Công văn 498/BXD-KHCN về việc Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08:2009/BXD do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 498/BXD-KHCN
Ngày ban hành 19/11/2009
Ngày có hiệu lực 19/11/2009
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Trần Hữu Hà
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Giao thông - Vận tải

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 498/BXD-KHCN
V/v Quy chuẩn KTQG QCVN 08:2009/BXD

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2009

 

Kính gửi: Ban quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh

Bộ Xây dựng đã nhận được công văn số 1003/BQLĐSĐT-KT.CL.TĐ ngày 30/10/2009 của Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08:2009/BXD “Công trình ngầm đô thị, Phần I - Tầu điện ngầm”, sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến trả lời như sau:

Về các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ: Chính phủ đã có các Nghị định riêng để quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các Bộ, ngành và địa phương. Theo đó, Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 4/2/2008 đã quy định Bộ Xây dựng quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; Sở Xây dựng các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị theo Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/2/2008 của Chính phủ.

Trong hoạt động quản lý nhà nước, việc phối hợp của các Bộ ngành để xử lý các vấn đề có liên quan là việc làm thường xuyên. Trong những năm qua, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải đã có sự phối hợp chặt chẽ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng như quy hoạch, quản lý chất lượng, xử lý sự cố, xây dựng định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn… theo chức năng nhiệm vụ của mình và theo sự phân công, chỉ đạo của Chính phủ.

Về công tác xây dựng quy chuẩn, từ năm 2005 Bộ Xây dựng (Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường) và Bộ Giao thông Vận tải (Vụ Khoa học Công nghệ) đã phối hợp tổ chức nghiên cứu và xây dựng dự thảo Quy chuẩn “Các công trình xây dựng giao thông”, trong đó đề cập đến các loại hình giao thông hiện nay như đường sắt, đường bộ, cầu, cảng đường thuỷ, sân bay… Tham gia biên soạn Quy chuẩn có các nhà quản lý và chuyên gia đầu ngành thuộc các viện, các trường đại học, hiệp hội có liên quan đến chuyên ngành xây dựng giao thông.

Xuất phát từ tình hình triển khai các công trình trọng điểm và căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng và ban hành quy chuẩn các công trình giao thông đô thị, trong đó có công trình tàu điện ngầm.

Về nội dung liên quan đến quy trình xây dựng và ban hành quy chuẩn: Công tác soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định dự thảo các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia do Bộ Xây dựng tổ chức thực hiện được tiến hành theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Nghị định 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007. Đối với Quy chuẩn QCVN 08:2009/BXD, dự thảo Quy chuẩn đã được đăng trên trang thông tin điện tử của đơn vị chủ trì soạn thảo (Viện KHCN XD) và cơ quan Bộ Xây dựng, đồng thời gửi lấy ý kiến của các Bộ có liên quan, trong đó có Bộ Giao thông Vận tải. Viện KHCN XD đã lấy ý kiến của nhiều tổ chức, cơ quan có liên quan, trong đó có Sở Xây dựng các TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh (cơ quan quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị), Công ty Nikken Sekkei của Nhật Bản. Các ý kiến góp ý đã được ban soạn thảo Quy chuẩn tiếp thu, chỉnh sửa trước khi trình Bộ Xây dựng. Quy chuẩn này đã được ban hành dưới dạng Thông tư theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (17/2008/QH12).

 Về nội dung của quy chuẩn: Quy chuẩn là văn bản pháp quy kỹ thuật, bao gồm các nội dung chủ yếu có liên quan đến các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ nhằm đảm bảo an toàn công trình, an toàn cho con người, an toàn cháy nổ, an toàn môi trường. Các nội dung liên quan đến hướng dẫn về quy trình kỹ thuật trong thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình được thể hiện trong các tiêu chuẩn kỹ thuật. Các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và tiêu chuẩn nước ngoài được Chủ đầu tư lựa chọn áp dụng cho dự án phải phù hợp với quy chuẩn.

Việc biên soạn quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng ở nước ta phần lớn dựa theo các quy định và tiêu chuẩn của các nước tiên tiến. Khi biên soạn quy chuẩn, Viện KHCN XD đã tham khảo nhiều tài liệu của các nước và tranh thủ ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, nội dung quy chuẩn của các nước cũng khác nhau. Do đó, nếu áp dụng các quy định của Nhật Bản vào dự án do các nước khác (Pháp, Trung Quốc…) đầu tư xây dựng sẽ gặp những bất cập tương tự như nội dung công văn của BQL đã nêu. Về vấn đề này, chúng tôi đã làm việc và trao đổi trực tiếp với đại diện của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đơn vị tài trợ dự án quy chuẩn – tiêu chuẩn cho Cục Đường sắt Việt Nam.

Một số góp ý về nội dung Quy chuẩn QCVN 08:2009/BXD của BQL đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác sẽ được chúng tôi nghiên cứu, tiếp thu khi soát xét quy chuẩn. Trong quá trình thực hiện dự án, nếu có khó khăn vướng mắc trong việc vận dụng quy chuẩn, đề nghị BQL đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh liên hệ với Bộ Xây dựng để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.

 

 

Nơi nhận:
Như trên;
TT Cao Lại Quang (báo cáo);
Vụ KHCN (Bộ GTVT);
Lưu: VP, KHCN

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ KHCN-MT




Trần Hữu Hà