Công văn 4940/LĐTBXH-LĐTL năm 2014 xác định quỹ tiền lương thực hiện và trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho người lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu | 4940/LĐTBXH-LĐTL |
Ngày ban hành | 24/12/2014 |
Ngày có hiệu lực | 24/12/2014 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Người ký | Tống Thị Minh |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG
BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4940/LĐTBXH-LĐTL |
Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2014 |
Kính gửi: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình
Trả lời công văn số 1486/LĐTBXH-LĐTL ngày 09/12/2014 của quý Sở về việc xác định quỹ tiền lương thực hiện và trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
1. Theo quy định tại mục 1 Phụ lục số I ban hành kèm theo Thông tư số 18/2013/TT-BLĐTBXH ngày 09/9/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì số lao động thực tế sử dụng bình quân để xác định quỹ tiền lương thực hiện bao gồm tất cả số lao động làm việc theo hợp đồng lao động thuộc đối tượng hưởng lương từ quỹ tiền lương theo quy định tại Thông tư này. Không bao gồm Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng, cán bộ chuyên trách đoàn thể do tổ chức đoàn thể trả lương.
2. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 94 và Khoản 3 Điều 95 của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
3. Theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 48 và Khoản 1 Điều 49 của Bộ luật Lao động thì khi người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên mà chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 hoặc mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả tương ứng trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động, trong đó có quy định về việc chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động có thời gian làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước và chuyển đến làm việc tại doanh nghiệp trước ngày 01/01/1995. Vì vậy, trong khi chờ Nghị định này ban hành, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đối với thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật lao động nêu trên và ghi nhận thời gian người lao động làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước chuyển đến làm việc tại doanh nghiệp trước ngày 01/01/1995 để chi trả trợ cấp thôi việc khi có quy định mới.
Đề nghị quý Sở căn cứ vào các quy định nêu trên để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật./.
Nơi nhận: |
TL. BỘ TRƯỞNG |