Công văn hướng dẫn tạm thời việc làm dịch vụ nhập khẩu hàng hoá cho các đơn vị kinh tế của Trung Quốc

Số hiệu 5001-TN/XNK
Ngày ban hành 08/08/1991
Ngày có hiệu lực 08/08/1991
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thương nghiệp
Người ký Hoàng Minh Thắng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ THƯƠNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 5001-TN/XNK

Hà Nội, ngày 08 tháng 8 năm 1991

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ THƯƠNG NGHIỆP SỐ 5001-TN/XNK NGÀY 8 THÁNG 8 NĂM 1991 HƯỚNG DẪN TẠM THỜI VIỆC LÀM DỊCH VỤ NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ CHO CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ CỦA TRUNG QUỐC

Kính gửi:

- Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc HĐBT
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương

 

I- Quan hệ buôn bán giữa Việt Nam với Trung Quốc hiện nay đang có những chuyển động nhưng vẫn chưa bình thường như với các thị trường khác. Phía Trung Quốc đang có những hoạt động buôn bán với Việt Nam thông qua các hình thức:

- Trao đổi hàng hoá giữa cư dân trong khu vực biên giới Việt - Trung.

- Cho phép các đơn vị kinh tế thuộc 3 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam khi nhập khẩu hàng từ Việt Nam (do Việt Nam sản xuất hoặc do Việt Nam tạm nhập, tái xuất hoặc do Việt Nam chuyển khẩu) được giảm thuế so với từ một số thị trường khác.

Trị giá hàng hoá trao đổi giữa 2 nước, theo đánh giá của phía Trung Quốc năm 1990 đạt khoảng 110 triệu USD, năm 1991 sẽ tăng khoảng gấp 3 lần.

Về phía Việt Nam, Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản về quản lý việc trao đổi hàng hoá của cư dân vùng 2 bên biên giới, đồng thời đang chuẩn bị các văn bản về quản lý việc trao đổi hàng hoá theo đường mậu dịch thông thường như với các nước khác.

II- Do 3 tỉnh phía Nam Trung Quốc được hưởng mức thuế nhập khẩu thấp (nếu mua hàng từ Việt Nam) nên thời gian qua các đơn vị kinh tế của Trung Quốc đã thiết lập quan hệ kinh tế với các đơn vị kinh tế của Việt Nam theo cách:

1. Các đơn vị kinh tế Trung Quốc (gọi tắt là phía Trung Quốc) ký hợp đồng nhập khẩu hàng hoá của nước khác (ví dụ: Hồng Kông, Singapore...) tức là phía Trung Quốc cùng người xuất khẩu thoả thuận và cam kết thực hiện các điều khoản của hợp đồng mà họ đã trực tiếp ký với nhau (tên hàng, số lượng, quy cách, phẩm chất, giá cả, thời gian và địa điểm giao hàng, phương thức thanh toán...) Theo buôn bán thông thường, người xuất khẩu có đủ điều kiện giao hàng và lập chứng từ thanh toán trực tiếp với phía Trung Quốc. Nhưng phía Trung Quốc hoặc người xuất khẩu lại thuê các tổ chức kinh tế Việt Nam (gọi tắt là phía Việt Nam) căn cứ vào hợp đồng mua bán hoặc chứng từ giao hàng và thu tiền của người xuất khẩu, lập lại bộ chứng từ mới về giao hàng và thu tiền phía Trung Quốc (coi như phía Việt Nam bán hàng cho phía Trung Quốc, phía Trung Quốc mua hàng từ phía Việt Nam) để phía Trung Quốc xuất trình với các cơ quan quản lý Nhà nước xin giảm thuế nhập khẩu.

2. Hàng hoá được chuyên chở trên tàu:

- Do phía Trung Quốc thuê, hoặc

- Do người xuất khẩu thuê, hoặc

- Do phía Việt Nam thuê.

3. Hàng có thể đi thẳng từ nước xuất khẩu tới cảng Trung Quốc hoặc quá cảnh Việt Nam bằng đường biển hoặc vào cảng Việt Nam để chuyển tải sang tàu khác hoặc quá cảnh Việt Nam bằng đường bộ.

a) Nếu hàng đi thẳng thì phía Việt Nam gửi chứng từ theo tàu (nếu là tàu của Việt Nam) hoặc gửi đường máy bay cho người xuất khẩu để chuyển cho tàu chở hàng.

b) Nếu là hàng quá cảnh Việt Nam bằng đường biển hoặc vào cảng Việt Nam thì phía Việt Nam giao chứng từ trực tiếp cho phương tiện vận tải.

4. Chứng từ gửi theo tàu gồm một hoặc nhiều loại sau đây:

- Hợp đồng bán hàng cho phía Trung Quốc.

- Vận đơn (đường biển hoặc đường bộ).

- Packing list, cargo list, plan cargo (nếu cần).

- Hoá đơn đòi tiền.

- Giấy chứng nhận phẩm chất và/hoặc số lượng.

- Giấy phép xuất khẩu hàng hoá.

- Các chứng từ hải quan.

5. Toàn bộ chi phí và thù lao cho các việc làm nói trên sẽ được phía Trung Quốc hoặc phía người xuất khẩu thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản (bằng USD hoặc nhân dân tệ, hoặc đồng Việt Nam) hoặc bằng hàng hoá.

Hầu hết các dịch vụ đã làm trong thời gian qua nói chung là có hiệu quả nên nhiều đơn vị kinh tế Việt Nam đang xin được tiến hành các dịch vụ kể trên.

III- Căn cứ vào tập quán buôn bán quốc tế và thực tế tình hình, nay Bộ Thương nghiệp tạm thời hướng dẫn như sau:

1. Đối tượng được làm dịch vụ:

Tất cả các đơn vị kinh tế quốc doanh được khách hàng Trung Quốc tín nhiệm và có thoả thuận thuê làm dịch vụ đều được làm dịch vụ nhập khẩu hàng hoá cho các đơn vị kinh tế của Trung Quốc; được vận chuyển hàng hoá trên biển từ cảng nước xuất khẩu tới cảng Trung Quốc, được vận chuyển hàng quá cảnh Việt Nam (kể cả trường hợp có chuyển tải) bằng phương tiện vận tải của phía Việt Nam (nếu có) hoặc phương tiện thuê. Chi phí và thù lao dịch vụ trên, đơn vị kinh tế Việt Nam được nhận từ phía Trung Quốc hoặc phía người xuất khẩu.

2. Phạm vi hàng hoá được làm dịch vụ:

a) Trường hợp đi thẳng từ cảng nước người xuất khẩu đến cảng Trung Quốc và quá cảnh Việt Nam bằng đường biển: tất cả các loại hàng mà phía nước xuất khẩu và Trung Quốc không cấm.

b) Trường hợp quá cảnh Việt Nam bằng đường bộ: trừ những mặt hàng Nhà nước Việt Nam cấm và tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu; phải làm thủ tục hải quan và nộp lệ phí hải quan.

3. Hình thức dịch vụ: vận dụng phương thức kinh doanh tạm nhập tái xuất, tức là ký hợp đồng mua hàng của một nước, đưa hàng về Việt Nam, ký hợp đồng bán hàng cho phía Trung Quốc, xin giấy phép xuất khẩu và làm thủ tục hải quan; lập bộ chứng từ giao hàng và đòi tiền đầy đủ, hợp lệ (nếu khách hàng Trung Quốc yêu cầu thì được kèm theo giấy phép xuất khẩu hàng hoá do Phòng cấp giấy phép Bộ Thương nghiệp cấp và các chứng từ hải quan khác).

4. Hình thức và nội dung hợp đồng: như một hợp đồng mua bán hàng hoá ngoại thương thông thường, có phụ kiện tính phần chênh lệch đính kèm. Hợp đồng phải quy định: phía Việt Nam không có nghĩa vụ cấp giấy chứng nhận xuất xứ và giấy chứng nhận phẩm chất.

5. Hình thức thanh toán:

a) Phần tiền hàng: trong hợp đồng mua bán hàng hoá giữa phía Việt Nam và phía Trung Quốc có điều khoản: phía Trung Quốc mở L/C cho người thụ hưởng do phía Việt Nam chỉ định.

b) Phần chi phí và thù lao:

Hai bên ký phụ kiện đính kèm hợp đồng chính, theo đó phía Trung Quốc hoặc phía người xuất khẩu thanh toán cho phía Việt Nam bằng một trong các hình thức sau:

- Mở L/C (phần mà phía Việt Nam được hưởng)

- Trả tiền mặt bằng USD

- Trả bằng hàng hoá được Nhà nước Việt Nam cho phép nhập khẩu.

6. Thủ tục xin thực hiện dịch vụ: do tính đặc thù của quan hệ buôn bán Việt Nam - Trung Quốc hiện nay nên các đơn vị kinh tế muốn làm dịch vụ nói trên đều phải xin phép Bộ Thương nghiệp, hồ sơ gồm:

- Công văn (theo nội dung 5 điểm hướng dẫn trên) được Bộ hoặc UBND cấp tỉnh chủ quản xác nhận. Nếu là các công ty cổ phần hoặc trách nhiệm hữu hạn (mà vốn của Nhà nước chiếm trên 50% vốn pháp định) không trực thuộc cấp quản lý nào, Bộ Thương nghiệp sẽ trực tiếp xem xét.

- Thoả thuận (bằng văn bản) của phía Trung Quốc về việc thuê đơn vị làm dịch vụ.

Căn cứ vào những điều kiện nêu trên, Bộ Thương nghiệp xét và trong vòng 7 ngày Bộ Thương nghiệp sẽ có văn bản trả lời chấp thuận hay từ chối cho đơn vị làm dịch vụ.

7. Trường hợp chấp thuận cho đơn vị kinh tế được thực hiện dịch vụ, Bộ Thương nghiệp sẽ gửi thông báo cho UBND cấp tỉnh có cửa khẩu hàng hoá sẽ đi qua. Mặt khác, đơn vị kinh tế được tiến hành dịch vụ cũng phải khai báo với Sở Thương nghiệp của tỉnh nói trên. Uỷ ban nhân dân và Sở Thương nghiệp tỉnh phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đơn vị kinh tế tiến hành dịch vụ đạt hiệu quả. Trước mắt, Bộ Thương nghiệp tạm thời quy định, kết thúc dịch vụ, đơn vị kinh tế phải trích 5% thù lao thu được nộp vào Ngân sách của tỉnh có cửa khẩu theo hình thức "phí qua cửa khẩu biên giới".

8. Thủ tục Hải quan: Đơn vị kinh tế được Bộ Thương nghiệp chấp thuận cho làm dịch vụ phải đến Hải quan cửa khẩu làm thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu hàng hoá. Chứng từ để xin làm thủ tục Hải quan là: giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu từng chuyến do Phòng cấp giấy phép của Bộ Thương nghiệp cấp.

Trường hợp hàng hoá vận chuyển theo đường bộ (từ cảng biển tới cửa khẩu đất liền) có hải quan áp tải, chính quyền địa phương các cấp trên dọc đường hàng hoá đi qua không được tuỳ tiện kiểm tra giấy tờ, khám xét hàng hoá và thu bất cứ khoản thuế hoặc lệ phí nào ngoài khoản đã được quy định tại 7 điểm nêu trên.

Chứng từ đi theo hàng là: Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu và tờ khai hải quan đã được hải quan cửa khẩu nhập xác nhận.

IV- Căn cứ vào văn bản này, các vụ chức năng, các Phòng cấp giấy phép của Bộ Thương nghiệp hướng dẫn các đơn vị kinh tế thực hiện để có thể quản lý được chặt chẽ loại hình hoạt động này, đồng thời tạo mọi thuận lợi cho các đơn vị kinh tế tiến hành đạt hiệu quả.

 

Hoàng Minh Thắng

(Đã ký)

 

5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ