Công văn 473/BNV-CCHC năm 2022 về hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 473/BNV-CCHC
Ngày ban hành 13/02/2022
Ngày có hiệu lực 13/02/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Phạm Thị Thanh Trà
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 473/BNV-CCHC
V/v trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng gửi tới sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng

Bộ Nội vụ nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 19/BDN ngày 10/01/2022, nội dung kiến nghị như sau: “Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, hành chính các cấp”.

Bộ Nội vụ xin trả lời như sau:

Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác cải cách hành chính đã được các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp tích cực triển khai một cách toàn diện, đồng bộ và đã đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước, tạo sự chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ người dân, tổ chức của bộ máy hành chính nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương; góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính một cách toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, ngày 15/7/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình tổng thể); tiếp theo đó, ngày 02/9/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030 sẽ hướng tới mục tiêu: “Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn 2021 - 2030”. Cùng với đó, Chương trình tổng thể đã xác định những mục tiêu, nhiệm vụ rất toàn diện, cụ thể trên các nội dung: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số nhằm hướng tới đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, giải phóng các nguồn lực để thúc đẩy phát triển đất nước, một số nội dung đáng chú ý như:

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

- Cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến người dân, doanh nghiệp; TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.

- Cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, loại bỏ các quy định không hợp pháp, không cần thiết, không hợp lý, bảo đảm thực chất.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác cải cách TTHC nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến cải cách TTHC, như: Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025; Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 phê duyệt Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông,.... Theo đó, công tác cải cách TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh; cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, một số kết quả nổi bật, như:

- Về rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện kinh doanh, hoạt động kiểm tra chuyên ngành: Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 4/2021, đã cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Tính riêng năm 2021, tổng số quy định kinh doanh cắt giảm, đơn giản hóa trong năm là 1.101 quy định, gồm: 507 thủ tục hành chính; 113 yêu cầu, điều kiện; 26 chế độ báo cáo; 172 mã số HS phải khai báo hải quan khi xuất nhập khẩu và 283 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại 70 văn bản quy phạm pháp luật (gồm: 8 Luật, 27 Nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 33 Thông tư).

- Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia được đưa vào vận hành từ tháng 12/2019, đã tạo nên những bước đột phá mới trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp: TTHC của các bộ, ngành, địa phương được cập nhật, công khai thống nhất trên Cổng DVC quốc gia tính lũy kế từ khi vận hành Cổng DVC quốc gia đến ngày 10/10/2021, các bộ, ngành; địa phương đã rà soát, ban hành 11.582 quyết định công bố TTHC sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý. Tính riêng năm 2021, đã có 2.108 quyết định công bố TTHC của bộ, ngành, địa phương được ban hành và cập nhật, công khai lên Cổng DVC quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, thực hiện TTHC. Tính đến ngày 10/10/2021, đã có 3.139 TTHC được cung cấp trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia, trong đó, có 1.732 TTHC của người dân và 1.713 TTHC của doanh nghiệp; đã có 76,1 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và có 1,95 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện qua Cổng DVC quốc gia.

- Tình hình giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông có nhiều đổi mới tích cực, việc phân cấp giải quyết TTHC giữa các cấp được đẩy mạnh, tăng cường giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC.

Mặc dù công tác cải cách hành chính đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên người dân, doanh nghiệp vẫn mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp đẩy mạnh cải cách hành chính, theo hướng xây dựng nền hành chính phục vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu, giúp Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác cải cách hành chính, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính; tổ chức thực hiện nghiêm, toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 ban hành tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

- Đẩy mạnh triển khai và thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

- Tiếp tục rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa TTHC, nhất là các TTHC trọng tâm, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh thực thi các phương án đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh và đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

- Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ; tăng cường phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính; triển khai nhanh việc số hóa, nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra, đề xuất xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Trên đây là trả lời của Bộ Nội vụ đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;
- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;
- Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng;
- Bộ
trưởng;
- Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa;
- Trung tâm TT (để công khai trên Cổng TTĐT của Bộ);
- Văn phòng B
(Phòng TH-TK);
- Lưu: VT, CCHC.

BỘ TRƯỞNG




Phạm Thị Thanh Trà

 

5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ