Công văn 494/KCB-ĐD&KSNK năm 2023 hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động chào mừng ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5 do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh ban hành

Số hiệu 494/KCB-ĐD&KSNK
Ngày ban hành 26/04/2023
Ngày có hiệu lực 26/04/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục Quản lý khám, chữa bệnh
Người ký Vương Ánh Dương
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ Y TẾ
CỤC QUẢN LÝ
KHÁM, CHỮA BỆNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 494/KCB-ĐD&KSNK
V/v Hướng dẫn tổ chức thực hiện các hoạt động chào mừng ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5

Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 2023

 

Kính gửi:

- Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Thủ trưởng Y tế các ngành;
- Giám đốc các Bệnh viện, Viện nghiên cứu có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế.

Để ghi nhận và tôn vinh giá trị nghề nghiệp cũng như những đóng góp quan trọng của người điều dưỡng trong chăm sóc sức khỏe, Hội đồng Điều dưỡng Thế giới (ICN) đã chọn ngày 12 tháng 5 hằng năm là ngày Quốc tế Điều dưỡng kèm theo thông điệp cụ thể cho mỗi năm để các quốc gia cùng hưởng ứng và tổ chức Lễ kỷ niệm.

Năm 2023, ICN đưa ra thông điệp nhân ngày Quốc tế Điều dưỡng là: "Điều dưỡng chúng ta - Tương lai của chúng ta". Thông điệp đặt ra những mong muốn của ICN đối với công tác điều dưỡng trong tương lai nhằm giải quyết những thách thức về sức khỏe toàn cầu và cải thiện sức khỏe cho tất cả mọi người dân trên thế giới. ICN và các tổ chức cũng đã đưa ra bằng chứng cho sự thay đổi, kêu gọi hành động và đầu tư hiệu quả cho công tác điều dưỡng. Chiến dịch "Điều dưỡng chúng ta - Tương lai của chúng ta" sẽ như một ngọn đèn soi sáng cho các điều dưỡng vào một tương lai tươi sáng hơn. Đưa công tác điều dưỡng từ vô hình trở nên vô giá trong sự nhìn nhận của nhà hoạch định chính sách, cộng đồng cũng như tất cả những người đưa ra quyết định ảnh hưởng đến việc thực thi và cung cấp tài chính cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Để hưởng ứng thông điệp trên của ICN và cũng là để ghi nhận, động viên điều dưỡng, kêu gọi sự quan tâm, đầu tư phát triển công tác điều dưỡng từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh toàn diện, tiến tới hội nhập điều dưỡng khu vực và quốc tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng y tế các ngành, Giám đốc các Bệnh viện, Viện có giường bệnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc:

1. Nghiên cứu các tài liệu về ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5 trên các trang thông tin điện tử của ICN và tại phụ lục gửi kèm theo Công văn này.

2. Trên cơ sở thực tiễn về công tác điều dưỡng của đơn vị và nội dung Thông điệp hành động điều dưỡng của ICN năm 2023 (Phụ lục kèm theo), đơn vị lựa chọn Thông điệp để điều dưỡng của đơn vị mình hành động.

3. Báo cáo kết quả tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm ngày Quốc tế Điều dưỡng của đơn vị về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) trước ngày 30/5/2023 để tổng hợp, theo dõi.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn (để b/c);
- Cục trưởng (để b/c);
- Lưu VT, ĐD&KSNK.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Vương Ánh Dương

 

PHỤ LỤC

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHO KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ ĐIỀU DƯỠNG

LỊCH SỬ NGÀY QUỐC TẾ ĐIỀU DƯỠNG

Ngày Quốc tế Điều dưỡng hằng năm được các nước trên thế giới tổ chức vào ngày 12 tháng 5, ngày sinh của bà Florence Nightingale, nhằm tưởng nhớ những cống hiến to lớn của bà đối với việc hình thành và phát triển của ngành điều dưỡng hiện đại cũng như sự ghi nhận, tôn vinh của xã hội về vai trò của của người điều dưỡng trong chăm sóc con người đặc biệt là chăm sóc người bệnh.

Florence Nightingale
12/5/1820 - 13/8/1910

Florence Nightingale (1820 - 1910) sinh ra trong một gia đình giàu có ở Anh. Từ nhỏ, bà đã thể hiện thiện tính và hoài bão được giúp đỡ người nghèo. Năm 1847, bà vào học và làm việc tại bệnh viện Kaiserswerth (Đức) dù gặp nhiều trở ngại về quan điểm xã hội và gia đình đối với nữ giới khi tham gia học về y tế và làm việc tại bệnh viện. Năm 1853, bà học thêm ở Paris (Pháp) sau đó trở lại London và điều hành một bệnh viện. Năm 30 tuổi, bà đã trở thành người điều hành và tổ chức chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo khổ tại London, sắp xếp hợp lý và đưa ra các tiêu chuẩn cho công tác điều dưỡng. Trong vòng 2 năm, bà đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo uy tín tại các bệnh viện nước Anh.

Những năm 1854-1855, chiến tranh Crimée nổ ra, bà được Chính phủ Anh điều sang Thổ Nhĩ Kỳ với cương vị chỉ huy đội điều dưỡng và tổ chức chăm sóc thương bệnh binh của quân đội Hoàng gia Anh tại mặt trận cùng với 38 phụ nữ Anh khác. Lúc này, các bệnh viện tiền phương luôn trong tình trạng bẩn thỉu. Bà đã đưa ra lý thuyết về khoa học vệ sinh trong các cơ sở y tế và yêu cầu phải dọn dẹp sạch sẽ để đảm bảo công tác vệ sinh, chống nhiễm trùng. Vì vậy, bà là người đầu tiên đặt nền tảng về vệ sinh trong các cơ sở y tế và nhờ đó đã giúp làm giảm tỷ lệ chết của thương binh do nhiễm trùng từ 42% xuống còn 2%. Trong đêm, Forence thường cầm đèn đi chăm sóc cho từng thương bệnh binh. Hình ảnh này đã để lại trong trí nhớ và tình cảm của những người thương binh hồi đó, vì thế, các thương binh đã đặt cho bà danh hiệu "Nữ công tước với cây đèn" hay "Thiên thần trong bệnh viện". Sau khi trở lại nước Anh, bệnh tật mắc phải trong chiến tranh Crimée đã làm cho Florence Nightingale mất khả năng làm việc trực tiếp tại bệnh viện. Bà được dân chúng và những người lính Anh tặng món quà 50.000 bảng Anh để chăm sóc sức khoẻ. Tuy nhiên, bà đã dùng số tiền này sử dụng trong vào việc thành lập Trường Điều dưỡng Nightingale tại Bệnh viện St. Thomas, London vào năm 1860 (nay là một phần của trường King’s College London) cùng với chương trình đào tạo 1 năm. Sự kiện này đã đặt nền tảng cho hệ thống đào tạo điều dưỡng không chỉ ở nước Anh mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Kể cả khi sức khỏe suy yếu đến không còn đi lại được, Nightingale vẫn được Chính phủ Mỹ luôn xin ý kiến của bà về việc tổ chức các bệnh viện dã chiến để chăm sóc thương bệnh binh tại chiến trường trong cuộc nội chiến Mỹ. Florence Nightingale mất ngày 13/8/1910. Nghi thức thắp đèn dầu và đọc lời thể của Florence Nightingale đã trở thành nghi thức chính thức của sinh viên điều dưỡng trong lễ tốt nghiệp của nhiều trường điều dưỡng trên thế giới.

Florence Nightingale với cây đèn dầu bên giường bệnh. Nguồn: Pinterest

Ngày 12/5/1965 Hội đồng Quốc tế Điều dưỡng đã tổ chức họp và quyết định lấy ngày 12 tháng 5 hàng năm, ngày sinh của Florence Nightingale làm Ngày Quốc tế Điều dưỡng để tôn vinh, tưởng nhớ công lao của Bà và khẳng định quyết tâm tiếp tục sự nghiệp mà Bà đã xây dựng và Florence Nightingale đã trở thành người mẹ tinh thần của ngành Điều dưỡng thế giới.

Năm 2020, nhân dịp kỷ niệm tròn 200 năm ngày sinh của Bà Florence Nightingale, Tổ chức Y tế thế giới thống nhất và phối hợp với Hội đồng Điều dưỡng Thế giới chỉ định là Năm quốc tế Điều dưỡng và Hộ sinh để tôn vinh những đóng góp quan trọng của điều dưỡng, hộ sinh trong cung cấp các dịch vụ y tế. Đây là những người dành cả cuộc đời để chăm sóc bà mẹ, trẻ em, người già, những người cần chăm sóc, hỗ trợ sức khỏe không chỉ tại các bệnh viện mà họ cũng là những người thực hiện những hoạt động chăm sóc đầu tiên tại cộng đồng. Đây là một chương trình tiếp nối một chiến dịch lớn “Nursing Now” một chiến dịch toàn cầu trong ba năm (2018-2020), nhằm mục đích cải thiện sức khỏe bằng cách nâng cao vị thế của điều dưỡng, hộ sinh trên toàn thế giới và tập trung vào 5 lĩnh vực cốt lõi:

- Điều dưỡng, hộ sinh tham gia sâu vào hoạch định các chính sách y tế;

- Nâng cao chất lượng lượng nguồn nhân lực điều dưỡng;

- Tăng cường vai trò lãnh đạo của điều dưỡng;

- Xác định những lĩnh vực mà các điều dưỡng có thể có tác động lớn nhất;

- Và chia sẻ các thực hành chăm sóc tốt nhất.

KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ ĐIỀU DƯỠNG TRÊN THẾ GIỚI

Hiện nay, trên thế giới, rất nhiều nước tổ chức ngày Quốc tế điều dưỡng 12 tháng 5 nhằm vinh danh và ghi nhận những đóng góp to lớn của người điều dưỡng đối với người bệnh, ngành y tế và xã hội. Ở nhiều quốc gia như Úc, Hoa Kỳ, Canada, Ireland v.v… sự kiện này được tổ chức kéo dài một tuần, kết thúc vào ngày 12 tháng 5 hằng năm, được gọi là Tuần Quốc tế Điều dưỡng. Kỷ niệm ngày Quốc tế Điều dưỡng được một số quốc gia tổ chức như sau:

Tại Anh

Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12 tháng 5 được tổ chức hằng năm bằng hình thức thắp đèn, nến tại Tu viện Westminster, London. Một ngọn nến được chuyển từ điều dưỡng này sang điều dưỡng khác (tượng trưng để truyền kiến thức từ điều dưỡng này sang điều dưỡng khác) và cuối cùng đặt nó lên vị trí cao nhất.

Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng hàng năm tại Tu viện Westminster, London, Anh. Nguồn: Nursing Times

Tại Úc

Các Điều dưỡng tiêu biểu của năm được công bố trong một buổi lễ tại một trong những thành phố thủ phủ của tiểu bang. Ngoài ra, tại mỗi tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc, các buổi lễ tôn vinh điều dưỡng cũng được tiến hành trong Tuần lễ Quốc tế Điều dưỡng.

[...]