Công văn 3850/TCHQ-GSQL về giải quyết tồn đọng hợp đồng gia công chưa thanh khoản của các doanh nghiệp đã giải thể hoặc không tìm thấy địa chỉ do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 3850/TCHQ-GSQL
Ngày ban hành 31/08/2001
Ngày có hiệu lực 31/08/2001
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Đặng Văn Tạo
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3850/TCHQ-GSQL
V/v giải quyết tồn đọng HĐGC chưa thanh khoản của các DN đã giải thể hoặc không tìm thấy địa chỉ

Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2001

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

Theo báo cáo của Hải quan các địa phương, hiện nay, tình trạng tồn đọng hợp đồng gia công chưa thanh khản của các doanh nghiệp đã giải thể hoặc không tìm thấy địa chỉ vẫn còn tồn tại. Để giải quyết triệt để tình trạng tồn đọng hợp đồng gia công chưa thanh khoản được của các đối tượng này, Tổng cục Hải quan chỉ đạo như sau:

1- Biện pháp giải quyết những hợp đồng gia công của các đối tượng này đang tồn đọng tại Hải quan các địa phương chưa thanh khoản được:

Yêu cầu Hải quan các địa phương kiểm tra, rà soát lại các hợp đồng gia công này để phân loại chính xác, trên cơ sở đó áp dụng các biện pháp giải quyết sau:

a- Đối với những hợp đồng gia công doanh nghiệp chỉ đăng ký tiếp nhận hợp đồng nhưng không thực hiện (không nhập khẩu nguyên phụ liệu) và những hợp đồng gia công không có nguyên phụ liệu tồn thì Cục Hải quan các địa phương tự thanh khoản trên cơ sở bộ hồ sơ lưu tại Hải quan và chịu trách nhiệm về việc thanh khoản này.

b- Đối với những hợp đồng gia công có nguyên phụ liệu tồn:

- Nếu những hợp đồng gia công này của các doanh nghiệp không tìm thấy địa chỉ thì Hải quan các địa phương làm việc với Sở Kế hoạch đầu tư, Cục thuế địa phương để truy tìm địa chỉ mới của doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp phải đến Hải quan thanh khoản hợp đồng ngay. Nếu qua Sở Kế hoạch đầu tư, Cục thuế địa phương vẫn không tìm thấy địa chỉ thì:

+ Đối với những doanh nghiệp có cơ quan chủ quản là UBND tỉnh, thành phố thì Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo đề nghị UBND tỉnh, thành phố có biện pháp giải quyết.

+ Đối với doanh nghiệp có cơ quan chủ quản là các Bộ thì Hải quan các địa phương làm văn bản báo cáo và đề nghị Bộ chủ quản có biện pháp giải quyết.

- Nếu các hợp đồng gia công này của các doanh nghiệp giải thể nhưng ban thanh lý đang còn hoạt động thì giải quyết thu thuế số nguyên phụ liệu tồn theo Thông tư liên tịch số 06/1999/TTLT-BTC-TCHQ ngày 15/1/1999 của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan hướng dẫn xử lý nợ đọng, truy thu và phạt chậm nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt của hàng nhập khẩu.

- Nếu các hợp đồng gia công này của các doanh nghiệp đã giải thể nhưng ban thanh lý đã giải tán thì lập danh sách những hợp đồng gia công chưa thanh khoản của những doanh nghiệp này gửi Tổng cục để Tổng cục làm việc với Bộ Tài chính và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin biện pháp giải quyết.

Tất cả các công việc trên đây, Cục Hải quan các địa phương phải hoàn thành trong Quý III/2001 báo cáo kết quả cho Tổng cục trước ngày 15/10/2001.

2- Biện pháp để ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn:

- Yêu cầu Hải quan các địa phương đề nghị với UBND tỉnh, thành phố quy định khi doanh nghiệp nộp hồ sơ xin giải thể thì trong bộ hồ sơ xin giải thể phải có văn bản xác nhận của Hải quan về việc nợ đọng thuế và tình hình tồn đọng thanh khoản hợp đồng gia công của doanh nghiệp này. Quyết định giải thể doanh nghiệp phải gửi cho cả Hải quan địa phương. Khi nhận được quyết định giải thể doanh nghiệp, Hải quan các địa phương phải thường xuyên liên hệ với Ban thanh lý của doanh nghiệp giải thể để giải quyết việc tồn đọng này.

- Hải quan các địa phương phải có biện pháp theo dõi chặt chẽ tình hình thanh khoản hợp đồng gia công của doanh nghiệp. Nếu hết thời hạn thanh khoản mà doanh nghiệp chưa đến thanh khoản, yêu cầu Hải quan địa phương phải có văn bản thông báo ngay đến doanh nghiệp. Sau 10 ngày nếu doanh nghiệp không đến thanh khoản mà không nhận được thông tin gì về doanh nghiệp đó, thì Hải quan quản lý hợp đồng gia công đó phải liên hệ với Sở Kế hoạch đầu tư (nơi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) và Cục thuế địa phương (nơi thu thuế nội địa) để tìm nguyên nhân và có biện pháp giải quyết ngay.

- Tất cả các trường hợp vi phạm thời hạn thanh khoản hợp đồng gia công quy định tại Thông tư số 07/2000/TT-TCHQ ngày 02/11/2000, Hải quan địa phương phải kịp thời mời doanh nghiệp đến làm việc, lập biên bản vi phạm hành chính về Hải quan, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện ngay việc thanh khoản các hợp đồng gia công này như hướng dẫn tại điểm 15, phần II Thông tư số 08/2000/TT-TCHQ ngày 20/11/2000 của Tổng cục Hải quan, không được để quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính./.

 

 

KT.TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Đặng Văn Tạo

 

5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ