Công văn số 495/TCHQ-GSQL về việc vướng mắc C/O do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 495/TCHQ-GSQL
Ngày ban hành 23/01/2009
Ngày có hiệu lực 23/01/2009
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Vũ Ngọc Anh
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 495/TCHQ-GSQL
V/v vướng mắc C/O

Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2009

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

Tổng cục Hải quan nhận được một số công văn của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp đề nghị xem xét việc áp dụng chế độ ưu đãi theo các Hiệp định FTA đối với các lô hàng nhập khẩu từ ASEAN, Hàn quốc, Trung Quốc, nhưng các lô hàng này không đi thẳng từ nước xuất khẩu về Việt Nam mà phải quá cảnh qua một nước thứ 3/lãnh thổ khác. Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong khuôn khổ Hiệp định ACFTA:

Căn cứ Điều 8 - Phụ lục I và Điều 19 - Phụ lục III của Quyết định 12/2007/QĐ-BTM của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) ngày 31 tháng 05 năm 2007 về việc ban hành Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Mẫu E để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định Khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á và nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thì:

1.1 Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu quá cảnh qua một trong nước ASEAN thì được coi là vận chuyển trực tiếp. Theo đó, nếu hàng hóa đáp ứng được tiêu chí xuất xứ và có C/O hợp lệ thì được áp dụng chế độ ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Hiệp định.

1.2. Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu quá cảnh qua một nước thứ 3/lãnh thổ không phải là một trong các nước ASEAN được coi là vận chuyển trực tiếp phải xuất trình cho cơ quan hải quan các chứng từ sau:

 Vận tải đơn chở suốt được hành tại nước xuất khẩu;phát

 Giấy chứng nhận xuất xứ;

 Bản sao từ bản gốc hóa đơn thương mại của lô hàng;

 Các chứng từ liên quan chứng minh rằng các yêu cầukhác để  tại các điểm a, b, c thuộc khoản 3, Điều 8 của Phụ lục I (Quy tắc xuất xứ) đã được tuân thủ.

1.3 Về các chứng từ theo quy định:

- Vận đơn chở suốt.

Đối với vân chuyển đường biển. Căn cứ điểm 3 - Điều 73 (chứng từ vận chuyển) được quy định tại Bộ luật hàng hải Việt Nam số 40/2005/QH11 ngày 14 tháng 06 năm 2005 thì vận đơn suốt đường biển là vận đơn ghi rõ việc vận chuyển hàng hoá được ít nhất hai người vận chuyển bằng đường biển thực hiện.

Đối với vận chuyển đường hàng không: Căn cứ điều 130 - Luật Hàng không dân dụng Việt Nam về nội dung của vận đơn hàng không và biên lai hàng hoá thì vận đơn hàng không phải ghi rõ địa điểm dừng thoả thuận trong trường hợp vận chuyển có địa điểm xuất phát, địa điểm đến ở lãnh thổ của cùng một quốc gia và có một hoặc nhiều địa điểm dừng thoả thuận ở lãnh thổ của quốc gia khác. Do vậy, nếu trên vận đơn hàng không thể hiện rõ địa điểm xuất phát, địa điểm dừng ở lãnh thổ quốc gia khác và điểm đến tại Việt Nam thì chấp nhận như vận đơn chở suốt.

- Chứng từ liên quan để chứng minh: Hiện nay, trong các quyết định của Bộ Công thương cũng như các Quy tắc xuất xứ không có quy định cụ thể các chứng từ chứng minh về vận tải trực tiếp được tuân thủ. Do vậy, có thể chấp nhận chứng từ do cơ quan Hải quan của nước quá cảnh hoặc cơ quan vận tải xác nhận hàng được thực hiện quá cảnh qua nước đó và hàng hóa quá cảnh được giữ nguyên trạng; hoặc chỉ thực hiện những công đoạn được cho phép như quy định tại các điều khoản liên quan nêu trên.                     

Nếu có căn cứ chứng minh hàng hóa không thỏa mãn điều kiện vận chuyển trực tiếp, cơ quan Hải quan sẽ không cho hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tương ứng.

2. Hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định AKFTA:

Căn cứ Điều 9 - Phụ lục I và Điều 19 - Phụ lục III của Quyết định số 02/2007/QĐ-BTM của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) ngày 08 tháng 01 năm 2007 về việc ban hành Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Mẫu AK để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa các Chính phủ của các nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc thì:

Hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc quá cảnh qua nước trung gian là thành viên hay không phải là thành viên đều phải đáp ứng điều kiện về quy định vận chuyển trực tiếp như nêu tại điểm 1.2 và 1.3 trên đối với hàng nhập khẩu khẩu từ Trung Quốc.

3. Đối với hàng nhập khẩu từ một nước ASEAN trong khuôn khổ Hiệp định CEPT:

Căn cứ Điều 7 - Phụ lục I và Điều 18 - Phụ lục 7 của Quyết định số 19/2008/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 24 tháng 7 năm 2008 ban hành Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Mẫu D để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) để thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA thì:

Các quy định và điều kiện được chấp nhận là vận chuyển trực tiếp thực hiện tương tự như đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong khuôn khổ Hiệp định ACFTA nêu tại điểm 1 trên.

Tổng cục Hải quan có hướng dẫn trên để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố biết và thực hiện./.

 

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
 TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh