Công văn 3445/BVHTTDL-VP năm 2024 về trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 3445/BVHTTDL-VP
Ngày ban hành 13/08/2024
Ngày có hiệu lực 13/08/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký Nguyễn Văn Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3445/BVHTTDL-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2024

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang gửi tới trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024 và Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 4373/VPCP-QHĐP ngày 23/6/2024, nội dung kiến nghị như sau:

1. Đề nghị xem xét, tham mưu Chính phủ đề xuất với Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Du lịch năm 2017 để các địa phương có cơ sở áp dụng trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động tại các địa điểm tham quan, du lịch, cụ thể: Xem xét bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ tham quan tại các địa điểm tham quan, du lịch. Trên cơ sở đó, bổ sung dịch vụ tham quan vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định; Bổ sung các điều khoản quy định quản lý hoạt động tại các địa điểm tham quan phục vụ khách du lịch chưa được công nhận là khu du lịch, điểm du lịch; Bổ sung quy định thời gian tái thẩm định đối với khu du lịch, điểm du lịch để nâng cao trách nhiệm duy trì chất lượng hoạt động của các khu du lịch, điểm du lịch đã được công nhận.

2. Hiện nay, chưa có chính sách về chế độ đãi ngộ cho vận động viên thể thao thành tích cao, nên các tỉnh, thành phố gặp khó khăn về cơ sở pháp lý để xây dựng chính sách chế độ đãi ngộ cho vận động viên thể thao thành tích cao. Nhằm khích lệ tinh thần của các vận động viên thể thao thành tích cao thực hiện nhiệm vụ quốc gia thi đấu các giải thể thao khu vực, châu lục và thế giới, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện, tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh mức chi tại Thông tư liên tịch số 200/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 30/12/2011 về Quy định chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao.

3. Đối với đất cho các dự án du lịch: Dự án du lịch không thuộc trường hợp ưu tiên thu hồi đất theo quy định tại Luật Đất đai sửa đổi, tuy là có quy định rải rác về đất dành cho du lịch văn hóa, tâm linh, tôn giáo, thể thao, giải trí... Tuy nhiên, để có thể phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội, đề nghị chỉ đạo xem xét, nghiên cứu Đề án thí điểm hỗ trợ về đất đối với các dự án du lịch với các điều kiện, tiêu chí cụ thể, như: quy mô, tổng mức đầu tư lớn (thí dụ từ 100ha trở lên), nằm trong quy hoạch theo Luật Du lịch 2017; đáp ứng các tiêu chí về du lịch có trách nhiệm, bền vững... v.v, góp phần tháo gỡ “nút thắt” pháp lý, giải phóng mặt bằng cho các dự án du lịch quan trọng hiện nay, góp phần tạo ra các khu du lịch, vui chơi - giải trí quy mô lớn, như: Disneyland, Marina Bay, Sentosa - là loại hình du lịch, dịch vụ mà Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng phát triển.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

1. Về kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Du lịch 2017

- Đối với các nội dung kiến nghị: (1) Bổ sung các điều, khoản quy định quản lý hoạt động tại các địa điểm tham quan phục vụ khách du lịch chưa được công nhận là khu du lịch, điểm du lịch; (2) Bổ sung quy định thời gian tái thẩm định đối với khu du lịch, điểm du lịch để nâng cấp trách nhiệm duy trì chất lượng hoạt động của các khu du lịch, điểm du lịch đã được công nhận:

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin ghi nhận và sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi trong quá trình thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn.

- Với kiến nghị “Xem xét bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ tham quan tại các điểm tham quan, du lịch. Trên cơ sở đó, bổ sung dịch vụ tham quan vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định”: Việc bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cần tuân thủ quy định tại các khoản 1,3,4,5 và 6 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng đề nghị tỉnh An Giang căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn rà soát, làm rõ sự cần thiết về điều kiện kinh doanh đối với các dịch vụ tham quan tại các điểm tham quan, du lịch; làm rõ các nội hàm, những điều cần bổ sung, đánh giá tác động cụ thể về thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh... gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

2. Về kiến nghị liên quan đến chính sách về chế độ đãi ngộ cho vận động viên thể thao thành tích cao và đề xuất việc điều chỉnh mức chi tại Thông tư liên tịch số 200/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL quy định chế độ chi tài chính đối với các giải đấu thể thao

2.1. Về chế độ đãi ngộ cho vận động viên thể thao thành tích cao

Hiện nay, một số chính sách cho vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao đã được quan tâm và thể chế hóa thông qua các văn bản quy phạm pháp luật sau:

- Luật Thể dục, thể thao năm 2016 và được sửa đổi bổ sung năm 2018 (Điều 32. Quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao và Điều 33. Quyền và nghĩa vụ của huấn luyện viên thể thao thành tích cao);

- Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu, gồm: Tiền lương, thưởng, tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên khi ốm đau, thai sản, khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu...;

- Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thể dục, thể thao, trong đó có các quy định về bảo đảm học văn hóa, chính trị; ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; ưu đãi về học nghề và giải quyết việc làm với vận động viên thể thao;

- Thông tư số 03/2010/TT-BGDĐT ngày 11/02/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng chính quy. Điều 8. Đối tượng xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển “Thí sinh tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu tại các giải quốc tế chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ, bao gồm: Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, Thế vận hội Olympic, Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, Giải vô địch Đông Nam Á, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Cúp Đông Nam Á; thời gian đoạt giải không quá 4 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng”;

- Thông tư số 86/2020/TT-BTC ngày 26/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao.

Bên cạnh đó, trên cơ sở các quy định của Trung ương, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân về chế độ đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Các cơ chế, chính sách sau khi được ban hành đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện tài năng và đãi ngộ đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao. Tuy nhiên, một số chính sách đến thời điểm hiện nay đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, nhất là chính sách liên quan đến chế độ tiền lương. Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tập trung rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung một số chế độ đối với vận động viên, huấn luyện viên bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi thẩm quyền, căn cứ các quy định tại Nghị định số 152/2018/NĐ-CP, Nghị định số 36/2019/NĐ-CP và điều kiện thực tiễn để xây dựng trình HĐND ban hành Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân về chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên thuộc quản lý của địa phương.

2.2. Về kiến nghị điều chỉnh mức chi được quy định tại Thông tư liên tịch số 200/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL.

Thông tư liên tịch số 200/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL quy định chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao được Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 30/12/2011 (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 200). Theo đó, các giải thi đấu thể thao trong nước và quốc tế tổ chức tại Việt Nam được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định, bao gồm: Giải thi đấu thể thao cấp quốc gia; Giải thi đấu cấp khu vực, tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương; Giải thi đấu thể thao Việt Nam mở rộng do Việt Nam tổ chức có mời nước ngoài tham dự; Giải thi đấu thể thao quốc tế tổ chức tại Việt Nam.

Ngoài các giải thi đấu thể thao trên, những hội thi thể thao, giải thể thao khác do Bộ, ngành, địa phương tổ chức sẽ căn cứ vào Thông tư này để quy định mức chi cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế của Bộ, ngành, địa phương. Sau hơn 10 năm thực hiện, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi, chỉ số giá tiêu dùng, mức lương cơ sở, lương tối thiểu vùng đều tăng, trong khi đó các chế độ quy định tại Thông tư liên tịch số 200 chưa được điều chỉnh kịp thời để phù hợp với điều hiện thực tiễn.

Để giải quyết vấn đề bất cập nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 2995/BVHTTDL-TDTT ngày 24/7/2023 gửi Bộ Tài chính về việc đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất sửa đổi Thông tư liên tịch số 200; đồng thời, có Công văn số 2749/BVHTTDL-TDTT ngày 01/7/2024 gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về việc quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ tổ chức các giải thi đấu thể thao tổ chức tại Việt Nam.

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để hoàn thiện các nội dung của dự thảo trước khi Bộ Tài chính thực hiện trình tự ban hành theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo triển khai theo đúng pháp luật chuyên ngành về thể dục thể thao và ngân sách nhà nước.

3. Về kiến nghị nghiên cứu Đề án thí điểm hỗ trợ về đất đối với các dự án du lịch với các điều kiện, tiêu chí cụ thể

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Đất đai) trong quá trình xây dựng,  hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách mới về đất đai để hỗ trợ phát triển du lịch. Cụ thể, Luật Đất đai năm 2024 đã có quy định đổi mới:

+ Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa trong trường hợp sau đây:

[...]