Kính
gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được
kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công
văn số 7963/VPCP-QHĐP ngày 26/11/2022, nội dung kiến nghị như sau:
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo
các Bộ, ngành cần có giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn, kiểm soát thông tin trên
không gian mạng, kiên quyết xử lý cho vay nặng lãi trá hình và các hành vi vu khống, bôi nhọ tổ chức cá nhân trên không gian mạng; tiếp tục chỉ đạo
quyết liệt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phòng, chống vi phạm, tội phạm
trong công tác đầu tư, mua sắm, thu chi ngân
sách... đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham
nhũng; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật; công khai, minh bạch
kết quả điều tra, xét xử để Nhân dân giám sát. Rà soát, thống kê, tổng hợp các
dự án đầu tư có sử dụng đất đã quá hạn chưa thực hiện đầu tư hoặc đầu tư kéo
dài, có giải pháp xử lý phù hợp; ngăn chặn kịp thời tình trạng làm giả, đưa
thông tin không chính xác, xuyên tạc gây ảnh hưởng, lũng đoạn thị trường nhất là đối với các lĩnh vực bất động
sản...
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và
Truyền thông có ý kiến trả lời như sau:
I. Đối với việc
ngăn chặn, kiểm soát thông tin trên không gian mạng
Thông tin tuyên truyền chống phá Đảng,
Nhà nước ta, thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật chủ yếu tập trung trên
các mạng xã hội do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, điển hình
là Facebook, Youtube và gần đây là Tik Tok. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền
thông cùng các bộ, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để quản lý các nội
dung thông tin trên mạng, như sau:
1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên
quan:
- Bổ sung các phương án xử lý các
hành vi vi phạm trên môi trường mạng tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày
03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu
chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện
tử và Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung
một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP.
- Quy định trách nhiệm của các tổ chức
cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam trong việc phối hợp với cơ quan
quản lý để loại bỏ nội dung thông tin vi phạm theo quy định tại Thông tư số
38/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 quy định chi tiết việc cung cấp thông tin công
cộng qua biên giới.
- Quy định về các hành vi đưa thông
tin sai sự thật và thông tin ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và an toàn xã hội
là những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 9 Luật Báo chí
ngày 05/4/2016; Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày
15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
- Trình Chính phủ Nghị định sửa đổi,
bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ
Internet và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 72/2013/NĐ-CP nhằm bổ sung thêm các quy định để quản lý chặt chẽ hơn việc
cung cấp thông tin trên mạng xã hội trong nước và các mạng xã hội nước ngoài hoạt
động xuyên biên giới tại Việt Nam.
- Tổng kết, đánh giá việc thực hiện
Luật Báo chí 2016 để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, trong
đó có các quy định cụ thể về việc quản lý thông tin trên môi trường mạng.
2. Tuyên truyền trên các phương tiện
thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức người dân để chủ động phòng tránh tin
giả, tin sai sự thật, đồng thời áp dụng các quy tắc ứng xử phù hợp trên mạng:
- Tăng cường chỉ đạo, định hướng các
cơ quan báo, đài trung ương và địa phương tuyên truyền mạnh mẽ các chủ trương,
chính sách, của Đảng, Chính phủ, Chính quyền địa phương nhằm tạo sự đồng thuận
xã hội.
- Phổ biến Bộ quy tắc ứng xử trên mạng
xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam,
nhằm nâng cao nhận thức và hành vi ứng xử trên mạng xã hội của người dân, giúp
người sử dụng có thể nhận biết và cảnh giác hơn với các thông tin giả mạo, sai
sự thật.
- Đặt hàng các cơ quan báo chí tuyên
truyền đẩy mạnh phát triển văn hóa, con người Việt Nam ra nước ngoài; đấu tranh
phản bác những luận điệu sai trái làm xấu hình ảnh đất nước, con người Việt
Nam.
- Phối hợp với các bộ, ngành chủ động
cung cấp thông tin, chủ động kiểm tra, xử lý, phản bác, cung cấp thông tin cho
dư luận; thường xuyên tổ chức tập huấn cho các địa phương, bộ, ngành về truyền
thông, nâng cao ý thức cho người sử dụng và phương thức xác minh thông tin ở địa
phương/phạm vi lĩnh vực phụ trách.
- Phát hành Cẩm
nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng nhằm cung cấp
các thông tin, kỹ năng cơ bản nhất tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân dùng mạng
Internet để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả.
3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra, xử lý và giám sát các nội dung thông tin trên môi trường mạng:
- Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối
hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường
công tác quản lý, xử lý theo thẩm quyền được giao theo hướng: (1) Nếu xác định
được nhân thân đối tượng vi phạm trên địa bàn thì các địa phương chủ động xử lý
đối tượng (xử phạt vi phạm hành chính); trong trường hợp đối tượng vi phạm nhiều
lần, nghiêm trọng thì Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an tỉnh,
thành phố củng cố chứng cứ để có thể xử lý ở mức cao hơn (xử phạt hình sự); (2)
Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm,
thì các địa phương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an để có
biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.
- Bộ Thông tin và Truyền thông vận hành
“Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia” để chủ động rà soát, phát
hiện, đánh giá thông tin trên mạng và giám sát an toàn không gian mạng, chỉ đạo
các nhà mạng triển khai các giải pháp kỹ thuật mới để ngăn chặn hiệu quả việc
phát tán thông tin xấu, độc, ngăn chặn các hành vi tấn công mạng, lợi dụng mạng
để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
- Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công
an và Ban Chỉ đạo 35 các Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai rà quét,
đánh giá xu hướng về các luồng thông tin được dư luận quan tâm, thông tin xấu độc.
4. Chủ động áp dụng các biện pháp kỹ
thuật để ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm:
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo
các đơn vị chuyên môn xử lý các nguồn phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc,
nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân, thông tin
phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước; thông tin độc hại với trẻ em; triển khai nhiều
giải pháp đấu tranh đồng bộ về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh
nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google, TikTok...) tuân thủ
pháp luật Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp
với các đơn vị chức năng kiên quyết, kiên trì triển khai đấu tranh quyết liệt,
buộc các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, Tiktok,
Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả,
tin sai sự thật...(Facebook đã gỡ 484 fanpages quảng
cáo vi phạm; 2.476 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp,
Google đã gỡ hơn 2000 quảng cáo vi phạm pháp luật)
5. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng
đã đưa vào vận hành Trung tâm Xử lý tin giả tại tên miền www.tingia.gov.vn. Trung bình mỗi tháng Trung tâm tiếp nhận và
xử lý hơn 400 phản ánh về tin giả của người dân, qua đó thực hiện xác minh và
công bố các thông tin giả, tin sai sự thật và tin xác thực tránh gây hoang mang
dư luận trong nhân dân. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho các địa phương, bộ,
ngành về cách thức nhận biết, phát hiện tin giả, thông tin xấu độc trên môi trường
mạng.
II. Đối với công
tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực
1. Tiếp tục chỉ đạo
quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, thanh
tra tập trung vào các lĩnh vực có nhiều nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường
thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ
phòng, chống tham nhũng.
Để bảo đảm sự tập
trung, thống nhất về mục tiêu hoạt động và nâng cao hiệu quả công tác thanh
tra, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo thanh tra các bộ, ngành, địa phương bám sát định
hướng và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành và
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển
khai các đoàn thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất. Định hướng nội
dung thanh tra bảo đảm phù hợp với bối cảnh, tình hình; bám sát, đáp ứng yêu cầu
phát triển kinh tế, xã hội ở các cấp, các ngành. Nâng cao hiệu quả hoạt động
thanh tra; tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh tra; tập trung thanh
tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thanh tra đột xuất khi
phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; chú trọng công tác kiểm tra của cơ quan
quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương. Kiểm
tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra; nâng cao chất lượng kết luận
thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm
minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; quan
tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.
Triển khai thực hiện các Nghị quyết của
Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo và tổ chức
thực hiện trong toàn Ngành, trong đó có những nhiệm vụ quan trọng, như:
- Tổ chức thanh tra chuyên đề diện rộng
về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc
phòng, chống dịch Covid-191. Toàn ngành Thanh tra
đã triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2022 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ,
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực về kết quả thanh
tra. Riêng Thanh tra Chính phủ trực tiếp triển khai thanh tra tại Bộ Y tế, TP Hồ
Chí Minh và TP Hà Nội; đến nay đã ban hành kết luận thanh tra tại Bộ Y tế và TP
Hồ Chí Minh; cuộc thanh tra tại TP Hà Nội đang trong quá trình báo cáo, xin ý
kiến Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
và tiêu cực về dự thảo kết luận thanh tra.
- Thanh tra Chính phủ tổ chức các cuộc
thanh tra đột xuất theo yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ: (i) thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực
hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII
và Quy hoạch điện VII điều chỉnh2; (ii) thanh tra
công tác quản lý nhà nước về xăng dầu3; (iii)
thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp
và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp4.
- Thanh tra Chính phủ triển khai 04
Đoàn công tác liên ngành5 kiểm tra tình hình thực
hiện kết luận thanh tra và tham mưu, giúp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ6 tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai
trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội,
Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa; đồng thời, giúp Ban
Cán sự đảng Chính phủ xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng
mắc liên quan đến dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án,
báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự đảng Chính phủ.
- Về kết quả
thanh tra7, toàn ngành Thanh tra đã triển khai
6.306 cuộc thanh tra hành chính và 157.974 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên
nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 53.512 tỷ đồng, 8.241 ha đất;
trong đó kiến nghị thu hồi 16.396 tỷ đồng và 147 ha đất; xuất toán, loại khỏi
giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền
xem xét xử lý 37.117 tỷ đồng, 8.094 ha đất; ban hành 105.265 quyết định xử phạt
vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.593 tỷ đồng; kiến nghị
xem xét, xử lý hành chính 2.554 tập thể và 5.109 cá nhân; chuyển cơ quan điều
tra 320 vụ, 199 đối tượng.
Riêng Thanh tra Chính phủ ban hành 13
kết luận thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế 1.643 tỷ đồng, 7,5 ha đất; kiến
nghị thu hồi 716 tỷ đồng và 3,1 ha đất; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử
lý 927 tỷ đồng và 4,4 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính nhiều tập thể, cá
nhân; đã chuyển cơ quan điều tra xử lý 3 vụ việc.
- Về kết quả đôn
đốc, xử lý về thanh tra: Toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện
5.586 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 3.440 kết luận
thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 61,6% tổng số kết
luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra). Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã
thu hồi 1.089,0 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 60,3%), 10,2 ha đất; xử lý hành chính 1.714
tổ chức, 4.841 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng; khởi tố 5
vụ, 3 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 370 văn bản về cơ chế,
chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỷ lệ
72,4%).
Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục
chỉ đạo ngành Thanh tra tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như:
- Bám sát và đáp ứng yêu cầu phát triển
kinh tế, xã hội ở các cấp, các ngành, Định hướng công tác thanh tra hằng năm được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai công tác thanh tra; đổi mới trong
xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra; nghiên cứu ứng dụng khoa học,
công nghệ vào hoạt động thanh tra. Thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là các
Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn
cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phát triển kinh tế
- xã hội 8.
- Tăng cường thanh tra công tác quản
lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong trong thực hiện nhiệm vụ được
giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh nhiều vi phạm,
tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn khiếu nại, tố cáo và dư luận xã hội quan tâm.
Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra; nâng cao kỷ luật, kỷ
cương hành chính, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra.
- Nâng cao chất lượng kết luận thanh tra,
đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời,
đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; quan tâm kiến nghị
hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.
- Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định
và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định
của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền
và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế,
chính sách, pháp luật. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra,
kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra.
Phối hợp với các bộ, ngành chức năng làm việc, kiểm tra tình hình giải quyết,
khắc phục tồn tại theo các kết luận thanh tra đối với các dự án đầu tư ở địa
phương mà việc xử lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, gây lãng phí, thất thoát
tài sản nhà nước, doanh nghiệp, nhất là nguồn lực đất đai, tài nguyên.
2. Đẩy mạnh hơn nữa
công tác phòng, chống tham nhũng
Trong thời gian qua, công tác phòng,
chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, sự
phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm
toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham
nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả; gắn PCTN với công tác tổ chức,
cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử
lý hình sự; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”,
“không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh PCTN. Công
tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, PCTN, xây dựng Đảng
và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành
cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Công tác thông tin, tuyên
truyền, giáo dục về PCTN có nhiều đổi mới, vai trò tích cực của các cơ quan
truyền thông, báo chí trong PCTN ngày càng được khẳng định và phát huy. Công
tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình
trong hoạt động công vụ và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung
lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Vai trò, trách nhiệm
của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức
chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Nhân dân trong PCTN ngày càng phát
huy hiệu quả thiết thực. Hợp tác quốc tế được tăng cường; hoạt động PCTN từng
bước được mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh
tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đều được tăng cường, kịp
thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương
trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác
PCTN.
Để phát huy những kết quả đạt được,
khắc phục những hạn chế, vướng mắc, khó khăn, Chính phủ, các cơ quan chức năng
tiếp tục tăng cường công tác PCTN, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy
lùi tham nhũng với quyết tâm chính trị, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả
hơn nữa. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng, Nhà nước
cả ở Trung ương và địa phương; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính
trị và của Nhân dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức,
hành chính, kinh tế, hình sự; tập trung kiểm soát chặt chẽ quyền lực của người
có chức vụ, quyền hạn để PCTN. Chính phủ luôn xác định PCTN là một trong những
nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực
hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:
- Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ
đạo công tác PCTN gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là
chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tổ chức thực hiện
nghiêm túc quy định của Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đẩy mạnh
xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiếp tục hoàn
thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng.
- Chú trọng đổi mới hình thức, cách
thức tuyên truyền, phổ biến về PCTN; kịp thời chỉ đạo, định hướng, cung cấp đầy
đủ thông tin về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước
về công tác PCTN, kết quả công tác PCTN liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà
nước theo Quy định số 65-QĐ/TW ngày 03/02/2017 của Ban Bí
thư Trung ương Đảng.
- Hoàn thiện các quy định xây dựng nền
công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến
mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác PCTN ở địa phương, cơ sở; tiếp tục thực
hiện nhiệm vụ PCTN trong nội bộ các cơ quan có chức năng PCTN, không để cán bộ,
công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực làm nhiệm vụ PCTN; tập trung xử lý
nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người
dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày
22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
- Triển khai có hiệu quả các cuộc kiểm
tra, thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN theo kế
hoạch và chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực.
- Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều
tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát
hiện. Tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố,
xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp
theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực.
- Tăng cường thực hiện Chỉ thị số
27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu
tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021
của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài
sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW ngày
03/6/2021 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày
07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 12-KL/TW ngày 6/4/2022
của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
- Củng cố, kiện toàn, tăng cường năng
lực đơn vị chuyên trách PCTN đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nhất là
công tác quản lý nhà nước về PCTN, công tác phòng, ngừa, phát hiện, xử lý tham
nhũng.
- Xây dựng, ban hành Chiến lược quốc
gia về PCTN đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Chống
tham nhũng.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ
Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa, trân trọng
gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa để trả lời cử tri./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Vụ Dân nguyện (VPQH);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm;
- Trung tâm Thông tin (để đăng lên Cổng TTĐT của Bộ);
- Lưu: VT, VP, TKTH.
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Mạnh Hùng
|
1 Thực hiện Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày
08/11/2021 của Chính phủ (Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm
2021 trực tuyến toàn quốc với địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9
và 9 tháng năm 2021).
2 Đến nay đã kết thúc thanh tra trực tiếp,
đang trong quá trình xây dựng dự thảo kết luận thanh tra.
3 Theo Công điện số
160/CĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện đang trong quá trình
thanh tra trực tiếp tại đơn vị.
4 Hiện đang trong quá trình chuẩn bị thanh tra.
5 Theo Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày
8/10/2021, Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 07/3/2022 của Chính phủ.
6 Thành lập theo Quyết định số
153/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 để kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn,
vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết
luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại
Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh và một số
tỉnh, thành phố.
7 Do chưa đến kỳ báo cáo năm, số liệu
thanh tra là kết quả thanh tra 9 tháng đầu năm của ngành Thanh tra và kết quả của
Thanh tra Chính phủ tháng 10, 11/2022.
8 Trong đó có Nghị quyết số 127/NQ-CP
ngày 08/10/2021, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021