BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5028/BHXH-TCCB
V/v thực
hiện chế độ báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 11 năm 2011
|
Kính gửi: Bảo hiểm xã hội các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Căn cứ Công văn số 2176/TTCP-C.IV ngày 15/8/2011
của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện chế độ báo cáo công tác phòng, chống
tham nhũng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương thực hiện chế độ báo cáo về công tác phòng, chống
tham nhũng như sau:
I. CÁC LOẠI BÁO CÁO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG
THAM NHŨNG:
1. Báo cáo định kỳ:
1.1. Các loại báo cáo, thời kỳ lấy số liệu,
thời hạn gửi báo cáo:
- Báo cáo tháng:
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng
trong kỳ từ ngày 16 tháng trước đến ngày 15 của tháng báo cáo. Báo cáo đủ 12
tháng trong năm. Gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 18 của tháng báo cáo.
- Báo cáo quý 1:
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng
trong kỳ từ ngày 16 tháng 12 năm trước đến ngày 15 tháng 3. Gửi báo cáo chậm
nhất vào ngày 18 tháng 3.
- Báo cáo 6 tháng:
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng
trong kỳ từ ngày 16 tháng 12 năm trước đến ngày 15 tháng 6. Gửi báo cáo chậm
nhất vào ngày 18 tháng 6.
- Báo cáo 9 tháng:
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng
trong kỳ từ ngày 16 tháng 12 năm trước đến ngày 15 tháng 9. Gửi báo cáo chậm
nhất vào ngày 18 tháng 9.
- Báo cáo năm:
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng
trong kỳ từ ngày 16 tháng 12 năm trước đến ngày 15 tháng 12 của năm báo cáo.
Gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 21 tháng 12.
1.2. Nội dung báo cáo định kỳ:
- Đối với báo cáo tháng: Báo cáo theo mẫu tại
Phụ lục số 01.
- Đối với báo cáo quý I, 6 tháng, 9 tháng,
năm: Báo cáo theo đề cương tại Phụ lục số 02 và thống kê số liệu theo Phụ lục
số 03 (những nội dung của địa phương).
2. Báo cáo chuyên đề, báo cáo khác:
Các báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất phục
vụ yêu cầu quản lý nhà nước hoặc yêu cầu quản lý của Ngành thực hiện theo hướng
dẫn riêng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc do Bảo hiểm xã hội Việt Nam các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động báo cáo.
II. HÌNH THỨC GỬI BÁO CÁO, NƠI NHẬN BÁO CÁO:
1. Hình thức gửi báo cáo:
Báo cáo được gửi bằng đường công văn hoặc gửi
qua đường fax (sau đó gửi lại bằng đường công văn).
2. Nơi nhận báo cáo:
Báo cáo gửi về Bảo hiểm xã hội Việt Nam (qua
Ban Tổ chức cán bộ) và các cơ quan, tổ chức khác mà Bảo hiểm xã hội các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm xã
hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện báo cáo kể từ tháng 11/2011.
Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Ban Tổ chức cán
bộ - Số ĐT 04.39.344.155 để được giải đáp./.
Nơi nhận:
-
Như trên;
- TCĐ (để b/c);
- Lưu VT, TCCB (2).
|
TL. TỔNG GIÁM ĐỐC
TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC CÁN BỘ
Cù Ngọc Oánh
|
PHỤ LỤC SỐ 02
ĐỀ CƯƠNG HƯỚNG DẪN
BÁO CÁO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG QUÝ I, 6 THÁNG, 9 THÁNG, NĂM
(Kèm theo Công văn số 5028/BHXH-TCCB ngày 28/11/2011 của Bảo hiểm xã hội
Việt Nam)
I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG
1. Việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến
chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN; công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực
hiện các quy định của pháp luật về PCTN trong phạm vi trách nhiệm của bộ,
ngành, địa phương.
- Các hình thức cụ thể đã thực hiện để quán
triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống
tham nhũng.
- Việc ban hành văn bản, hướng dẫn triển khai
thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp
trên trong công tác phòng, chống tham nhũng;
- Tình hình tổ chức, bộ máy, phân công trách
nhiệm tổ chức thực hiện trong công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình hoạt
động của các cơ quan, đơn vị chuyên trách về PCTN (nếu có cơ quan, đơn vị
chuyên trách).
- Các kết quả khác đã thực hiện để quán
triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống
tham nhũng; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về phòng,
chống tham nhũng.
2. Kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa
tham nhũng.
- Việc thực hiện các quy định về công khai,
minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Việc xây dựng, ban hành và thực hiện các
quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn;
- Việc cán bộ, công chức, viên chức nộp lại
quà tặng;
- Việc xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử của
cán bộ, công chức, viên chức, các quy tắc đạo đức nghề nghiệp;
- Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ,
công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng;
- Việc thực hiện các quy định về minh bạch
tài sản và thu nhập;
- Việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người
đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan,
tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách;
- Việc thực hiện cải cách hành chính;
- Việc tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ
trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Việc đổi mới phương thức thanh toán, trả
lương qua tài khoản;
- Các nội dung khác đã thực hiện nhằm phòng
ngừa tham nhũng (nếu có).
3. Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng.
- Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua
hoạt động tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi
quản lý của bộ, ngành, địa phương.
- Kết quả công tác thanh tra và việc phát
hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng qua hoạt động thanh tra;
- Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và
việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo;
- Kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ
tham nhũng trong phạm vi theo dõi, quản lý của bộ, ngành, địa phương;
- Kết quả rà soát, phát hiện tham nhũng qua
các hoạt động khác.
4. Kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN
đến năm 2020 và Kế hoạch thực thi Công ước Liên hợp quốc tế về chống tham
nhũng.
- Công tác chỉ đạo, triển khai, cụ thể hóa,
kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện;
- Kết quả thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Chiến lược quốc gia và Kế hoạch thực
thi Công ước;
- Kết quả thực hiện các nhiệm vụ cụ thể mà
bộ, ngành, địa phương đã đề ra trong kế hoạch của mình nhằm thực thi Chiến
lược, Công ước.
5. Phát huy vai trò của xã hội, hợp tác quốc
tế về PCTN.
- Các nội dung đã thực hiện nhằm nâng cao vai
trò của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan
báo chí, ngôn luận và các tổ chức, đoàn thể khác trong phòng, chống tham nhũng;
- Những kết quả, đóng góp của nhân dân, các
tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan báo chí, ngôn luận,
doanh nghiệp và các tổ chức, đoàn thể khác trong phòng, chống tham nhũng;
- Các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng,
chống tham nhũng (nếu có).
II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THAM NHŨNG, CÔNG TÁC
PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG VÀ DỰ BÁO TÌNH HÌNH
1. Đánh giá tình hình tham nhũng.
- Đánh giá tình hình tham nhũng trong phạm vi
quản lý của bộ, ngành, địa phương;
- So sánh tình hình tham nhũng kỳ này với
cùng kỳ năm trước.
2. Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng.
- Đánh giá chung về hiệu lực, hiệu quả công
tác PCTN trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, ngành, địa phương;
- So sánh hiệu quả công tác PCTN kỳ này với
cùng kỳ năm trước;
- Tự đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu của
công tác phòng, chống tham nhũng;
- Đánh giá những khó khăn, vướng mắc, tồn
tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng:
+ Nêu cụ thể những khó khăn, vướng mắc, tồn
tại, hạn chế tại bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng;
+ Phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách
quan của những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.
3. Dự báo tình hình tham nhũng (Chỉ dự báo trong báo
cáo 6 tháng và báo cáo năm):
- Dự báo hiệu quả tác động của các giải pháp
đang thực hiện và diễn biến tình hình tham nhũng (khả năng tăng, giảm về số
vụ việc, số đối tượng, tính chất vi phạm…).
- Dự báo những lĩnh vực, nhóm hành vi tham
nhũng dễ xảy ra nhiều, cần phải tập trung các giải pháp phòng, ngừa và đấu
tranh.
III. PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ (HOẶC CÁC NHIỆM VỤ
TRỌNG TÂM) CỦA KỲ TIẾP THEO.
Nêu những định hướng, mục tiêu cơ bản, những
giải pháp, nhiệm vụ cụ thể trong công tác phòng, chống tham nhũng sẽ được tập
trung thực hiện trong kỳ tiếp theo nhằm đạt được mục tiêu của công tác phòng,
chống tham nhũng đã đề ra.
(Kỳ tiếp theo được hiểu như sau: Đối với Báo
cáo Quý I là Quý II; đối với báo cáo 6 tháng là 6 tháng cuối năm, đối với báo
cáo 9 tháng là Quý IV, đối với báo cáo năm là năm sau).
IV. KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT
- Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu
bổ sung, điều chỉnh chính sách, pháp luật về PCTN (nếu phát hiện có sơ hở, bất
cập);
- Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn
thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN (nếu có vướng mắc);
- Đề xuất các giải pháp, sáng kiến nâng cao
hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, khắc phục những khó khăn, vướng mắc;
- Các nội dung cụ thể khác cần kiến nghị, đề
xuất.