Công văn 5085/TCT-TVQT năm 2014 về cấp biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt do Tổng cục Thuế ban hành
Số hiệu | 5085/TCT-TVQT |
Ngày ban hành | 17/11/2014 |
Ngày có hiệu lực | 17/11/2014 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tổng cục Thuế |
Người ký | Trần Văn Phu |
Lĩnh vực | Vi phạm hành chính,Giao thông - Vận tải |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5085/TCT-TVQT |
Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2014 |
Kính gửi: Cục Đường sắt Việt Nam
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 2121/CĐSVN-TC ngày 23/9/2014 của Cục Đường sắt Việt Nam, về việc cấp biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
- Điều 4, Thông tư số 64/2013/TT-BGTVT ngày 31/12/2013 của Bộ Giao thông vận tải quy định việc thành lập; nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải, trong đó:
“+ Tại khoản b, điểm 1- Nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận tham mưu, quy định:
Thực hiện thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất theo quyết định của cấp có thẩm quyền; phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”.
+ Tại điểm 2, quy định: Căn cứ quy định của Thông tư này, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam và Cục trưởng Cục Hàng Không Việt Nam ra quyết định thành lập, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận tham mưu và trưởng bộ phận tham mưu; mối quan hệ công tác của các bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành; kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính”.
- Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước đảm bảo hoạt động của lực lượng xử phạt vi phạm hành chính:
+ Tại điểm 4, Điều 2- Đối tượng áp dụng, quy định:
“4. Cơ quan, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính”
+ Điểm c, khoản 2 Điều 9- Tổ chức in, phát hành, quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt quy định:
“Hàng quý, chậm nhất là sau 15 ngày kể từ ngày cuối cùng của mỗi quý, cơ quan, tổ chức sử dụng biên lai thu tiền phạt phải báo cáo với cơ quan giao hoặc cấp biên lai về tình hình sử dụng biên lai thu tiền phạt. Mẫu báo cáo thực hiện theo Chế độ quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế ban hành kèm theo Quyết định số 30/2001/QĐ-BTC. Hết năm phải thực hiện quyết toán số biên lai đã sử dụng với cơ quan thuế (nếu nhận biên lai tại cơ quan thuế); trường hợp nhận biên lai tại Kho bạc Nhà nước thì quyết toán với Kho bạc Nhà nước để Kho bạc Nhà nước quyết toán với cơ quan thuế; số biên lai còn tồn được chuyển sang năm sau sử dụng tiếp”.
+ Tại khoản b, điểm 1, Điều 15- Tổ chức thực hiện, quy định:
b) Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm in, cấp phát và hướng dẫn việc quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt thống nhất trong phạm vi cả nước;
- Tại điểm 2, Điều 1 Thông tư số 105/2014/TT-BTC ngày 07/8/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 quy định:
“2. Sửa đổi khoản 5, khoản 6 Điều 4 như sau:
5. Tiền thu phạt vi phạm hành chính được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước. Tiền thu phạt vi phạm hành chính điều tiết 100% cho ngân sách địa phương; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc điều tiết khoản thu phạt vi phạm hành chính giữa các cấp ngân sách địa phương. Riêng lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, việc điều tiết tiền thu phạt thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
6. Tiền thu phạt vi phạm hành chính được hạch toán vào Chương của cơ quan của người ra quyết định xử phạt, Tiểu mục tương ứng theo quy định của Mục lục ngân sách nhà nước. Đối với lĩnh vực thuế, hải quan thực hiện theo Chương của người vi phạm (người nộp thuế), Tiểu mục tương ứng theo quy định của Mục lục ngân sách nhà nước”.
Căn cứ các nội dung trên, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng biên lai thu tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt, Tổng cục Thuế chấp thuận với đề nghị của Cục Đường sắt Việt Nam: Tổng cục Thuế cấp biên lai thu tiền xử phạt vi phạm hành chính cho Cục Đường sắt Việt Nam và sử dụng đóng dấu tên cơ quan Cục Đường sắt Việt Nam trên tờ biên lai, sau đó Cục Đường sắt Việt Nam cấp cho các đơn vị, bộ phận thuộc Cục Đường sắt Việt Nam sử dụng biên lai thu tiền phạt theo đúng quy định.
2. Về thủ tục thu, nộp tiền phạt và sử dụng biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt, đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam hướng dẫn các đơn vị, bộ phận trực thuộc thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước đảm bảo hoạt động của lực lượng xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan.
3. Về lập, nhận và quyết toán Biên lai thu tiền phạt.
- Hàng năm, chậm nhất vào ngày 15/5 Cục Đường sắt Việt Nam lập kế hoạch nhận biên lai thu tiền phạt theo từng loại mệnh giá khác nhau gửi về Tổng cục Thuế để tổng hợp kế hoạch in cho năm sau. Trường hợp trong năm kế hoạch có sự thay đổi về nhu cầu sử dụng biên lai, Cục Đường sắt Việt Nam lập kế hoạch nhận bổ sung của năm thực hiện (nếu có) và gửi Tổng cục Thuế chậm nhất là ngày 15/9 hàng năm.
- Hàng quý, chậm nhất là sau 15 ngày kể từ ngày cuối cùng của mỗi quý, Cục Đường sắt Việt Nam phải báo cáo tình hình sử dụng biên lai với Tổng cục Thuế. Mẫu báo cáo thực hiện theo Chế độ quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế ban hành kèm theo Quyết định số 30/2001/QĐ-BTC. Hết năm (chậm nhất là ngày 15/01 của năm tiếp theo) phải thực hiện quyết toán số biên lai đã sử dụng với Tổng cục Thuế; số biên lai còn tồn được chuyển sang năm sau sử dụng tiếp.
- Cục Đường sắt Việt Nam, nhận Biên lai thu tiền phạt tại Tổng cục Thuế địa chỉ: 18 Tam Trinh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để giao cho các đơn vị, bộ phận trực thuộc Cục Đường sắt Việt Nam sử dụng biên lai thu tiền phạt theo đúng quy định từ ngày 01/12/2014.
- Đối với số biên lai thu tiền phạt đã nhận tại Cơ quan thuế quản lý trực tiếp (Cục Thuế, Chi cục Thuế), đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện quyết toán số biên lai đã nhận, số sử dụng và số biên lai còn tồn với Cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo quy định.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam phản ánh kịp thời về Tổng cục Thuế để được phối hợp giải quyết.
Tổng cục Thuế thông báo để Cục Đường sắt Việt Nam biết và thực hiện./.