Kính gửi:
|
- Các đại học, học viện, trường đại học;
- Các trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non.
|
Căn cứ Thông tư số 51/2012/TT-BGDĐT ngày 18/12/2012
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định về tổ chức và hoạt động
thanh tra của cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp; Thông tư
số 23/2016/TT-BGDĐT ngày 13/10/2016 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định về tổ chức
và hoạt động thanh tra các kỳ thi (gọi tắt là Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT);
Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định về
việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo
giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; được sửa đổi, bổ sung tại Thông
tư 01/2019/TT-BGDĐT ngày 25/02/2019 và Thông tư số 07/2020/TT-BGDĐT ngày
20/3/2020 của Bộ GDĐT; Quy chế tuyển sinh trình độ đại học (ĐH); tuyển sinh
trình độ cao đẳng (CĐ) ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư số
09/2020/TT-BGDĐT ngày 07/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT (gọi tắt là Quy chế tuyển
sinh); Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) ban hành kèm theo
Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 và các văn bản liên quan; Bộ GDĐT
hướng dẫn thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình
độ CĐ ngành Giáo dục Mầm non năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục đại học, hường
cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục mầm non (gọi chung là trường) như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
1.1. Giúp các đại học, học viện, trường đại học,
trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non tổ chức tuyển sinh thực hiện
đúng Quy chế tuyển sinh và các văn bản liên quan, bảo đảm công tác tuyển sinh
diễn ra an toàn, nghiêm túc.
1.2. Kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh về việc tổ
chức tuyển sinh và việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân
tham gia công tác tuyển sinh; phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý
sai phạm (nếu có).
1.3. Phát hiện những sơ hở, bất cập trong các văn bản
quy phạm pháp luật về công tác tuyển sinh; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện
quy định pháp luật và phương án tuyển sinh.
2. Yêu cầu
Tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm nghiêm
túc, trung thực, khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời; thanh tra/kiểm tra
có trọng tâm, trọng điểm; không làm thay nhiệm vụ của Hội đồng tuyển sinh
(HĐTS), không làm cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân tham gia
công tác tuyển sinh.
II. NỘI DUNG THANH TRA/KIỂM TRA
1. Thanh tra/kiểm tra việc
xác định chỉ tiêu tuyển sinh, việc xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh
1.1. Việc xác định và công khai chỉ tiêu tuyển sinh
- Các điều kiện bảo đảm xác định chỉ tiêu: Quyết định
mở ngành đào tạo, cơ cấu tổ chức của trường; quy chế tổ chức hoạt động của trường;
- Việc thực hiện quy định hiện hành về xác định chỉ
tiêu tuyển sinh; kết quả xác định chỉ tiêu các ngành, khối ngành, trình độ đào
tạo, hình thức đào tạo;
- Việc công bố công khai và giải trình về chỉ tiêu
tuyển sinh đã xác định, các tiêu chí xác định chỉ tiêu, chất lượng đào tạo và
cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.
1.2. Việc xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh
- Việc xây dựng Đề án tuyển sinh của trường theo
quy định: Đối tượng tuyển sinh; phạm vi tuyển sinh; phương thức tuyển sinh (thi
tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển); chỉ tiêu tuyển sinh (chỉ
tiêu theo ngành/nhóm ngành/khối ngành, theo từng phương thức tuyển sinh và
trình độ đào tạo; ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, điều kiện nhận hồ sơ đăng
ký xét tuyển; các thông tin cần thiết khác để thí sinh đăng ký xét tuyển vào
các ngành của trường (mã trường, mã ngành, tổ hợp xét tuyển và quy định chênh lệch
điểm xét tuyển giữa các tổ hợp; các điều kiện phụ sử dụng trong xét tuyển...);
tổ chức tuyển sinh (thời gian; hình thức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển/thi tuyển;
các điều kiện xét tuyển/thi tuyển, tổ hợp môn thi/bài thi đối với từng ngành
đào tạo...); chính sách ưu tiên (ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng, xét tuyển
thẳng, ưu tiên xét tuyển...); lệ phí xét tuyển/thi tuyển; việc điều chỉnh đề án
tuyển sinh của Trường;
- Việc công khai Đề án tuyển sinh: Thời gian, địa
điểm, hình thức công khai và việc điều chỉnh Đề án tuyển sinh của trường;
- Việc thực hiện thông tin, báo cáo theo quy định.
2. Thanh tra/kiểm tra việc tổ
chức tuyển sinh
2.1. Các điều kiện bảo đảm cho công tác xét tuyển
- Việc thành lập HĐTS, Ban Thư ký, các ban chuyên
môn của HĐTS: Thành phần, số lượng, tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng...; việc
thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐTS, Ban Thư ký, các ban chuyên môn của
HĐTS;
- Việc thông báo tuyển sinh, ban hành các văn bản
hướng dẫn tuyển sinh theo thẩm quyền; việc chuẩn bị cơ sở vật chất; an ninh, an
toàn phục vụ xét tuyển;
- Việc công bố các thông tin cần thiết lên trang
thông tin điện tử của trường để thí sinh đăng ký xét tuyển: Mã trường, mã
ngành, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành, từng phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét
tuyển, quy định chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp, các điều kiện phụ sử
dụng trong xét tuyển và các quy định khác không trái với quy định của Quy chế
tuyển sinh;
- Việc công khai đầy đủ các thông tin của trường
theo yêu cầu lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trong thời hạn quy định;
2.2. Tuyển sinh sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp
THPT
- Việc thực hiện nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các bài
thi/môn thi để xét tuyển, số lượng tổ hợp xét tuyển cho 1 ngành;
- Việc tuân thủ quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng
đầu vào của các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và
ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng năm 2020 theo Quyết định số
2669/QĐ-BGDĐT ngày 17/9/2020; các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng
chỉ hành nghề trình độ đại học năm 2020 theo Quyết định số 2670/QĐ-BGDĐT ngày
17/9/2020.
- Việc thực hiện nguyên tắc xét tuyển; quy trình
xét tuyển từng đợt theo quy định hiện hành.
2.3. Tuyển sinh không sử dụng kết quả của kỳ thi tốt
nghiệp THPT
a) Xét tuyển dựa trên tổ hợp kết quả các môn học
ở THPT
- Việc lựa chọn tổ hợp môn học ở THPT, số lượng tổ
hợp xét tuyển cho 1 ngành đào tạo;
- Việc thực hiện quy trình xét tuyển theo điểm môn
học ở THPT.
b) Tuyển sinh bằng phương thức thi, kiểm tra
riêng
- Việc xây dựng và ban hành quy chế thi tuyển sinh
của trường gồm quy trình tổ chức và các quy định liên quan đến các nội dung:
công tác chuẩn bị cho kỳ thi; tổ chức đăng ký dự thi; công tác đề thi và quy
trình bảo mật đề thi; công tác coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo, chấm thẩm định;
chế độ báo cáo và lưu trữ; xử lý các sự cố bất thường, kiểm tra, thanh tra và xử
lý vi phạm;
- Việc xây dựng và công khai Đề án tổ chức kỳ thi
riêng để tuyển sinh của trường, trong đó thể hiện đầy đủ các thông tin và minh
chứng về việc đáp ứng các yêu cầu bảo đảm chất lượng để tổ chức kỳ thi;
- Việc công khai quy chế tuyển sinh và đề án tổ chức
kỳ thi riêng trên trang thông tin điện tử của trường;
- Hình thức thi, môn thi, địa điểm tổ chức kỳ thi;
- Việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất,
trang thiết bị phục vụ kỳ thi, phù hợp với quy mô và hình thức tổ chức thi;
- Việc bảo đảm quy định của bộ phận độc lập chuyên
trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh đáp ứng yêu cầu để tổ chức tốt
kỳ thi riêng, bao gồm từ lãnh đạo bộ phận chuyên trách, cán bộ xây- dựng cấu
trúc đề thi, cán bộ phát triển câu hỏi và ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và/hoặc
tự luận, cán bộ chấm thi, cán bộ đánh giá, thẩm định các tham số của câu hỏi
thi và đề thi đến các cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên;
- Việc xây dựng và công khai cấu trúc đề thi; bảo đảm
ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và/hoặc tự luận của trường đủ lớn để xây dựng đề
thi cho việc tổ chức thi trong mỗi lần thi;
- Việc thực hiện quy định về tiếp nhận, đăng ký dự
thi, đánh số báo danh, xếp phòng thi...;
- Việc thực hiện quy định về ra đề thi, coi thi, chấm
thi, phúc khảo, báo điểm, xét tuyển và công nhận trúng tuyển, nhập học.
2.4. Việc xác định điểm trúng tuyển
- Quy trình xác định điểm trúng tuyển;
- Việc thực hiện quy định nhân hệ số trong xét tuyển;
cộng điểm ưu tiên; tuyển thẳng;
- Việc công khai kết quả xét tuyển, tuyển thẳng,
danh sách thí sinh trúng tuyển;
- Việc in, gửi giấy báo trúng tuyển, triệu tập thí
sinh trúng tuyển.
2.5. Việc nhập học và kiểm tra hồ sơ thí sinh trúng
tuyển
- Việc thực hiện quy định về thu, quản lý và sử dụng
dịch vụ tuyển sinh;
- Việc thực hiện kiểm tra, đối chiếu giấy tờ thí
sinh nộp với bản gốc;
- Việc tiếp nhận thí sinh trúng tuyển;
- Việc xử lý đối với thí sinh nhập học muộn;
- Việc kiểm tra, giám sát, thực hiện chỉ đạo của cấp
trên, kiến nghị của thanh tra trong công tác tuyển sinh; việc giải quyết khiếu
nại, giải quyết tố cáo (nếu có);
- Việc lưu trữ hồ sơ tuyển sinh.
III. THẨM QUYỀN, ĐIỀU KIỆN TIÊU
CHUẨN CỦA NGƯỜI THAM GIA VÀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA/KIỂM TRA
1. Thẩm quyền thanh tra/kiểm
tra
1.1. Chánh Thanh tra Bộ GDĐT quyết định thanh
tra/kiểm tra và thành lập đoàn thanh tra/kiểm tra công tác tuyển sinh năm 2020
đối với các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng đào tạo ngành
Giáo dục Mầm non; trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định thanh
tra/kiểm tra và thành lập đoàn thanh tra/kiểm tra công tác tuyển sinh.
1.2. Các bộ, ngành; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra công tác tuyển sinh đối với các trường
trực thuộc theo thẩm quyền.
1.3. Giám đốc đại học, học viện; Hiệu trưởng trường
ĐH và trường CĐ đào tạo ngành Giáo dục Mầm non (gọi chung là Hiệu trưởng) ra
quyết định thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh trong đơn vị
mình (có thể thành lập một đoàn có nhiều nhóm hoặc nhiều đoàn tương ứng với từng
công đoạn trong quá trình tuyển sinh).
1.4. Chánh Thanh tra Sở GDĐT quyết định thanh
tra/kiểm tra và thành lập đoàn thanh tra/kiểm tra công tác tuyển sinh năm 2020;
trường hợp cần thiết, Giám đốc Sở GDĐT quyết định thanh tra/kiểm tra và thành lập
đoàn thanh tra/kiểm tra công tác tuyển sinh đối với đối với các học viện, trường
đại học, trường cao đẳng đào tạo ngành Giáo dục Mầm non trực thuộc Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh.
2. Điều kiện, tiêu chuẩn người
tham gia thanh tra/kiểm tra
Cán bộ, công chức các đơn vị thuộc các bộ, ngành; Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cán bộ, viên chức thuộc
Phòng/Ban thanh tra nội bộ, cán bộ thanh tra chuyên trách, cộng tác viên thanh
tra giáo dục hoặc cán bộ, viên chức cơ hữu của Trường đảm bảo điều kiện, tiêu
chuẩn sau:
- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có ý thức
trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan;
- Nắm vững Quy chế tuyển sinh, quy trình nghiệp vụ
thanh tra/kiểm tra và các văn bản có liên quan;
- Những người có người thân (con, vợ, chồng, bố, mẹ,
anh, chị, em ruột của mình và của vợ hoặc chồng) dự thi hay xét tuyển vào các
trường năm 2020, không được tham gia công tác thanh tra/kiểm tra công tác tuyển
sinh năm 2020;
- Không bố trí tham gia công tác thanh tra, kiểm
tra tuyển sinh đối với người đang trong thời gian bị kỷ luật hoặc đang trong
quá trình xem xét trách nhiệm liên quan đến tiêu cực về thi, tuyển sinh.
3. Hoạt động thanh tra, kiểm
tra
3.1. Đoàn thanh tra/kiểm tra thực hiện nhiệm vụ độc
lập với Hội đồng tuyển sinh. Quy trình thanh tra thực hiện theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT; Biên bản ghi nhớ và kiến
nghị thực hiện theo Mẫu số 02- TTr,
Biên bản thanh tra thực hiện theo Mẫu số
03-TTr, Báo cáo kết quả thanh tra thực hiện theo Mẫu số 04-TTr và Kết luận thanh tra thực
hiện theo Mẫu số 05-TTr ban hành kèm
theo Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT.
3.2. Căn cứ Đề án tuyển sinh của trường, Phòng/Ban
thanh tra nội bộ, cán bộ thanh tra chuyên trách có trách nhiệm tham mưu, lựa chọn
nội dung thanh tra/kiểm tra phù hợp với từng công đoạn của quá trình tuyển sinh
giúp Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch, dự thảo quyết định thành lập Đoàn thanh
tra, kiểm tra; tổ chức tập huấn về công tác thanh tra, kiểm tra thi; theo dõi,
đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra; tham mưu việc
giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật.
3.3. Kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác thực hiện
theo quy định tại Điều 23 Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT. Kinh
phí trưng tập cộng tác viên thanh tra được thực hiện theo quy định Thông tư số
31/2014/TT-BGDĐT ngày 16/9/2014 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số
54/2012/TT-BGDĐT ngày 21/12/2012 của Bộ GDĐT quy định về cộng tác viên thanh
tra giáo dục.
IV. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO
1. Thanh tra Bộ GDĐT là đầu mối nắm bắt thông tin về
công tác thanh tra, kiểm tra tuyển sinh năm 2020, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị
xử lý sai phạm theo quy định pháp luật.
2. Các đại học, học viện, trường đại học, trường
cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non tham gia công tác tổ chức tuyển sinh
thiết lập và công khai đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh
về tiêu cực trong công tác tuyển sinh.
3. Các đại học, học viện, trường đại học, trường
cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non tham gia công tác tổ chức tuyển sinh
gửi kế hoạch, báo cáo, kết luận thanh tra, kết quả kiểm tra công tác tuyển sinh
ngay sau khi ban hành về Thanh tra Bộ GDĐT theo địa chỉ: Số 35 Đại Cồ Việt, Hai
Bà Trưng, Hà Nội.
4. Các đơn vị thành viên thuộc Đại học Quốc gia Hà
Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế
và Đại học Đà Nẵng gửi kế hoạch, báo cáo, kết luận thanh tra, kết quả kiểm tra
công tác tuyển sinh ngay sau khi ban hành về Đại học theo phân cấp quản lý.
5. Trường hợp có tình huống đột xuất cần xin ý kiến
chỉ đạo hoặc báo cáo nhanh đề nghị liên hệ Thanh tra Bộ GDĐT theo số điện thoại:
024.36231285, 0867070012; Email: thanhtrachuyennganh@moet.gov.vn.
Nơi nhận:
- Thanh tra Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Các bộ, ngành có trường trực thuộc;
- Cục A03, Bộ Công an (để phối hợp);
- UBND các tỉnh, Sơ GDĐT;
- Các đơn vị liên quan thuộc Bộ (để thực hiện);
- Các ĐH, HV, trường ĐH (để thực hiện);
- Trường CĐ đào tạo ngành GDMN (để thực hiện);
- Cổng TTĐT Bộ GDĐT, Thanh tra Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, TTr.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Ngọc Thưởng
|