Công văn 4224/BTC-KHTC hướng dẫn công tác lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 4224/BTC-KHTC
Ngày ban hành 30/03/2012
Ngày có hiệu lực 30/03/2012
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Sỹ Danh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4224/BTC-KHTC
V/v hướng dẫn công tác lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước.

Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2012

 

Kính gửi:

- Các đơn vị, hệ thống thuộc Bộ Tài chính;
- Các dự án vay nợ, viện trợ thuộc Bộ Tài chính.

 

Căn cứ Luật NSNN số 01/2002/QH11 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật NSNN, căn cứ Quyết định số 214/QĐ-BTC ngày 27/01/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc triển khai TABMIS đến các Bộ, ngành Trung ương, căn cứ Quyết định số 148/QĐ-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phân cấp, ủy quyền và tổ chức thực hiện đối với lĩnh vực tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng, kiểm tra, kiểm toán nội bộ, ứng dụng công nghệ thông tin, đấu thầu, mua sắm tập trung trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, dự án vay nợ, viện trợ thuộc Bộ Tài chính (sau đây gọi tắt là các đơn vị thuộc Bộ), Bộ Tài chính hướng dẫn công tác lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước để thống nhất thực hiện trong các đơn vị thuộc Bộ như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Đơn vị dự toán trong ngành Tài chính:

a. Cấp 1: Bộ Tài chính (Vụ Kế hoạch – Tài chính).

b. Cấp 2:

- Cấp 2 thuộc Bộ Tài chính: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Học viện Tài chính và các đơn vị khác trực thuộc Bộ Tài chính có từ hai đơn vị trực thuộc trở lên là đơn vị dự toán trực tiếp sử dụng ngân sách.

- Cấp 2 thuộc các đơn vị có hệ thống dọc: Cục thuế và Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực; các Cục Hải quan tỉnh, thành phố có tổ chức đơn vị dự toán trực thuộc (cấp Chi cục – nếu có).

c. Cấp 3 (đơn vị dự toán trực tiếp sử dụng ngân sách): Là các đơn vị được đơn vị dự toán cấp 1 (hoặc cấp 2) theo quy định nêu trên giao dự toán ngân sách (bao gồm: Ban Quản lý các Dự án – Bộ Tài chính, Ban Quản lý các Dự án – Tổng cục Thuế, Ban Quản lý các Dự án – Tổng cục Hải quan, Ban Quản lý các Dự án – Tổng cục Dự trữ Nhà nước).

2. Cấp phân bổ ngân sách trong hệ thống TABMIS:

a. Cấp 0: Bộ Tài chính (Vụ Ngân sách Nhà nước).

b. Cấp 1: Bộ Tài chính (Vụ Kế hoạch – Tài chính).

c. Cấp 2: Các đơn vị dự toán cấp 2 thuộc Bộ Tài chính.

d. Cấp 3: Các đơn vị dự toán cấp 2 thuộc các đơn vị có hệ thống dọc.

e. Cấp 4: Các đơn vị dự toán cấp 3.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1. Lập dự toán thu, chi NSNN:

1.1. Nguyên tắc, yêu cầu lập dự toán:

a. Việc lập dự toán ngân sách phải được thực hiện từ các đơn vị dự toán cấp 3 và được tổng hợp theo quy trình từ các đơn vị dự toán cấp dưới lên đơn vị dự toán cấp trên trực tiếp. Dự toán được lập căn cứ theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn Luật NSNN, căn cứ theo văn bản hướng dẫn xây dựng dự toán của đơn vị dự toán cấp trên trực tiếp.

b. Các đơn vị dự toán cấp trên trực tiếp phải tổ chức thẩm định dự toán của các đơn vị dự toán cấp dưới trước khi tổng hợp báo cáo dự toán gửi đơn vị dự toán cấp trên. Trong quá trình thẩm định dự toán, đơn vị dự toán cấp trên có quyền yêu cầu đơn vị dự toán cấp dưới cung cấp thông tin, tài liệu, căn cứ pháp lý xây dựng dự toán (trường hợp cần thiết có thể tổ chức thảo luận dự toán trực tiếp).

c. Dự toán ngân sách phải phản ánh đầy đủ các nguồn thu, nhiệm vụ chi dự kiến thực hiện của năm kế hoạch và của năm tiếp theo để đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, hoạt động của đơn vị, kèm theo báo cáo thuyết minh rõ ràng về cơ sở, căn cứ tính toán xác định dự toán, trong đó:

- Dự toán thu phải dựa trên cơ sở các khoản thu, mức thu được cấp có thẩm quyền cho phép thu.

- Dự toán chi (bao gồm cả chi từ nguồn thu được để lại theo chế độ) phải dựa trên cơ sở cơ chế quản lý tài chính đối với từng loại hình đơn vị, định mức phân bổ ngân sách, chính sách, chế độ, định mức chi được cấp có thẩm quyền ban hành và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.

- Nội dung chi phải được lập theo từng lĩnh vực chi và nhóm danh mục dự toán theo yêu cầu quản lý đã được quy định tại Quyết định số 148/QĐ-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, gồm: Chi đầu tư xây dựng từ nguồn vốn đầu tư phát triển; Chi thường xuyên, giao thực hiện tự chủ; Chi không thường xuyên, không giao thực hiện tự chủ (hỗ trợ đầu tư xây dựng; cải tạo, sửa chữa lớn; ứng dụng công nghệ thông tin; mua sắm tài sản; nghiệp vụ chuyên môn đặc thù; đoàn ra; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; nghiên cứu các đề tài khoa học; khác). Trong từng nhóm danh mục dự toán: nội dung chi tiết dự toán được lập, phân loại theo thẩm quyền phê duyệt của các cấp quản lý: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng, Tổng Giám đốc, Thủ trưởng đơn vị …

d. Dự toán phải được lập theo các mẫu biểu thống nhất tại tất cả các đơn vị dự toán các cấp, đồng thời gửi file dữ liệu điện tử cho đơn vị dự toán cấp trên trực tiếp để thuận lợi trong quá trình thẩm định, tổng hợp dự toán (theo mẫu biểu đính kèm và mẫu biểu khác – nếu có sẽ được quy định tại văn bản hướng dẫn xây dựng dự toán hàng năm của đơn vị dự toán cấp trên).

e. Lập kế hoạch, dự toán chi ứng dụng công nghệ thông tin:

- Kế hoạch, dự toán chi ứng dụng công nghệ thông tin phải được xây dựng, đảm bảo thống nhất gồm các nhóm nội dung:

[...]