Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Công văn 373/BKHĐT-QLQH năm 2021 hướng dẫn về cách thức, mức độ chi tiết tích hợp quy hoạch tỉnh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 373/BKHĐT-QLQH
Ngày ban hành 22/01/2021
Ngày có hiệu lực 22/01/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Trần Quốc Phương
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 373/BKHĐT-QLQH
V/v hướng dẫn về cách thức, mức độ chi tiết tích hợp quy hoạch tỉnh

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2021

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp triển khai lập đồng thời các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, căn cứ Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch (Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14), Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch (Nghị định số 37/2019/NĐ-CP) và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số nội dung về cách thức, mức độ tích hợp trong lập quy hoạch tính như sau:

1. Phạm vi hướng dẫn

Văn bản này hướng dẫn những nội dung về cách thức, mức độ chi tiết tích hợp trong lập quy hoạch tỉnh mà chưa được quy định cụ thể tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.

2. Về cách thức tích hợp quy hoạch tỉnh

Cách thức tích hợp quy hoạch tỉnh là việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch trong lập quy hoạch tỉnh theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật Quy hoạch: “Tích hợp quy hoạch là phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch trên một phạm vi lãnh thổ xác định nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững”.

Phương pháp tích hợp quy hoạch, tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ, thực hiện theo quy trình lập quy hoạch tỉnh được quy định tại khoản 4 Điều 16 Luật Quy hoạch. Trách nhiệm của cơ quan tổ chức lập quy hoạch tỉnh, trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch tỉnh, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức tham gia xây dựng nội dung quy hoạch tỉnh và trách nhiệm của tổ chức tư vấn lập quy hoạch tỉnh quy định tại khoản 3 Điều 8, các khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 11, Điều 13 và khoản 3 Điều 14 của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.

Khi thực hiện phương pháp tích hợp lập quy hoạch tỉnh, đề nghị cơ quan tổ chức lập quy hoạch và cơ quan lập quy hoạch cần chú ý một số vấn đề sau đây:

- Đảm bảo tiếp cận tổng hợp, phối hợp đồng bộ trong lập quy hoạch tỉnh và đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững của địa phương,

Quy hoạch tỉnh được lập thống nhất cho thời kỳ quy hoạch 2021-2030, bao gồm các nội dung quy hoạch ngành, lĩnh vực khác nhau ở cấp tỉnh đã được lập riêng rẽ cho thời kỳ quy hoạch 2011-2020, nay không được lập riêng rẽ cho thời kỳ quy hoạch 2021-2030. Do đó, khi lập quy hoạch tỉnh, cần thống nhất về số lượng, chất lượng và quy cách thu thập dữ liệu lập quy hoạch; đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quan điểm chỉ đạo và mục tiêu phát triển của địa phương trong thời kỳ quy hoạch, “đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững”, để làm cơ sở cho việc để xuất, rà soát và lập một quy hoạch thống nhất, bao gồm các nội dung quy hoạch thuộc các ngành, lĩnh vực, các khu vực khác nhau trên phạm vi lãnh thổ quy hoạch. Đồng thời, khi triển khai thực hiện cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị liên quan trong lập quy hoạch tỉnh. Để đảm bảo dược điều này, cần xây dựng Kế hoạch lập quy hoạch tỉnh chặt chẽ, chuẩn xác và cụ thể hóa quy trình lập quy hoạch tỉnh quy định tại Khoản 4 Điều 16 Luật Quy hoạch, xác định rõ nhiệm vụ được phân công cho các cơ quan, đơn vị tham gia lập quy hoạch theo quy định tại Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP; yêu cầu về dữ liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra, tiến độ thực hiện đối với từng nhiệm vụ cụ thể.

- Đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch quy định tại Điều 4 Luật Quy hoạch; thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia; các quy định pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển địa phương, ngành, lĩnh vực; rà soát, kế thừa các nội dung phù hợp tại danh mục quy hoạch quy định tại Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 29 Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2020 bổ sung Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch.

- Để đảm bảo chất lượng của báo cáo quy hoạch, cần quản lý chặt chẽ việc xây dựng và thực hiện hợp đồng tư vấn lập quy hoạch (nếu có); kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc trong quá trình lập quy hoạch. Trong trường hợp cần thiết và phù hợp với hợp đồng tư vấn lập quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch tỉnh yêu cầu đơn vị tư vấn lập quy hoạch xây dựng báo cáo đầu kỳ, báo cáo giữa kỳ và báo cáo cuối kỳ (đề nghị tham khảo yêu cầu đối với báo cáo đầu kỳ, báo cáo giữa kỳ và báo cáo cuối kỳ tại Phụ lục 1), và tổ chức đánh giá, xin ý kiến tham gia và thảo luận đối với các báo cáo.

- Đảm bảo xin ý kiến kịp thời Hội đồng quy hoạch quốc gia, các bộ, ngành, địa phương có liên quan về các vấn đề phát sinh trong quá trình lập quy hoạch; cập nhật về mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn; chỉ đạo việc lập quy hoạch tỉnh đảm bảo sự đồng bộ, kế thừa, ổn định và thống nhất giữa các cấp quy hoạch theo Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14.

3. Về mức độ chi tiết tích hợp các nội dung quy hoạch tỉnh

Mức độ chi tiết của các nội dung quy hoạch tỉnh quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Quy hoạch, theo đỏ quy hoạch tính “định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực... ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn huyện”. Nội dung chi tiết của phương hướng phát triển ngành quan trọng trên địa bàn được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch; các phương án quy hoạch và phương án phát triển được quy định tại điểm d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n, o khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch; và quy định tại khoản 2, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan. Đề nghị tham khảo về mức độ chi tiết một số nội dung phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh tại Phụ lục 2.

4. Về cấu trúc Báo cáo quy hoạch tỉnh

Để đảm bảo Hồ sơ trình thẩm định được thống nhất, đề nghị thực hiện cấu trúc của Báo cáo quy hoạch tỉnh như Phụ lục 3.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch tỉnh nghiên cứu, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Chủ tịch Hội đồng quy hoạch quốc gia (để báo cáo);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ KH&ĐT: Các Thứ trưởng và các Vụ: KTĐP< KTCN; TKNN; KTDV; KHGDTN&MT; LĐVHXH; KCHT&ĐT; PC
- Lưu: VT, QLQH TQA.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Phương

 

PHỤ LỤC 1

YÊU CẦU ĐỐI VỚI BÁO CÁO ĐẦU KỲ, BÁO CÁO GIỮA KỲ VÀ BÁO CÁO CUỐI KỲ
(Kèm văn bản số 373/BKHĐT-QLQH ngày 22 tháng 01 năm 2021 Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Trong quá trình lập quy hoạch tỉnh, đề nghị tham khảo yêu cầu xây dựng các báo cáo như sau:

- Báo cáo đầu kỳ: Cơ quan tư vấn lập quy hoạch tỉnh xây dựng báo cáo đầu kỳ theo yêu cầu của Cơ quan lập quy hoạch làm cơ sở để xác định các nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá về số lượng, chất lượng và quy cách thu thập dữ liệu đầu vào; phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở cho việc lập quy hoạch tỉnh; định hướng nghiên cứu và giới hạn nội dung, phạm vi nghiên cứu đối với nội dung quy hoạch phân công cho cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 11 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019.

- Báo cáo giữa kỳ: Cơ quan tư vấn lập quy hoạch tỉnh xây dựng báo cáo giữa kỳ đề xuất nguyên tắc và cách thức tích hợp để Cơ quan lập quy hoạch chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan lựa chọn phương án tích hợp các nội dung quy hoạch do cơ quan, tổ chức liên quan đề xuất vào quy hoạch tỉnh theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Nghị định số 37/2019/NĐ-C.P ngày 07 tháng 5 năm 2019. Đồng thời rà soát, nghiên cứu, thống nhất lựa chọn các nội dung quy hoạch phù hợp tại Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2020 bổ sung Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch để tích hợp vào quy hoạch tỉnh.

- Báo cáo cuối kỳ: Cơ quan tư vấn lập quy hoạch tỉnh xây dựng báo cáo cuối kỳ (dự thảo Báo cáo quy hoạch) làm cơ sở để Cơ quan lập quy hoạch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch; đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung quy hoạch do các cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng theo điểm d và điểm đ Điều 16 Luật Quy hoạch.

 

[...]