Công văn 4669/BGDĐT-GDTrH năm 2015 hướng dẫn về đánh giá học sinh trung học cơ sở theo mô hình trường học mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 4669/BGDĐT-GDTrH
Ngày ban hành 10/09/2015
Ngày có hiệu lực 10/09/2015
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Vinh Hiển
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4669/BGDĐT-GDTrH
V/v Hướng dẫn đánh giá học sinh THCS theo mô hình trường học mới

Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2015

 

Kính gửi: Các sở giáo dục và đào tạo

Thực hiện Công văn số 4509/BGDĐT-GDTrH ngày 03/9/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2015-2016; Công văn số 4668/BGDĐT-GDTrH ngày 10/9/2015 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn triển khai mô hình trường học mới Việt Nam cấp trung học cơ s(THCS) năm học 2015-2016, Bộ GDĐT hướng dẫn đánh giá học sinh THCS (đối với lớp 6 mở rộng và lớp 7 thực nghiệm) theo mô hình trường học mới như sau:

I. Mục đích đánh giá

Đánh giá học sinh THCS mô hình trường học mới được hiểu là những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh THCS nhằm mục đích giúp:

1. Học sinh tự rút kinh nghiệm và nhận xét lẫn nhau trong quá trình học tập, tự điều chỉnh cách học, qua đó dần hình thành và phát triển năng lực vận dụng kiến thức, khả năng tự học, phát hiện và giải quyết vấn đề trong môi trường giao tiếp, hợp tác; bồi dưỡng hứng thú học tập và rèn luyện của học sinh trong quá trình giáo dục.

2. Giáo viên rút kinh nghiệm, điều chỉnh hoạt động dạy học và giáo dục ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học và giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ; phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ; đưa ra nhận định phù hợp về những ưu điểm nổi bật và những hạn chế của mỗi học sinh để có biện pháp khắc phục kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh.

3. Cán bộ quản lí giáo dục các cấp có căn cứ để chỉ đạo các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá nhằm đạt hiệu quả giáo dục.

4. Cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh), cộng đồng quan tâm và tham gia nhận xét, góp ý quá trình và kết quả học tập, rèn luyện, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; tích cực hợp tác với nhà trường trong các hoạt động dạy học và giáo dục học sinh.

II. Nguyên tắc đánh giá

1. Đánh giá phải hướng tới sự phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh thông qua mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ và các biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh dựa trên mục tiêu giáo dục THCS; coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập.

2. Chú trọng đánh giá thường xuyên, đa dạng hóa các hình thức và công cụ đánh giá: đánh giá các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện dự án học tập, nghiên cứu khoa học, kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video clip,…) về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập (sau đây gọi chung là sản phẩm học tập); kết hợp đánh giá trong quá trình dạy học, giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học. Kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh và cộng đồng.

3. Coi trọng đánh giá sự tiến bộ của mỗi học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự hứng thú, tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy năng khiếu cá nhân; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

4. Việc đánh giá học sinh khuyết tật học hòa nhập phải bảo đảm quyền được chăm sóc và giáo dục đối với tất cả học sinh theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và sự tiến bộ của học sinh là chính.

III. Nội dung đánh giá

1. Đánh giá hoạt động học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục THCS theo từng môn học và hoạt động giáo dục.

2. Đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh.

3. Đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh.

IV. Đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ

1. Đánh giá thường xuyên

1.1. Đánh giá thường xuyên là đánh giá trong quá trình học tập, rèn luyện, của học sinh, được thực hiện theo tiến trình nội dung của các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó có quá trình vận dụng kiến thức, kĩ năng ở nhà trường, gia đình và cộng đồng.

1.2. Tham gia đánh giá thường xuyên gồm có: giáo viên, học sinh (tự rút kinh nghiệm và nhận xét, góp ý bạn qua hoạt động của nhóm, lớp); khuyến khích cha mẹ học sinh và cộng đồng tham gia nhận xét, góp ý cho học sinh, giáo viên, các hoạt động giáo dục của nhà trường.

1.2.1. Giáo viên đánh giá

a) Đánh giá quá trình học tập của học sinh

Trong quá trình dạy học, căn cứ vào đặc điểm và mục tiêu của bài học, của mỗi hoạt động trong bài học, giáo viên tiến hành một số việc như sau:

- Theo dõi, kiểm tra quá trình và từng kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh/nhóm học sinh theo tiến trình dạy học; quan tâm tiến độ hoàn thành từng nhiệm vụ của học sinh để áp dụng biện pháp cụ thể, kịp thời giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn. Chấp nhận sự khác nhau về thời gian và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các học sinh; những học sinh hoàn thành nhiệm vụ nhanh hơn tiến độ chung thì được giao thêm nhiệm vụ học tập hoặc giúp đỡ bạn. Hằng tuần, giáo viên lưu ý đến những học sinh có nhiệm vụ chưa hoàn thành, giúp đỡ kịp thời để học sinh biết cách hoàn thành nhiệm vụ.

- Nếu có nhận xét đặc biệt, giáo viên ghi vào phiếu, vở, sản phẩm học tập... của học sinh về những kết quả đã làm được hoặc chưa làm được, mức độ hiểu biết và năng lực vận dụng kiến thức, mức độ thành thạo các thao tác, kĩ năng cần thiết...

b) Đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh

Giáo viên quan sát các biểu hiện trong quá trình học tập, sinh hoạt và tham gia các hoạt động tập thể để nhận xét sự hình thành và phát triển một số phẩm chất, năng lực của học sinh; từ đó động viên, khích lệ, giúp học sinh khắc phục khó khăn; phát huy ưu điểm và các phẩm chất, năng lực riêng; điều chỉnh hoạt động, ứng xử để tiến bộ.

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ