ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ XÂY DỰNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số: 4053/SXD-PTĐT
V/v: Triển khai
Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30/9/2009 của Bộ Xây dựng, quy định chi tiết
một số nội dung của Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ
về Phân loại đô thị.
|
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 5
năm 2010
|
Kính gửi:
|
Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện;
Ban Quản lý các khu đô thị.
|
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ
Chí Minh tại công văn số 8850/VP-ĐTMT ngày 26/11/2009 về việc giao Sở Xây dựng
nghiên cứu và hướng dẫn Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30/9/2009 của Bộ Xây
dựng (Thông tư 34), quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số
42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về Phân loại đô thị.
Theo Nghị định số 42/2009/NĐ-CP, mục tiêu của việc phân loại
đô thị là Tổ chức, sắp xếp và phát triển hệ thống đô thị cả nước; Lập, xét
duyệt quy hoạch xây dựng đô thị; Nâng cao chất lượng đô thị và phát triển đô thị
bền vững; Xây dựng chính sách và cơ chế quản lý đô thị, phát triển đô thị, nhằm
kiến tạo những đô thị có chất lượng cuộc sống dân cư cao; có diện mạo kiến trúc
cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại, bền vững và gìn giữ được bản sắc văn hóa
riêng.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Nghị định số
42/2009/NĐ-CP quy định mỗi tỉnh, thành trên cả nước phải tiến hành công tác
phân loại đô thị, gồm các nội dung sau:
- Khảo sát; thu thập tài liệu phục vụ công tác lập đề án
phân loại đô thị và Chương trình phát triển đô thị.
- Lập, Thẩm định và phê duyệt đề án phân loại đô thị và
chương trình phát triển đô thị.
- Tổ chức công bố quyết định công nhận loại đô thị.
Thông tư số 34 chủ yếu hướng dẫn việc lập đề án phân loại đô
thị và Chương trình phát triển đô thị. Thông tư quy định cách tính các chỉ tiêu
phân loại đô thị; cách tính điểm đánh giá phân loại đô thị; thành phần hồ sơ
của đề án phân loại đô thị và nội dung chương trình phát triển đô thị, để các
địa phương có cơ sở tiến hành công tác phân loại đô thị theo quy định của Nghị
định số 42/2009/NĐ-CP.
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị được phân loại đặc biệt, nên
không phải lập hồ sơ công nhận đô thị đặc biệt, thành phố có nhiệm vụ lập
Chương trình phát triển đô thị, nội dung của chương trình bao gồm việc rà soát
hiện trạng phát triển đô thị; đánh giá những mặt còn tồn tại; lập chương trình
phát triển đô thị, và tiếp tục đầu tư xây dựng để thành phố hoàn thiện các tiêu
chuẩn đô thị đặc biệt. Chương trình này sẽ do Ủy ban nhân dân thành phố lập và
thực hiện sau khi được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua. Bên cạnh tiêu
chuẩn đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn những điểm dân cư tập trung mà
hiện trạng đã đạt gần đầy đủ các yếu tố cấu thành đô thị. Các điểm dân cư này
chủ yếu tập trung ở các huyện ngoại thành (các thị trấn) và sẽ được phát triển
thành đô thị loại V hoặc loại IV. Công tác phân loại đô thị sẽ được thực hiện
đầy đủ các nội dung theo quy định.
Từ những nguyên tắc chung trên, việc áp dụng Thông tư 34 cho
công tác phân loại đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện như sau:
A. BƯỚC KHẢO SÁT, THU THẬP, ĐÁNH GIÁ:
1) Khảo sát, thu thập tài liệu:
Gồm công tác khảo sát, thu thập các tài liệu về thực trạng
phát triển đô thị của thành phố; về định hướng quy hoạch thành phố đến năm 2025
tầm nhìn 2050; về các cơ chế, chính sách phát triển đô thị nói chung và của
riêng thành phố.
Công tác khảo sát, thu thập phải đáp ứng được nội dung yêu
cầu của các chỉ tiêu trong các tiêu chuẩn phân loại đô thị sau:
1.1. Tiêu chuẩn Chức năng đô thị: bao gồm chỉ tiêu về vị
trí; vai trò của đô thị trong hệ thống đô thị cả nước và tính chất đô thị.
1.2. Tiêu chuẩn Quy mô dân số toàn đô thị: bao gồm chỉ tiêu
về dân số toàn đô thị; dân số nội thị và tỷ lệ đô thị hóa.
1.3. Tiêu chuẩn Mật độ dân số.
1.4. Tiêu chuẩn Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.
1.5. Tiêu chuẩn Hệ thống công trình hạ tầng đô thị: bao gồm
chỉ tiêu về hệ thống công trình hạ tầng xã hội và hệ thống công trình hạ tầng
kỹ thuật.
1.6. Tiêu chuẩn Kiến trúc, cảnh quan đô thị: bao gồm chỉ
tiêu về quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; khu đô thị mới; tuyến phố
văn minh đô thị; không gian công cộng của đô thị; công trình kiến trúc tiêu
biểu.
(Phương pháp xác định các tiêu chuẩn trên được hướng dẫn tại
điều 2, khoản 1,2,3,4,5,6 của Thông tư số 34).
2) Đánh giá, so sánh thực trạng với tiêu chuẩn đô thị được
phân loại:
Việc đánh giá, so sánh thực trạng với tiêu chuẩn đô thị được
phân loại dựa trên các nguyên tắc sau:
2.1. Loại đô thị được áp dụng:
Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm 19 quận nội thành, 05 huyện
ngoại thành và 04 khu đô thị mới, được áp dụng loại đô thị như sau:
a) Các quận trung tâm nội thành (1,3,4,5,10, Phú Nhuận, Bình
Thạnh), và các quận nội thành (2,6,7,8, 9,11,12, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức, Tân
Phú, Bình Tân): được đánh giá theo tiêu chuẩn của đô thị loại đặc biệt.
b) Các huyện ngoại thành (Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ
Chi, Cần Giờ): chỉ đánh giá theo tiêu chuẩn của đô thị loại V hoặc loại IV đối
với khu thị trấn như thị trấn Hóc Môn của huyện Hóc Môn; thị trấn Tân Túc của
huyện Bình Chánh; thị trấn Nhà Bè của huyện Nhà Bè; thị trấn Củ Chi của huyện
Củ Chi; thị trấn Cần Thạnh của huyện Cần Giờ, và các điểm dân cư có xu hướng đô
thị hóa khác.
c) Các khu đô thị mới (Nam Sàigòn, Thủ Thiêm, Tây Bắc Củ
Chi, Hiệp Phước): Khu đô thị Nam Sàigòn được đánh giá theo tiêu chuẩn của đô
thị loại đặc biệt. Các khu đô thị Thủ Thiêm, Tây Bắc Củ Chi, Hiệp Phước: do
thực trạng chưa có đầy đủ các yếu tố cấu thành đô thị, nên chưa được áp dụng
tiêu chuẩn đô thị để đánh giá.
2.2. Cách tính điểm đánh giá phân loại đô thị:
a) Tổng số điểm của 6 tiêu chuẩn nêu tại điểm 1, phải đạt
tối thiểu 70/100 điểm (Tham khảo chi tiết của các chỉ tiêu tại các phụ lục của
Thông tư 34).
b) Cách tính điểm:
Chỉ tiêu ở khoảng giữa mức tối đa và tối thiểu: tính điểm
theo phương pháp nội suy.
Chỉ tiêu vượt mức tối đa: tính điểm ở mức tối đa.
Chỉ tiêu dưới mức tối thiểu: tính điểm 0.
3. Thời gian cập nhật thực trạng phát triển đô thị của thành
phố:
Số liệu về thực trạng đô thị của thành phố phải được cập
nhật và báo cáo hàng năm và 5 năm, để theo dõi tình hình phát triển đô thị của
thành phố có đạt được tiến độ được công nhận đô thị loại đặc biệt vào năm 2025,
hoặc có phát sinh các vướng mắc làm trở ngại tiến độ, cần phải bổ sung những
chương trình tháo gỡ.
B. LẬP CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ:
Nội dung của chương trình phát triển đô thị bao gồm:
1) Tóm tắt nội dung đồ án quy hoạch chung đô thị trong đó
xác định rõ chương trình, kế hoạch ưu tiên đầu tư và dự kiến nguồn lực thực
hiện theo quy hoạch chung đô thị đã được cấp có thẩm quyến phê duyệt
2) Đánh giá thực trạng công tác đầu tư xây dựng, quản lý
phát triển đô thị, xác định rõ các dự án đầu tư xây dựng đã được phê duyệt, đã
có chủ đầu tư, đang thực hiện đầu tư xây dựng và các dự án đang kêu gọi đầu tư;
so sánh thực trạng đô thị với các tiêu chuẩn phân loại đô thị
3) Kiến nghị các biện pháp thực hiện và lộ trình nâng loại
đô thị
C. LẬP HỒ SƠ ĐỀ ÁN ĐỀ NGHỊ CÔNG NHẬN LOẠI ĐÔ THỊ: (chỉ áp
dụng cho các thị trấn thuộc huyện)
Sau khi thị trấn, các điểm dân cư có xu hướng đô thị hóa đã
được đầu tư xây dựng cơ bản đạt các tiêu chuẩn phân loại đô thị, Ủy ban nhân
dân huyện lập hồ sơ Đề án đề nghị công nhận loại đô thị (thành phần hồ sơ theo
điều 4 của Thông tư 34).
D. CƠ QUAN LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT TRONG CÔNG TÁC PHÂN
LOẠI ĐÔ THỊ
I. Ủy ban nhân dân quận, huyện:
1) Ủy ban nhân dân quận:
Tổ chức khảo sát, thu thập tài liệu về hiện trạng trong địa
giới hành chính do mình quản lý (theo biểu 1 tới 9 đính kèm văn bản này) và
đánh giá (không phải tính điểm), đề xuất các phương án phát triển đô thị để
phục vụ cho Chương trình phát triển đô thị của thành phố.
2) Ủy ban nhân dân huyện
2.1. Tổ chức khảo sát, thu thập tài liệu về hiện trạng trong
địa giới hành chính do mình quản lý (theo biểu 1 tới 9 đính kèm văn bản này) và
đánh giá, đề xuất các phương án phát triển đô thị để phục vụ cho Chương trình
phát triển đô thị của thành phố.
2.2. Tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị đối với thị
trấn và các điểm dân cư có xu hướng đô thị hóa lên đô thị loại V hoặc loại IV,
đồng thời lập các bảng đánh giá phân loại đô thị trong địa giới hành chính do
mình quản lý.
2.3. Tổ chức lập đề án đề nghị công nhận đô thị loại V hoặc
loại IV, sau khi thị trấn hoặc điểm dân cư đã được đầu tư xây dựng cơ bản đạt
các tiêu chuẩn đô thị loại V hoặc loại IV.
II. Ban quản lý các khu đô thị:
1) Ban quản lý khu đô thị Nam Sàigòn:
Tổ chức khảo sát, thu thập tài liệu về hiện trạng trong địa
giới hành chính do mình quản lý và đánh giá, đề xuất các phương án phát triển
đô thị để phục vụ cho Chương trình phát triển đô thị của thành phố.
2) Ban quản lý các khu đô thị khác:
Báo cáo tiến độ hình thành các khu đô thị do mình quản lý
III. Sở Xây dựng thành phố:
1) Tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị theo sự phân
công của Ủy ban nhân dân thành phố.
2) Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện tổ chức lập đề án phân
loại đô thị loại IV và trình Ủy ban nhân dân thành phố thông qua.
3) Thẩm định đề án phân loại đô thị loại V để Ủy ban nhân
dân thành phố thông qua.
IV. Ủy ban nhân dân thành phố:
1) Tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị loại đặc biệt của
thành phố và thông qua Hội đồng nhân dân thành phố.
2) Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị của các thị trấn
và các điểm dân cư có xu hướng đô thị hóa lên đô thị loại V hoặc loại IV của
các huyện.
3) Phê duyệt đề án phân loại đô thị loại IV của các huyện,
sau khi thông qua Hội đồng nhân dân thành phố; và trình Bộ xây dựng thẩm định; ban
hành quyết định công nhận.
4) Xem xét đề án phân loại đô thị loại V; và ban hành quyết
định công nhận đô thị loại V của các huyện, sau khi thông qua Hội đồng nhân dân
thành phố.
E. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÂN LOẠI ĐÔ THỊ VÀ CHƯƠNG
TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ
I. Kinh phí:
1) Vốn để thực hiện công tác phân loại đô thị và Chương
trình phát triển đô thị được sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước giao
trong kế hoạch hàng năm cho địa phương.
2) Kinh phí để thực hiện công tác phân loại đô thị và Chương
trình phát triển đô thị gồm :
2.1. Khảo sát, thu thập tài liệu phục vụ công tác lập đề án
phân loại đô thị và Chương trình phát triển đô thị;
2.2. Lập, thẩm định, phê duyệt đề án phân loại đô thị và
Chương trình phát triển đô thị;
2.3. Tổ chức công bố quyết định công nhận loại đô thị.
3) Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm lập kế hoạch
vốn cho công tác phân loại đô thị, Chương trình phát triển đô thị trong địa giới
hành chính do mình quản lý, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định
theo quy định hiện hành.
II. Kiểm tra công tác phân loại đô thị và Chương trình phát
triển đô thị.
1) Ủy ban nhân dân quận, huyện, ban quản lý các khu đô thị
có trách nhiệm báo cáo công tác phân loại đô thị; tình hình phát triển của các
dự án khu dân cư đô thị trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý, đến
Sở Xây dựng trước ngày 31/10 hàng năm.
2) Sở Xây dựng định kỳ hàng năm kiểm tra công tác phân loại
đô thị của các đô thị trong phạm vi thành phố, và báo cáo Ủy ban nhân dân thành
phố.
3) Sở Xây dựng phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài
chính định kỳ hàng năm kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình phát triển đô
thị trong phạm vi thành phố, và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
III. Báo cáo công tác phân loại đô thị và Chương trình phát
triển đô thị.
Ủy ban nhân dân quận, huyện, ban quản lý các khu đô thị có
trách nhiệm báo cáo tình hình phân loại đô thị trong phạm vi địa giới hành
chính do mình quản lý, để Sở Xây dựng tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố:
1) Báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình phân loại đô thị của các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo định kỳ hàng năm và kết thúc kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
2) Báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính
về tình hình thực hiện Chương trình phát triển đô thị của thành phố theo định
kỳ hàng năm và kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
Trên đây là hướng dẫn của Sở Xây dựng về công tác phân loại
đô thị. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp vướng mắc, Ủy ban nhân dân
quận-huyện, Ban quản lý các khu đô thị cần có văn bản báo Sở Xây dựng để được
hướng dẫn giải quyết.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thường trực Thành ủy (thay b/c);
- Thường trực UBNDTP(thay b/c);
- Các Sở có liên quan
(Sở QHKT, Sở
KH&ĐT, Sở TC, Sở TN&MT, Sở GTVT, Sở CT, Sở TP);
- Ban GĐ SXD;
-Thông tin công khai trên trang web của Sở Xây Dựng và tại Sở Xây Dựng;
- Lưu: VPS, P.PTĐT.
|
KT GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
Quách Hồng Tuyến
|
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO
VĂN BẢN
|