Công văn 50/TANDTC-TH năm 2021 thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 của hệ thống Tòa án nhân dân do Ban chỉ đạo các Chương trình phòng, chống tội phạm của Tòa án nhân dân ban hành

Số hiệu 50/TANDTC-TH
Ngày ban hành 10/05/2021
Ngày có hiệu lực 10/05/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Trí Tuệ
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
BAN CHỈ ĐẠO CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TÒA ÁN NHÂN DÂN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/TANDTC-TH

Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI GIAI ĐOẠN 2021-2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 CỦA HỆ THỐNG TÒA ÁN NHÂN DÂN

Căn cứ Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Công văn triển khai thực hiện Chương trình của Ban chỉ đạo 138/CP, Tòa án nhân dân tối cao xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 của hệ thống Tòa án nhân dân; cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các vụ án về mua bán người, đảm bảo phải xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm; làm tốt công tác bảo vệ nạn nhân trong quá trình giải quyết, xét xử, đặc biệt với nạn nhân là trẻ em.

2. Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất trong hoạt động xét xử các vụ án về mua bán người; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn xét xử làm cơ sở sửa đổi nghị quyết và nghiên cứu, phát triển án lệ.

3. Kết hợp tốt việc thực hiện công tác xét xử với tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa tội phạm mua bán người.

4. Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người; tranh thủ các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế cho hoạt động triển khai thực thi pháp luật của Tòa án nhân dân.

II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; Chương trình, kế hoạch của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức Tòa án nhân dân đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trong tình hình hiện nay.

2. Tiếp tục tăng cường công tác xét xử các vụ án về mua bán người, đảm bảo 100% các vụ án phải được giải quyết, xét xử trong thời hạn của pháp luật; đảm bảo chỉ tiêu giải quyết, xét xử các vụ án về mua bán người đạt từ 90% trở lên. Phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh những vụ án lớn, án trọng điểm về mua bán người và tội phạm có liên quan; không ngừng nâng cao chất lượng công tác xét xử; không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, làm tốt công tác bảo vệ quyền của nạn nhân (nhất là phụ nữ, trẻ em, người dưới 18 tuổi) trong quá trình xét xử...

Tòa án tại các địa phương được Ban Chỉ đạo 138/CP xác định, lựa chọn là địa bàn điểm (gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kon Tum, Tây Ninh, Kiên Giang và Cà Mau) khi thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người cần phối hp chặt chẽ với liên ngành địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc và hiệu quả.

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống mua bán người thông qua các phiên tòa xét xử các vụ án, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng lựa chọn những vụ án lớn, án trọng điểm hoặc những vụ án được dư luận xã hội quan tâm để đưa ra xét xử nhằm phục vụ tích cực, hiệu quả công tác tuyên truyền “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

Các cơ quan Báo công lý, Tạp chí Tòa án nhân dân, Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao, Trang thông tin điện tử Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức sản xuất các tin, bài, phóng sự báo chí liên quan đến hoạt động xét xử tội phạm mua bán người. Từ đó có hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ thu hút người dân quan tâm, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân về phương thức, thủ đoạn của tội phạm cũng như các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép, di cư tự do; môi giới, tổ chức đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, học tập trái phép...

4. Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn xét xử các vụ án về mua bán người. Các Tòa án cần chủ động tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về áp dụng pháp luật trong thực tiễn xét xử để Tòa án nhân dân tối cao kịp thời phối hợp với liên ngành trung ương hướng dẫn bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Đồng thời có cơ sở để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150, Điều 151 của Bộ luật hình sự và nghiên cứu phát triển án lệ.

5. Tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, Thẩm phán trực tiếp thụ lý, giải quyết các vụ án về mua bán người; phân công các Thẩm phán có kinh nghiệm để giải quyết các vụ án về mua bán người.

6. Đẩy mạnh hp tác quốc tế và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Phối hợp với Bộ Công an để thực hiện có hiệu quả Chương trình hợp tác ASEAN-Australia (ASEAN-ACT) trên cơ sở Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Úc về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam.

 7. Phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ
(Ban chỉ đạo
138/CP), Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng, cập nhật và ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu thống kê về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

8. Bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của Toà án nhân
dân tối cao về công tác xét xử các vụ án mua bán người đối với Tòa án nhân dân các cấp, Ban chỉ đạo các Chương trình phòng, chống tội phạm của Tòa án nhân dân chủ động phối hợp với Bộ Công an xây dựng kế hoạch chỉ đạo điểm công tác phòng, chống mua bán người ở các địa phương được xác định, lựa chọn là địa bàn trọng điểm; tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người của Tòa án qua từng năm, từng giai đoạn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ vào Kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ của mình, các đơn vị
thuộc Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân cấp cao và các Tòa án nhân dân địa phương:

- Chủ động xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra;

- Định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện theo chức
năng, nhiệm vụ của đơn vị mình.

2. Giao Vụ Tổng hợp Tòa án nhân dân tối cao giúp Ban Chỉ đạo các
Chương trình phòng, chống tội phạm Tòa án nhân dân theo dõi, hướng dẫn,
kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch của các đơn vị báo cáo Ban Chỉ đạo 138/CP; đề xuất với Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao và Ban Chỉ đạo các chương trình phòng, chống tội phạm của Tòa án nhân dân các giải pháp để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Kế hoạch này.

 


Nơi nhận:
- Đồng chí Chánh án TANDTC (để b/c);
- Các đơn vị thuộc TANDTC (để thực hiện);
- Các TAND cấp cao (để thực hiện);
- Tòa án quân sự TW (để thực hiện);
- Các TAND cấp tỉnh (để thực hiện);
- Ban Chỉ đạo 138/CP; Văn phòng- BCA; Cục Cảnh sát hình Sự-BCA;
- Các thành viên Ban CĐCCTPCTP-TAND (để phối hợp chỉ đạo thực hiện);
- Lưu: VT (VP, Vụ TH-TANDTC).

TRƯỞNG BAN




Nguyễn Trí Tuệ
Phó Chánh án TANDTC