/2011 của Bộ Tài chính về một số vấn đề cần lưu ý khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2010, Tổng cục Thuế hướng dẫn một số nội dung chính khi quyết toán thuế TNDN năm 2010 và một số nội dung cần lưu ý về thuế GTGT, TTĐB, thuế nhà thầu đối với các nhà thầu nước ngoài như sau:

A. Một số nội dung cần lưu ý khi quyết toán thuế TNDN năm 2010:

I. Về chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

* Nguyên tắc xác định các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế: Các khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

* Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là các khoản chi không đáp ứng các điều kiện nêu trên và các khoản chi nêu tại Khoản 2 mục IV Phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC.

Tại Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành thuế TNDN có quy định 31 khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Theo đó, các đơn vị căn cứ vào quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để xác định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Một số khoản chi cụ thể cần lưu ý thêm như sau:

1. Chi phí khấu hao tài sản cố định (TSCĐ):

Thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 và Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính.

- Về trích khấu hao đối với TSCĐ ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, tàu bay dân dụng và du thuyền:

Doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ đối với: phần trích khấu hao tương ứng với phần nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe đối với ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống mới đăng ký sử dụng và hạch toán trích khấu hao tài sản cố định từ ngày 1/1/2009 (trừ ôtô chuyên kinh doanh vận tải hành khách, du lịch và khách sạn); phần trích khấu hao đối với tài sản cố định là tàu bay dân dụng và du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch.

- Về việc trích khấu hao TSCĐ thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp đang dùng cho SXKD do sự cố tạm thời dùng để sửa chữa:

Trường hợp TSCĐ thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp đang dùng cho sản xuất kinh doanh nhưng do sự cố tạm thời dừng với thời gian dưới 12 tháng để sửa chữa rồi tiếp tục phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì trong khoảng thời gian tạm dừng đó doanh nghiệp được trích khấu hao và khoản chi phí khấu hao TSCĐ trong thời gian tạm dừng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Chi phí tiền lương:

- Doanh nghiệp được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế các khoản thực tế đã chi như: tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp trả cho người lao động theo quy định của pháp luật; các khoản tiền thưởng cho người lao động mang tính chất tiền lương và được ghi cụ thể điều kiện được hưởng trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

Trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề nhằm bảo đảm việc trả lương không bị gián đoạn và không sử dụng vào mục đích khác thì quỹ dự phòng được trích lập nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.

Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN theo quy định của năm quyết toán đó (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).

Trường hợp quỹ tiền lương của doanh nghiệp đã được duyệt theo quy định thì việc trích lập dự phòng quỹ tiền lương phải đảm bảo nguyên tắc số tiền trích lập dự phòng cộng tổng số tiền lương, tiền công thực tế đã chi trả đến thời hạn nộp hồ sơ quyết toán không vượt quá tổng tiền lương, tiền công phải trả cho người lao động theo quỹ tiền lương đã được duyệt (nếu có).

Ví dụ: Quỹ tiền lương năm 2010 của Doanh nghiệp A (DNA) phải trả cho người lao động đã được duyệt là 10 tỷ đồng:

+ Trường hợp 1: Trong năm 2010 DNA đã trả tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp cho người lao động hết 8 tỷ đồng, như vậy đến cuối ngày 31/12/2010 còn dư lại 2 tỷ đồng. Trong quý I năm 2011 đơn vị tiếp tục sử dụng quỹ tiền lương năm 2010 để chi trả tiền lương tiền công của năm 2010 là 0,3 tỷ đồng. Như vậy quỹ tiền lương thực hiện năm 2010 đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN là 8,3 tỷ đồng. Để đảm bảo việc trả lương năm sau không bị gián đoạn, DNA được trích lập quỹ dự phòng mức tối đa là: 8,3 tỷ đồng x 17% = 1,411 tỷ đồng.

Tổng số tiền lương được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế của năm 2010 = 8,3 tỷ + 1,411 tỷ = 9,711 tỷ đồng.

+ Trường hợp 2: Tính đến cuối ngày 31/3/2011 DNA đã chi trả tiền lương, tiền công trong năm 2010 và chi bổ sung trong 3 tháng đầu năm 2011 tổng số là 9,5 tỷ đồng. Vậy để đảm bảo việc trả lương không bị gián đoạn, DNA trích lập quỹ dự phòng mức tối đa là: 9,5 tỷ đồng x 17% = 1,615 tỷ đồng.

Tổng số tiền lương năm 2010 nếu xác định đủ cả 17% trên quỹ lương thực hiện = 9,5 tỷ đồng + 1,615 tỷ đồng = 11,115 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do quỹ lương phải trả cho người lao động đã được duyệt theo quy định là 10 tỷ đồng do vậy tổng số tiền lương được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế của năm 2010 là 10 tỷ đồng.

- Trường hợp năm trước doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng nhưng đến ngày 31/12 của năm sau doanh nghiệp chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ dự phòng tiền lương thì doanh nghiệp phải ghi giảm chi phí của năm sau.

Ví dụ: Khi nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN năm 2010 Doanh nghiệp B (DN B) có trích quỹ dự phòng tiền lương là 10 tỷ đồng, đến ngày 31/12/2011, DN B mới chi số tiền từ quỹ dự phòng tiền lương năm 2010 là 7 tỷ đồng thì DN B phải ghi giảm chi phí tiền lương năm sau (năm 2011) là 3 tỷ đồng (10 tỷ - 7 tỷ). Khi lập hồ sơ quyết toán năm 2011 nếu DN B có nhu cầu trích lập thì tiếp tục trích lập quỹ dự phòng tiền lương theo quy định.

[...]