UBND TỈNH ĐĂK NÔNG
SỞ XÂY DỰNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 434/SXD-KT
V/v hướng dẫn lập
và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Đăk Nông
|
Gia Nghĩa, ngày 12 tháng 07 năm
2010
|
Kính gửi:
|
- Các sở, ngành;
- UBND các huyện, thị xã;
- Các chủ đầu tư.
|
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đăk Nông tại Công văn số
1978/UBND-CNXD ngày 30/6/2010 V/v thực hiện công tác lập và quản lý chi phí đầu
tư xây dựng theo Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về
Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Sở Xây dựng Đăk Nông hướng dẫn việc
lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Đăk Nông
theo Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng như sau:
I. VỀ TỔNG MỨC ĐẦU TƯ:
1. Nội dung các khoản chi phí:
Các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư xây dựng công
trình được quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày
14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và được
quy định cụ thể tại khoản 3 và khoản 4 (đối với các dự án sử dụng vốn ODA) Điều
4 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng V/v hướng dẫn
lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
2. Lập tổng mức đầu tư:
Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng công
trình có trách nhiệm lựa chọn phương pháp lập tổng mức đầu tư phù hợp với đặc
điểm, yêu cầu của dự án theo các phương pháp quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị
định số 112/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại Phụ lục số 1 của Thông tư số
04/2010/TT-BXD. Có các phương pháp sau:
2.1. Phương pháp xác định theo thiết kế cơ sở của dự án.
2.2. Phương pháp tính theo diện tích hoặc công suất sản
xuất, năng lực phục vụ của công trình và giá xây dựng tổng hợp, suất vốn đầu tư
xây dựng công trình.
Nếu áp dụng phương pháp tính theo giá xây dựng tổng hợp thì
chủ đầu tư căn cứ vào giá xây dựng tổng hợp hiện hành do Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành.
2.3. Phương pháp xác định theo số liệu của các công trình
xây dựng có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tương tự đã thực hiện.
2.4. Phương pháp kết hợp 03 phương pháp nêu trên.
II. DỰ TOÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH:
1. Nội dung các khoản chi phí:
Các khoản mục chi phí trong dự toán công trình được quy định
tại khoản 3 Điều 8 của Nghị định số 112/2009/NĐ-CP và được quy định cụ thể tại
khoản 3 Điều 6 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD.
2. Về lập dự toán công trình:
Dự toán công trình được xác định trên cơ sở thiết kế kỹ
thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công. Dự toán công trình bao gồm: Chi phí xây
dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng,
chi phí khác và chi phí dự phòng.
Dự toán công trình được tổng hợp theo bảng 2.1 của phụ lục
số 2 tại Thông tư số 04/2010/TT-BXD.
2.1. Chi phí xây dựng
Chi phí xây dựng được xác định cho công trình, hạng mục công
trình, bộ phận, phần việc, công tác của công trình, hạng mục công trình đối với
công trình chính, công trình phụ trợ, công trình tạm phục vụ thi công, nhà tạm
để ở và điều hành thi công.
Chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công
là chi phí để xây dựng nhà tạm tại hiện trường hoặc thuê nhà hoặc chi phí đi
lại phục vụ cho việc ở và điều hành thi công của nhà thầu trong quá trình thi
công xây dựng công trình.
Chi phí xây dựng bao gồm: Chi phí trực tiếp, chi phí chung,
thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng.
Xác định chi phí xây dựng
Tư vấn lập dự toán công trình có trách nhiệm lựa chọn phương
pháp phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của công trình và chịu trách nhiệm trước chủ
đầu tư về tính hợp lý, chính xác của phương pháp lập dự toán công trình mình
lựa chọn. Có các phương pháp sau:
2.1.1. Tính theo khối lượng và giá xây dựng công trình:
a. Xác định theo khối lượng và đơn giá xây dựng công trình:
Trường hợp Tư vấn lập dự toán công trình lựa chọn phương pháp này thì đơn giá
xây dựng công trình lập theo hướng dẫn tại phụ lục số 6 Thông tư số
04/2010/TT-BXD, bảng tổng hợp dự toán chi phí xây dựng theo bảng số 3.1, 3.2
của phụ lục số 3 thuộc Thông tư số 04/2010/TT-BXD.
b. Xác định theo khối lượng và giá xây dựng tổng hợp: Trường
hợp Tư vấn lập dự toán công trình lựa chọn phương pháp này thì giá xây dựng
tổng hợp lập theo hướng dẫn tại phụ lục số 6 Thông tư số 04/2010/TT-BXD, bảng
tổng hợp dự toán chi phí xây dựng theo bảng số 3.3 của phụ lục số 3 thuộc Thông
tư số 04/2010/TT-BXD.
2.1.2. Tính theo khối lượng hao phí vật liệu, nhân công, máy
thi công và bảng giá tương ứng:
Trường hợp Tư vấn lập dự toán công trình lựa chọn phương
pháp này thì xem hướng dẫn cụ thể tại bảng số 3.4, 3.5 thuộc phụ lục số 3 và
chi phí xây dựng tổng hợp như hướng dẫn tại bảng 3.6 thuộc phụ lục số 3 của
Thông tư số 04/2010/TT-BXD.
2.1.3. Tính trên cơ sở công trình có các chỉ tiêu kinh tế -
kỹ thuật tương tự đã và đang thực hiện:
Trường hợp Tư vấn lập dự toán công trình lựa chọn phương
pháp này thì xem hướng dẫn cụ thể tại điểm 4 phụ lục số 3 của Thông tư số
04/2010/TT-BXD.
2.1.4. Tính theo suất chi phí xây dựng trong suất vốn đầu tư
xây dựng công trình.
Trường hợp Tư vấn lập dự toán công trình lựa chọn phương
pháp này thì xem hướng dẫn cụ thể tại điểm 3 phụ lục số 3 của Thông tư số
04/2010/TT-BXD.
2.2. Chi phí thiết bị:
Chi phí mua sắm thiết bị được xác định theo một trong hai
cách dưới đây:
- Đối với những thiết bị đã xác định được giá có thể tính
theo số lượng, chủng loại từng loại thiết bị hoặc toàn bộ dây chuyền công nghệ
và giá một tấn, một cái hoặc toàn bộ dây chuyền thiết bị tương ứng.
- Đối với những thiết bị chưa xác định được giá có thể tạm
tính theo báo giá của nhà cung cấp, nhà sản xuất hoặc giá những thiết bị tương
tự trên thị trường tại thời điểm tính toán hoặc của công trình có thiết bị
tương tự đã thực hiện.
Đối với các thiết bị công nghệ phi tiêu chuẩn cần sản xuất,
gia công thì chi phí này được xác định trên cơ sở khối lượng thiết bị cần sản
xuất, gia công và giá sản xuất, gia công một tấn (hoặc một đơn vị tính) phù hợp
với tính chất, chủng loại thiết bị theo hợp đồng sản xuất, gia công đã được ký
kết hoặc căn cứ vào báo giá gia công sản phẩm của nhà sản xuất được chủ đầu tư
lựa chọn hoặc giá sản xuất, gia công thiết bị tương tự của công trình đã thực
hiện.
Chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ được xác định bằng
lập dự toán tùy theo yêu cầu cụ thể của từng công trình.
Chi phí lắp đặt thiết bị và thí nghiệm, hiệu chỉnh được xác
định bằng cách lập dự toán như đối với dự toán chi phí xây dựng.
Trường hợp thiết bị được lựa chọn thông qua đấu thầu thì chi
phí thiết bị bao gồm giá trúng thầu và các khoản chi phí theo các nội dung nêu
trên được ghi trong hợp đồng.
Chi phí thiết bị của công trình được lập theo Mục 2, Phụ lục
số 2 Thông tư số 04/2010/TT-BXD.
2.3. Chi phí quản lý dự án.
Chi phí quản lý dự án được xác định trên cơ sở tham khảo
định mức chi phí tính theo tỷ lệ % do Bộ trưởng Bộ Xây dựng công bố tại Quyết
định số 957/QĐ-BXD ngày 29/9/2009 V/v công bố Định mức chi phí quản lý dự án và
tư vấn đầu tư xây dựng công trình hoặc bằng cách lập dự toán.
2.4. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng:
Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được xác định trên cơ sở tham
khảo định mức chi phí tính theo tỷ lệ % do Bộ trưởng Bộ Xây dựng công bố tại
Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29/9/2009 V/v công bố Định mức chi phí quản lý dự
án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình hoặc bằng cách lập dự toán theo hướng
dẫn của Bộ Xây dựng.
2.5. Chi phí khác:
Chi phí khác được xác định bằng cách lập dự toán hoặc bằng
định mức chi phí tính theo tỷ lệ %.
Đối với một số công trình chuyên ngành có các yếu tố chi phí
đặc thù, công trình sử dụng vốn ODA, nếu còn các chi phí khác có liên quan thì
được bổ sung các chi phí này. Chủ đầu tư quyết định và chịu trách nhiệm về
quyết định của mình.
Một số chi phí khác nếu chưa tính được ngay thì được
tạm tính đưa vào dự toán công trình.
2.6. Chi phí dự phòng phí:
- Chi phí dự phòng cho yếu tố khối lượng phát sinh được tính
bằng 5% trên tổng chi phí xây dựng, thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư
vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác.
- Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được tính theo thời
gian xây dựng công trình (tính bằng tháng, quý, năm) và chỉ số giá xây dựng phù
hợp với loại công trình, theo từng khu vực xây dựng.
Các phương pháp xác định chi phí thiết bị, chi phí quản lý
dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, chi phí dự phòng được
hướng dẫn cụ thể tại phụ lục số 2 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD.
Sở Xây dựng Đăk Nông công bố chỉ số giá xây dựng công trình
trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.
III. VỀ THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT TỔNG MỨC ĐẦU TƯ:
Người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định tổng mức đầu tư
hoặc thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn thực hiện công tác quản lý chi phí có đủ điều
kiện, năng lực để thẩm tra. Các tổ chức, cá nhân thực hiện việc thẩm định, thẩm
tra tổng mức đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp lý, tính
chính xác của kết quả thẩm định, thẩm tra.
Tổng mức đầu tư được ghi trong quyết định đầu tư do người
quyết định đầu tư phê duyệt.
Đối với công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ
thuật thì tổng mức đầu tư đồng thời là dự toán công trình và chi phí bồi
thường, giải phóng mặt bằng tái định cư (nếu có). Trong trường hợp này, người
quyết định đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán công trình và chi phí
bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư (nếu có).
IV. VỀ ĐIỀU CHỈNH TỔNG MỨC ĐẦU TƯ:
Tổng mức đầu tư đã được phê duyệt chỉ được điều chỉnh trong
các trường hợp điều chỉnh dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản mà làm
thay đổi tổng mức đầu tư (tăng hoặc giảm); Người quyết định đầu tư quyết định
việc phê duyệt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt và không làm thay đổi địa
điểm, quy mô, mục tiêu của dự án thì chủ đầu tư tự quyết định và chịu trách
nhiệm về việc phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh.
Phần tổng mức đầu tư điều chỉnh thay đổi so với tổng mức đầu
tư đã được phê duyệt phải được tổ chức thẩm định hoặc thẩm tra trước khi
phê duyệt.
Nếu việc điều chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định tại khoản
1 Điều 7 của Nghị định số 112/2009/NĐ-CP làm tăng quy mô (nhóm) dự án thì việc
quản lý dự án vẫn thực hiện theo quy mô (nhóm) dự án đã được phê duyệt trước
khi điều chỉnh.
(Người quyết định đầu tư thực hiện tại Quyết định số
12/2009/QĐ-UBND ngày 23/6/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông V/v phân cấp,
ủy quyền quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình).
V. VỀ THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT DỰ TOÁN CÔNG TRÌNH:
Chủ đầu tư tổ chức thẩm định dự toán công trình trước khi
phê duyệt.
Trường hợp chủ đầu tư không đủ điều kiện, năng lực thẩm định
thì được phép thuê tổ chức, cá nhân tư vấn đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm
chuyên môn để thẩm tra dự toán công trình. Tổ chức, cá nhân tư vấn thực hiện
thẩm tra dự toán công trình chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về
kết quả thẩm tra.
Chủ đầu tư phê duyệt dự toán công trình (trừ các công trình
chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật) sau khi đã thẩm định hoặc thẩm tra
và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phê duyệt dự toán công trình. Dự
toán công trình được phê duyệt là cơ sở để xác định giá gói thầu, giá xây dựng
công trình và là căn cứ để đàm phán ký kết hợp đồng, thanh toán với nhà thầu
trong trường hợp chỉ định thầu.
VI. VỀ ĐIỀU CHỈNH DỰ TOÁN CÔNG TRÌNH:
Dự toán công trình được điều chỉnh trong các trường hợp quy
định tại khoản 1 Điều 13 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD; các trường hợp được
phép thay đổi, bổ sung thiết kế không trái với thiết kế cơ sở hoặc thay đổi cơ
cấu chi phí trong dự toán nhưng không vượt tổng mức đầu tư công trình đã được
phê duyệt, kể cả chi phí dự phòng.
Dự toán công trình điều chỉnh được xác định bằng dự toán
công trình đã được phê duyệt cộng (hoặc trừ) phần dự toán công trình bổ sung. Phương
pháp xác định dự toán công trình bổ sung được lập theo hướng dẫn tại phụ lục số
4 Thông tư số 04/2010/TT-BXD.
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định hoặc thẩm tra
và phê duyệt dự toán công trình điều chỉnh.
Đối với các công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ
thuật, nếu giá trị dự toán công trình điều chỉnh không vượt giá trị dự toán đã
được Người quyết định đầu tư phê duyệt thì Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê
duyệt; trường hợp vượt giá trị dự toán đã được người quyết định đầu tư phê
duyệt thì Chủ đầu tư báo cáo Người quyết định đầu tư trước khi tổ chức thẩm
định dự toán và trình người quyết định đầu tư phê duyệt.
VII. HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG:
1. Hướng dẫn này được áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh
Đăk Nông đối với các dự án đầu tư sử dụng 30% nguồn vốn nhà nước trở lên kể từ
ngày 15/7/2010.
2. Những dự án đầu tư xây dựng phê duyệt trước ngày
01/02/2010 nhưng chưa triển khai hoặc đang triển khai thì các công việc về quản
lý chi phí thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày
13/6/2007 và Nghị định số 03/2008/NĐ-CP ngày 07/01/2008 của Chính phủ về sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2007/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu
tư xây dựng công trình. Trường hợp thực hiện quản lý chi phí theo các quy định
của Nghị định số 112/2009/NĐ-CP thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư
xem xét, quyết định.
3. Dự án đầu tư xây dựng đã lập, thẩm định nhưng chưa phê
duyệt trước ngày 01/2/2010 thì các chi phí đầu tư xây dựng đã thẩm định
không phải thẩm định lại; các công việc quản lý chi phí triển khai sau
khi phê duyệt dự án thực hiện theo các quy định của Nghị định số
112/2009/NĐ-CP.
4. Một số nội dung khác không có trong hướng dẫn này được
thực hiện theo Thông tư số 04/2010/TT-BXD, ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng.
5. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập
chi phí đầu tư xây dựng công trình có thể tham khảo các văn bản gần đây nhất
của Sở Xây dựng Đăk Nông V/v thông báo chỉ số giá xây dựng trên địa bàn tỉnh;
Quyết định số 484/QĐ-UBND ngày 14/4/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông V/v
công bố giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công.
6. Trong quá trình thực hiện, có điều gì chưa rõ hoặc vướng
mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Xây dựng Đăk
Nông để thống nhất giải quyết. Điện thoại số 0501.3544317 hoặc 0501.2216842./.
Nơi nhận:
- Tỉnh ủy
(b/c);
- UBND tỉnh (b/c);
- Bộ Xây dựng (b/c);
- Lưu VT-KT.
|
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
Nguyễn Thiện Thanh
|
CÁC VĂN BẢN LIÊN QUAN
1. Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ
về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
2. Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng
Hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
3. Thông tư số 07/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng
Hướng dẫn phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng công
trình.
4. Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29/9/2009 của Bộ trưởng Bộ
Xây dựng về việc Công bố Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây
dựng công trình.
5. Công văn số 1784/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng về
việc công bố Định mức vật tư trong xây dựng.
6. Công văn số 1778/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng về
việc Công bố định mức dự toán sửa chữa công trình xây dựng.
7. Công văn số 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng về
việc Công bố định mức dự toán xây dựng công trình - Phần Xây dựng.
8. Công văn số 1779/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng về
việc Công bố định mức dự toán xây dựng công trình - Phần Khảo sát xây dựng.
9. Công văn số 1777/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng về
việc Công bố định mức dự toán xây dựng công trình - Phần lắp đặt hệ thống điện
trong công trình; ống và phụ tùng ống; bảo ôn đường ống, phụ tùng và thiết bị;
khai thác nước ngầm.
10. Công văn số 1782/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng
về việc Công bố định mức dự toán xây dựng công trình - Phần lắp đặt máy, thiết
bị.
11. Công văn số 747/SXD-KT ngày 16/12/2009 của Sở Xây dựng
Đăk Nông về việc công bố chỉ số giá xây dựng trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.
12. Quyết định số 484/QĐ-UBND ngày 14/4/2010 của Chủ tịch
UBND tỉnh Đăk Nông về việc công bố giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi
công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.
13. Công văn số 232/SXD-KT ngày 20/4/2010 của Sở Xây dựng
Đăk Nông về việc thông báo suất vốn đầu tư xây dựng công trình và chỉ số giá
xây dựng năm 2009.
Đối với các văn bản do Bộ Xây dựng ban hành, các tổ chức, cá
nhân có nhu cầu, cần truy cập vào Website: www.moc.gov.vn.