Công văn 4734/BGDĐT-GDCN năm 2014 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2014-2015 đối với giáo dục chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu | 4734/BGDĐT-GDCN |
Ngày ban hành | 29/08/2014 |
Ngày có hiệu lực | 29/08/2014 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Bùi Văn Ga |
Lĩnh vực | Giáo dục |
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4734/BGDĐT-GDCN |
Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2014 |
Kính gửi: |
- Các sở giáo dục và đào tạo; |
Căn cứ Chỉ thị số 3008/CT-BGDĐT ngày 18/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp năm học 2014-2015, Bộ GDĐT hướng dẫn các sở GDĐT, các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và các cơ sở giáo dục khác có đào tạo TCCN (sau đây gọi là các trường) thực hiện nhiệm vụ năm học 2014-2015 đối với giáo dục chuyên nghiệp như sau:
1. Nhiệm vụ chung
Tập trung triển khai Quyết định số 2653/QĐ-BGDĐT ngày 25/7/2014 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về giáo dục chuyên nghiệp; tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo TCCN, đa dạng hóa các chương trình đào tạo, huy động nguồn lực, tập trung thu hút người học vào các trường TCCN, đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển kỹ năng của người lao động nhằm cải thiện cơ hội việc làm, đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp và lập nghiệp cho thanh niên.
2. Nhiệm vụ cụ thể
2.1. Về công tác quản lý giáo dục chuyên nghiệp
- Cụ thể hóa và triển khai Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW phù hợp với yêu cầu thực tiễn giáo dục chuyên nghiệp ở từng địa phương.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Luật Giáo dục nghề nghiệp, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm cơ sở triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo; hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, xây dựng khung các trình độ quốc gia, các tiêu chuẩn định mức trong giáo dục TCCN.
- Rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo cơ cấu ngành nghề phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, đáp ứng nhu cầu của người học và nhân lực của thị trường lao động trong nước và tham gia thị trường lao động quốc tế.
- Triển khai công tác dự báo, kế hoạch phát triển giáo dục chuyên nghiệp ở địa phương và toàn ngành. Tiếp tục rà soát, đánh giá sự tác động của việc thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục, thực hiện đổi mới cơ chế quản lý tài chính. Thực hiện xã hội giám sát đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục chuyên nghiệp thông qua công khai các hoạt động giáo dục.
- Tiếp tục hoàn thiện và tăng cường tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục địa phương theo Nghị định 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.
- Rà soát và thực hiện các chương trình cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và của ngành giáo dục. Nâng cao chất lượng báo cáo và thực hiện nghiêm việc báo cáo theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động đào tạo TCCN, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm và công khai trước công luận các sai phạm trong đào tạo TCCN.
- Tập trung chỉ đạo về công tác giáo trình, tài liệu học tập. Các sở GDĐT lập kế hoạch rà soát kiểm tra tình hình giáo trình trong từng trường, lập dự án/ đề án phát triển, đổi mới giáo trình và dự trù kinh phí về công tác giáo trình để góp phần tạo ra sự thay đổi về chất lượng đào tạo.
- Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh TCCN theo quy định của pháp luật.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục chuyên nghiệp, dạy và học. Trong đó, triển khai xây dựng và công khai cơ sở dữ liệu về giáo dục chuyên nghiệp tại trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý các cấp và cơ sở giáo dục chuyên nghiệp.
- Chủ động báo cáo, đề xuất tham mưu với các các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội trong việc thực hiện các hoạt động giáo dục TCCN.
2.2. Tổ chức các hoạt động giáo dục, đào tạo TCCN
a) Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các phong trào và các cuộc vận động lớn của ngành
- Tiếp tục triển khai sâu rộng và hiệu quả các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị; giáo dục, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh gắn với việc đưa nội dung các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành thành hoạt động thường xuyên trong mỗi đơn vị, cơ sở giáo dục.
- Tiếp tục tổ chức Hội thi học sinh giỏi TCCN bao gồm thi kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi TCCN các cấp và chuẩn bị cho Hội thi giáo viên dạy giỏi TCCN toàn quốc dự kiến sẽ tổ chức vào năm 2015 tại Thành phố Đà Nẵng.
b) Tổ chức và nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo TCCN
- Tổ chức đánh giá vị trí việc làm của người lao động và nhu cầu nhân lực trình độ TCCN gắn với thị trường lao động. Tiếp tục mở rộng quy mô, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, các hình thức đào tạo, các hệ đào tạo và củng cố các loại hình trường trung cấp chuyên nghiệp gắn với bảo đảm chất lượng đào tạo, phù hợp với khả năng cung ứng nhân lực của cơ sở đào tạo và quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, của Bộ, ngành và địa phương.
- Đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học gắn với năng lực thực hiện. Nội dung đào tạo cần xây dựng theo hướng tích hợp hình thành năng lực nghề nghiệp của người học. Phương pháp đào tạo cần theo hướng phát huy tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng người học vào thực hành nghề nghiệp.
Việc đánh giá kết quả người học phải dựa trên chuẩn năng lực đầu ra, xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng trên cơ sở kiến thức, năng lực thực hành, ý thức kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và tăng cường sự tham gia đánh giá chất lượng đào tạo của các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động.
- Tiếp tục triển khai công tác biên soạn, lựa chọn giáo trình, tài liệu tham khảo phù hợp với việc đổi mới chương trình đào tạo.
- Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, tiếp tục triển khai xây dựng chỉ số chất lượng để theo dõi và giám sát chất lượng đào tạo, gắn trách nhiệm của nhà trường với xã hội.
- Đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng nguồn lực cho phát triển giáo dục chuyên nghiệp, mở rộng đào tạo ngắn hạn và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Khuyến khích doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước mở các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp. Gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất, phát triển giáo viên, cán bộ quản lý, chương trình đào tạo, đo lường đánh giá và liên kết đào tạo, đào tạo tại doanh nghiệp.